Người Trung Quốc làm việc “chui” tràn ngập Hà Tĩnh
Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtHÀ TĨNH (NV).- Một phúc trình của đồn Biên phòng Ðèo Ngang, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chỉ riêng trong hai tuần lễ từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, 2013, có ít nhất 2,600 công nhân ngoại quốc hiện diện tại Khu kinh tế Vũng Áng, thuộc tỉnh này. Trong số này, thợ Trung Quốc chiếm đến 58.6%.
Trong khi đó, theo Ban quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng, chỉ có khoảng 1,100 công nhân ngoại quốc được cấp giấy phép làm việc tại đây. Như vậy, người ta có thể tính được số thợ ngoại quốc đang làm việc “chui” tại đây, không dưới 1,500 người.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một cán bộ Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng xác nhận rằng, việc quản lý lao động ngoại quốc tại đây “đang có vấn đề.”
Người lao động Trung Quốc tại Vũng Áng, Hà Tĩnh ngày càng đông. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
Theo cán bộ Ðồn biên phòng Ðèo Ngang, phần lớn công nhân người Trung Quốc hiện diện tại đây để làm việc lao động chân tay, tức loại lao động phổ thông, không đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn. Tình trạng này xảy ra, theo cán bộ này, là hậu quả của việc một loạt công ty Trung Quốc trúng thầu xây dựng công trường Formoso tại Khu Kinh tế Vũng Áng. Người này nói rằng, sau khi trúng thầu, các công ty Trung Quốc lập tức đưa người của họ sang.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, riêng tại xã Kỳ Phương, thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, ít nhất 5 chuyến xe buýt ra vào Khu Kinh tế Vũng Áng mỗi ngày để đưa, đón thợ Trung Quốc đến công trường.
Còn theo ông Nguyễn Văn Ðàn, phó chỉ huy Ðồn biên phòng Ðèo Ngang, thợ Trung Quốc làm việc tại Vũng Áng liên tiếp dính líu đến nhiều vụ trộm cắp, chém giết, kể cả đình công tại địa phương thời gian qua. Mới đây, công an địa phương còn bắt được quả tang một nghi can Trung Quốc trộm sắt, thép tại công trường Formosa mà ông đang làm việc. Ngày 7 tháng 8, 2013, một vụ án mạng xảy ra tại huyện Kỳ Anh làm một người lao động Ðài Loan thiệt mạng chỉ vì thù oán cá nhân.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng nói rằng, đơn vị ông không có thẩm quyền kiểm soát, xử phạt và trục xuất lao động “chui” tại địa phương. Ông Hồ Anh Tuấn cho biết: “Thợ lao động phổ thông người nước ngoài ở đây quá đông. Họ sang đây theo diện du lịch rồi trốn ở lại làm việc. Chúng tôi biết, nhưng không có thẩm quyền can thiệp và chấm dứt tình trạng này.”
Ông Hồ Anh Tuấn cũng cho rằng trách nhiệm giám sát, kiểm soát công nhân ngoại quốc làm việc tại đây thuộc chức trách của công an và sở Lao động - Xã hội tỉnh. (PL)
Nguồn: Người Việt