Quốc hội Việt Nam nghe ý kiến về bản hiến pháp sửa đổi

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ khai mạc Kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa 13 tại Hà Nội, ngày 21/10/2013.

Quốc hội Việt Nam khóa 13 đã khai mạc kỳ họp thứ Sáu hôm 21/10 với các trọng tâm, theo giới phân tích, là thảo luận về bản hiến pháp sửa đổi và luật đất đai.

Một nhà quan sát, cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, cho VOA Việt Ngữ biết rằng kỳ họp này ‘sẽ kéo dài hơn bình thường và xét về mặt nội dung, đây là một kỳ họp quan trọng’.

“Tại kỳ họp này, các đại biểu quốc hội sẽ bàn thảo và cho ý kiến lần cuối cùng và biểu quyết thông qua bản hiến pháp sửa đổi của Việt Nam. Nếu như chúng ta có một bản hiến pháp ưng ý, một bản hiến pháp đảm bảo quyển dân chủ cho người dân, có một cơ cấu bộ máy nhà nước hợp lý, thì chúng ta có cơ hội để có thể phát triển mạnh hơn nhằm tiến kịp với các nước trên thế giới. Thứ hai nữa là tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ bàn thảo và cho ý kiến lần cuối cùng về biểu quyết thông qua một đạo luật sửa đổi mà người dân rất là trông đợi, đó là luật đất đai. Ở Việt Nam, 70% thậm chí trên 70% các vụ khiếu kiện, nhất là các vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp ở Việt Nam hiện nay là liên quan tới lĩnh vực đất đai."

Tin trong nước loan đi cho biết, trong ngày làm việc thứ hai hôm nay, Quốc hội Việt Nam đã nghe báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của người dân về vấn đề sửa đổi hiến pháp năm 1992.

Theo ông Thuyết, thời gian qua, bản hiến pháp được đưa về cơ sở và các tổ dân phố để lấy ý kiến, chứ không phải trưng cầu ý dân.

Cựu đại biểu quốc hội này cho rằng việc lấy ý kiến của người dân về bản hiến pháp ‘mang tính hình thức’.

“Thứ nhất, người dân người ta không có điều kiện người ta nghiên cứu nhiều. Thứ hai nữa là những vấn đề lớn mình cũng phải nêu lên để người dân cho ý kiến, và cũng phải có sự tiếp thu. Thế nhưng mà phần lớn các ý kiến phản ảnh lên trên tôi không biết là phản ánh ý kiến người dân trung thực đến đâu nhưng mà nó cũng có vẻ xuôi chiều. Tiếp thu của ủy ban sửa đổi hiến pháp cũng không nhiều."

Theo báo chí trong nước, hôm 22/10, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều 4 của dự thảo vì ‘đa số ý kiến tán thành’.

Hồi đầu năm nay, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói đã xuất hiện những ý kiến có thể bị coi là ‘biểu hiện của suy thoái về nhận thức tư tưởng’trong các góp ý sửa đổi hiến pháp.

Phát biểu của ông Trọng được đưa ra sau khi hàng chục nhân sỹ, trí thức có uy tín ở trong nước gửi bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp lên quốc hội, trong đó nhấn mạnh tới các quyền cơ bản của người dân cũng như đòi thay đổi hiến pháp nhấn mạnh tới sự độc tôn của đảng cộng sản Việt Nam.

Ngoài việc đề cập tới các điểm chính nêu ra tại phiên khai mạc Quốc hội, báo chí trong nước còn dẫn lời các đại biểu cho biết họ ‘bất ngờ’ và cảm thấy ‘đáng tiếc’ vì Quốc hội không dành một phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phiên khai mạc.

Tuy nhiên, theo ông Thuyết, Quốc hội Việt Nam ‘chưa có thông lệ về những chuyện như là mặc niệm hay để tang’.

“Nhưng mà thực sự ra đối với một người tầm cỡ như là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà trong đám tang của ông, thì sự tiếc thương của người dân, sự bày tỏ tình cảm của người dân cho thấy đó là một người được toàn dân kính trọng. Nếu như quốc hội có thể dành một phút mặc niệm vào phiên khai mạc chính thức thì theo tôi cũng là xứng đáng vì không phải nhiều người được dân kính trọng như thế”.  

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần hôm 4/10, và sau đó đã được án táng tại quê nhà Quảng Bình trong sự tiếc thương của rất nhiều người dân Việt Nam.

Sau khi hồi hưu, ông từng nhiều lần lên tiếng đối với các vấn đề nổi cộm của đất nước, trong đó có dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Ông cũng từng đề nghị không phá hội trường Ba Đình lịch sử nơi từng diễn ra các phiên họp quốc hội.

Các đề nghị đó của ông đã không được chính quyền chấp nhận.

Nguồn: Voa

Filed under: