Nhiều tầng, nấc đè lên lưng nông dân Việt
Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtHÀ NỘI (NV) .- Nông dân Việt Nam chịu 70% chi phí cho nông sản xuất cảng nhưng chỉ được hưởng 30% lợi nhuận, 70% lợi nhận còn lại bị các tầng nấc trung gian và doanh nghiệp xuất cảng chia nhau cùng hưởng.
Dù “dãi nắng dầm mưa”, nỗ lực hết mức nhưng nông dân vẫn không thể sống được bằng trồng trọt, chăn nuôi (Hình: Tuổi Trẻ)
Đó là kết luận được nêu trong Báo cáo “Ai hưởng lợi khi giá gạo tăng”, do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cùng Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện.
Nhóm thực hiện cuộc khảo sát để viết báo cáo vừa kể nhận định: Khi giá gạo trên thị trường thế giới giảm, giá bán lúa sẽ tụt xuống. Lợi nhuận từ trồng lúa đã thấp sẽ càng thấp hơn. Ngược lại, nếu giá gạo trên thị trường thế giới tăng, nông dân chỉ thu lợi rất thấp.
Chẳng hạn, so sánh giá lúa nông dân bán ra với giá gạo xuất cảng năm 2008, người ta thấy rằng, dù giá gạo xuất cảng tăng từ 430 USD/tấn lên hơn 900 USD/tấn nhưng giá lúa mà nông dân bán ra chỉ tăng chưa đến 100 USD/tấn.
Cũng vì vậy, nông dân là đối tượng trực tiếp gánh chịu tất cả các rủi ro, từ dịch bệnh, thiên tai tới tình trạng giá gạo trên thị trường thế giới tụt giảm.
Sở dĩ nông dân chỉ được hưởng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị của hạt gạo dù phải gánh tới 70% chi phí là vì có quá nhiều tầng nấc trung gian. Sự xuất hiện của quá nhiều tầng nấc trung gian được xác định là do các doanh nghiệp xuất cảng gạo quá kém trong tổ chức kinh doanh.
Xuất cảng gạo của Việt Nam hiện vẫn nằm trong tay những doanh nghiệp hoàn toàn của nhà nước hay có một phần vốn của nhà nước (các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa và nhà nước nắm tỷ lệ cổ phần nhất định). Hai Tổng công ty lương thực của nhà nước là Vinafood I và Vinafood II vẫn chiếm khoảng 50% tổng lượng gạo xuất cảng.
Tuy chế độ Hà Nội tuyên bố cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia xuất cảng gạo từ năm 2001 nhưng số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực này được nhận định là “vẫn còn hạn chế”. Chưa kể, năm 2010, sau khi nhà cầm quyền trung ương ban hành một nghị định, qui định về nhà kho, công suất xay xát đối với các doanh nghiệp xuất cảng gạo (Nghị định 109), nhiều doanh nghiệp tư nhân đương nhiên bị loại ra khỏi lĩnh vực xuất cảng gạo vì không đáp ứng đủ yêu cầu mà nghị định này đặt ra.
Tuy sống nhờ thành quả lao động của nông dân song chỉ có từ 5% đến 7% doanh nghiệp xuất cảng gạo cung cấp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Số còn lại dùng lợi nhuận để đầu tư vào các lĩnh vực khác kể cả kinh doanh bất động sản, xe hơi, xe hai bánh gắn máy… nhằm tăng lợi nhuận và giảm rủi ro.
Nghiên cứu của IPSARD và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam khẳng định, tuy có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa gạo và rất nhanh nhạy trong việc tiếp thu công nghệ mới nhưng nông dân Việt Nam càng ngày càng nghèo.
Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Oxfam thực hiện vào năm 2012 đều chỉ rằng rằng, dù rất chịu khó và linh hoạt, thu nhập của nông dân vẫn thấp một cách đáng ngại. Thu nhập trung bình từ trồng lúa của các gia đình tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vùng có lợi thế sản xuất lúa tốt nhất - chỉ đạt 535 ngàn đồng/người/tháng, tương đương một nửa mức lương tối thiểu tại Việt Nam.
Cũng vì thế, ngoài trồng lúa, nông dân phải dựa vào các nguồn thu nhập khác từ chăn nuôi hoặc các hoạt động phi nông nghiệp. Dù gần đây, các viên chức Việt Nam cũng như giới chuyên gia đang bàn bạc về kế hoạch “tái cơ cấu” đủ thứ liên quan tới nông thôn, nông nghiệp, nông dân song tương lai của tam nông vẫn rất mù mịt.
Chi phí tăng vọt nhưng giá các loại nông sản, sản phẩm chăn nuôi (gà, vịt, heo, bò,…), thủy sản (tôm, cá,…) vẫn rẻ như bèo, thậm chí đôi lúc không có người mua. Nông dân không thể sống nhờ ruộng đồng nên đã ngưng trồng trọt, chăn nuôi. Đất đai bị bỏ hoang.
Phong trào “người cày bỏ ruộng” đã lan từ miền Bắc tới miền Trung... đang đẩy nông nghiệp Việt Nam đến chỗ lụn bại, nông thôn tiêu điều xơ xác, nông dân đói khổ, bỏ xứ tha phương cầu thực. Một thống kê về thu nhập của giới chiếm 70% dân số Việt Nam cho thấy, thu nhập của nông dân đang ở giai đoạn thấp nhất trong vòng 27 năm qua (tính từ thời điểm Việt Nam bắt đầu “đổi mới”).
Hồi giữa năm nay, Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp, Nông thôn công bố kết quả một cuộc khảo sát về nông thôn, nông dân, theo đó, có tới 42% nông dân không hài lòng với cuộc sống hiện tại vì thu nhập không tương xứng với kết quả lao động.
Cùng thời điểm đó, Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho rằng, nông dân bị đối xử thiếu công bằng. Những gì họ đóng góp và bị lấy đi quá lớn so với những gì trả lại cho họ.
Ông Sơn phân tích, nông nghiệp đóng góp 20% cho GDP, tạo việc làm cho 50% lao động tại Việt Nam, song tỷ trọng ngân sách đầu tư cho nông nghiệp chưa đến 10%, chi tiêu dành cho nông nghiệp chỉ chiếm 10% trong tổng chi ngân sách. Nông dân bị buộc phải hy sinh để bù đắp cho nợ xấu của hệ thống ngân hàng và tiếp sức để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Đây là lý do khiến Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn CSVN soạn thảo “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp”, đã được phê duyệt hồi giữa tháng 6. Tuy nhiên ngay sau đó, “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp” bị cả giới chuyên gia kinh tế lẫn nông nghiệp chỉ trích vì vẫn không màng đến “tái cơ cấu” thu nhập cho nông dân. (G.Đ)
Nguồn: Người Việt