GƯƠNG NGƯỜI XƯA - Vĩnh Nhất Tâm

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt



(Tưởng Niệm  Ngày Đại-Tang Yên Bái Lần Thứ 82)
1-
Ba bảy năm trường …khác  cỏ cây
Giang sơn xa cách phút  cau mày
Vẫn dân chạy giặc xoay gươm bút
Quắc mắt xem sao mãi thế này!
 
Quốc sử ngàn năm còn khắc tạc
Tiền-nhân công khó biết bao đời
Đuổi phường cướp nước từ phương Bắc
Tiếng trống Mê Linh vọng  góc trời.
2-
Nhị vị (*) họ Trưng - dòng Lạc-tướng
Man Thiên, Thân-mẫu vẫn kiền trì
Nuôi con khôn lớn theo gươm báu
Cùng với sơn hà lúc thịnh suy.
 
Cách mệnh đầu tiên dòng Quốc-sử
Lĩnh Nam muôn dặm Sáu-lăm thành
Thu về đất cũ - phân ranh giới
Tự chủ nước nhà, lập đế kinh.
3-
Con cháu đời sau luôn tiếp nối
Ngàn năm đô hộ vẫn bền gan
Bạch Đằng thủy táng quân Nam Hán
Đại-đế Ngô Quyền thắng vẻ vang.
 
Triều đại theo sau từng thế hệ
Giang hà một  dải: Bắc liền Nam
Đinh-Lê-Lý-Trân-Lê, Tân Nguyễn
Giữ vững  cơ đồ riêng cõi Nam.
4-
Đại-đế  Quang Trung  vừa khuất núi
Bao nhiêu đại sự  cũng theo  Ngài
Buồn thay vận nước càng tăm tối!
Nguyễn Ánh  tranh vương rước Pháp về
 
Máu lửa ngút trời chung giống Việt
Con Hồng,  cháu  Lạc  giết nhau thôi
Hồn thiêng sông núi bao trăn trở
Thế kỷ đau thương luống ngậm ngùi.
 
5-
Tiếp nối  Cha Ông  thời thuộc Pháp
Sáu mươi năm tranh đấu không ngừng
Trải qua từng chặng …bao xương máu
Trên khắp ba miền: Nam-Bắc-Trung.
 
Đội Cấn hy sinh vì đất nước!
Mẹ già thương khóc mãi tìm con
Cơ trời định sẳn thiêng liêng lắm!
Bà gặp người con của núi sông (*).
6.
Tư tưởng nẩy sinh từ thuở ấy!
Sinh-viên Thái Học chẳng vô tình
Bèn vào “yết kiến” trình phương sách
Gặp thẳng Va-ren…chẳng ngại ngần.
 
Viết  tiếp bức thư gửi đệ trình
Va-ren khi dễ vẫn làm thinh
“Anh còn chưa nản…còn xin phép” (*)
Tạp chí “Nam Thanh” cũng chẳng thành.
7-
Tư tưởng đấu tranh giờ đã điểm
Quốc Dân Cách Mệnh, Đảng  sinh thành
Nam Đồng Thư Xã nơi Hoa trổ
Vào lúc nửa khuya đêm Giáng-sinh.
 
Thấm  thoát hai năm thành đại sự
Trùng trùng mật thám  bắt đầu xoay
Thực dân lung túng: Ba-gianh chết
Bắt bớ lung tung, đủ trận bày…
8-
Việt Quốc bấy giờ lo khởi nghĩa
Định ngày sanh tử… cứu non sông
Đưa dân ra khỏi vòng  nô lệ
Giành lại  sơn hà của Lạc Long.
 
Cách-mệnh  dẫu thua nhưng bất tử
Viết trang Huyết-sử  đã  Thành Nhân.
Mờ sương Yên Bái còn vang vọng
Vạn thế lưu danh chí đã thành.
9-
Yên Bái đại tang non thế kỷ
Nước nhà  còn mãi chit khăn tang
Nhân quyền chẳng thấy! Hoa chưa nở?
Biết đến bao giờ nước mới an?
 
Ba dải non sông  dầy Hán tặc
Ba đình một khối chỉ khua môi
Chẳng nên trò trống, vì lo đảng
Độc lập cúi đầu… cứ thả trôi.
 
Vĩnh Nhất Tâm  3.6.2012 
 
(*) Nhị-vị, tức là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Chắc ai cũng biết cả, tuy nhiên, tác giả dòng thơ cũng nhân đây chép lại một câu chuyện về một bà Mẹ, là một góa phụ đã nuôi hai đứa con trở thành hai vị Nữ-vương đầu tiên không chỉ riêng cho Việt-tộc, mà cho cả nhân loại trên hành tinh này vào lúc bấy giờ. Trong Việt Sử Tân Biên của Sử-gia Phạm Văn Sơn có chép lại rằng:
“Mẹ, hai Bà là Man Thiện, được tôn là Man-Hoàng-thái-hậu, là cháu ngoại Lạc-Vương. Nửa-vời hương lửa thì bà Man Thiện bị góa. Bà ở vậy nuôi hai chị em Trưng-Chắc, Trưng-Nhì đến tuổi trưởng thành và bà rèn luyện hai chị em Bà thành người có sức mạnh, có tài thao lược, có độ lượng và mưu trí.
Chính bà Man-Thiện  nghe theo tiếng gọi của thời thế, tự đứng ra làm đại biểu cho toàn thể bộ Giao-chỉ chống lại văn hóa  phương Bắc. Buổi đầu hai bà Trưng và ông Thi Sách chỉ là vai trò phụ thuộc mà thôi.
Theo sử liệu của Hoa Bằng, khi ngọn cờ giải phóng của Giao-chỉ đã phấp phới bay, Bà liền nhường vai chủ động cho các con.”
(*) Con núi sông:  Ý tác giả muốn kể lại câu chuyện về mầm cách mệnh nẩy sinh trong tâm trí của nhà Cách-mệnh Nguyễn  Thái Học lúc còn thiếu niên như sau:
“Có lần tôi hỏi Anh Học:
-Tư tưởng cách mệnh của mày nẩy ra từ hồi nào?
Anh đáp:
-Từ năm tao lên mười tuổi! Hồi đó tao còn học chữ Nho ở nhà quê. Xong buổi học lại đi chăn trâu, và nhiều hôm chăn sang đến đồng làng bên cạnh. Làng ấy (?) là quê ông Đội Cấn. Ông Cấn chết đi, còn để lại mẹ già. Bà cụ thương con quá, hóa như kẻ dở người. Hễ gặp chúng tao thì bà cụ lại ôm choàng lấy, vừa khóc vừa nói: “Các cậu! Các cậu! Làm thế nào báo được thù cho con tôi!”. Tao còn bé, mỗi khi gặp bà cụ lại bồi hồi! Rồi nghĩ, chỉ có đạp đổ chế độ thực dân mới trả hộ được thù cho con bà cụ! Ấy, tư tưởng cách mệnh nẩy ra ở trong óc tao từ đấy!
Thì ra một bà cụ dở người mà đã có đúc được hai đứa con anh hùng sắt máu! Một đứa con ruột thịt là nhà chỉ huy việc đánh Thái Nguyên! Một đứa con tinh thần là người tạo nhân cuộc khởi nghĩa   Yên Báy. Trước sau hơn  mườì năm, hai đứa con Bà đã làm vẻ vang cho cả dân tộc! Nghĩ đến bà, lòng ta cảm khái bao nhiêu?” (Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống)
(*) Chỉ Sinh-viên Nguyễn Thái Học
(*) Nguyên văn của Nhà-văn Nhượng Tống cũng là một sáng lập viên Đảng Việt Quốc cùng với nhà Cách-mệnh Nguyễn Thái Học sau này.   Tác giả.