Dù bị phản đối, Việt Nam 'kiên quyết' làm điện hạt nhân
Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtHÀ NỘI (NV) .- Có những dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam không thay đổi chủ trương tiến hành xây dựng điện hạt nhân bất chấp người dân và giới chuyên viên phản đối mạnh mẽ.
Thảm họa điện hạt nhân ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Nga, Mỹ mà đặc biệt thảm họa ở nhà máy Fukushima Tháng Ba 2011 vẫn không làm họ chùn chân. Trong khi đó, các chính phủ có các công ty kỹ nghệ điện hạt nhân thì háo hức cạnh tranh nhau để chia xẻ miếng bánh trị giá $50 tỉ đô la của chương trình xây dựng năng lượng hạt nhân dân dụng tại Việt Nam, từ nay đến năm 2030.
Tuần trước, người ta thấy Việt Nam và Hoa Kỳ ký thỏa hiệp cho phép các công ty Mỹ tham dự các chương trình xây dựng điện hạt nhân tại Việt Nam. Sau khi tổng thống Obama và các giới chức chính phủ trong ngành năng lượng ký thỏa hiệp gọi tắt là “Thỏa hiệp 123”, Quốc hội Hoa Kỳ có 90 ngày để hoặc chống đối hoặc để yên cho nó có hiệu lực.
Đối diện với tình trạng thiếu điện thường xuyên suốt nhiều năm qua, một phần vì thiếu tiền đầu tư, một phần vì giá bán điện khá thấp, Hà Nội lập kế hoạch xây dựng 7 nhà máy điện hạt nhân trong những năm sắp tới.
“Việt Nam có thị trường điện hạt nhân lớn nhất chỉ sau Trung Quốc tại khu vực phía đông Á châu, nay thì các công ty của chúng ta có cơ hội cạnh tranh.” Ngoại trưởng John Kerry phát biểu ở thủ đô Brunei khi ký với thủ tướng CSVN bản thỏa hiệp hợp tác năng lượng hạt nhân dân dụng.
Tuy nhiên, có những trở ngại nhìn thấy trước mặt. Kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam dự trù khởi công năm 2014 đang bị đẩy lùi xuống năm 2017, theo lời ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An Toàn Bức Xạ Nguyên Tử của Việt Nam nói gần đây trong một cuộc phỏng vấn.
Những mối ưu tư về thảm họa điện hạt nhân như ở Nhật Bản cũng là những ám ảnh. Toàn bộ hệ thống các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản đã được lệnh tạm đóng cửa sau khi sóng thần đã làm cho nhà máy điện nguyên tử Fukushima Dai-ichi tan chảy.
Một cuộc nghiên cứu hồi năm 2011 của một số viện nghiên cứu tại nước Ý nhận định là những dữ kiện lịch sử có từ trước cho thấy vùng bờ biển Việt Nam có nguy cơ lớn bị tác động bởi sóng thần gây ra bởi trận động đất lớn từ phía đông Biển Đông. Bản đồ nghiên cứu giả định sóng thần và động đất của những tổ chức đó cho rằng tỉnh Ninh Thuận, nơi đang được chuẩn bị xây dựng một số nhà máy điện hạt nhân và một số tỉnh dọc biển lân cận, là những nơi chịu tác động nhiều nhất của sóng thần nếu xảy ra.
Tuy vậy, ông Tấn vẫn quả quyết an toàn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam khi quyết định xây dựng các nhà máy điện hạt nhân theo đúng tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Theo bài phân tích của hãng thông tấn AP, một trong những lý do Hà Nội không chùn bước trong kế hoạch nói trên là vì nhà cầm quyền CSVN có thói quen khi đã quyết định thì làm, chẳng bận tâm bao nhiêu đối với dư luận quần chúng.
Trước đây, từ xây dựng thủy điện ở vùng nguy cơ động đất cao, xây dựng xưởng lọc dầu rất xa các thị trường tiêu thụ, lập nhà máy khai thác bauxite ở Tây nguyên, họ đều bị dư luận gồm cả các trí thức, chuyên gia khuyên can không nên thực hiện với những lý lẽ hết sức hợp lý, cả về kinh tế cũng như khoa học kỹ thuật, cũng đều bị nhà nước bỏ ngoài tai.
Đến xây dựng điện hạt nhân, nhiều chuyên gia trong ngoài nước đều nêu các lý do an toàn, sự tốn kém vượt xa các nhà máy nhiệt điện, để khuyến cáo nhưng cũng đều bị bỏ ngoài tai. Thế giới đang theo nhau dẹp dần các nhà máy điện hạt nhân vì thấy lợi bất cập hại thì chế độ Hà Nội nhất quyết lao đầu đi tới.
“Chúng tôi cần có các nhà máy điện hạt nhân để bảo đảm sự cung cấp điện năng cho đất nước”, ông Vương Hữu Tấn nói. “Các nguồn năng lượng khác không đủ xài”.
Như trên đã trình bày, giới chuyên viên điện năng đã chỉ ra với các con số cụ thể chứng minh rằng bỏ tiền ra xây dựng nhiệt điện vừa ít tốn kém hơn, vừa nhanh hơn, vừa ít nguy hiểm hơn mà tại sao không làm?
Ngược lại với cách điều hành đất nước độc đảng tại Việt Nam, các nước khác trong khu vực như Phi Luật Tân, Malaysia, Indonesia khi đưa ra các chương trình xây dựng điện hạt nhân đều bị dân chúng nước họ biểu tình chống lại, theo nhận xét của ông Kevin Punzalan, nhà nghiên cứu tại đại học De LaSalle College ở thành phố St. Benilde, Phi Luật Tân.
Việt Nam rất cần thêm điện để thỏa mãn nhu cầu, điều này có thể nhìn thấy qua thực tế vì hệ thống các nhà máy thủy điện và các nhà máy nhiệt điện chạy than hay chạy bằng khí đốt hiện không đủ xài. Thủy điện thì tới mùa khô là cạn nước chạy máy, chỉ vận hành cầm chừng. Các mỏ than trong nước thì ngày một hết dần trong khi chúng còn bị đám “kẻ xấu” bán lậu sang Trung quốc.
Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ước tính nhu cầu điện năng tại Việt Nam gia tăng 14% một năm cho đến năm 1015 rồi sau đó giảm xuống còn 11% cho đến năm 2020. Giới trung lưu tại Việt Nam càng ngày càng có khả năng chi trả phí tổn điện năng cho máy lạnh và các trang bị , đồ dùng chạy điện khác cho tiện nghi cuộc sống hàng ngày, kích thích nhu cầu điện gia tăng.
Năm 2011, nhà cầm quyền trung ương đưa ra kế hoạch gia tăng sản xuất điện năng đến năm 2030 nhưng giới chuyên viên phân tích cho rằng Hà Nội khó kêu gọi đầu tư từ ngoại quốc vì giá điện bán cho tiêu thụ tại Việt Nam thấp hơn giá điện sản xuất. Hiện nay, lãnh vực cung cấp điện nằm hoàn toàn trong tay đám quốc doanh. Tập đoàn điện lực quốc doanh Việt Nam vận hành không hiệu quả, đầy ngập nợ xấu vì đầu tư vào những ngành đang chết dở, đặc biệt địa ốc.
Dù sao, kế hoạch xây dựng điện hạt nhân vẫn được Hà Nội dấn tới. Theo lời ông Tấn, các sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam đang được đưa sang huấn luyện chuyên môn tại Nga và Nhật để trở thành chuyên viên điện hạt nhân.
Tuy chưa có nhà máy nào được khởi công nhưng như tin tức báo chí, Nga và Nhật hiện đang dẫn đầu các chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, đặt tại tỉnh Ninh Thuận. Các nước khác, Hàn quốc và Hoa Kỳ, bám sát theo sau với những mời chào hứa hẹn tín dụng và chuyển giao kỹ thuật.
Tháng Năm 2013 vừa qua, một phái đoàn kỹ nghệ năng lượng hạt nhân dân dụng của Hoa Kỳ đã theo chân Thứ trưởng thương mại quốc tế Francisco Sanchez tới Hà Nội giới thiệu một hệ thống nhà máy điện hạt nhân nhiều nhất thế giới, tối tân nhất thế giới của Mỹ. Nhưng cái Thỏa Hiệp 123 chỉ cho phép Việt Nam mua các thanh năng lượng hạt nhân trên thị trường quốc tế chứ không cho phép Việt Nam tự làm giàu từ uranium của mình. (TN)
Nguồn: Người Việt