Bài liên quan đã đăng:
- Đồng lõa và sau lưng - Nhà sử học kiêm DBQH Dương Trung Quốc: 'Chiếm Hoàng Sa, Mỹ đồng lõa'
Trần Trường Sa (Danlambao) - Xin quý vị đừng lầm là tôi muốn nói đến cái nghệ thuật của sự dối trá. Ở đây tôi muốn nói đến một bộ môn nghệ thuật làm việc dối trá, chẳng có chút nghệ thuật nào cả.
Số là hôm nay xem bài "Giải mã" Mậu Thân 1968 trên báo Thanh Niên, giới thiệu bộ phim tài liệu Mậu Thân 1968. Dĩ nhiên là tôi chả thèm xem bộ phim này, nhưng tôi tin báo Thanh Niên giới thiệu không sai. Trong bài có đoạn:Câu chuyện của những nhân chứng có thẩm quyền đã làm sáng rõ: cái gọi là cuộc thảm sát đẫm máu" chỉ là đòn tâm lý chiến mà Mỹ dựng lên, thực tế là Huế đã bị bom Mỹ phá hủy làm nhiều thường dân chết cùng với quân giải phóng và lính Mỹ. Và... Những dẫn chứng lịch sử cho thấy thông tin bị làm méo mó. Vào thời điểm đó, một số hãng thông tấn nước ngoài và các nhà báo độc lập đã tìm hiểu và xác định không tìm thấy hố chôn người tập thể như phía Việt Nam Cộng hòa đưa ra.
Ở đây tôi chỉ xin nêu một số bằng chứng tượng trưng.
Ai đánh sập Cầu Trường Tiền? – 11 cô gái Sông Hương.
Ai chôn người trong những mồ chôn tập thể tại Bãi Dâu, sau chùa Tăng Quang, trong trường Gia Hội, gần Chợ Thông, cạnh chùa Tường Vân? – Quân giải phóng.
Ai bắn chết ông Trần Đình Thương, phó tỉnh trưởng dân sự tỉnh Thừa Thiên ngay sáng mồng 2 Tết? – Bộ đội.
Ai giết người hàng loạt ở Phú Thứ, khe Đá Mài? – Việt Cộng.
Ai chưa tin, hãy tìm nghe bản nhạc "Hát trên những xác người" của Trịnh Công Sơn thì rõ:
Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy,
Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá
Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy,
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.
Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô hòa bình
Người vỗ tay cho thêm thù hận
Người vỗ tay xa dần ăn năn.
Còn đây là những lời nói ra từ miệng ông Hoàng Phủ Ngọc Tường khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Thụy Khê:
TK: Nhìn từ phía những dữ kiện lịch sử mà anh nắm bắt được, diễn biến Mậu Thân đã xảy ra trong một trình tự như thế nào?
HPNT: Huế Mậu Thân xảy ra cách đây gần 30 năm. Sách vở, tài liệu đã được công bố từ nhiều phía của cuộc chiến khá đầy đủ, có thể làm cơ sở cho những phân tích khoa học để giải phẫu một cuộc chiến mà thật ra, không thể đơn giản tách riêng ra trong biến cố Mậu Thân. Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bày ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng. Nhưng tôi cũng tin rằng đây là một sai lầm có tánh cách cục bộ, từ phía những người lãnh đạo cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế, chứ không phải là một chánh sách toàn cục của cách mạng. Bởi vì tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xảy ra ở những địa phương khác trong Mậu Thân, ngay cả trên một địa bàn rộng lớn với tình trạng xen kẽ giữa những lực lượng đối địch rất phức tạp như ở Sài Gòn thời ấy.
TK: Vậy theo anh ai trách nhiệm về những thảm sát ở Huế?
HPNT: Tôi không đủ thẩm quyền để phán xét bất cứ một cá nhân nào. Xin trích dẫn theo trí nhớ một ý tưởng trong hồi ký của chính ông Lê Minh, Tư lệnh chiến trường Huế Mậu Thân. 'Dù bởi lý do nào đi nữa thì trách nhiệm vẫn thuộc về những người lãnh đạo mặt trận Mậu Thân, trước hết là trách nhiệm của tôi'. Qua bài hồi ký tâm huyết này, đã được công bố trên tạp chí Sông Hương, Huế và sau đó nếu tôi không nhớ lầm, đã được dịch và in toàn bộ trên báo Newsweek, tác giả Lê Minh, (lúc đó đã nghỉ hưu) còn nhắc nhở rằng điều quan trọng có thể làm, và phải làm bây giờ, là những người lãnh đạo kế nhiệm ở Huế, phải thi hành chánh sách minh oan cho những gia đình nạn nhân Mậu Thân, trả lại công bằng trong sáng và những quyền công dân chính đáng cho thân nhân của họ.
Nếu muốn hỏi, hảy hỏi những người dân sống tại Phú Hậu, Phú Thọ, Phú Cát, Hương Long, Thủy Xuân trong giai đoạn 1968 – 1975 về việc khai quật những mồ chôn tập thể sau Mậu Thân; hãy hỏi những học sinh Gia Hội giai đoạn 1970-1975 (trong số này có ông Ngô Hòa hiện là Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã phải nghỉ học mấy ngày để chờ khai quật xong những hố chôn người tại trường Gia Hội. Trong số những thi thể tìm thấy đợt này có thi thể ông Lộ, chưởng môn Thất Sơn thần quyền tại Huế.
Muốn làm phóng sự, hãy đến Huế tìm những gia đình có đám giỗ ngày mồng 1 Tết để phỏng vấn. Đó là đám giỗ những người bị xử ngay ngày mồng 2 Tết, khi Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa chưa có một động thái nào phản công.
Muốn tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của những người dân vô tội trong dịp Tết Mậu Thân thì xin nán lại để hỏi những gia đình có đám giỗ đến rằm tháng giêng.
Không lẽ báo Thanh Niên muốn chơi chữ hay sao khi viết: Câu chuyện của những nhân chứng có thẩm quyền đã làm sáng rõ:... Và hai chữ "Giải mã" đặt trong ngoặc kép!
Còn những nhân chứng nhân dân không có thẩm quyền thì sao?
Không lẽ tác giả bộ phim Mậu Thân 1968 muốn đối chọi lại với tác phẩm Bên Thắng Cuộc của Huy Đức khi giới thiệu đã bỏ 10 năm tìm kiếm, gặp gỡ, phỏng vấn... để làm bộ phim này. Hay tác giả chỉ muốn có cơ sở để làm giá với VTV!
Tôi nghĩ, người dân Huế đã quên đi quá khứ đau buồn của biến cố Mậu Thân. Dân Huế vốn sùng đạo Phật, có lẽ ít ai còn mang lòng căm thù về sự kiện đau buồn này, kể cả những người từng mang bốn chữ "cha chết Mậu Thân" trong lý lịch sau 1975. Những em này không thể thi vào đại học giai đoạn 1975-1985. Đem sự dối trá để khơi gợi lại lòng hận thù để làm gì? Hay đây là âm mưu chia rẽ dân tộc của ngoại bang?
Dối trá trắng trợn, dối trá không có chút nghệ thuật nào chỉ tổ phơi bày bộ mặt xấu xa của kẻ phá hoại.
Cuối cùng xin nhắc nhở tác giả bộ phim và những kẻ tiếp tay cho sự dối trá này là: Đất Thừa Thiên linh thiêng có thừa. Đừng đùa giỡn trên linh hồn của hàng ngàn người dân vô tội. Điều chỉ có thể làm là lập đàn chẩn tế, giải oan cho họ; cầu cho vong linh của họ siêu thoát, dân mới an được. Muốn biết, hãy đến gia đình con cái TTM mà hỏi (TTM là tên viết tắt vì tôi không muốn nhắc đến tên một kẻ đã gây nên tội ác dù hắn ta đã chết)26/1/2013
Trần Trường Sa
danlambaovn.blogspot.com
"Giải mã" Mậu Thân 1968
Minh Ngọ (Thanhnien) - Mậu thân 1968 là bộ phim tài liệu đầu tiên của Việt Nam đề cập trực diện và đi sâu vào sự kiện lịch sử vốn gây nhiều tranh cãi và từng bị cho là nhạy cảm.
Trong hành trình làm rõ sự thật lịch sử về cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đạo diễn Lê Phong Lan đã phỏng vấn và đối chất với hàng trăm nhân chứng, trò chuyện với những chuyên gia lịch sử, các nhà báo trong nước và quốc tế.
Hình ảnh trong bộ phim Mậu Thân 1968, ảnh do VTV cung cấp
Những sự thật trong sự kiện Mậu Thân 1968 là lý do thôi thúc đạo diễn Lê Phong Lan thực hiện bộ phim, nhất là sau khi chị được trò chuyện với thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn trong thời gian làm phim về ông. "Suốt một thời gian dài, đã có những thông tin sai về sự kiện Mậu Thân 1968. Trong khi chúng ta lại không hề lên tiếng". Và bà đã bị thôi thúc đi tìm câu trả lời từ phía những người đã từng đứng phía bên kia chiến tuyến. Bà đã sang Mỹ nhiều lần, lặn lội khắp mọi nơi tìm nhân chứng, tư liệu. Rất nhiều người trong cuộc mà bà phỏng vấn nay đã ra đi, nhưng may mắn là sự thật lịch sử được ghi lại từ họ. Bộ phim Mậu Thân 1968 sẽ không tránh né những quan điểm thẳng thắn, những góc nhìn khác nhau của các nhà nghiên cứu lịch sử, những người trong cuộc về những điều được và mất của cách mạng Việt Nam trong sự kiện Mậu Thân 1968.
Nhiều câu chuyện lịch sử ít người biết được lật lại. Một trong số đó là sự kiện 26 ngày đêm tại Huế từng bị cho là "cuộc thảm sát đẫm máu" được mô tả trong cuốn sách Dải khăn sô cho Huế của nhà văn chế độ cũ - Nhã Ca. Những người làm phim đã phỏng vấn ông Lê Khả Phiêu - người chỉ huy một trung đội trong sự kiện Mậu Thân 1968 tại Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà báo Mỹ Stanley Karnow, cựu phóng viên tờ Washington Post Don Lux, GS sử học Larry Berman, và cả những người lính từ hai phía. Những dẫn chứng lịch sử cho thấy thông tin bị làm méo mó. Vào thời điểm đó, một số hãng thông tấn nước ngoài và các nhà báo độc lập đã tìm hiểu và xác định không tìm thấy hố chôn người tập thể như phía Việt Nam Cộng hòa đưa ra. Câu chuyện của những nhân chứng có thẩm quyền đã làm sáng rõ: cái gọi là "cuộc thảm sát đẫm máu" chỉ là đòn tâm lý chiến mà Mỹ dựng lên, thực tế Huế đã bị bom Mỹ phá hủy làm nhiều thường dân chết cùng với quân giải phóng và lính Mỹ.
Trước khi Ðài truyền hình Việt Nam mua bản quyền phát sóng, đạo diễn đã bỏ tiền túi để làm phim. Bà nói: "Tôi làm bộ phim một cách công bằng, khách quan trước hết vì danh dự nghề nghiệp của tôi, thứ hai là với góc nhìn của người Việt Nam và dân tộc Việt Nam".
Bộ phim tài liệu Mậu Thân 1968 (dài 12 tập) do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hãng phim truyền hình Bản sắc Việt sản xuất, phát sóng vào lúc 20 giờ trên kênh VTV1 bắt đầu từ ngày 25.1. |
Tin trong nước liên tục cả tuần rồi, liên quan đến một chuổi hành động của Thủ Tướng VNCS Nguyễn Tấn Dũng, "chơi sát ván" Trưởng Ban Nội Chính của Đảng CSVN là Nguyễn bá Thanh. Có người nói đó là Ba Dũng "dằn mặt" Nguyễn bá Thanh. Nhưng nhìn thời sự và sự kiện có đầu có đuôi, trong bối cảnh và tương quan giữa đảng và nhà nước, người ta thấy đúng hơn, là Ba Dũng "dằn mặt" Đảng.
Ba Dũng "dằn mặt" Đảng sau khi Đảng không đủ sức hạ Ba Dũng. Nguyễn phú Trọng Tổng Bí Thư, Trương tấn Sang, Cựu Trưởng Ban Bí Thư Đảng rồi lên làm Chủ Tịch Nước kết hợp nhau, dùng cả thế lực Đảng để hạ Nguyễn tấn Dũng trong đại hội triệu tập rầm rộ, sớm hơn hạn kỳ mà không hạ nỗi Ba Dũng. Kết quả "trớt qướt" không làm rụng được một sợi lông chưn của Ba Dũng, mà còn làm trò cười cho bàng dân thiên ha, chứng tỏ thế yếu của Đảng. Sau mấy ngày họp kín, Trọng giả đạo đức báo cáo trước đại hội trung ương Đảng, rằng Bộ Chánh Tri đứng lên xin nhận " kỷ luật" mà đại hội trung ương Đảng không chấp nhận kỷ luật Bộ Chánh Trị trong đó có "một đồng chí" mà không dám nói ra tên nhung cả nước đều biết là Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng đối thủ không "khoang nhượng" của Trọng và Sang.
Ba Dũng "dằn mặt" Đảng sau khi Trọng Sang dùng cò mồi là một "đại biểu nhân dân" và bàn đạp là cái gọi là Quốc Hội "đảng cử dân bầu" mà không hạ được Ba Dũng. Trọng Sang dùng một "học giả" kêu gọi Ba Dũng tạo ra "văn hoá tư chức" trong phiên họp khi Thủ Tướng Dũng sang trình bày việc làm của chánh phủ. Ba Dũng tỉnh bơ trả lời, kẹt cứng cho Đảng. Ba Dũng nói mấy chục năm theo Đảng, Ba Dũng chưa bao giờ xin điều gì, Đảng bảo gì làm nấy, Đảng bảo sao làm vậy, chưa bao giờ Ba Dũng từ chối nhiệm vụ Đảng giao hay " bỏ cù" việc Đảng giao. Ba Dũng vừa nói vừa cười mím chi cọp làm các "đại biểu đảng cử dân bầu" lo cho số phận của "đại biểu" Dương quang Trung dám "giỡn mặt với tử thần" thì sớm muộn cũng "tiêu tùng xí quách". Như nữ đại biểu Hoàng Yến giàu nhứt nhì VN và người em trai Tâm cũng "đại biểu" từ chết tới bị thương vì cái tội dân Tân An, bồ với Trương tấn Sang khóm Bến Lức, cũng "nam kỳ cục" dám "bẻ chỉa" chống Ba Dũng. Với đại biểu Nguyễn minh Thuyết mất chức do đảng không cử dân không bầu nữa. Với luật gia Cù huy Hà Vũ thái tử đỏ vô tù ngồi gỡ lịch vì cái tội kiện ở tòa, kêu gọi Quốc Hội điều tra bãi nhiệm TT Dũng.
Ba Dũng dằn mặt Đảng sau khi Đảng dùng Quốc hội gỡ từ tay Ba Dũng chức vụ Trưởng Ban Phòng Chống Tham Nhũng trả về cho Đảng, Đảng biến thành Ban Nội Chính và giao cho Nguyễn bá Thanh đảm nhiệm. Ba Dũng như con cọp U Minh rình mồi nghe Nguyễn bá Thanh khi mới ra Hà nội nhận chức này, "nổ" tá lả bồn binh, tuyên bố chinh đông, chinh tây bài trừ tham nhũng dưới mọi hình thức. Ba Dũng tính kỹ, lựa lúc Tổng Bí Thư Trọng công du Liên Âu, ở nhà Ba Dũng bất thần chơi sát ván Nguyễn bá Thanh. Ba Dũng cho Ban Thanh tra của chánh phủ phanh phui hồ sơ chính TT Dũng trước đây đóng dấu mật, liên quan đến một trong các vụ tham nhũng của thành phố Đà Nẵng dưới thời ông Nguyễn Bá Thanh từng làm Chủ Tịch Ủy Ban, Chủ Tịch Hội Đồng Nhân dân và Bí Thư Thành Uỷ, đã làm thất thu trên 3.4 ngàn tỷ đồng, tức trên 170 triệu Mỹ kim.
Ba Dũng còn giao Bộ công an "bồ nhà" của Ba Dũng điều tra và chỉ thị cho Bộ phải cử cả đoàn công an tức tốc vào ngay sào huyệt của Nguyễn bá Thanh để bươi móc, vạch lá tìm sâu thêm.
Chưa đủ Ba Dũng còn "dằn mặt" Đảng trên phương diện luật pháp và "tổ chức chánh quyền" nữa. Ba Dũng tự tiện ký quyết định thành lập Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tội Phạm trực thuộc chính phủ, mà Ba Dũng là người nắm cán lẫn lưỡi.
Theo báo chí trong nước mới đây Ban này gọi là Ban Chỉ đạo 138 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "phụ trách chung". Ủy ban này của Ba Dũng lập thẫm quyền còn rộng hơn Ban Nội Chính của Đảng CSVN nữa. Nó vừa "chống tham nhũng" vừa "bảo vệ an ninh quốc gia", tức chi phối đảng, nhà nước và bộ đội – tất cả.
Như vậy chẳng những Ba Dũng "dằn mặt" Đảng mà còn vô hiệu hoá hành động và thế lực của Đảng CS -- là đảng theo lý thuyết cũng như thực tế, từ hình thức đến nội dung là đảng độc tài đảng trị toàn diện.
Quyền hành là thuốc á phiện dễ ghiền lắm. Ăn quen nhịn không quen, "lớ hướ" Ba Dũng có thể "chỉnh lý" Bộ Chánh Tri của Đảng, nắm trọn đảng quyền, chánh quyền, và quân quyền như bên Tàu: Tổng Bí Thư Đảng kiêm Chủ Tịch Nước, kiêm Chủ Tịch Quân Ủy trung ương.
Điều này cho tới bây giờ Ba Dũng đủ sức làm. Chính Đảng CS đã tham nên thâm, tạo điều kiện cho Ba Dũng làm khi cho đảng viên kiêm nhiệm các chức vụ bên nhà nước, từ trung ương đến địa phương để độc tài đảng trị toàn diện. Nhưng một mình Đảng không tài nào kiểm soát, giám sát được. Đảng viên, cán bộ tự tung, tự tác vì quyền lợi riêng tư của mình qua sự mua chuộc và quyền lợi cung ứng của nhà nước. Đảng viên dần dà lệ thuộc bên nhà nước nhiều hơn là Đảng. Chính chánh phủ là cơ quan ban phát trực tiếp quyền lợi tinh thần và vật chất cho những đảng viên này- chớ không phải Đảng.
Nên người ta không lấy gì làm ngạc nhiên Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng với sự tiếp tay của Chủ Tịch Nước triệu tập hàng trăm trung ương ủy viên về định "làm thịt" Nguyễn tấn Dũng, mà không đủ số phiếu để hạ bệ Nguyễn tấn Dũng.
Nhìn lại các cuộc cách mạng lật đổ các chế độ độc tài CS đảng trị toàn diện ở Đông Âu cũng như Liên xô, người ta thấy đó là những cuộc cách mạng nội tại. Xảy ra từ bên trong nội bộ Đảng hay bên trong xã hội nằm trong gọng kềm CS. Hiện tượng Ba Dũng "dằn mặt" Đảng CSVN là bọt biển báo hiệu một làn sóng ngầm ở VNCS, một ngày nào đó sẽ nổi lên như triều dâng thác đổ làm tan tác chế độ CSVN./.
Vi Anh
Cali Today News – Mạng xã hội ngày càng phát triển, nó giúp cho mọi người có thể chia sẻ tâm tư tình cảm với nhau. Bên cạnh đó cũng không ít cạm bẫy ngày càng tinh vi luôn giăng sẵn chờ đón những người nhẹ dạ. Bài viết chúng tôi trích đăng từ báo trong nước về những vụ lừa tiền qua những lời hứa hẹn về tình cảm. Mời quý vị theo dõi.
Những phụ nữ là nạn nhân không chỉ bị lừa tình mà còn bị lừa tiền rất nhiều lần do chính "bạn trai" họ đã gài bẫy… Để thu hút đối phương, bọn chúng thường kết bạn qua mạng và ngụy tạo vỏ bọc là người thành đạt, giàu có…
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP Sài Gòn, trong thời gian qua đã có nhiều phụ nữ đến cơ quan điều tra để tố cáo hành vi lừa đảo của một số đối tượng người nước ngoài.
Khoảng tháng 7/2011, bà Đinh Thị Diệu (ngụ quận 7) tham gia vào một trang mạng xã hội (địa chỉ www.tagged.com) thì có một người đàn ông xưng tên Renzo Roland (47 tuổi) "nhảy vào" làm quen. Sau một tháng quen trên mạng, Renzo Roland nói sẽ về Việt Nam để làm đám cưới với bà Diệu.
Đến ngày ghi trên vé máy bay (vé gửi qua email), bà Diệu ra sân bay Tân Sơn Nhất để đón nhưng không thấy ông Renzo Roland đâu và cũng không có chuyến bay nào như ông Renzo Roland nói.
Ngay sau đó, Renzo Roland gọi điện thoại cho bà Diệu nói là đang ở sân bay Nội Bài - Hà Nội và đang bị Hải quan sân bay bắt giữ do mang tiền theo với số lượng lớn. Renzo Roland nhờ bà Diệu giúp 1.000 USD để đóng phạt, khi lấy tiền ra được Renzo Roland sẽ trả lại.
Theo hướng dẫn của Renzo Roland, bà Diệu chuyển tiền vào tài khoản số tiền 20.810.000 đồng (tương đương 1.000 USD). Sau khi nhận được tiền trên, Renzo Roland tiếp tục yêu cầu bà Diệu đưa tiếp 3.000 USD để "lót tay" cho cán bộ sân bay để vụ việc được giải quyết nhanh chóng. Mặc dù không có tiền, nhưng bà Diệu cũng cố vay mượn và chỉ gửi thêm được 10.420.000 đồng (tương đương 500 USD).
Không dừng lại ở đó, Renzo Roland tiếp tục yêu cầu bà Diệu gửi thêm tiền để mua đồ ăn vì nhân viên sân bay không cho ăn uống. Xót lòng, bà Diệu chắt chiu gửi tiếp 2 triệu đồng cho Renzo Roland. Sau khi nhận được tiền, Renzo Roland lại tiếp tục yêu cầu bà Diệu phải gửi thêm tiền. Thấy mình đã bị lừa, bà Diệu không gửi tiền nữa và trình báo với cơ quan điều tra.
Cũng có nhu cầu tìm bạn trên mạng, bà Lê Thị Ánh Hồng (ngụ quận Thủ Đức) tham gia vào một trang mạng xã hội và quen một người tên Raymond Cole (Quốc tịch Anh, 39 tuổi, nghề nghiệp thủy thủ).
Khoảng tháng 11/2010, Raymond Cole nói sẽ đến Việt Nam du lịch và muốn gửi đồ qua trước. Khoảng hai tuần sau, bà Hồng nhận được email và điện thoại của Công ty Vận chuyển Global Shipping Company London gửi yêu cầu chuyển 1.000 USD (phí vận chuyển hàng hóa từ Malaysia đến Việt Nam), nếu không hàng sẽ không được chuyển đến.
Tìm cách liên lạc với Raymond Cole không được nên ngày 23/11/2010, bà Hồng đã gửi 19.480.000 đồng (tương đương 1.000 USD) vào tài khoản theo hướng dẫn của đại diện Công ty Vận chuyển Global Shipping Company London. Khoảng hai ngày sau, công ty này yêu cầu bà Hồng gửi tiếp 6.000 USD phí bảo hiểm vì hàng này có giá trị lớn.
Tin lời, ngày 1/12/2010, bà Hồng tiếp tục gửi 116.820.000 đồng (tương đương 6.000 USD). Sau khi nhận tiền, công ty này lại tiếp tục yêu cầu bà Hồng gửi tiếp 10.000 USD để đóng phí hải quan vì hàng đang bị Hải quan Mailaysia bắt giữ. Đến lúc này, bà Hồng mới biết là mình đã bị lừa...
Với những thủ đoạn như trên, các đối tượng người nước ngoài đã lừa rất nhiều phụ nữ tìm bạn qua mạng. Để thu hút đối phương, bọn chúng thường ngụy tạo vỏ bọc là người thành đạt, giàu có… để đánh vào lòng tham của những phụ nữ nhẹ dạ và sau đó là đến việc lừa tiền.
Điển hình như trường hợp của bà Đinh Thị Diệu Quyên (ngụ quận 9), sau 6 tháng làm quen với bạn trai người Anh (38 tuổi), cũng với chiêu lừa "mang số tiền quá lớn (500.000 Euro) vào Việt Nam bị Hải quan bắt giữ" nên Quyên phải đi vay mượn khắp nơi gần 25 triệu đồng và 600 USD để đóng phạt giúp...
Tất cả các trường hợp lừa đảo như trên đều có điểm chung là việc trao đổi thông tin với nhau chỉ qua tin nhắn điện thoại, email hoặc chat. Còn các loại tiền, quà, từ nước ngoài gửi về, mặc dù người nhận đã đóng đủ các loại phí theo yêu cầu của người gửi nhưng thực tế không có món tiền hoặc thùng hàng nào được đưa về địa chỉ nhận người.
Theo cơ quan CSĐT, xác minh số tài khoản mà các nạn nhân đã chuyển tiền vào đều là những tài khoản do một phụ nữ người Việt Nam mở tại các ngân hàng (người này mở tài khoản dưới sự điều khiển của một người nước ngoài da đen).
Sau khi tiền chuyển vào tài khoản thì ngay sau đó, người phụ nữ này cùng một đối tượng người da đen nói trên đã đến rút hết. Nạn nhân trong "đường dây" lừa đảo này, cơ quan điều tra xác định có gần 20 trường hợp với tổng số tiền gửi vào các tài khoản hơn 1,4 tỷ đồng và hơn 100.000 USD.
Bà Trương Thị Hữu Hạnh (ngụ quận Gò Vấp) nạn nhân của "đường dây" lừa đảo trên cho biết, riêng bản thân bà bị lừa hơn 23 triệu đồng (tiền phạt cho gói quà). Đến khi bị đối tượng yêu cầu gửi khẩn cấp 2.500 USD để xác nhận gói hàng không có ma túy thì linh tính mách bảo có chuyện bất thường: "lên mạng kiểm tra các thông tin trên địa chỉ trang web mới biết mình bị lừa do có nhiều người bị lừa với chiêu thức, thủ đoạn giống như mình"
Theo Thúy Hà/ CAND