Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011 by LTSA
Lê Diễn Đức





Buổi biểu diễn "phản biểu tình" dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, chủ nhật 21/8/2011

Tôi trầm mặc sau khi đọc bài “Chân dung một người biểu tình bị bắt” của Vũ Ngọc Tiến (Blog Quê Choa, 24/8) nói về một đại tá công an về hưu tham gia biểu tình. Tôi nghĩ về nhân tình thế thái của cái thời mà các giá trị bị đảo lộn, bị đánh tráo, cái ác lên ngôi. Sự phản bội và bất nhân có mặt khắp nơi, với cả những người đã đổ xương máu và mồ hôi cho Việt Nam thống nhất hôm nay:

“Khoảng 18 giờ 30 ngày 19/8/2011, đang ngồi quán café Nhân ngắm nhìn trời mưa rả rích, tôi nghe được giọng anh qua điện thoại: “Ông đã đọc cái gọi là Thông báo cấm biểu tình của thành phố chưa, thấy thế nào?”. Tôi đáp gọn thỏm: “Đọc rồi. Không chính danh”. Anh đồng tình: “Đúng, danh đã không chính thì ngôn làm sao thuận, nên nó vô giá trị. Chủ nhật tới, dù trời mưa hay nắng tôi vẫn cứ đi, còn ông?”. Cảm động trước tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết của anh, tôi đáp một lèo không hề nghĩ ngợi: “Đi chứ! Là một công dân, tôi có trách nhiệm phải xuống đường, cùng mọi người thề giữ gìn chủ quyền biển đảo. Là thằng nhà văn, tôi có nhu cầu dấn thân vào đời sống xã hội để trang viết khỏi khô cứng, mờ nhạt. Là người ông trong gia đình, tôi không muốn sau này hổ thẹn với cháu nội, cháu ngoại của mình. Đơn giản thế thôi”. Đầu bên kia có tiếng anh cười ngả ngớn như muốn vỡ màng loa: “Nhà văn có khác. Tôi có phải ký giả phương Tây đến phỏng vấn đếch đâu mà ông nói hay như đang nhập đồng ngồi viết thế, haha!…”. Thế đấy, chúng tôi xuống đường bằng nhu cầu tự thân, tuệ giác mẫn tiệp và sự mách bảo của con tim mỗi người, chứ đâu cần ai tổ chức, càng không thể có thế lực thù địch nào lôi kéo, kích động nổi những mẫu người như anh (…)


Tôi nán lại nơi xảy ra biểu tình đến 10 giờ 30, thơ thẩn đi dưới những tán cây cổ thụ ven hồ, bồn chồn nghĩ về anh và hơn bốn chục người bị bắt đưa vào Mỹ Đình. Nhiều người đi biểu tình muộn nhận ra tôi vồ vập hỏi thăm hoặc xin cùng tôi chụp vài pô ảnh làm kỷ niệm. Thật lạ, có người từ Huế hoặc Nghệ An ra, từ Nam Định lên, từ Tuyên Quang xuống, chưa hề gặp mặt mà vẫn biết anh, hỏi thăm anh qua tôi và nói những lời tốt đẹp về anh – một Đại tá công an nghỉ hưu đi biểu tình, bị bắt lúc 9 giờ 12 ngày 21/8/2011”…

Một chính quyền thực sự do dân, vì dân, hiển nhiên sẽ tỏ thiện chí, thậm chí tạo điều kiện cho các cuộc xuống đường yêu nước, làm nên một nét sinh hoạt văn hoá sống động giữa thủ đô Ngàn năm Thăng Long, khi mỗi sáng chủ nhật có những dòng người trong trật tự, đi bên nhau cỗ vũ tinh thần bảo vệ Tổ quốc trước hiểm họa ngoại xâm.

Nhưng vì không công minh, chính đại nên chính quyền đã run sợ. Sợ Trung Nam Hải khiển trách không làm tròn bổn phận “định hướng dư luận”. Sợ bị ai đó lợi dụng, xúi dục, lật đổ, bởi vì xã hội đang có quá nhiều nguy cơ bùng nổ bởi bất công và quốc nạn tham nhũng làm xói mòn đất nước. Nhưng “ai đó” là ai, thế lực nào? Tên gọi, hình thù ra sao, thì không chỉ ra được. Kẻ dối trá thường phải sống với suy tưởng bất an, phi thực tế. Các chế độ độc tài toàn trị luôn luôn cần có kẻ thù, và nếu không có, sẽ tạo ra kẻ thù.


Và em tôi đã bật khóc khi nhìn mọi người bị bắt lên xe buýt! Hà Nội cũng khóc!



Tôi không biết cô gái tên gì. Nước mắt xót xa, cay đắng trên khuôn mặt em là hình ảnh của thân phận bất hạnh và bất lực trước bạo quyền, làm rỉ máu lương tâm của tất cả những ai còn gắn bó với quê hương Việt Nam.

Những ngày tiếp theo, thao thức, ưu tư, có lúc mệt mỏi, bi quan, vì vẫn còn nhiều người bị giam giữ. Tôi đã biết cảnh tù đày, nên thương và lo lắng cho họ, những người vô tội mà tự dưng phải chịu cảnh giam cầm, đày đoạ, và vì chưa quen gian khổ rất có thể ai đó sẽ chùn lòng, đánh mất chính mình.

Cùng với tâm trạng buồn của tôi, chưa bao giờ trong cùng một thời gian có những bài viết của bạn bè mình buồn đến thế về Hà Nội. Hà Nội mùa Thu!

Nguyễn Hùng của BBC Việt ngữ, trong bài “Hà Nội: Biểu tình và những giọt nước mắt”, 23/8, viết:

“Cuộc biểu tình lần thứ 11 đã qua đi, đọng lại là hình ảnh những an ninh không đồng phục tung hoành ngang dọc giữa những người biểu tình mà hiện vẫn có người đang bị giam giữ và những giọt nước mắt bất lực của những cô gái trẻ. Người ta đã nhại cả những câu thơ đẹp đẽ để ghi lại những sự cố ở Hà Nội trong mùa hè 2011:

Những bàn chân dẫm xuống mặt dân
Những đôi mắt ếch nhìn đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này!”

Đoan Trang, cô gái sinh ra và lớn lên từ Hà Nội, tâm tình trong “Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi”:

“Thành phố ấy, bây giờ không còn là của tôi nữa. Nó giống như là cõi riêng của những kẻ vô học tay đeo băng đỏ, miệng chỉ chực phồng lên thổi còi “quen quét”; của những nhân viên an ninh, công an, đồng phục và thường phục, ngút ngàn tự tin; của những nhân vật mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, mặt trơ trán bóng, bụng tích dần lớp mỡ dày”…

“Trong cái cõi ấy, họ có toàn quyền làm điều gì họ thích. Họ có thể bỏ vài chục tấm biển “cấm tụ tập đông người” vào trong thùng xe, lượn phố, rồi thích thì thả biển xuống vườn hoa, công viên, hồ nước, chân tượng đài Lý Thái Tổ. Họ có thể thộp ngực, xốc nách, xách tay những thanh niên không tấc sắt lên xe buýt, “hốt về bót”, mà miệng vẫn leo lẻo: “Đây là chúng tôi mời, không phải bắt”. Trời đất ạ, trong chúng ta, có ai mời người khác đi đâu bằng cách ấy bao giờ chưa?”

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) với bài “Viết cho mùa thu”:

“Những ngày cuối cùng của tháng Tám sắp đi qua, và Hà Nội đang vào thu (…) Mùa thu Hà Nội thường đọng lại trong tôi rất nhiều ký ức đẹp, nhưng có lẽ hôm nay ký ức đó không những đẹp mà còn buồn. Bởi hai người chị, và người bạn của tôi vẫn còn đang bị giam giữ vì bày tỏ lòng yêu nước của mình "không đúng cách". Viết cho mùa thu năm nay, không mong gì hơn ngoài sự bình an, vững vàng và tinh thần kiên định của chị Hằng, chị Phượng và Dũng”.

Lời kết

Hà Nội khóc! Em tôi đã khóc! Nhưng Hà Nội cũng sẽ “không tin vào những giọt nước mắt”!

Vì Hà Nội còn nhiều, rất nhiều người yêu nước kiên định và hết mực thuỷ chung với bè bạn. Vẫn còn Kim Tiến ở tuổi đôi mươi viết trên trang Facebook: “Lúc nào cũng phải cười trên nỗi buồn… hé hé… tội gì khóc cho tụi nó vui… hờ hờ...”. Vẫn còn Blogger Người Buôn Gió hay Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện bất chấp những hệ luỵ lò mò tới đồn công an, hay vào tận trại giam tìm cách tiếp tế đồ ăn cho những người bị bắt. Và nhiều người bạn khác nữa. Họ đã đến cổng nhà tù Hoả Lò hôm trước chờ tới đêm, không thấy, rồi săn tin, và tới nữa. Chị Hằng, chị Bích và cậu Dũng được trả tự do vào chiều tối ngày 25 tháng 8, trong những vòng tay ôm xiết chặt, trong nụ cười…


Bè bạn bên nhau tối 25/8 trước nhà tù Hoả Lò- Ảnh: Lee Nguyễn

Và trong cả nước mắt!

Em tôi lại khóc! Chị tôi khóc. Và Hà Nội khóc!

Vì niềm vui lại được bên nhau. Những người bạn không bỏ rơi mình trong hoạn nạn!

Tôi muốn lấy “Khúc không đề mùa thu” (trên trang Bauxite Việt Nam) của nhà giáo già Phạm Toàn sau khi đọc bài “Viết cho mùa thu” của Mẹ Nấm, thay cho lời kết:

“Hỡi những người cầm quyền, hãy hình dung Mẹ Nấm và lớp trẻ đó khi họ vẫn còn nhớ tới Tháng tám mùa Thu, và xin hãy đừng để hồn thơ của họ phải kết thúc các bài họ viết như thế này, Tháng Tám mùa Thu – Ngày thật buồn! Các vị sẽ phải chịu trách nhiệm về nỗi buồn của cả một thế hệ!”.

Thưa nhà giáo Phạm Toàn! Vâng, một ngày nào đó lớp trẻ không cần bất cứ bàn tay đạo diễn nào, cũng chẳng cần áo xiêm loè loẹt, hớ hênh, miễn cưỡng, họ sẽ mặc nhiên tự do, vui cười, nhảy múa, hát thật to những bài ca yêu nước với tâm hồn vô tư, trong sáng dưới ánh nắng của Hà Nội mùa Thu tháng Tám.


Hà Nội sẽ được trả về cho chính nó với thơ, ca, nhạc, hoạ, đầy ắp tình người, trong ngào ngạt mùi hương của hoàng lan và hoa sữa.

Và dưới những cây bàng lá đỏ “ai đó chờ ai tóc xoã vai mềm” sẽ tô đậm thêm nét kiêu sa, lãng mạn của Hà Nội mùa Thu! ■


© 2011 Lê Diễn Đức RFA Blog
by LTSA

KÍNH NHỚ HAI THÁNH MONICA VÀ AUGUSTINÔ

Ngày xưa ở xứ Phi Châu
Người Mẹ đau khổ khẩn cầu Chúa thương
Cầu nguyện liên lỉ canh trường
Mười mấy năm lẻ đau thương khổ sầu

Ngày đêm bền chi nguyện cầu
Bởi con đi lạc vào sâu đường tà
Xin Chúa cứu chữa con ra
Người mẹ là Mo-ni-ca hiền từ

Đau khổ vì đứa con hư
Yêu thương con quá đến nhừ người ra
Thế rồi ơn Chúa ban ra
Người con bà đã cải tà quy y

Chẳng còn bướng bình chai lỳ
Cuộc đời thấy lắm diệu kỳ đẩy xô
Anh chàng Au-gus ti nô
Tìm ra "Chân Lí" trầm trồ ngợi ca

Mẹ chàng xưa đã nói qua
Những lời Thiên Chúa ban ra cho đời
Nhưng anh nào có nghe lời
Đi theo tà giào tưởng nơi an bình

Bây giờ thức tỉnh tâm linh
Đến gặp Giám mục tâm tình ra vô
Đức Cha Thánh Ambrosiô
Rửa tội sau đó trầm trồ khen anh

Anh được Thiên Chúa chúc lành
Sau này sẽ được vang danh đất trời
Bao nhiêu giòng lệ đã rơi
Mẹ chàng cảm tạ Chúa Trời cho con

Bao nhiêu năm đã mỏi mòn
Chúa ban nay đã no tròn tâm linh
Đất trời sẽ trổ hoa xinh
Mẹ con thánh hiến đời mình lên Cha

Cùng nhau trở lại quê nhà
Trên đường luôn mãi ngợi ca Chúa Trời
Mẹ con đi đến mỗi nơi
Reo vang Lời Chúa để đời ngợi khen

Lời Ngài sáng tựa ngọn đèn
Sau lên Giám Mục, sang hèn kính yêu
Lời Ngài để lại rất nhiều
Giúp cho đời, đạo những điều thật hay

Giáo hội mừng kính hôm nay
Mẹ ngài mừng kính vào ngày hôm qua
Tình yêu Thiên Chúa bao la
Muôn đời con sẽ ngợi ca Danh Người


Hôm nay kính nhớ khắp nơi
Sáng nay nhìn ngắm bầu trời sáng choang
Mẹ con rực rỡ huy hoàng
Chúa ban "Hai Thánh" vinh quanh một nhà.

Thanh Sơn 28.08.2010

kính nhớ 2 Thánh Monica ngày 27.08 và Augustino.
ngày 28.08 hằng năm
(Thánh Monica là mẹ của Thánh Austinô)
Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011 by LTSA

VINH 20-8 (TH) - Một công nhân từng thi rớt trung học phổ thông, không hề nộp đơn xin học và cũng không từng dự thi vào một số trường đại học và cao đẳng, nhưng vẫn nhận được giấy báo “trúng tuyển” và giục đóng tiền.



Theo bản tin báo Ðất Việt hôm Thứ Năm vừa qua, “Hồ Kim Tiến ở Thôn 2, Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh chưa tốt nghiệp THPT, không nộp đơn dự thi bất kì trường đại học, cao đẳng nào vẫn nhận được 2 giấy báo trúng tuyển vào cao đẳng”.



Trượt cấp 3 vẫn đỗ cao đẳng



Tờ Ðất Việt kể cho hay, theo nội dung giấy báo nhập học gửi Hồ Kim Tiến, trường Ðại Học Ðiện Lực và trường Cao Ðẳng Công Nghệ và Kinh Tế Kỹ Thuật Công Nghiệp (thuộc Bộ Công Thương) “triệu tập em Tiến nhập học hệ cao đẳng nghề chính quy”.



Nguồn tin cho biết, “giấy báo nhập học do Ðại Học Ðiện Lực gửi cho em Tiến có thông báo ngày 18, 19 tháng 8 nhà trường sẽ làm thủ tục nhập học tại số 1 ngõ 9 đường Minh Khai, thành phố Vinh, Nghệ An. Giấy báo nhập học do phó giáo sư, tiến sĩ Ðàm Xuân Hiệp ký, đóng dấu và tổng số tiền phải đóng khi nhập học là 3,879,000 đồng”.



Trong giấy báo ghi rõ “phải đóng thêm tiền đặt cọc 500,000 để đền bù nếu làm hư hỏng tài sản, và cam kết không bỏ học giữa chừng. Nhà trường sẽ hoàn trả lại khi học sinh ra trường, đối với học sinh thôi học giữa chừng sẽ không được trả lại”.



Ðồng thời, Hồ Kim Tiến “còn nhận được giấy nhập học của trường Cao Ðẳng Công Nghệ & Kinh Tế Kỹ Thuật Công Nghiệp (thuộc Bộ Công Thương) do phó hiệu trưởng Th.S. Ðặng Văn Cừ ký, đến ngày 18, 19 tháng 8, có mặt tại số 255 đường Phong Ðình Cảng, thành phố Vinh, Nghệ An để làm thủ tục nhập học.



Giấy báo nhập học này cũng ghi rõ, khi đến nhập học thí sinh phải mang theo 1,980,000 đồng bao gồm 5 tháng học phí, và tiền hỗ trợ kinh phí đào tạo mỗi tháng 100,000 đồng.”



Thí sinh bất ngờ, nhà trường nhận sai



Báo Ðất Việt nói “Em Hồ Kim Tiến cho biết rất bất ngờ khi nhận được giấy báo trúng tuyển của Ðại Học Ðiện Lực (hệ cao đẳng nghề chính quy) vì em không hề nộp hồ sơ vào trường này”.



Ðược biết, “Tiến sinh ngày 02 tháng 12, 1990 và hiện chưa tốt nghiệp THPT. Năm 2008 Tiến không đỗ tốt nghiệp cấp THPT và hiện vẫn chưa thi lại tốt nghiệp. Hiện Tiến đang đi làm công nhân phổ thông. Do cuộc sống lao động vất vả nên Tiến nghĩ phải kiếm cho mình một nghề để học và phát triển trong tương lai. Vì vậy em đã đăng ký học trung cấp điện tại trường CÐ Công Nghệ & Kỹ Thuật Công Nghiệp”.



Cá nhân Tiến rất bất ngờ vì chỉ nộp đơn xin học hệ trung cấp nhưng lại được tới 2 giấy gọi nhập học hệ cao đẳng. Bên cạnh đó, Tiến xin học tại Hà Tĩnh để tiết kiệm chi phí nhưng lại được thông báo ra học tại thành phố Vinh, Nghệ An để học tập.



Theo Ðất Việt, ông Bùi Ðức Hiền, trưởng phòng đào tạo ÐH Ðiện Lực cho biết, “Hiện tại nhà trường đã nắm được thông tin do báo chí phản ánh và cho rằng đơn vị đào tạo liên kết với trường ÐH Ðiện Lực tại TP. Vinh, Nghệ An đã làm sai quy chế”.



Không thấy ông Hiền giải thích vì sao lại có trường hợp người ta không xin học, không thi, lại vẫn nhận được giấy báo “trúng tuyển”. Bản tin của báo Ðất Việt chỉ nói “Theo lãnh đạo ÐH Ðiện Lực, đối với trường hợp của em Hồ Kim Tiến, nhà trường sẽ liên lạc để giải thích cho em hiểu và khi em đem hồ sơ đến nộp nhà trường sẽ kiên quyết không nhận”.



Ðây không phải là trường hợp duy nhất xảy ra tình trạng không thi mà trúng tuyển. Báo Ðất Việt nói “Trước đó, Bộ GD-ÐT đã có văn bản cấm các trường đại học, cao đẳng gửi giấy báo bừa bãi. Ðể tránh tình trạng ‘loạn’ giấy báo trúng tuyển, một thí sinh nhận được 15-20 giấy báo trúng tuyển như báo chí đã thông tin trong các mùa tuyển sinh 2010. Bộ yêu cầu, năm nay, các trường đại học, cao đẳng không được gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.”



Vậy mà vẫn xảy ra.



Báo Ðất Việt còn thêm “Xiết chặt hơn nữa vấn đề này, bộ có thêm quy định hình thức kỷ luật cán bộ tuyển sinh vi phạm quy chế là: Cảnh cáo đối với những người gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường hoặc thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh không đúng thời gian quy định”.



Lãnh đạo Bộ GD&ÐT cho biết: “Tuyển sinh 2011, bộ tăng cường xiết chặt kỷ luật thi cử, bất cứ cán bộ nào vi phạm cũng sẽ chịu kỷ luật nghiêm khắc”.