Truyền hình Trung Quốc phát cảnh phóng viên thú tội "đưa tin giả"

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt



Trọng Thành - Vụ phóng viên Trần Vĩnh Châu (Chen Yongzhou) của một tờ báo nổi tiếng, có trụ sở tại Quảng Châu, bị bắt cách đây một tuần, gây nhiều phản ứng tại Trung Quốc trong những ngày qua. Hôm nay, 26/10/2013, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc phát đi cảnh phóng viên này thừa nhận đã công bố « các thông tin sai lạc ».
Ngoài việc thừa nhận « đưa tin giả », phóng viên Trần Vĩnh Châu còn phải gửi « lời xin lỗi chân thành » đến tập đoàn Zoomlion. Tuy nhiên, những lời « thú tội » của người phóng viên qua truyền hình bị dân cư mạng Trung Quốc đón nhận với sự ngờ vực.

Phóng viên Trần Vĩnh Châu, 27 tuổi, làm việc cho tờ Tân Khoái Báo (Xinkuaibao) bị công an Trung Quốc bắt giữ hôm 18/10/2013, vì bị nghi ngờ là « xâm phạm đến uy tín của một doanh nghiệp ». Trong những tháng gần đây, phóng viên tờ báo Quảng Châu đã viết khoảng một chục bài báo cáo buộc các gian lận và hoạt động bất hợp pháp của tập đoàn Zoomlion (Trung Liên Trọng Khoa), một công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị xây dựng, có cổ phiếu niêm yết trên các thị trường chứng khoán Hồng Kông, Thượng Hải.

Theo Tân Hoa Xã, sau loạt bài viết, cổ phiếu của tập đoàn Zoolion bị mất giá. Zoolion, có 20% cổ phần do Nhà nước nắm giữ, cung cấp một nguồn thu quan trọng cho thành phố Trường Sa (Changsha), thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Cũng chính công an của thành phố này đến bắt phóng viên Trần Vĩnh Châu tại Quảng Châu.

Trong các hình ảnh được đưa lên truyền hình Nhà nước Trung Quốc hôm nay, trong bộ quần áo tù nhân, phóng viên này thừa nhận đã tạo ra các thông tin giả để trục lợi. Phóng viên Trần Vĩnh Châu bày tỏ sự hối tiếc vì đã làm tổn hại « niềm tin của công chúng đối với truyền thông ».

Theo Tân Hoa Xã, phóng viên này đã phổ biến các thông tin sai lầm và không được kiểm chứng, theo yêu cầu của một số thế lực, để nhận được « các khoản tiền thưởng » hàng chục nghìn nhân dân tệ. Vẫn theo hãng thông tấn chính thức của Nhà nước Trung Quốc, ông Trần Vĩnh Châu đã nhấn mạnh : « Trong báo giới, có thể là tôi không phải là một trường hợp duy nhất, tất cả các phương tiện truyền thông cần phải xem vụ việc này như một lời cảnh báo ».

Trước đó, tờ Tân Khoái Báo đã nhiều lần yêu cầu công an trả tự do cho nhân viên của mình, Tổng biên tập báo khẳng định đã thẩm tra độ chính xác của các thông tin. Nhiều báo Trung Quốc khác cũng bày tỏ sự bất bình về vụ bắt giữ. Bản thân Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc cũng thông báo « rất quan ngại » về việc nhà báo bị bắt.

Phản ứng lại việc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc phát cảnh phóng viên « thú tội », nhiều ý kiến trên trang mạng Vi Bác (mạng Trung Quốc tương đương với Twitter) tỏ ra ngờ vực. Một dân mạng nhận xét : « Những lời thú tội này cho thấy có một sự thoái hóa trong đạo đức truyền thông, nhưng không nên quên rằng, những lợi ích của doanh nghiệp được nhiều luật bảo vệ, trong khi lại có một khoảng trống lớn về pháp lý trong việc bảo vệ quyền của báo chí ».

Một dân mạng khác bình luận : « Những lời thú tội của người bị bắt trên truyền hình không thông qua xét xử ở tòa án, không có luật sư tham gia đang trở thành một cái mốt tại Trung Quốc (…) (Hành động của) Đài truyền hình trung ương Trung Quốc là một cản trở chủ yếu đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ». Đây cũng là điều mà nhà tranh đấu – luật sư Viên Dụ Lai (Yuan Yulai) nhấn mạnh : « Kẻ thù lớn nhất của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc trên thực tế đứng ở phía sau Đài truyền hình Nhà nước ».

Filed under: