8. [905- 930] Họ Khúc

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt



Kế tiếp nhà Tùy, nhà Đường đô hộ Việt Nam gần 300 năm. Trung Quốc đến thời Đường đạt tới cực thịnh, bành trướng ra 4 phía, phía bắc lập ra An Bắc đô hộ phủ, phía đông đánh nước Cao Ly lập ra An Đông đô hộ phủ, phía tây lập ra An Tây đô hộ phủ và phía nam lập ra An Nam đô hộ phủ, tức là lãnh thổ nước Vạn Xuân cũ.

Trong thời kỳ thuộc nhà Đường, đã nổ ra các cuộc khởi nghĩa chống bắc thuộc của người Việt như khởi nghĩa Lý Tự Tiên và Đinh Kiến, khởi nghĩa Mai Hắc Đế, khởi nghĩa Phùng Hưng và khởi nghĩa Dương Thanh từ cuối thế kỷ 7 đến thế kỷ 9.

Năm 905 Khúc Thừa Dụ được dân chúng ủng hộ, đã tiến ra chiếm đóng phủ thành Đại La (Tống Bình cũ - Hà Nội), tự xưng là Tiết độ sứ. Họ Khúc truyền nối làm chức Tiết độ sứ gồm 3 đời: Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ.

Ngày 23 tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, Khúc Hạo lên kế vị. Nhà Hậu Lương, vì mới cướp ngôi nhà Đường, phương Bắc nhiều biến cố nên đành thừa nhận ông làm "An Nam đô hộ, sung Tiết độ sứ".

Khúc Hạo đã tiến hành cải cách quan trọng về các mặt. Đường lối chính trị của ông được sử sách tóm lược ngắn gọn song rất rõ ràng: “Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui”. Sự cai trị vững vàng của Khúc Hạo khiến họ Lưu không dám nhòm ngó tới phương nam.

Cuối năm 917 Khúc Hạo mất, Khúc Thừa Mỹ lên thay cha làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân. Ông không đi theo đường lối của cha, làm cho lòng dân oán trách. Do mất sự ủng hộ của nhân dân trong nước, Khúc Thừa Mỹ đơn độc và không chống cự nổi khi Lý Khắc Chính cầm quân sang đánh chiếm Tĩnh Hải quân.

Filed under: ,