Tệ buôn bán ngược đãi lao động trên các các tàu cá Thái Lan
Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Arnaud Dubus
Vấn đề các chủ tàu cá Thái Lan ngược đãi nhân công như nô lệ không phải là mới, nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng tố cáo việc này, đặc biệt có Tổ chức Lao động Quốc tế đóng trụ sở tại Genève. Nhiều người Miến Điện và cả Cam Bốt bị cưỡng bức lao động không được trả lương trên các tàu đánh cá Thái Lan đã được báo chí loan tải rộng rãi. Chính phủ Thái Lan cũng đang phải vất vả chống lại hiện tượng bóc lột nhân công lan tràn như vậy .
Thông tín viên của RFI trong khu vực Đông Nam Á Arnaud Dubus tường trình về vấn đề này:
Tình trạng buôn bán và bóc lột lao động trên các thuyền đánh cá Thái Lan được tổ chức như thế nào ?
Do nền kinh tế Thái Lan phát triển nhanh trong 25 năm qua, nhân lực lao động trong nước không đủ cung cấp cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, trong đó đặc biệt là lĩnh vực đánh bắt cá. Bởi vậy mà Vương quốc này buộc phải sử dụng nguồn nhân lực nhập cư đến từ Cam Bốt và nhất là Miến Điện. Hơn nữa, ngày càng có ít người Thái Lan muốn làm những nghề nặng nhọc, nguy hiểm như nghề đánh bắt cá chẳng hạn.
Và thế là các mạng lưới buôn lao động được hình thành nhằm thỏa mãn nhu cầu trên. Các tay môi giới lao động là người Miến Điện, đôi khi là người Thái đã tổ chức nhập cư lậu cho những người Miến Điện muốn đến Thái Lan làm việc. Những người này phải một khoản tiền vài nghìn euro để được sang Thái Lan. Sau đó họ bị đem « bán » lại cho các ông chủ tàu cá Thái với giá vài trăm euro mỗi người. Từ đó họ bị rơi vào một cái bẫy mà không biết, vì một khi đã lên tàu cá làm việc, người ta nói với họ rằng trước hết phải làm việc để để trả nợ khoản tiền mua chỗ làm.
Thường thì những lao động đó bị bán đi bán lại qua nhiều tàu cá khác nhau và không biết đến bao giờ mới trả hết nợ. Tình trạng của những lao động này cũng rất khác nhau. Có người Miến Điện cũng kiếm được chút ít tiền, nhưng cũng có người chẳng kiếm được gì. Nhưng có một điểm chung đó là tất cả đều phải lao động rất cực nhọc trong một thời gian dài để trả cho những khoản nợ không hề có. Đã thế, họ còn thường xuyên bị đe dọa, đánh đập bởi các trưởng tàu cá.
Chính quyền Thái Lan có cố gắng gì để đấu tranh chống lại tệ buôn người này và kết quả đạt được là như thế nào ?
Từ nhiều năm qua, Thái Lan vẫn là nước nằm trong tầm giám sát của Hoa Kỳ về tệ buôn bán người. Nếu như tệ nạn này tiếp diễn, kết quả có thể là Thái Lan sẽ phải chịu những hình thức trừng phạt về kinh tế. Chính phủ Thái ý thức được khả năng này nên cũng cố gắng hạn chế tệ buôn người diễn ra trên lãnh thổ của họ. Vấn đề là ở chỗ, chính phủ thường can thiệp muộn và đặc biệt là tệ tham nhũng lan tràn khắp trong ngành cảnh sát cũng như chính quyền địa phương lại đã tạo điều kiện cho tệ buôn người vẫn tồn tại.
Rõ ràng là từ một năm trở lại đây, chính quyền Thái đã có nhiều cố gắng như liên tục tiến hành các chiến dịch truy quét các tàu chở người nhập cư lậu với sự giúp đỡ của hải quân. Tuy nhiên ngoài các chiến dịch được báo chí đưa tin rầm rộ đó thì lại có rất ít các biện pháp pháp lý để xử lý những kẻ buôn người. Điều này cho thấy sự thiếu vắng quyết tâm chính trị. Trung bình mỗi năm vẫn có khoảng hai chục trường hợp tổ chức buôn người bị đưa ra xét xử ở tòa án Thái Lan.
Có nhiều người Rohingya theo Hồi giáo sống ở phía tây Miến Điện đã chạy trốn khỏi các vụ bạo lực xung đột tôn giáo. Những người Rohingya này có bị rơi vào bẫy của những kẻ buôn người nói trên không ?
Tất nhiên là có. Hiện tượng này đã xuất hiệnồ ạt từ hồi tháng Sáu năm 2012, khi bắt đầu xảy ra những vụ đụng độ giữa cộgn đồng người theo đạo Phật và người theo đạo Hồi ở miền tây Miến Điện. Nhìn chung, người Rohingya phải trả tiền cho những kẻ đưa người để đến được bến đỗ là Malaysia hay Indonesia. Nhưng thường thì giữa đường đi họ lại bị rơi vào tay những kẻ buôn người Thái Lan để rồi sau đó họ lại bị bán cho các tàu cá hay thậm chí phải trả tiền để có thể tiếp tục hành trình như đã định. Đã có phát hiện cho thấy không chỉ cảnh sát mà cả quân đội Thái Lan cũng dính líu vào tệ buôn người.
Trước những tệ nạn như vậy, những nước nhập khẩu hải sản từ các tàu cá sử dụng người như nô lệ có phản ứng gì không ?
Tất nhiên là có, nhiều chính phủ châu Âu và Hoa Kỳ rất quan tâm đến việc này. Vấn đề ở chỗ là thực sự không thể biết được đâu là những lô hàng tôm cá hay mực đá đánh bắt lên được từ những ngư dân nô lệ kia. Người ta không thể phân biệt được đâu là sản phẩm đánh bắt trong điều kiện bình thường, đâu là sản phẩm đánh bắt trong điều kiệm vi phạm nhân quyền. Chính vì lẽ đó mà hành động của chính quyền Thái, trong đó đặc biệt là của cảnh sát và quân đội, mới mang tính quyết định để có thể giảm bớt được hiện tượng nô lệ thời hiện đại này.
Nguồn: Rfi
Nguồn: Rfi