Phỏng vấn đại sứ Pháp về hồi ký « La Marseillaise của Tướng Giáp »

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt




RFI  - « Bài La Marseillaise của Tướng Giáp », đó là tựa cuốn hồi ký của ông Claude Blanchemaison về thời kỳ ông làm đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, từ 1989 đến 1995. Cuốn sách ra mắt bạn đọc trong những ngày tới. Vào đúng ngày Việt Nam tổ chức quốc tang cho Tướng Giáp, RFI phỏng vấn cựu đại sứ Pháp.




- Chào ông Blanchemasion, ông đã từng là đại sứ Pháp tại Việt Nam và là tác giả cuốn Hồi ký nói về Tướng Giáp, tựa đề « Bài La Marsaillaise của tướng Giáp ». Ông viết là ông có ấn tượng mạnh trong lần đầu gặp Tướng Giáp ? Phải chăng bởi vì đó là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, một nhà quân sự tài ba ?

Vâng đó là một nhân vật thần bí của thế kỷ XX và ông vừa mới qua đời cách nay vài ngày. Riêng mình ông đã viết lên nhiều chương sử. Ông là hiện thân cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất Việt Nam.

Tôi đến Việt Nam đảm nhiệm chức đại sứ Pháp vào tháng Ba 1989. Tướng Giáp lúc đó là Phó Thủ tướng và tôi đã nhanh chóng gặp ông, bởi vì tôi tới gặp các thành viên của chính phủ Việt Nam. Đúng là khi thấy tôi tương đối xúc động, Tướng Giáp đã tìm cách làm cho tôi thoải mái. Ông nói tiếng Pháp một cách hoàn hảo. Ông nói đến Victor Hugo, các nhà văn cổ điển Pháp. Ông cũng tìm cách tỏ ra thân mật, dễ gần. Ông muốn thể hiện tinh thần cởi mở. Đó là thời kỳ chính phủ Việt Nam tiến hành « đổi mới », mở cửa về kinh tế. Ông mong muốn các doanh nghiệp Châu Âu, nhất là Pháp, tới Việt Nam.

- Lúc đó, Tướng Giáp có nói gì về chiến lược quân sự, về vai trò của ông với tư cách là một chiến binh ?

Có chứ, nhưng không phải trong lần gặp đầu tiên. Tôi đã gặp Tướng Giáp nhiều lần trong 4 năm là đại sứ tại Việt Nam, bởi vì tôi đi cùng với nhiều nhiều chính trị gia, nhà báo đến gặp ông. Và đúng là khi được hỏi về trận Điện Biên Phủ, Tướng Giáp nói rằng, thực ra, kế hoạch quân sự của Tướng Navarre tương đối tốt, bởi vì, kế hoạch này giống như con nhím, có hỏa lực rất mạnh và nếu như đối phương mở các đợt tấn công ồ ạt, liên tục, có phần nào theo như lời khuyên của một số cố vấn quân sự Trung Quốc, như đã từng làm tại Triều Tiên, chắc chắn là đối phương sẽ bị nghiền nát tại Điện Biên Phủ.

Thế nhưng, Tướng Giáp áp dụng một chiến thuật hơi khác một chút, chiến thuật dùng giao thông hào, đường hầm để tiếp cận và đương nhiên, kết hợp với việc dùng hỏa lực pháo binh. Việc sử dụng pháo binh gây ngạc nhiên, vì ông đã thành công trong việc đưa các khẩu pháo, do Trung Quốc sản xuất, lên các đỉnh núi vây quanh Điện Biên Phủ.

- Tướng Giáp được tôn kính tại Việt Nam và kẻ thù kính nể, vì đó là một thiên tài quân sự. Nhưng sau sự nghiệp quân sự, Tướng Giáp chưa bao giờ là chính trị gia hàng đầu tại Việt Nam. Tại sao lại như vậy ?

Ông đúng là một thiên tài quân sự và tôi xin nói thêm là Tướng Giáp không hề theo học một trường đào tạo quân sự nào cả. Ông đọc rất nhiều, biết rất rõ các chiến dịch quân sự của Napoléon mà ông gọi là Bonaparte. Ông cũng đọc Clovis và đương nhiên là sách của các chiến lược gia Trung Hoa. Ông biết rõ lịch sử quan hệ Trung-Việt.

Khi tôi gặp Tướng Giáp vào năm 1989, ông là Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật. Như vậy, ông có một vai trò lãnh đạo. Lúc đó, ông không còn là ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1982, ông không được bầu lại, nhưng ông vẫn là thành viên Chính phủ, giữ chức Phó Thủ tướng cho đến cuối năm 1991. Như vậy, trong hai năm đầu nhiệm kỳ của tôi, Tướng Giáp vẫn có vai trò chính trị, nhưng không phải trong nhóm lãnh đạo cao nhất, không phải là ủy viên Bộ Chính trị.

Vậy tại sao ông không có vị trí cao hơn trong chính quyền ? Trước hết, ông đã cao tuổi. Khi tôi gặp ông lần đầu, ông vẫn còn sắc sảo nhưng đã 78 tuổi. Mặt khác, cũng có những phe phái khác nhau trong chính quyền và phe mạnh hơn đã gạt ông ra khỏi trung tâm quyền lực.

- Nhưng phải chăng Tướng Giáp vẫn có một vai trò quan trọng, ở hậu trường, ông đã có một số chuyến công du nước ngoài để phục vụ chế độ ?

Đương nhiên, ông vẫn có vai trò quan trọng. Ông đã gặp rất nhiều khách quốc tế. Ngay cả sau này, khi tôi rời Việt Nam vào năm 1995, Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Năm 1995, Tướng Giáp đã tiếp McNamara. Ông này tới Việt Nam để thảo luận với Tướng Giáp một số chi tiết cụ thể trong lịch sử chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

- Sách của ông có tựa : Bài ca La Marseillaise của Tướng Giáp, phần nào có vẻ mang tính khiêu khích và gắn liền với một sự kiện xẩy ra ít lâu, sau khi ông đến làm đại sứ : Đó là lễ kỷ niệm 200 năm cuộc Cách mạng Pháp, 14/07/1989 ?

Đúng vậy, 14/07/1989. Đương nhiên, tất cả các sứ quán Pháp ở nước ngoài đều tổ chức nhiều hoạt động để chào mừng ngày Quốc khánh và đặc biệt là kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp.

Vài giờ trước khi tiếp khách tại sứ quán Pháp, tôi nhận được điện thoại từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho tôi biết và làm tôi ngạc nhiên, là Tướng Giáp – Phó Thủ tướng - đã quyết định đến dự lễ Quốc khánh. Đương nhiên, ông được mời vì ông là thành viên Chính phủ. Ông đã tới sứ quán vào khoảng sáu giờ tối, trên chiếc xe Volga mầu đen. Ông mặc dân sự. Đây là điều không bình thường bởi vì người ta thường thấy ông trong bộ quân phục. Ông cùng phu nhân đến sứ quán Pháp. Tôi đã tiếp Tướng Giáp trong nhà riêng của đại sứ. Ông nói đến các nhà văn Pháp, hỏi mượn một vài quyển sách. Ông cho biết là khó có được các sách mới. Thế rồi, chúng tôi ra khu vườn của sứ quán, nơi có các khách mời khác, gần 2000 người, dưới cái nóng của mùa hè.

Theo thông lệ, quốc ca hai nước nổi lên. Lúc đó, Tướng Giáp nói khẽ với tôi là ông rất thích bài La Marsaillaise, vì đó là một bài ca cách mạng. Sau đó, quả thực là tôi nghe thấy ông hát phần điệp khúc của bài La Marseillaise. Đó là điều ngạc nhiên.

Filed under: