Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013 by Lý Tưởng Người Việt
vn14

Thụy My - Hãng tin Fides hôm 19/09/2013 cho biết, quan hệ giữa Tòa Thánh và Hà Nội có tiến triển tích cực, cho dù có sự căng thẳng tại giáo xứ Mỹ Yên thuộc giáo phận Vinh. Thông tin này được đưa ra sau chuyến viếng thăm Vatican của đoàn đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam từ ngày 15 đến 20/09/2013.

Hãng Fides ghi nhận, Vatican và Việt Nam tiếp tục đối thoại trong lúc phong trào phản kháng vẫn tiếp diễn, sau vụ hai giáo dân ở giáo xứ Mỹ Yên bị bắt và giam giữ từ tháng Sáu mà không có tội danh nào được cáo buộc.

Cơ quan thông tấn Zenit dẫn nguồn từ đài phát thanh Vatican nhận định, cuộc đối thoại diễn ra trong không khí thoải mái và thân mật. Trước đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đặc biệt nói lời chào đón đoàn Việt Nam bằng tiếng Anh, trong buổi lễ tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 18/9.

Thông tấn xã Việt Nam cho biết, đoàn đại biểu gồm bảy thành viên do ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ dẫn đầu, đã gặp gỡ Đức ông Tadeusz Wojda, Phó thư ký Thánh Bộ Truyền giáo ; và Đức ông Antoine Camilleri, Phó thư ký Bộ Ngoại giao Vatican.

Cũng theo hãng tin Việt Nam, Hà Nội cam kết đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và « đấu tranh chống lại các nhân tố gây bất ổn xã hội », bày tỏ hy vọng các tín đồ Công giáo trong nước tích cực tham gia công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Vatican ghi nhận các tiến triển tích cực trong quan hệ song phương, sự hỗ trợ của chính quyền đối với các hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng như các chuyến thăm mục vụ của Đặc phái viên không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam là Tổng giám mục Leopoldo Girelli. Hãng thông tấn Fides nói thêm, các chủng viện Công giáo không còn bị chính quyền áp đặt số lượng các chủng sinh mới, và số lượng linh mục tiếp tục tăng.

Tòa Thánh cho rằng đôi bên cần thường xuyên giữ kênh đối thoại thông qua Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam. Về tình hình căng thẳng ở Mỹ Yên, Vatican yêu cầu cần có những cuộc điều tra bổ sung. Bên cạnh đó, với mong muốn đóng góp cho lợi ích của người dân Việt, Giáo hội Công giáo hy vọng được tham gia vào lãnh vực giáo dục qua việc mở các trường học và các cơ sở giảng dạy khác.

EDA, cơ quan thông tin của Phái bộ Truyền giáo Paris nhận định, cần phải chờ đợi thêm một thời gian nữa để có thể biết được động cơ thực sự chuyến viếng thăm Vatican của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên EDA ghi nhận trong bản tin của phía Việt Nam có lên án việc « lợi dụng tự do tín ngưỡng để làm mất ổn định xã hội » : đây là cụm từ được Hà Nội sử dụng để biện minh cho việc lực lượng an ninh đàn áp giáo dân Mỹ Yên thuộc giáo phận Vinh hôm 4/9.

Theo một nhà bình luận, thì chuyến đi này có thể nằm trong nỗ lực xoa dịu dư luận quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam đang là ứng viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Trước đây Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã gây ngạc nhiên khi đến thăm Vatican vào tháng Giêng và được Đức Giáo hoàng Benedicto thứ 16 tiếp kiến.
by Lý Tưởng Người Việt
vn13

Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) vừa quyết định hủy bỏ các mức thuế chống trợ cấp đối với các nhà xuất khẩu tôm đông lạnh từ Việt Nam.

Quyết định được đưa ra sau cuộc biểu quyết hôm 20/9 của ủy ban gồm 6 thành viên trong USITC, với tỷ lệ 4-2.

Theo đó, các mức thuế nhập khẩu từ 1,15% đến 7,88% đối với tôm Việt Nam do Bộ Thương Mại Mỹ đưa ra được dỡ bỏ.

USITC nói Liên minh Công nghiệp Tôm Vùng Vịnh của Hoa Kỳ không trưng ra được bằng chứng đủ mạnh để chứng minh rằng các mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà chế biến tôm ở nội địa Mỹ.

Như vậy, tất cả 33 công ty xuất khẩu tôm của Việt Nam giờ đây được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% vào thị trường Mỹ và sẽ được hoàn lại các khoản thuế đã đóng trước đây.

Trước đó, ngày 13/8, Bộ Thương Mại Mỹ loan báo đưa ra thuế chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam với lý do bất kỳ hình thức trợ giá nào cũng đề ra mối đe dọa đối với ngành công nghiệp tôm của Mỹ.

Luật sư của Liên minh cho biết sau khi ủy ban USITC ra báo cáo giải thích cặn kẽ phán quyết của mình, nhóm này sẽ quyết định về việc kháng cáo ra Tòa Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ ở New York.

Liên minh đại diện cho các nhà chế biến tôm tại các tiểu bang Alabama, Florida, Louisiana, Mississippi, North Carolina, và Texas.

Hoa kỳ là nhà nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam xếp thứ 5 trong danh sách các nước xuất khẩu tôm nhiều nhất sang Mỹ, thu về từ thị trường này 4,3 tỉ đô la trong năm ngoái.

Nguồn: AP, Asianewsnet
by Lý Tưởng Người Việt
HÀ NỘI (NV) - Siêu thị Hoàng Mai thuộc hệ thống siêu thị Metro tọa lạc tại quận Hoàng Mai, Hà Nội vừa bị tố bán hàng kém phẩm chất.
vn12
Hộp phô mai bị nổi mốc xanh bán ở siêu thị Hoàng Mai. (Hình: báo Thanh Niên)


Một bà nội trợ cho biết, đã mua nhầm phô mai Emborg của Đan Mạch sản xuất bày bán tại đây bị nổi mốc xanh, trong khi vẫn còn hạn sử dụng. Sự việc xảy ra vào sáng ngày 23 tháng 9.

Báo Thanh Niên dẫn lời bà Nguyễn Thu Hương, người đã mua hộp phô mai Emborg tại siêu thị Metro cho biết: "Tôi đã cẩn thận xem hạn sử dụng ghi ngày 11 tháng 1 năm 2014. Vỏ hộp bên ngoài cũng không có dấu hiệu bị tháo gỡ. Tuy nhiên khi về đến nhà, mở ra dùng thì thấy phô mai đã bị nổi mốc xanh." Cũng theo bà Thu Hương, những miếng khác cũng đều bị mốc.

Bà Thu Hương cho biết, đã mua hộp phô mai Emborg ghi nhập cảng từ Đan Mạch, giá 27,000 đồng, tương đương 2.4 đô. Bà cũng cho biết, loại phô mai này có hình thức bên ngoài vừa lạ, vừa nhiều màu sắc rực rỡ nên được nhiều người ưa chuộng, nhất là khách hàng "nhí."

Cũng theo lời bà Hương, sau khi gọi điện thoại than phiền với những người phụ trách phân phối sản phẩm của siêu thị, bà chỉ nhận được câu xin lỗi và đề nghị đổi lại hộp khác. Ngoài ra, lý do cho biết phô mai bị hư trong khi tem dán tem bên ngoài còn hạn sử dụng của bà nêu, đã không được nhân viên siêu thị giải trình thoả đáng.

Trong khi đó, theo ông Khuất Quang Hưng, đại diện phụ trách truyền thông của hệ thống siêu thị Metro, có thể trong quá trình vận chuyển, các hộp sản phẩm nằm chồng lên nhau, làm chất dầu trong phô mai chảy, gây ra điều đáng tiếc".

Bà Hương cho biết thêm, thường xuyên mua hàng tại siêu thị Metro và đây là lần đầu tiên bà gặp chuyện bực mình như kể trên.

Gần đây, vào ngày 31 tháng 7, cũng tại siêu thị Metro, Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương đã phát giác 40 thùng giò heo nặng khoảng 4 tạ đã quá hạn sử dụng. Trong đó, có thùng đã quá hạn sử dụng 3 tháng; có thùng "quá đát" từ một năm trước. Tất cả những thùng hàng này được cất giữ tại kho đông lạnh khu kỹ nghệ Sóng Thần, Bình Dương và chuẩn bị được dán tem "hô biến" hạn sử dụng thêm một năm nữa.

Metro hiện là hệ thống siêu thị bán sỉ và lẻ thuộc Công ty Cash & Carry Việt Nam có số chi nhánh trải dài khắp các tỉnh thành. Đây là hệ siêu thị thu hút nhiều doanh nghiệp tư nghiệp tư nhân vừa và nhỏ thường xuyên mua hàng. (PL)
by Lý Tưởng Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Lần đầu tiên tại Sài Gòn, hỗn loạn diễn ra tại bệnh viện theo sau một pha hỗn chiến dữ dội giữa phố Bình Thạnh khiến một người chết, 3 người khác bị thương.

vn11
Phòng trực cấp cứu đã bị nhóm côn đồ khống chế, không ai được ra ngoài. (Hình: Tiền Phong)

Người nhà và băng nhóm của nạn nhân tử vong đã đuổi rượt các y bác sĩ, dọa xử y như phim chém giết trong giới giang hồ.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, khoảng 11 giờ đêm 22 tháng 9, vụ đâm chém nhau giữa hai nhóm người xảy ra tại đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Kết cuộc, cả đôi bên đều có người bị thương, được đưa vào bệnh viện Nhân Dân Gia Định cứu cấp.

Tại đây, ông Nguyễn Văn Đức, 53 tuổi, cha ruột của nhân vật chính một phe là Nguyễn Văn Sang, và nhân vật cầm đầu phe đối thủ là Lê Hoàng Anh Tuấn, 21 tuổi đều bị thương nặng. Sau đó, ông Nguyễn Văn Đức tắt thở trên giường bệnh.

Cái chết của ông Đức khiến người nhà của ông nổi giận, lục tìm Lê Hoàng Anh Tuấn để "tính sổ" vì họ cho Tuấn là thủ phạm kết liễu cuộc đời người thân của họ. Các y bác sĩ bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã buộc phải đẩy bệnh nhân Lê Hoàng Anh Tuấn di tản nơi khác.

Tìm mãi không thấy Tuấn, vợ con của ông Đức cầu cứu một băng nhóm lên đến 30 người đến bao vây một số phòng bệnh. Hầu hết những ai mặc áo blousse trắng đều bị rượt đánh. Cảnh hỗn loạn diễn ra lúc 11 giờ đêm tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Tất cả các y bác sĩ đều rút hết vào phòng làm việc, khóa chốt cửa, tấn thêm ghế bàn để ngăn chặn đường đột nhập của nhóm ông Đức.

Một nhóm công an địa phương được tin đến can thiệp nhưng không làm gì được vì người của ông Đức đông gấp... mười lần. Một nhóm cán bộ công an quận đến tăng cường, nhưng cũng không đủ số đông trước nhóm ông Đức đang hăng máu, sẵn sàng đâm chém lung tung để trả thù cho ông này.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, cuối cùng thì Công an quận Bình Thạnh phải cử đủ 30 cán bộ đến tận nơi, mới đủ sức giải vây cho các bác sĩ.

Theo một số nhân chứng, cuộc xung đột khởi nguồn từ vụ hai thanh niên tên Nguyễn Văn Sang và Lê Hoàng Anh Tuấn giành gái dẫn đến gây gỗ, đánh nhau. Nguyễn Văn Sang bị vây đánh, bỏ chạy về nhà cầu cứu. Cha ruột của Sang là ông Đức nhảy vào vòng chiến để cứu con trai, bị nhóm ông Tuấn đâm gục tại chỗ và chết tại bệnh viện.

Các bác sĩ cho hay, bệnh tình của Tuấn Anh rất trầm trọng. (PL)
by Lý Tưởng Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Lần đầu tiên tại Sài Gòn, hỗn loạn diễn ra tại bệnh viện theo sau một pha hỗn chiến dữ dội giữa phố Bình Thạnh khiến một người chết, 3 người khác bị thương.

vn11
Phòng trực cấp cứu đã bị nhóm côn đồ khống chế, không ai được ra ngoài. (Hình: Tiền Phong)

Người nhà và băng nhóm của nạn nhân tử vong đã đuổi rượt các y bác sĩ, dọa xử y như phim chém giết trong giới giang hồ.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, khoảng 11 giờ đêm 22 tháng 9, vụ đâm chém nhau giữa hai nhóm người xảy ra tại đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Kết cuộc, cả đôi bên đều có người bị thương, được đưa vào bệnh viện Nhân Dân Gia Định cứu cấp.

Tại đây, ông Nguyễn Văn Đức, 53 tuổi, cha ruột của nhân vật chính một phe là Nguyễn Văn Sang, và nhân vật cầm đầu phe đối thủ là Lê Hoàng Anh Tuấn, 21 tuổi đều bị thương nặng. Sau đó, ông Nguyễn Văn Đức tắt thở trên giường bệnh.

Cái chết của ông Đức khiến người nhà của ông nổi giận, lục tìm Lê Hoàng Anh Tuấn để "tính sổ" vì họ cho Tuấn là thủ phạm kết liễu cuộc đời người thân của họ. Các y bác sĩ bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã buộc phải đẩy bệnh nhân Lê Hoàng Anh Tuấn di tản nơi khác.

Tìm mãi không thấy Tuấn, vợ con của ông Đức cầu cứu một băng nhóm lên đến 30 người đến bao vây một số phòng bệnh. Hầu hết những ai mặc áo blousse trắng đều bị rượt đánh. Cảnh hỗn loạn diễn ra lúc 11 giờ đêm tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Tất cả các y bác sĩ đều rút hết vào phòng làm việc, khóa chốt cửa, tấn thêm ghế bàn để ngăn chặn đường đột nhập của nhóm ông Đức.

Một nhóm công an địa phương được tin đến can thiệp nhưng không làm gì được vì người của ông Đức đông gấp... mười lần. Một nhóm cán bộ công an quận đến tăng cường, nhưng cũng không đủ số đông trước nhóm ông Đức đang hăng máu, sẵn sàng đâm chém lung tung để trả thù cho ông này.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, cuối cùng thì Công an quận Bình Thạnh phải cử đủ 30 cán bộ đến tận nơi, mới đủ sức giải vây cho các bác sĩ.

Theo một số nhân chứng, cuộc xung đột khởi nguồn từ vụ hai thanh niên tên Nguyễn Văn Sang và Lê Hoàng Anh Tuấn giành gái dẫn đến gây gỗ, đánh nhau. Nguyễn Văn Sang bị vây đánh, bỏ chạy về nhà cầu cứu. Cha ruột của Sang là ông Đức nhảy vào vòng chiến để cứu con trai, bị nhóm ông Tuấn đâm gục tại chỗ và chết tại bệnh viện.

Các bác sĩ cho hay, bệnh tình của Tuấn Anh rất trầm trọng. (PL)
by Lý Tưởng Người Việt
HÀ NỘI (NV) - Nhân viên an ninh phi trường Nội Bài, Hà Nội, vừa bắt quả tang một nhân viên hãng hàng không Air Vietnam buôn lậu một lúc 50 chiếc iPhone 5S còn nguyên trong hộp.

vn10
Máy bay của hãng quốc doanh Air Vietnam đang trên đường băng ở phi trường Nội Bài, Hà Nội. Các phi công và tiếp viên của hãng này nổi tiếng về buôn lậu. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)


Sự kiện này xảy ra hồi 6 giờ 25 phút sáng ngày 22 tháng 9, đúng vào lúc iPhone 5S mới nhất của Apple được tung ra thị trường gây sốt khắp thế giới.

Báo mạng VNExpress dẫn phúc trình của đơn vị an ninh phi trường nói rằng, tất cả 50 chiếc iPhone 5S trên là của một tiếp viên hàng không Việt Nam tên Bùi Ngọc Tuấn. Số iPhone này được Tuấn cất trong hành lý, mang theo trên chuyến bay từ Paris đến Nội Bài. Tất cả đều còn nguyên trong hộp, chưa hề được đụng tới.

Phúc trình trên cũng nói rằng trị giá số hàng buôn lậu kể trên ít nhất là 100,000 đô. Giá iPhone 5S loại 16 GB được bán trên thị trường Việt Nam hiện nay với giá từ 22 đến 28 triệu đồng, tương đương 2,100 đến 2,400 đô một chiếc.

Ông Bùi Ngọc Tuấn đã bị đội An ninh phi trường Nội Bài giải giao cho Công an Hà Nội để điều tra. Phát ngôn nhân hãng hàng không Việt Nam (VNA) cho hay, sẽ không dung túng hành vi phạm pháp của nhân viên mình.

Còn theo báo Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Phương Hải, Trưởng đoàn Tiếp viên của VNA lập tức ra thông báo nói đã cho ông Bùi Ngọc Tuấn nghỉ việc tạm thời. Ông này cũng đã được VNA buộc phải làm một bản tường trình sự việc.

Bà Hải cho biết thêm, ông Bùi Ngọc Tuấn đã làm việc tại đơn vị này gần 10 năm qua.

Theo dư luận, các vụ nhân viên VNA buôn lậu không phải mới xảy ra lần đầu. Từ nhiều năm nay, các vụ buôn lậu thường xuyên xảy ra trên các chuyến bay của hãng này. Tuy nhiên, không phải vụ buôn lậu nào cũng có thể bị khám phá dễ dàng tại các phi trường thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Trước đây có vụ nhân viên kỹ thuật của Công ty Kỹ thuật máy bay của VNA buôn lậu 80 máy ảnh Canon còn mới nguyên trên chuyến bay từ Nhật về Sài Gòn. Sự việc xảy ra cuối năm 2010. Trị giá 80 chiếc máy ảnh này khoảng 26,500 đô.

Phi công và tiếp viên Air Vietnam từng mang lậu hàng ăn cắp (phần lớn là mỹ phẩm) tại các siêu thị bên Nhật về Việt Nam tiêu thụ.

Các tiếp viên hàng không Việt Nam còn buôn lậu cả vàng, ngoại tệ, thuốc lá... từ Úc, Đức, Nhật, Nam Hàn... hoặc từ Việt Nam đi ngoại quốc  với số lượng lớn. Đặc biệt là vụ hai phi công Việt Nam dính vào đường dây buôn lậu ma túy từ Việt Nam sang Úc đã gây xôn xao dư luận hồi năm 2007.

Tháng 8 năm 2007, một phi công Việt Nam tên Trần Đình Đang bị bắt khi tìm cách chuyển 6.5 triệu đô từ Úc về Việt Nam. Ông này bị kết án 4 năm rưỡi tù giam. (PL)
by Lý Tưởng Người Việt
nq

Một hôm trước ngày Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Pháp, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF có trụ sở ở Pháp đã công bố phúc trình "Cái chết biết trước của tự do thông tin" tại Việt Nam.

Phúc trình xét đến những phương pháp mà chính phủ của ông Dũng đã sử dụng để kiểm duyệt truyền thông, gây rối các blogger và các người bất đồng chính kiến trên mạng.

RSF đã trình bày những kết luận của mình trong buổi họp báo hôm thứ Hai tại trụ sở của hội của Paris.

Thay vì đưa ra chi tiết nhiều vụ truy bức các blogger, phúc trình xét đến cơ chế đàn áp một cách tổng thể, ảnh hưởng đến tất cả người dân Việt Nam, không riêng gì con số độ 40 blogger.

RSF nói họ định lợi dụng chuyến đi Pháp của Thủ tướng Dũng để nói lên tình trang kinh khiếp về tự do thông tin tại Việt Nam, và để ông lưu ý về tình trạng của 35 blogger còn đang bị tù.

RSF cũng định trao cho Thủ tướng Dũng kiến nghị có 25.000 chữ ký kêu gọi trả tự do cho các blogger này, nhưng đáng tiếc sau nhiều lần tiếp xúc vẫn chưa có câu trả lời.

RSF kêu gọi chính phủ Pháp đừng làm ngơ về quyền tự do báo chí và thông tin tại Việt Nam, đừng quên những vụ hành hung nhà báo và blogger vào lúc Pháp và Việt Nam đang củng cố quan hệ.

Nguồn: Reporters Without Borders
by Lý Tưởng Người Việt
tc1

Đối với Mỹ và Nhật trước sự tăng cường hiện diện của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương, tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước ASEAN không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Sự hợp tác đó sẽ hỗ trợ cho các nỗ lực kiểm tra những hoạt động bành trướng hàng hải của Bắc Kinh ở những nơi khác nữa.

Đó là nhận định được đăng trong bài bình luận trên nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật hôm 22/9.

Bài báo nói rõ ràng Trung Quốc dự định tăng cường quyền bá chủ của mình ở Biển Đông trong lúc ngăn trở việc hình thành một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý.

Theo bài bình luận, trong khi các nước ASEAN muốn xúc tiến bộ quy tắc này thì Trung Quốc lại tỏ ra không hăng hái.

Vẫn theo bài bình luận, trong hơn 10 năm nay, các nước Đông Nam Á cố gắng đạt được sự đồng ý của Trung Quốc trong việc thành lập bộ quy tắc ứng xử để tránh xung đột ở Biển Đông. Tuy nhiên, với sức mạnh quân sự và kinh tế lớn mạnh của mình, Trung Quốc vẫn không chịu ngồi vào bàn thảo luận và khi vào bàn thương nghị thì lại đòi thảo luận các vấn đề khác chứ không đi vào thảo luận chi tiết về bộ quy tắc này.

Tác giả cho rằng không có bộ quy tắc ứng xử thì cuộc khủng hoảng Biển Đông chỉ ngày càng lún sâu hơn mà thôi.

Bài bình luận nói ASEAN, Mỹ, và Nhật cần phải hợp lực để ứng phó trước các chính sách bá chủ và bành trướng hàng hải của Trung Quốc.

Theo bài phân tích, tâm điểm gây chú ý hiện nay là cuộc tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc trong lúc Manila không ngừng tăng cường quan hệ với Mỹ và Nhật.

Hoa Kỳ đang thực thi chính sách chuyển trục xoay về Châu Á để đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang gia tăng các chuyến thăm viếng các nước ASEAN và loan báo kế hoạch cung cấp 10 tàu tuần tra cho Philippines.
by Lý Tưởng Người Việt
tc

Anh Vũ - Thời sự châu Á thu hút sự chú ý nhiều tờ báo Pháp hôm nay là hồi kết vụ án chính trị hình sự lớn tại Trung Quốc với bản án tù chung thân được tuyên hôm qua cho cựu lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Bạc Hy Lai vì tội tham nhũng, lạm quyền che giấu tội phạm.... Vụ án phản ánh quyết tâm của lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc trong cuộc chiến chống tham nhũng hay chỉ là một màn loại trừ nhau trong nội bộ đảng ?

Báo chí Pháp trở lại vụ án này đều có chung nhận định bản án dành cho « hoàng tử đỏ » họ Bạc là quá nặng và phiên tòa dường như là một màn kịch chính trị trong cố gắng thanh lọc nội bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc. Báo Libération trích nhận định của một nhà báo tại Bắc Kinh : «  Bạc Hy Lai biển thủ tiền như thế là tương đối ít. Ông ta tham nhũng còn ít hơn đại đa số quan chức cao cấp Trung Quốc ».

Theo Libération, rất đông người Trung Quốc coi phiên tòa này chỉ là màn kịch được dựng lên bởi các đối thủ chính trị, nhằm loại bỏ Bạc Hy Lai, nhân vật đang nổi như cồn trên chính trường Trung Quốc.  Còn với nhật báo kinh tế Les Echos, trong bài viết mang tựa «  Bắc Kinh tỏ quyết tâm và kết án Bạc Hy Lai tù chung thân »  nhận định : « bản án này đúng như dự đoán của đa số các nhà phân tích.

Trên phương diện chính trị, thì cựu lãnh đạo Trùng Khánh phải bị kết án nặng nề, nhưng chưa đến mức tử hình. Nặng nề là bởi vì một cái án nhẹ sẽ được coi như một thắng lợi cho Bạc Hy Lai và hệ quả là làm suy yếu trung ương, hiện đang lấy việc chống tham nhũng làm trọng tâm chính trị. Nhưng ngược lại, nếu kết án tử hình thì sẽ biến Bạc Hy Lai thành một kẻ tử vì đạo trong con mắt của những người trong phe cánh của ông ta vẫn còn trong bộ máy lãnh đạo Trung Quốc.

Theo Les Echos, các tiếng nói chính thống của đảng đồng thanh tán dương bản án. Ngay từ hôm qua, xã luận tờ  Nhân dân nhật báo đã viết : « Rõ ràng bản án cho thấy dù người ta có nắm chức vụ quyền hành có lớn tới đâu thì cũng không thoát được sự trừng phạt của pháp luật ». Thế nhưng, trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc xuất hiện rất nhiều bình luận mỉa mai coi vụ án này như một « trò hề chính trị ».

Vẫn cùng hướng nhận định như vậy, thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh có bài viết mang tựa đề : «  Bạc Hy Lai, con hổ sau song sắt ». Tác giả  cho rằng bản án được lãnh đạo đảng cộng sản  chỉ đạo này đã phải qua cuộc mặc cả rất kỹ lưỡng sau hậu trường. Mặc dù án đã được định trước nhưng  « việc tổ chức một cái gì đó cho nó giống một vụ xử thực sự chỉ là để đem lại tính chính đáng cho phiên tòa, điều này có lợi  cho đảng ». Đó là nhận định của ông Nicolas Bequelin, chuyên gia về hệ thống tư pháp Trung Quốc  của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, được tờ báo dẫn lại.

Sau khi nhắc lại tình tiết phiên tòa xử Bạc Hy Lai kéo dài 5 ngày  từ hôm 22/08 vừa qua tại Tế Nam cùng nhiều chi tiết phản pháo của bị cáo chống lại bản cáo trạng nặng nề, tác giả bài báo nhắc lại từ năm 2007, Bạc Hy Lai đã là Ủy viên Bộ chính trị và ông ta đã vận động tích cực trong hậu trường để được chọn trong số 7 ủy viên Thường trực Bộ chính trị để trở thành lãnh đạo số 1 Trung Quốc tại Đại hội đảng thứ 18 diễn ra hồi tháng 11 năm 2012. Nhưng trong nội bộ thượng tầng lãnh đạo, ông bị nhìn nhận như là một đối thủ đáng gờm và gây khó chịu cho ông Tập Cận Bình, bởi tính khí bốc đồng không kiểm soát nổi.

Phiên tòa như một cuốn phim phản ánh bên trong cuộc sống của một quan chức điển hình ở thượng tầng chính trị Trung Quốc đầy những âm mưu toan tiền, tình và tội ác này liệu có phải là quyết tâm của ban lãnh đạo dưới tay Tập Cận Bình muốn diệt trừ tham nhũng  từ « ruồi cho đến hổ », theo cách nói của ông Tập Cận Bình hay không ? Theo nhiều nhà quan sát chính trị Trung Quốc, ông Bạc Hy lai chỉ là một trong những con hổ lớn và cuộc chiến chống tham nhũng này còn là dịp thanh toán chính trị lẫn nhau trong nội bộ đảng.

Tác giả bài báo dẫn phân tích của một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh: «  Khác với cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào đã rút lui hoàn toàn khỏi chính trường, ông Giang Trạch Dân vẫn tiếp tục đứng đằng sau giật dây phe cánh trong đảng. Phe của ông ta mà  Bạc Hy Lai là một trong những đại diện có ảnh hưởng nhất đang bị nhắm tới.

Thế là ban lãnh đạo mới đã tìm cách loại Bạc Hy Lai nhân vật có thể gây nhiều phiền toái ra khỏi hệ thống chính trị của đảng. Bài báo cũng cho biết về một chi tiết duy nhất liên quan đến mối liên hệ giữa bị cáo vị trưởng lão của đảng Cộng sản Trung Quốc đó là chính quyền đã để lọt ra ngoài phát giác trong phiên tòa, theo đó một phần tiền tham nhũng của Bạc Hy Lai đã được xây một ngôi nhà cho Giang Trạch Dân.

Giờ đây, ông Bạc Hy Lai chỉ còn cách bình lặng chờ đợi ở trong tù một ngày để có thể lấy lại danh dự cho mình, như ông ta đã viết trong một bức thư gửi cho gia đình trước ngày nghe phán quyết của tòa.

Chiến thắng lịch sử của Angela Merkel

Trang nhất hầu hết các tờ báo chính ra tại Pháp hôm nay được dành cho hai thời sự nóng : Chiến thắng của bà Angela Merkel trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Đức và vụ tấn công khủng bố tại Kenya.

Le Figaro và Les Echos cùng đăng bức ảnh bà Merkel tươi cười đón nhận thắng lợi của cuộc bầu cử hôm qua tại Berlin với dòng tựa : «  Chiến thắng  của Merkel ». Sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm qua, đảng CDU giành được hơn 42% phiếu, kết quả này cho phép thủ tướng Merkel tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 lãnh đạo nước Đức.

Bên cạnh thành công mang tính lịch sử của bà Merkel, các báo cũng đều chung một quan sát  là « chắc chắn Angela Merkel sẽ phải thương lượng để có được liên minh đa số với đối thủ thất bại là đảng Xã hội – Dân chủ. Nhật báo l'Humanité của đảng Cộng sản Pháp thì có vẻ không hài lòng với kết quả của cuộc bầu cử. Tờ báo chạy tựa  «  Đức : Lại thêm 4 năm đổ vỡ với Merkel ».

Thắng lợi bầu cử của thủ tướng Đức Angela Merkel được đánh giá là lịch sử bởi vì bà là người thứ ba của nước Đức sau các thủ tướng Korad Adenauer và Helmut Kohl liên tục cầm quyền ba nhiệm kỳ. Lịch sử  vì bà Angela Merkel là vị lãnh đạo châu Âu duy nhất giữ được ghế qua cơn bão khủng hoảng kinh tế . Le Figaro quan tâm đến « những công trường và thách thức trong bốn năm tới của bà Thủ tướng ».

Theo tờ báo, trước mặt bà Angela Merkel lúc này là bốn năm với một công trường ngổn ngang hàng đống việc phải làm. Là cường quốc kinh tế hàng đầu của châu Âu, nước Đức vẫn đang đứng trước những thách thức lớn cần phải giải quyết để giữ được vị thế của mình trên trường quốc tế.

Tờ báo liệt kê ra danh mục công việc cho chính phủ của bà Angela Merkel trong vòng bốn năm đó là : Duy trì sức mạnh kinh tế của đất nước ; Sửa chữa những bất bình đẳng xã hội ; Chuẩn bị cho sự đảo lộn về dân số ; Tiếp tục theo đuổi con đường hòa nhập của châu Âu ; Tiến hành thành công chuyển đổi năng lượng sau khi từ bỏ điện hạt nhân ;  Cải cách hệ thống phân chia và đóng góp của cải vật chất giữa các vùng nước Đức.

Do vai trò quan trọng của nước Đức tại châu Âu và nước Pháp, tờ báo thiên hữu  Le Figaro  quan tâm đến mối quan hệ Pháp-Đức sau diễn biến của cuộc bầu cử này. Theo tờ báo, chính phủ Pháp phải năng động hơn nữa để không bị người láng giềng bỏ xa và nhất là kinh tế để cặp quan hệ pháp Đức thực sự là đầu tàu của châu Âu và đóng vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế.

Để cho chiếc đầu tàu châu Âu hoạt động tốt, thì nước Pháp phải biết vượt lên ngang tầm chứ không phải rời xa nước Đức.  Trông người ngẫm đến ta, Le Figaro kêu gọi tổng thống Pháp François Hollande hãy rút ra bài học từ  chiến thắng của bà Angela Merkel đó là chính sự thành công của một mô hình kinh tế xã hội mà người Pháp đang mong muốn tổng thống Hollande noi theo.

Chỉ trích ...

Ngược lại với nhiều tờ báo khác, nhật báo l'Humanité nhận thấy chiến thắng của bà thủ tướng Đức  « không phải là một tin vui », l'Humanité viết : « Việc Angela Merkel tiếp tục cầm quyền sẽ làm trầm trọng thêm nỗi thống khổ mà Liên hiệp châu Âu phải chịu đựng ».

Nhật báo Cộng sản khẳng định : « Lãnh đạo cường quốc kinh tế số một của châu lục, bà Merkel đã ủng hộ sự trị vì của thị trường tài chính, phá vỡ mối đoàn kết vô tình nào đó, thay thế bằng thói ích kỷ, sự miệt thị của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, tiếp sức cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan ».

Tờ báo nhận định «  nếu giờ đây bà ta là lãnh đạo châu Âu đầu tiên được bầu lại từ khi có cuộc khủng hoảng năm 2008, đó là vì bà ta đã làm cho dân mình tin rằng chính bà đã giúp họ tránh được những điều tồi tệ nhất và chính bà đã bảo vệ họ trước những thèm khát của không ít kẻ lười nhác đang túm tụm bên ngoài biên giới nước Đức ».

Vụ khủng bố Kenya

Bên cạnh cuộc bầu cử La Croix, Libération chạy tựa trang nhất vụ tấn công khủng bố siêu thị Westgat tại thủ đô của Kenya diễn ra từ hơn hai ngày nay làm hàng chục người chết.  Trên bức hình các con con tin được giải cứu khỏi siêu thị, La Croix thốt lên với hàng tựa  «  Khủng bố điên rồ ».

Còn Libération thì gọi đây là « Nỗi kinh hoàng ở Nairobi » với nhận định  « vụ tấn công của cách chiến binh hồi giáo cự đoan Somali vào siêu thị ở thủ đô Kenya chỉ cho thấy những nguy cơ hỗn loạn trong khu vực ».

Nhật báo cánh tả cho biết, cuộc tấn công khủng bố vào siêu thị Westgat tại thủ đô Nairobi do một nhóm gồm khoảng 15 kẻ thánh chiến Hồi giáo Shebab Somali tiến hành từ hôm 21/9 đã làm ít nhất 68 người chết và nhiều người bị thương. An ninh và quân đội Kenya đã mở cuộc tấn công , cuộc giao tranh vẫn kéo dài đến ngày hôm nay chưa kết thúc.

Libération trích đăng lại lời kể của các nhân chứng vừa được giải cứu thoát khỏi họng súng của những kẻ khủng bố cho thấy cảnh tượng chết chóc kinh hoàng bên trong siêu thị và những kẻ khủng bố chỉ có mục đích giết người để trả thù.

Viễn cảnh u ám cho khí hậu toàn cầu

Một vấn đề không phải là nóng nhưng luôn mang tính thời sự, được các báo Pháp không thể bỏ qua , đó là vấn đề khí hậu toàn cầu. Thứ Sáu tới đây, bản báo cáo thứ 5 của nhóm chuyên gia liên chính phủ về tiến triển của khí hậu (GIEC) sẽ chính thức được công bố.

Nhưng ngay từ bây giờ các báo đã có những chi tiết sơ bộ của bản báo cáo. Les Echos  cho biết GIEC đưa ra những số liệu rất bi quan về tiến triển của khí hậu tới đây. Tờ báo tiên liệu bản báo cáo năm nay sẽ còn đáng báo động hơn văn kiện tương tự  công bố hồi năm 2007, khiến cả thế giới lo ngai về tương lai của hành tinh.

Theo tờ báo, những thông tin của bản báo cáo lọt ra cho thấy nhiều con số đáng báo động , ví dụ như lượng phát thải khí CO2 tiếp tục gia tăng mạnh và lượng tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kinh sẽ tăng gấp đôi trước khi kết thúc thế kỷ 21. Bản báo cáo còn đưa ra 4 kịch bản biến đổi khí hậu, phụ thuộc vào những cố gắng của con người trong việc làm của mình.

Pháp bắt giữ một khối lượng cocain kỷ lục

Báo Le Figaro cho biết, cảnh sát và hải quan Pháp trong một chiến dịch tối thứ Sáu tuần qua 20/09/2013 đã bắt giữ được 31 chiếc vali chứa đầy Cocain với trọng lượng 1300 kg, được gửi  từ Caracas đến Paris không đứng tên người gửi.

Trong cuộc họp báo hôm 21/09, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Vals ngay lập tức đã khen ngợi chiến công của cảnh sát Pháp đã cất được mẻ lưới ma túy lớn chưa từng có ở Pháp. Ông cũng cho biết thêm trong vụ này ít nhất đã có 6 đối tượng thuộc các quốc tịch khác nhau bị câu lưu và tạm giam.

Đây là kết qủa của cuộc điều tra phối hợp của cảnh sát các nước Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Hà Lan. Theo nguồn tin của cảnh sát thì chủ nhân của  lô hàng này Ndrangheta, một tổ chức tội phạm lớn nhất Ý.  Hiện tổ chức này kiểm soát 80% nhập khẩu cocain vào châu Âu.
by Lý Tưởng Người Việt
HOANGSA

Trọng Nghĩa - Trong hai ngày 19-20/09/2013, một cuộc hội thảo khu vực về Biển Đông đã diễn ra tại Phnom Penh với chủ đề « ASEAN và Biển Đông : Những thành tựu, các thách thức và hướng đi tương lai (ASEAN and the South China Sea : Achievement, Challenges and Future Direction) ». Hội thảo do Viện Cam Bốt vì Hòa bình và Phát triển CICP (Cambodian Institute for Cooperation and Peace) tổ chức, đã quy tụ một số chuyên gia đến từ các nước ASEAN cũng như từ Trung Quốc, Canada và Úc.

Đáng chú ý tại cuộc hội thảo này, có tham luận của giáo sư Carlyle A.Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc : « Kết hợp một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông COC vào Cộng đồng Chính trị an ninh của ASEAN: Con đường trước mặt (Incorporating a Code of Conduct for the South China Sea into ASEAN's Political-Security Community: The Road Ahead) ». Điểm nổi bật trong tham luận là đề nghị theo đó khối ASEAN nên sớm đúc kết một « Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á », một văn kiện có khả năng trở thành phương tiện tốt góp phần mang lại ổn định cho vùng Biển Đông.

Trong tạp chí hôm nay, RFI sẽ giới thiệu một số nét chính trong đề nghị về Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á đã được Giáo sư Thayer nêu lên trong tham luận trình bày tại Phnom Penh, một ý kiến mà chính ông cũng thừa nhận là còn được tiếp nhận một cách thận trọng.

Trả lời phỏng vấn nhanh của RFI hôm 20/09 sau khi báo cáo của ông được trình bày tại cuộc hội thảo ở thủ đô Cam Bốt, Giáo sư Thayer cho biết :

« Trong phiên họp cuối cùng Đại sứ Pou Sothirak (Giám đốc Điều hành Viện Cam Bốt vì Hòa bình và Phát triển) đã gián tiếp nói rằng đề nghị của tôi quá chung chung và không thể đạt được. Nên tập trung vào đề nghị của Việt Nam về việc không sử dụng vũ lực trước tiên.

Việt Nam đã đề nghị là ASEAN và Trung Quốc cùng đồng ý rằng không ai trong số họ sẽ là bên đầu tiên sử dụng vũ lực trong tranh chấp Biển Đông. Đây sẽ là một cam kết của tất cả các bên theo đó, khi xảy ra sự cố, họ sẽ tự kiềm chế và không dùng đến vũ lực. Đấy sẽ là một biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng. »

Xin nhắc lại là ý tưởng về một thỏa thuận « không sử dụng vũ lực trước tiên » giữa Hiệp hội Đông Nam Á và Trung Quốc đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đề xuất tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ngày 07/05/2013 ở Brunei. Sau đó ít lâu, ý kiến này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Singapore tỏ ý ủng hộ tại Hội nghị An ninh châu Á – tức Đối thoại Shangri-La - ngày 02/06/2013.

Đối với Giáo sư Thayer, nếu Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ tránh được tình trạng khối ASEAN mất đoàn kết trên vấn đề Biển Đông như đã từng xẩy ra trong quá khứ, có hại cho đối sách của Việt Nam nhằm chống lại tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh. Tuy nhiên, về phần mình, Việt Nam cũng phải điều chỉnh một số yêu cầu. Giáo sư Thayer giải thích :

« Hiệp ước sẽ gắn kết toàn bộ các nước ASEAN vào vấn đề an ninh trên biển. Việt Nam sẽ được độc lập nhiều hơn (không bị lệ thuộc) vào vấn đề quan điểm thống nhất của ASEAN. Thế nhhưng Việt Nam sẽ phải điều chỉnh lại đường cơ sở của mình ở khu vực đông nam cho phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như làm rõ các đòi hỏi chủ quyền của mình, bao gồm cả việc phân biệt rõ ràng các thực thể địa lý như bãi đá, độ cao thủy triều lúc xuống thấp, hải đảo.

Khi nhìn vào bản đồ vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam, có một chỗ phình ra trông thấy - hoặc là phần mở rộng được gọi  nôm na là 'người phụ nữ mang bầu' – tại vùng bờ biển phía đông nam, để bao gồm cả khu vực bãi Tư Chính ( hoặc Vạn An Bắc theo phía Trung Quốc). Đây là một yêu cầu quá mức. Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cần được quy định theo đường cơ sở vẽ thẳng từ bờ biển.

Khi dự thảo Luật Biển của Việt Nam được chuyển lên Bộ Chính trị, giới chuyên gia về biển đã đề nghị làm cho các tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế. Đề nghị này đã bị từ chối với lý do là Việt Nam sẽ phải đàm phán với Trung Quốc vào một thời điểm nào đó trong tương lai và yêu sách quá mức về vùng đặc quyền kinh tế đó là điểm khởi đầu cho cuộc đàm phán. »

Dẫu sao thì công việc hình thành một Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á không thể được thực hiện trong một sớm một chiều, đặc biệt trong bối cảnh giữa một số nước ASEAN, các tranh chấp biển đảo đã có từ rất lâu. Trên các khó khăn này, Giáo sư Thayer ghi nhận :

« Đây là một dự án phải mất ít ra là 10 năm mới thực hiện được, nhưng nó có thể là đầu mối để xây dựng một Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN.

(Cái khó là) có một số tranh chấp hàng hải nhất định đã tồn tại từ lâu đời và một số nước Đông Nam Á cảm thấy nên duy trì nguyên trạng, vì hướng tới một hiệp ước sẽ khơi lại những vết thương cũ. »

Cần tiến tới Hiệp ước Hàng hải vì COC bị Trung Quốc trì hoãn

Trong bản báo cáo khoa học của mình, Giáo sư Thayer đã nêu bật nguyên do chính thúc đẩy ông nghĩ đến giải pháp « Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á ». Đó là triển vọng được ông cho là còn rất xa vời của Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, chủ yếu xuất phát từ thái độ trì hoãn của Bắc Kinh.

Trong phần đề cập đến cách thức đạt được COC, ông ghi nhận là từ trung tuần tháng Chín 2013, quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu mở tham vấn về COC. Tuy nhiên, đối với với Giáo sư Thayer, ngay từ khởi điểm, Bắc Kinh đã đặt ra một số điều kiện làm cho khó có thể tiến nhanh đến một bộ Quy tắc Ứng xử. Ông giải thích :

« Trung Quốc nhấn mạnh rằng hai tiến trình (thực hiện) bản Tuyên bố Ứng xử DOC và (xây dựng) bộ Quy tắc Ứng xử COC tương quan chặt chẽ với nhau, và chỉ có thể được thúc đẩy, một khi đạt được tiến bộ trong việc tiến hành các hoạt động hợp tác được liệt kê trong bản Tuyên bố DOC. Tuy nhiên, cùng một lúc, Trung Quốc lại xác định rằng thỏa thuận nhanh chóng trên bộ Quy tắc COC là điều không thực tế.

Để có thể đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, ASEAN cần phải tách biệt các cuộc thảo luận về DOC ra khỏi thảo luận về COC. Vào tháng 08/2013, tại cuộc họp đặc biệt Trung Quốc – ASEAN, Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Anifah Aman đã cho rằng 'công việc tham vấn về COC phải được bắt đầu càng sớm càng tốt và không nên gắn liền với việc thực thi DOC, cả hai tiến trình nên được thực hiện song song với nhau'.

Để cho các cuộc đàm phán về việc thực thi bản Tuyên bố DOC có thể bắt đầu, thì Trung Quốc phải làm rõ các đòi hỏi chủ quyền của mình tại Biển Đông như là một điều kiện tiên quyết cho việc khởi sự các hoạt động hợp tác ở Biển Đông. »

Đồng thuận khó khăn về COC vì bị Bắc Kinh phá quấy

Một khó khăn khác trong việc tiến tới bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông là tìm được sự đồng thuận ngay trong nội bộ khối ASEAN về bản dự thảo COC của riêng mình để có thể trình bày với phía Trung Quốc. Công việc tìm kiếm đồng thuận này lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh Trung Quốc không ngần ngại gây chia rẽ giữa các nước ASEAN.

« Tiến trình tham vấn/đàm phán ASEAN - Trung Quốc về DOC/COC là cần thiết nhưng chưa đủ để có được một Bộ Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc.

ASEAN bám sát trọng tâm đàm phán về COC với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng cho dù đây là một mục tiêu an ninh quan trọng, về cơ bản đó là một ưu tiên không đúng chỗ. Các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về COC đã làm cho ASEAN bị chia thành hai nhóm - có tranh chấp và không tranh chấp - làm cho việc thông qua một chính sách chung vô cùng khó khăn.

Cách tiếp cận đó cũng cho phép Trung Quốc khai thác sự khác biệt giữa các thành viên ASEAN và trì hoãn không chỉ thảo luận về các biện pháp hợp tác trong khuôn khổ bản Tuyên bố DOC nhưng trên cả việc xây dựng COC. Điều đó cung cấp cho Trung Quốc thời gian để củng cố sự hiện diện của họ, tức là quyền kiểm soát trên vùng biển đảo tại Biển Đông. »

COC còn bị giới hạn về phạm vi áp dụng

Riêng về bộ Quy tắc Ứng xử COC, Giáo sư Thayer cho rằng phạm vi áp dụng của văn kiện này còn quá hạn chế về mặt địa lý, không bao trùm toàn bộ các vùng biển Đông Nam Á.

« Thảo luận ASEAN-Trung Quốc về bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC không bao gồm các vùng biển Đông Nam Á bên ngoài Biển Đông. Trong thực tế, như các khó khăn nẩy sinh trong việc đàm phán với các cường quốc hạt nhân để họ gia nhập Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân từng cho thấy, không hề có thoả thuận về những gì tạo thành khu vực địa lý được gọi là Biển Đông.

Lĩnh vực hàng hải của Đông Nam Á bao gồm không chỉ Biển Đông và Vịnh Thái Lan mà còn là các vùng biển xung quanh các quốc gia ven biển và quần đảo. Khu vực rộng lớn bao trùm các vùng đặc quyền kinh tế của toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á (gồm cả Đông Timor)...

Vùng biển Đông Nam Á rất thiết yếu cho giao thông vận tải, và giao dịch thương mại của các nước trong khu vực cũng như các cường quốc bên ngoài. Tóm lại, vùng biển Đông Nam Á quan trọng đối với con người, lương thực và an ninh năng lượng. Những vấn đề đó liên quan chặt chẽ với nhau.

Các quốc gia ven biển trong ASEAN đang gặp phải khó khăn trong việc phát triển các nguồn tài nguyên nằm trong vùng EEZ của họ do việc yêu sách chủ quyền nằm trong bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc bao trùm khoảng 80% Biển Đông. Cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ có thể làm khu vực bất ổn thêm, trong lúc việc khai thác tài nguyên Biển Đông thêm khó khăn. »

Theo giáo sư Thayer, vì tất cả các lý do kể trên, do nguy cơ thảo luận ASEAN - Trung Quốc về COC rất có thể sẽ kéo dài vô tận, ASEAN cần phải có phương án giải quyết riêng. Đó là vừa đàm phán với Trung Quốc về việc tách hai cuộc thương thuyết về DOC và COC thành hai tiến trình riêng biệt, vừa yêu cầu Bắc Kinh làm rõ chính sách về các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ DOC.

Trong nội bộ, ASEAN phải bắt đầu đàm phán giữa các thành viên về một Hiệp ước Hòa bình, Hợp tác và Phát triển vùng biển khu vực Đông Nam Á (gọi tắt là Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á). Theo giáo sư Thayer, Hiệp ước này dựa trên hai tiền đề :

« Trước hết, sự an toàn của vùng biển toàn Đông Nam Á là một thể thống nhất đối với tất cả các thành viên ASEAN, cho dù đó là nước thuộc khối ven biển hoặc trên lục địa. Hiệp ước sẽ làm cho tất cả các thành viên ASEAN có liên can như nhau với vấn đề biển. Điều này sẽ khắc phục tình trạng phân cách hiện nay giữa các nước ASEAN có tranh chấp và không có tranh chấp tại Biển Đông.

Thứ hai, luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, được áp dụng đồng đều trên toàn vùng biển Đông Nam Á và không đơn thuần là Biển Đôn, và được áp dụng cho tất cả các nước. Việc thông qua Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á sẽ củng cố bản chất tập thể và pháp lý của ASEAN và tăng cường khả năng đối phó của khối với các cường quốc bên ngoài. Nó sẽ cung cấp cho ASEAN một đòn bẩy cần thiết trong đối sách với Trung Quốc. »

Giải quyết tốt tranh chấp trong nội bộ ASEAN để tôn cao vai trò khu vực

Theo Giáo sư Thayer, Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á phải là một phần không thể tách rời của Cộng đồng Chính trị- An ninh ASEAN. Văn kiện pháp lý này cần được thiết kế để giải quyết rất nhiều vấn đề biên giới trên biển và tranh chấp lãnh thổ trên biển chưa được giải quyết giữa các nước Đông Nam Á, từ đó lôi kéo toàn bộ các tác nhân khác cùng tham gia kết ước.

« Tranh chấp trên biển trong khu vực liên quan đến cả vấn đề đòi chủ quyền đối với các đảo và các thực thể địa lý, cũng như quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ở vùng biển và thềm lục địa. Mục đích của Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á là giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nói cách khác, ASEAN có thể khẳng định tốt vị trí của mình bằng cách dọn dẹp ngôi nhà riêng của mình trong địa hạt tranh chấp lãnh hải giữa các thành viên. Điều đó sẽ tăng cường đoàn kết và sự gắn kết của ASEAN và giúp toàn khối phát huy quyền tự chủ và vai trò trung tâm của ASEAN trong vấn đề an ninh khu vực. »

Vấn đề then chốt, theo Giáo sư Thayer, là toàn thể các thành viên ASEAN có mặt tiền nhìn ra biển phải phân định rõ cái gì là của mình.

« Tất cả các nước ASEAN cần điều chỉnh đòi hỏi chủ quyền trên biển của mình sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt chú ý đến việc từ bỏ các đường cơ sở quá mức. Các quốc gia sau đó phải phân định lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các quốc gia cần phân biệt rõ ràng đảo với đá để phân định hải phận cho đúng...

Các quốc gia cần chỉ rõ những vùng lãnh thổ và thực thể địa lý khác mà họ đòi chủ quyền ở ngoài biển...

Một khi tiến trình đó hoàn tất, tất cả các nước nên tiến hành đàm phán để giải quyết các tranh chấp nổi bật nơi các vùng biển chồng lấn, hoặc tại nơi có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Các quốc gia cần đồng ý trên một thời hạn (đàm phán) để cho sau đó, nếu tranh chấp chưa được giải quyết, thì các nước chấp thuận quyền tài phán của Hội đồng Tối cao ASEAN, hay trong khuôn khổ các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển  UNCLOS (Tòa án Quốc tế về Luật Biển hoặc Tòa án Công lý Quốc tế), hoặc theo thủ tục khác đã được thoả thuận.

Tất cả các bên tham gia Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á cần cam kết phi quân sự hóa các đảo, đá mà họ đang chiếm đóng, trong đó có việc cấm triển khai một số loại vũ khí cụ thể, chẳng hạn như tên lửa chống hạm bắn đi từ đất liền... »

Mở rộng Hiệp ước đón các đối tác đối thoại

Nội dung Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á do Giáo sư Thayer đề nghị còn bao gồm nhiều yếu tố khác, nhưng ý tưởng quan trọng chính là phạm vi áp dụng cũng như tính chất mở của Hiệp định này.

Theo ông Thayer, Hiệp ước phải bao trùm toàn bộ vùng biển trong khu vực Đông Nam Á – chứ không chỉ Biển Đông mà thôi - tương tự như phạm vi của Khu vực Tự do Hòa bình và Trung lập (1971), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (1976) và Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (1995). Bên cạnh đó, ngoài mười thành viên ASEAN hiện hữu và thành viên tương lai như Đông Timor, Hiệp ước cần phải được mở rộng cho các đối tác đối thoại của ASEAN và các cường quốc hàng hải khác tham gia.

Theo giáo sư Thayer trước thái độ trì hoãn cũng như các động thái chia rẽ ASEAN của Trung Quốc nhằm củng cố sự hiện diện của họ tại Biển Đông, ASEAN cần trang bị cho mình những công cụ hữu hiệu hơn để đối phó. Điều đó có thể được thực hiện bằng cách hình thành một Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á.
by Lý Tưởng Người Việt
tg096

Bắc Triều Tiên đã trả đũa một cách giận dữ về tin tức khủng khiếp cho rằng họ đã hành quyết 9 nghệ sĩ - trong đó có một bạn gái cũ của lãnh tụ Kim Jong Un - được cho là đã  thực hiện video khiêu dâm.

Bắc Triều Tiên đả kích mạnh mẽ báo chí Nhật Bản và Nam Triều Tiên tường thuật Bình Nhưỡng đã hành quyết các nghệ sĩ này để che đậy quá khứ của đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju, trước đây cũng là một ca sĩ.

Trong một tuyên bố trên cơ quan thông tấn nhà nước  KCNA, Bình Nhưỡng  đã tố cáo Nhật Bản và Nam Triều Tiên "tung ra một loạt ngụy biện để thực hiện các âm mưu hèn nhát xấu xa và truyền đi thông tin bịa đặt."

KCNA và nhân dân Bắc Triều Tiên giờ đây rất oán giận và thề quyết trả thù những kẻ làm mất danh dự lãnh tụ  tối cao.

Nguồn: The Guardian, Telegraph
by Lý Tưởng Người Việt
pakistan

Mai Vân - Tại Pakistan, số nạn nhân vụ khủng bố tự sát nhắm vào người Thiên chúa giáo ở Peshawar, hôm qua 22/09/2013,đã vượt mức 80 người chết và hơn 130 người bị thương. Vụ khủng bố nổ ra trước nhà thờ lớn ngay sau thánh lễ.

Một thành tố của Phong trào Taliban Pakistan TTP, có tên gọi là Junood ul-Hifsa đã thừa nhận là tác giả. Tuy nhiên sáng nay, người phát ngôn của phong trào TTP, trả lời AFP qua điện thoại, đã cải chính là họ không dính líu gì đến vụ khủng bố, đây không phải là hành động của phe Taliban.

Khủng bố hôm qua đã phá vỡ nỗ lực của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif muốn đàm phán hòa bình với phong trào Taliban.

Sự cố đã bị lên án rất nghiêm khắc, từ những người Hồi giáo Pakistan, cho đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lấy làm tiếc về một « chọn lựa sai lầm, chọn lựa thù hận và chiến tranh ».

Cộng đồng người Thiên chúa giáo Pakistan vừa lo sợ, vừa phẫn nộ, đã xuống đường vào hôm nay, ở các thành phố lớn, đòi chính phủ bào đảm an ninh.

Các cuộc biểu tình diễn ra ở Karachi, Lahore... và dĩ nhiên là ở Peshawar, đòi có những biện pháp an ninh bảo vệ người Thiên chúa giáo. Tại thủ đô Islamabad người biểu tình đã chặn một trục lộ lớn, đốt vỏ xe hơi gây xáo trộn lưu thông ở giờ cao điểm. Cảnh tượng bực tức này cũng diễn ra nhân những cuộc biểu tình khác.
by Lý Tưởng Người Việt
tg095

Các tổ chức nhân đạo quốc tế kêu gọi lãnh đạo thế giới sắp họp tại Liên Hiệp Quốc trong tuần này hãy viện trợ thêm cho người tỵ nạn Syria, vì hiện nay đang thiếu ngân khoản.

Một nhóm gồm 14 tổ chức cứu trợ quốc tế ra thông cáo báo chí tại New York hôm thứ Hai nói có nhiều người tỵ nạn Syria đang  vất vả tự túc, không có đủ thức ăn, chỗ ở và thuốc men.

Họ nói khoảng 70% người tỵ nạn muốn sống tại các làng mạc hoặc đô thị, thay vì đến các trại tỵ nạn chính thức.

Nhóm cũng báo động về con số, chẳng hạn trong tháng qua, trong vòng một tuần đã có 50.000 người chạy sang miền bắc Iraq lánh nạn.

Họ cho biết mỗi tháng trung bình có khoảng 75.000 người chạy sang Libăng và bây giờ số người tỵ nạn Syria chiếm đến 1/5 dân số Libăng.
by Lý Tưởng Người Việt
tg094

Giới hữu trách Mexico cho biết số tử vong của hai trận bão lớn ở cả hai vùng duyên hải đã vượt mức 100 người.

Bộ trưởng Nội vụ Miguel Angel Osorio nói rằng 68 người vẫn còn mất tích sau vụ đất chuồi đã chôn vùi ngôi làng La Pintada ở ven biển Thái Bình Dương.

Nhân viên cứu hộ tiếp tục đào xới khối đất đá đã từ trên núi tràn xuống hôm thứ tư, chôn vùi nhà cửa và trường học của ngôi làng du lịch này.

Tuần này Mexico bị tàn phá bởi bão lớn Ingrid ở vùng duyên hải Vịnh Mexico và bão nhiệt đới Manuel ở ven biển Thái Bình Dương, làm hư hại hàng vạn ngôi nhà.

Hôm qua, giới hữu trách đã mở lại từng phần những con đường ra khỏi thành phố Acapulco, giúp cho hàng vạn du khách bị mắc kẹt trong thành phố du lịch bị ngập lụt này có thêm một phương tiện để di tản.

Quân đội Mexico và các hãng hàng không dân sự đã di tản hơn 5.000 người trong số 40.000 du khách mắc kẹt ở Acapulco trước khi một số con đường được mở lại.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon ngỏ lời chia buồn với dân chúng Mexico và nói rằng Liên Hiệp Quốc sẵn sàng tiếp tay trong công tác cứu trợ.