Việt Nam lại ngoa ngôn về tình hình kinh tế
Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtHÀ NỘI (NV) - Trong thông báo về tình hình kinh tế-xã hội của tháng 9 và chín tháng đầu năm 2013, chính phủ Việt Nam nhận định, kinh tế “chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện.”
Tuyên bố này được xem là ngoa ngôn bởi Việt Nam đang vừa bội chi, vừa thất thu nghiêm trọng về ngân sách. Chín tháng đầu 2013, bội chi đã lên tới 140 ngàn tỉ. Trong khi chính quyền các địa phương thú nhận, năm nay, ngân sách sẽ thất thu từ hàng trăm tỉ đến hàng chục ngàn tỉ.
Người thất nghiệp làm thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm giới thiệu việc làm ở Sài Gòn. Từ năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp năm sau cao gấp đôi năm trước nhưng chính phủ Việt Nam vẫn khẳng định kinh tế đang “chuyển biến tích cực.” (Hình: Doanh Nhân Sài Gòn)
Cũng từ thông báo vừa kể, Doanh Nhân Sài Gòn, một tờ báo của doanh giới Sài Gòn nêu thắc mắc qua bài: “Kinh tế ‘khỏe’ hơn, thật không?”
Trong khi chính phủ Việt Nam cho biết, tăng trưởng GDP của quý 3 cao hơn quý 2 và cao hơn cùng kỳ năm trước, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong vòng bốn năm qua, xuất cảng tăng so với cùng kỳ năm 2012, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng,... thì tờ Doanh Nhân Sài Gòn nhận định, “thực tế không sáng như những gì được vẽ ra trong 'bức tranh' kinh tế.”
Tờ báo này sử dụng các số liệu do chính Tổng Cục Thuế cung cấp để chứng minh “bức tranh kinh tế không sáng.” Theo đó, thu ngân sách trong chín tháng vừa qua chỉ được 67.7% so với dự thu cả năm 2013. Nếu cứ như thế này, năm nay, thuế thu cho ngân sách sẽ không đạt yêu cầu và cũng khó mà đạt yêu cầu khi ngành thuế còn phải thu 208 ngàn tỉ trong vòng ba tháng cuối năm.
Hồi giữa năm nay, viên bộ trưởng Tài Chính Việt Nam đã từng phỏng đoán, khoản thuế thu cho ngân sách của cả năm sẽ hụt khoảng 60,000 tỉ đồng.
Cũng theo tờ Doanh Nhân Sài Gòn, nguồn thu từ thuế của Việt Nam nếu có cải thiện (vượt mức dự kiến 4% giống năm ngoái) là nhờ bán tài nguyên (dầu khí và tiền sử dụng đất) chứ không phải nhờ “tích lũy từ bản thân nền kinh tế.”
Tờ Doanh Nhân Sài Gòn còn dẫn chuyện thất nghiệp để chỉ trích lối thống kê bất chấp thực tế. Chẳng hạn, Tổng Cục Thống Kê loan báo, tính đến tháng tháng 6 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam chỉ có 2.28%.
Ông Trần Ðình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế, khẳng định, số người thất nghiệp trong hai năm rưỡi qua phải là hàng triệu vì từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2013 có khoảng 135,000 doanh nghiệp ngưng hoạt động và khoảng 450,000 doanh nghiệp đang hoạt động phải giảm 30% công suất. Ông Thiên tin là ít nhất cũng có 5.5 triệu người thất nghiệp do suy thoái kinh tế.
Trong bài đã dẫn, tờ Doanh Nhân Sài Gòn nêu thắc mắc: “Thất nghiệp là con số rất thực để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế nhưng nó đã bị biến thành số ảo, vậy đâu mới là những con số thực.”
Ở Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu, diễn ra hồi cuối tháng 9 tại Huế, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) trình bày một tham luận có tên “Khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng.” Theo đó, kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng thấp nhất kể từ khi bắt đầu “đổi mới” và gần như tương đương thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính khu vực 1997-1998.
FETP nhận định, nguyên nhân của thực trạng này một phần có liên quan đến những trục trặc của các nền kinh tế ở Liên Hiệp Châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên lý do chính khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại là vì ba trong bốn động cơ của cỗ máy tăng trưởng kinh tế đang trục trặc.
Bốn động cơ tăng trưởng này là khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khu vực tư nhân trong nước, nông nghiệp, và khu vực FDI... Cho đến nay, chỉ có khu vực FDI tiếp tục có kết quả tốt và chủ yếu là vì các doanh nghiệp FDI không lệ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thể chế trong nước, đồng thời đang được hưởng lợi từ việc các ngành thâm dụng lao động bắt đầu dời khỏi Trung Quốc do tiền lương ở Trung Quốc tăng cao.
Cũng vào cuối tháng trước, tại cuộc hội thảo “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội năm năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược,” diễn ra ở Hà Nội, ông Vũ Khoan, cựu phó thủ tướng Việt Nam, nhận định: Kinh tế Việt Nam suy thoái không phải do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu mà là vì những sai lầm chủ quan, dẫn tới bất ổn về vĩ mô.
Trong cuộc hội thảo vừa kể, tất cả các chuyên gia kinh tế đều tỏ ra bi quan về tương lai của kinh tế Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng Việt Nam, thú nhận, kinh tế Việt Nam sẽ không đạt được nhiều mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Ông Khoan thừa nhận tác động của ngoại cảnh nhưng khẳng định, những gì kinh tế Việt Nam đang đối diện chủ yếu là do chính Việt Nam. Theo ông Khoan, nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng “đâu đến nỗi như Việt Nam.” Cựu phó thủ tướng Việt Nam nhận xét, thừa nhận Việt Nam tụt hậu nhưng lại giải thích tất cả đều do bên ngoài thì rất... buồn cười. (G.Ð)
Nguồn: Người Việt