Bò viên nhà hàng Việt là chuột cống Cambodia
Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtPHNOM PENH (NV) .- Món bò viên khoái khẩu tại một số nhà hàng quán nhậu ở Việt Nam có thể là “bò đểu”, tức làm từ thịt chuột cống mang từ Cambodia qua.
Một bao thịt chuột được đem cân, tính tiền trả cho người săn bắt. (Hình: Một Thế Giới)
Có ai cảm thấy kinh hoàng hay không? Đó là một ký sự của báo mạng Một Thế Giới hôm Thứ Năm khi người viết ký sự của báo này theo chân những người săn chuột ở cống rãnh thủ đô Phnom Penh đến quan sát cơ sở thu mua chuột và “chế biến” những con vật hôi hám và có thể mang nhiều thứ bệnh hiểm nghèo đó thành một món ăn khoái khẩu.
Người ta cứ tưởng trả tiền để ăn món thịt bò vò viên bổ béo mà không ngờ đó chỉ là thịt chuột cống được tẩm ướp gia vị, hóa chất.
Ký sự của báo mạng Một Thế Giới theo chân người đàn ông Phengdy Seng, 45 tuổi đi săn chuột buổi tối với đèn soi và “một cái nỏ tự chế lăm lăm trên tay chĩa vào bất cứ cống rãnh nào”.
“Phập! Lúc mũi tên của ông đâm vào cổ của một con chuột cống to và nặng cỡ 1kg, tiếng kêu của nó nghe vang vọng trong không gian yên tĩnh của một buổi tối nóng nực. Nếu con mồi vẫn còn sống và lăn lộn với mũi tên, người đàn ông Khmer này liền lấy giày đập vào đầu nó thêm mấy cái cho chết hẳn rồi bỏ vào ba lô. Một câu chuyện bình thường như cơm bữa: những con chuột cống to, lông rậm “chết tươi” như thế đã sẵn sàng đem bán”, Một Thế Giới (MTG) kể chuyện.
Trong khi đó, theo MTG, ngay sau bãi rác của trung tâm thành phố Phnom Penh có một ngôi nhà gỗ “giống như những nhà khác”. Chỉ vào bên trong người ta mới biết đó là một “trường chuột” chính hiệu. Nơi đây, chủ nhà có biệt danh “cha mập”, chuột được các người thợ săn đem đến bán.
“...chuột sau khi cân và lột da mà chưa cắt đầu thì có giá 3 ngàn riel/kg (mua vào) và còn giá bán là 5-6 ngàn riel/kg. Ngoài thị trường, chuột cống và chuột đồng có giá bán như nhau và chỉ có một số ít “chuyên gia” về chuột mới có thể phân biệt được nguồn gốc của loại “thịt vàng” này – theo như cách gọi của dân trong giới cũng như lời của Chea So, con trai của “Cha mập” cho biết”, MTG kể.
Theo khả năng, tài nghệ và kinh nghiệm của người săn chuột, những người này có thể là cậu học sinh kiếm thêm tiền cho việc đèn sách đến những người lớn tuổi. Một cậu bé kém cỏi có thể chỉ bắt được vài con cộng lại một hai ký lô nhu7nh như “sư phụ” trong nghề Saphaea thì “đêm nào cũng bắt được từ 20 kí lô trở lên”, tức khoảng 50 con chuột. Ông “sư phụ chuột” này trung bình một tháng kiếm được lối $450 đô la Mỹ, nhiều hơn lương của một cảnh sát địa phương.
Công việc bắt chuột có thể mang lại số tiền đến 450 USD/tháng cho nhiều người Campuchia, cao hơn mức lương của một cảnh sát nước này. (Hình: Một Thế Giới)
“Nằm sâu trong một con hẻm vắng vẻ ở Steung Meanchey, phía sau đường Choam Chao, là một nhà kho nhỏ chỉ rộng 40m². Sau cánh cửa nhôm có 5 người đàn bà lớn tuổi, tóc đều bạc, ngồi dưới đất. Sự im lặng bao trùm buổi chiều ngột ngạt, chỉ có tiếng kêu lách cách của lưỡi dao bằng kim loại, tiếng bằm thịt, tiếng nước sôi và tiếng quạt trần đều đều. “Bò viên” từ nơi đây xuất ra không hề thơm tự nhiên hoặc có nhiều gia vị như bò viên thật, bởi nguyên liệu chính là thịt chuột cống.” Một Thế Giới kể. “Trong 2 cái thùng xốp dơ bẩn là hàng trăm thớ thịt chuột được xếp thành lớp, hôi nồng nặc, da đã lột, đầu cũng đã cắt ra, chỉ còn chiếc đuôi dài khoảng 15cm thì vẫn gắn liền với tấm thân thối rữa. Phần đầu tiên trong công đoạn chế biến: màu nhân tạo sẽ được bỏ vào trong thùng thịt để có “màu bò tự nhiên”. Hai người đàn bà ngồi ghế đẩu sẽ cho từng con vào một cái máy nghiền cũ kỹ. Ở đầu bên kia “ói” ra một thứ thịt vàng vàng, vẫn cứ hôi thối. Sau khi tất cả bị ném xuống cái sàn nhà kho dơ bẩn, quy trình chế biến đổi từ “chuột cống thành phố” thành “bò đểu” bắt đầu.”
“Sau khi xay hết thịt, một cô gái người Khmer sẽ bỏ nước mắm, bột thịt bò, bột tiêu, bột nêm vào thịt trộn đều cho đến lúc thịt quánh lại. Khi đã được “vị thịt tự nhiên”, những thợ làm thịt Khmer đó sẽ vô tư bọc thêm một lớp bột thịt bò bên ngoài, tức là bao miếng thịt chuột cống vào trong một lớp bột dày màu vàng. Sau khi được phủ bột gia vị và màu nhân tạo, thịt chuột cống bây giờ trông giống như thịt bò đàng hoàng, và trông không khác gì bò bằm thứ thiệt.”
“Trong góc kho, đứng uể oải bên một nồi đun nước khổng lồ là một người đàn bà Khmer khoảng 60 tuổi, một tay cầm xẻng gỗ, một tay cho thịt đã quết vào nồi để luộc cho đến chín. Khi thịt chín đều, bà lấy “chuột viên” ra, bỏ vào một tô thép, chờ xe tải đến chở đi giao hàng qua biên giới Việt Nam. Hàng sẽ được cân tại kho theo từng bịch nhựa loại 15, 25,30kg không nhãn mác, để khi qua biên giới, sẽ chỉ còn là những túi nhỏ từ 3kg trở lên”.
Hồi năm 2011, báo mạng VTC cũng đã có một ký sự kể chuyện một số nhà hàng ở Sài Gòn, Vũng Tàu “cử người vượt biên giới tìm mua một loại chuột cống nhum giá khoảng 300,000 đồng/kg, tương đương 15 đô. Ðây là món chuột lột da, bỏ ruột, cắt bỏ chân. Chuột được ướp gia vị, dồn thịt ba chỉ, gan, đậu xanh và nấm mèo... chiên vàng rồi cho vào nồi hấp nước dừa tươi, cho mùi thơm béo ngậy.
VTC News còn tiết lộ, mỗi ngày có khoảng 3 tấn thịt chuột làm sẵn được đóng thùng đưa về Sài Gòn và từ đó chuyển khắp các quán nhậu ở Bình Dương, Bình Phước, Ðồng Nai, Vũng Tàu... (TN)