Việt Nam chỉ thu hồi được 10% tiền bị tham nhũng
Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtHÀ NỘI (NV) - Các vụ án tham nhũng được đưa ra xử trong năm nay, gây thiệt hại khoảng 9,260 tỷ đồng và 51,000 lượng vàng SJC song chỉ thu hồi cho ngân sách chừng 900 tỷ.
Trình bày với Quốc Hội Việt Nam về hoạt động phòng, chống tham nhũng từ đầu năm đến nay, ông Huỳnh Phong Tranh, tổng thanh tra của chính phủ Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành thanh tra phát giác 80 vụ tham nhũng 117.5 tỷ nhưng mới chỉ thu hồi 59 tỷ.
Phía công an thụ lý 371 vụ án tham nhũng với 847 bị can (trong số này có 233 vụ mới thụ lý trong năm nay với 568 bị can), gây thiệt hại khoảng 9,260 tỷ đồng, 51,000 lượng vàng SJC nhưng chỉ thu lại cho ngân sách khoảng 900 tỷ.
Tàu Hoa Sen trị giá 30 triệu Euro được Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam), nâng lên thành 60 triệu Euro. Ðang bị Trung Quốc cầm giữ vì Vinashin vi phạm hợp đồng. (Hình: Thanh Niên)
Ngành kiểm sát đã truy tố 335 vụ tham nhũng với 803 bị can. Ngành tòa án đã xét xừ sơ thẩm 278 vụ án tham nhũng với 584 bị cáo.
Ðáng lưu ý rằng dù từng bị Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội chỉ trích kịch liệt nhiều lần nhưng số vụ án tham nhũng được phía công an và ngành kiểm sát “đình chỉ điều tra” vẫn lên tới 35 vụ (gần 10%) và số bị cáo tham nhũng được hệ thống tòa án cho hưởng án treo hay phạt cải tạo không giam giữ vẫn chiếm tới 31.2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 34.2%).
Trong báo cáo thẩm tra báo cáo của chính phủ về chống tham nhũng năm 2013, Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Việt Nam cho rằng: “Số vụ tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ nhỏ, gây thiệt hại không lớn, đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản. Trong khi số vụ tham nhũng lớn, xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước ít được phát hiện.”
Cũng theo ủy ban này, tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm, trong đó có nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Sau khi giám sát một số địa phương, khảo sát dư luận và báo chí cho thấy, Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Việt Nam khẳng định, việc xử lý nhiều vụ tham nhũng có dấu hiệu bỏ sót tội phạm, nhiều cán bộ tham nhũng chỉ bị xử lý kỷ luật, hành chính.
Nhìn chung, chống tham nhũng tại Việt Nam vẫn giống như diễu dở.
Hồi hạ tuần tháng trước, sau khi nghe thanh tra của chính phủ Việt Nam báo cáo về chống tham nhũng, Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam từng nhận định, chuyện chống tham nhũng “không có gì mới”!
Ðó là lần đầu tiên, các thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam nặng lời với chính phủ Việt Nam khi thảo luận về việc phòng, chống tham nhũng năm 2013.
Ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, phê phán báo cáo của Thanh Tra Chính Phủ về tham nhũng là quá “nhẹ nhàng.” Viên chủ tịch Quốc Hội Việt Nam yêu cầu phải dựa trên các nhận định của cộng đồng quốc tế, thông tin từ Mặt Trận Tổ Quốc, báo chí, nội bộ Ðảng để “đánh giá lại về tham nhũng.” Viên chủ tịch Quốc Hội Việt Nam nêu thắc mắc: “Không tham nhũng thì lấy đâu ra tiền để chạy chức vụ này, chức vụ kia?” Ông ta dọa Thanh Tra Chính Phủ rằng, nếu không đánh giá rõ ràng, chính xác, báo cáo sẽ khó được 500 đại biểu Quốc Hội chấp nhận.
Thanh tra Chính phủ - cơ quan thay mặt chính phủ Việt Nam thực hiện báo cáo về phòng chống tham nhũng - cũng bị Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam cật vấn rằng, tại sao không giải đáp thắc mắc là những cơ quan tham gia phòng chống tham nhũng có tiêu cực, có bao che, có bỏ sót tham nhũng hay không? Cần phải trả lời là có tham nhũng trong phòng chống tham nhũng hay không (?). Báo cáo cũng cần phải làm rõ rằng, thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đã làm hết trách nhiệm hay chưa (?).
Ông Huỳnh Ngọc Sơn, một phó chủ tịch Quốc Hội, cho rằng, báo cáo của Thanh Tra Chính Phủ về phòng chống tham nhũng “chưa sát tình hình.” Viên chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội Việt Nam thì nêu thắc mắc, tại sao thanh tra, kiểm tra 14,000 vụ nhưng chỉ phát giác được 11 vụ tham nhũng để chuyển cho cơ quan điều tra khởi tố?
Ông Ksor Phước, chủ tịch Hội Ðồng Dân Tộc của Quốc Hội Việt Nam thì yêu cầu Thanh Tra Chính Phủ cho biết, trong năm vừa qua, cơ quan này nhận được bao nhiêu thông tin tố giác tham nhũng và đã xử lý những thông tin đó như thế nào? Ông Phước cũng đòi thanh tra báo cáo xem có bao nhiêu vụ án có ý kiến can thiệp của lãnh đạo chủ chốt ở các cấp nên bị cản trở hoặc thu hẹp (?). Viên chủ tịch Hội Ðồng Dân Tộc của Quốc Hội Việt Nam tuyên bố, vì mập mờ mà ngay cả những người như chúng tôi cũng băn khoăn, nói gì đến đảng viên bình thường! Theo ông ta, dân chỉ lấy hai triệu đồng đã đi tù còn cán bộ tham nhũng mấy tỉ đồng mà được hưởng án treo là điều không thể chấp nhận được.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiện, chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Việt Nam yêu cầu giải thích tại sao nhiều cán bộ tham nhũng được xử lý hành chính nhiều, được áp dụng tình tiết giảm nhẹ, được xử dưới khung, được cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ?
Viên chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Việt Nam khẳng định, điều đó làm dân chúng mất niềm tin vào nỗ lực phòng chống tham nhũng. Một số tỉnh, trong cả năm chỉ nhận được một, hai đơn tố cáo tham nhũng. Chưa kể ngoài việc không tin, dân không tố cáo còn vì sợ bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Viên chủ tịch Quốc Hội Việt Nam góp thêm, nếu dân không muốn chống tham nhũng nữa là người ta chán rồi.
Trong vài tháng gần đây, hệ thống tư pháp (thanh tra, công an, kiểm sát, tòa án) của Việt Nam liên tục bị các thành viên trong Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam chỉ trích về việc chống tham nhũng như thế. (G.Ð)
Nguồn: Người Việt