Năm 2013, Việt Nam thất thu ngân sách 63,000 tỷ đồng

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

HÀ NỘI (NV) .- Trong báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra ở Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính CSVN thú nhận, năm nay, nguồn thu cho ngân sách quốc gia bị hụt ít nhất 63,630 tỉ đồng.
 

Không có tiền để làm những công trình phúc lợi như cầu qua sông Pôkô, trong khi mỗi năm, hàng chục ngàn tỉ vẫn bị vứt đi để nuôi hệ thống công quyền, vốn đã được những viên chức lãnh đạo của hệ thống này, xác nhận là “cồng kềnh, không hiệu quả”. (Hình: VnExpress)
Viên bộ trưởng này dự báo thêm là khả năng thu tiền cho ngân sách của năm tới cũng sẽ rất khó khăn, trong khi tổng chi của năm tới sẽ cao hơn so với năm nay.
Cũng vào lúc này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội CSVN cho biết, sau nhiều năm thu ngân sách vượt kế hoạch, 2013 là năm đầu tiên mà Việt Nam thất thu ngân sách. Chưa kể bội chi và nợ công tăng nhanh, an ninh tài chính quốc gia không vững chắc.
Ủy ban này phê phán đề nghị tăng chi thêm 2,9% so với chi tiêu 2013, của nhà cầm quyền trung ương là “chưa thể hiện rõ thông điệp phải tiết kiệm tối đa, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay”.
Ủy ban này còn đòi hỏi chính phủ phải “đánh giá lại đầy đủ và chính xác nợ công, nợ Chính phủ và nợ quốc gia, bảo đảm an toàn trong giới hạn cho phép, kiên định mục tiêu giảm dần bội chi, tăng cường giám sát tài chính, ngân sách, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia”.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội CSVN cảnh báo, tuy nợ công chưa vượt giới hạn được Quốc hội cho phép, nhưng trên thực tế, khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, nên chính phủ phải đánh giá khả năng trả nợ đến năm 2015-2016 có vượt các quy định về các tỉ lệ đã đề ra hay không.
Không chỉ thất thu trầm trọng, Việt Nam còn đang đối diện với tình trạng bội chi nghiêm trọng. Đầu tháng này, chế độ Hà Nội loan báo bội chi đã lên tới 140 ngàn tỉ. Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính CSVN đề nghị Quốc hội cho phép nâng mức bội chi của cả năm nay lên thành 195,500 tỷ, tương đương 5,3% GDP.
Sau hàng loạt hứa hẹn, tuyên bố cắt giảm chi tiêu, chi tiêu của hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn tăng. Hồi cuối tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thú nhận, “chi tiêu không ngừng tăng, tăng quá nhanh”.
Hệ thống công quyền tại Việt Nam hiện tồn tại với rất nhiều nghịch lý. Trong khi ông Nguyễn Xuân Phúc, một trong những phó thủ tướng của Việt Nam, khẳng định, có khoảng 30% công chức Việt Nam đang hưởng lương nhưng không làm gì cả thì hệ thống này lại tuyển thêm 10,000 cán bộ cho hệ thống Hội Nông dân của 10,000 xã.
Theo tiết lộ của viên Bộ trưởng Tài chính, một trong những khoản chi thường xuyên khiến chi tiêu của hệ thống công quyền “không ngừng tăng, tăng quá nhanh” là chi cho hội họp, tiếp khách, công tác nước ngoài, đặc biệt là những khoản chi cho các hội nghị khoa học, hội thảo khoa học. Tuy nhiên dù dẫn đầu về số lượng “giáo sư, tiến sĩ” ở Đông Nam Á, số lượng các bài viết của đội ngũ “giáo sư, tiến sĩ” trên toàn Việt Nam, được hệ thống tạp chí khoa học quốc tế chọn đăng hàng năm vẫn thua xa một trường đại học bình thường ở Thái Lan.
 
Cách nay bảy năm, Việt Nam ban hành một bộ luật để “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” nhưng bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, “chi tiêu vẫn còn quá lãng phí”.
 
Để đủ tiền cho chuyện phung phí ngân sách, hệ thống công quyền của Việt Nam ép dân chúng và doanh giới nộp đủ thứ thuế, phí và lệ phí. Giới nghiên cứu đã thử thực hiện một thống kê và xác định, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ thu thuế.
Căn cứ vào quyết toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính Việt Nam, người ta cho biết, mỗi năm, trong giai đoạn từ 2006 đến 2010, nguồn thu từ thuế và phí ở Việt Nam chiếm đến 26,2% GDP, vượt xa nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Qũy tiền tệ Quốc tế cũng đã thử so sánh và xác nhận, tỷ lệ thuế, phí trên GDP của Việt Nam cao gấp 1,2 - 1,8 lần so với các quốc gia trong khu vực.
Đáng chú ý là thu rất nhiều, bội chi rất lớn nhưng chi tiêu của hệ thống công quyền lại chi rất ít cho đầu tư phát triển. Vào lúc này, trên khắp Việt Nam, nhiều trường học, bệnh viện, công trình giao thông bị bỏ dở hoặc không thực hiện vì không có ngân sách trong khi mức bội chi thì càng ngày càng lớn.
Phần lớn chi tiêu dẫn tới bội chi là những khoản chi để nuôi hệ thống công quyền. Nếu năm 2003, các khoản chi để nuôi hệ thống công quyền chiếm 51.9% tổng chi thì tới năm 2011, các khoản này đã chiếm đến 67.2% tổng chi. (G.Đ)

Filed under: