Hai giáo dân Mỹ Yên ra tòa ngày 23 tháng 10
Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtNGHỆ AN (NV) - Ông Ngô Văn Khởi và ông Nguyễn Văn Hải, hai giáo dân của giáo xứ Mỹ Yên, giáo phận Vinh sẽ bị Tòa án Nghệ An đưa ra xử vào ngày 23 tháng 10.
Chưa rõ diễn biến trong và ngoài phiên xử này sẽ thế nào nhưng vụ bắt giữ ông Hải và ông Khởi từng là nguyên nhân dẫn đến sự kiện Mỹ Yên và khiến quan hệ giữa chính quyền Nghệ An nói riêng, chính quyền Việt Nam nói chung, với giáo dân giáo phận Vinh, cũng như Công Giáo Việt Nam trở thành căng thẳng, suốt từ đầu tháng 9 tới nay.
Hình ảnh cuộc xung đột trong sự kiện Mỹ Yên hôm 4 tháng 9 do đài truyền hình Nghệ An ghi. Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền đã soạn sẵn kịch bản để có cớ đàn áp. (Hình: Internet)
Vụ Mỹ Yên khởi đầu bằng sự kiện xảy ra ngày 22 tháng 5, chiều hôm đó, nhiều người đổ về Linh địa Trại Gáo, thuộc giáo xứ Mỹ Yên để dự lễ cầu nguyện cho 14 thanh niên sắp bị Tòa án Tối Cao đưa ra xử phúc thẩm, do bị cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền,” tại trụ sở tòa án Nghệ An. Trên đường đến Linh địa Trại Gáo, khách hành hương bị một nhóm người lạ mặt, mặc thường phục hạch hỏi, chặn đường. Bị phản kháng mạnh, những kẻ lạ mặt ngăn chặn giáo dân đi lễ bỏ chạy.
Một số trốn vào nhà viên xã đội trưởng xã Nghi Phương, ba kẻ lạ mặt chạy không kịp bị giáo dân bắt giữ.
Cũng vì vậy, công an huyện Nghị Lộc đã gọi điện thoại cho đại diện của giáo họ Trại Gáo đề nghị giúp đỡ nhưng Ban Hành Giáo của giáo họ này không ngăn được sự phẫn nộ của dân chúng khi họ tìm thấy cảnh phục và giấy tờ chứng minh ba kẻ lạ mặt là công an trong cốp xe của cả ba.
Ðây là lý do khiến Hội Ðồng Mục Vụ của giáo xứ Mỹ Yên gọi điện thoại xin Tòa Giám Mục can thiệp. Phó giám đốc công an Nghệ An và chủ tịch huyện Nghi Lộc cũng gọi điện thoại cho Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, đề nghị hợp tác giải quyết sự việc. Giám Mục Nguyễn Thái Hợp và hai linh mục phải đến tận nơi can ngăn, yêu cầu mọi người giải tán, yêu cầu chính quyền đưa xe đến chở người bị thương về nhưng chính quyền không cử người tới nên ông phải tự tìm xe đưa cả ba kẻ lạ mặt lẫn những kẻ lạ mặt đang trốn trong nhà viên xã đội trưởng xã Nghi Phương về.
Hai ngày sau, hôm 24 tháng 5, đại diện xã Nghi Phương và đại diện huyện Nghi Lộc đã đến cám ơn Hội Ðồng Mục Vụ giáo xứ Mỹ Yên và Banh Hành Giáo giáo họ Trại Gáo. Chính quyền tỉnh Nghệ An cũng cử người đến cám ơn Giám Mục Nguyễn Thái Hợp và các linh mục trong giáo phận.
Mâu thuẫn giữa giáo dân với chính quyền Nghệ An bùng phát trở lại vì ngày 27 tháng 6, trên đường đi đám cưới cháu, ông Ngô Văn Khởi, giáo dân giáo xứ Mỹ Yên bị cảnh sát giao thông chặn lại và bị năm thanh niên bịt mặt dẫn đi không nêu lý do. Cùng ngày này, ông Nguyễn Văn Hải, giáo dân giáo xứ Mỹ Yên, chở một đứa cháu năm tuổi đi khám bệnh cũng bị công an bắt giữ không lý do, cháu của ông Hải bị vứt lại giữa đường.
Giáo dân phản đối, Tòa Giám Mục giáo phận Vinh cũng phản đối. Ngày 30 tháng 8, thân nhân của ông Khởi, ông Hải cùng một số giáo dân Mỹ Yên đến trụ sở xã Nghi Phương đòi thả người. Theo đề nghị của công an tỉnh Nghệ An và công an huyện Nghi Lộc, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã đến trụ sở xã Nghi Phương, đề nghị chính quyền đáp ứng yêu cầu của giáo dân, đồng thời kêu gọi mọi người kiên nhẫn chờ đợi. Cuối cùng, mọi người rút lui trong trật tự.
Sáng Chủ Nhật, 1 tháng 9, chính quyền tỉnh Nghệ An mời Giám Mục Nguyễn Thái Hợp tham dự cuộc họp đặc biệt để giải quyết vụ bắt giữ ông Khởi và ông Hải. Phía chính quyền có chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh, trưởng Ban Tôn giáo, hai phó giám đốc công an tỉnh là ông Vũ Chiến Thắng, ông Nguyễn Hữu Cầu và một số người liên quan.
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp cho biết, đa số thành viên cuộc họp đồng ý tìm biện pháp giải quyết vấn đề để tránh hậu quả xấu nhưng ông Nguyễn Hữu Cầu khăng khăng yêu cầu Giám Mục Nguyễn Thái Hợp phải đứng ra bảo lãnh cho ông Khởi và ông Hải tại ngoại. Giám Mục Nguyễn Thái Hợp từ chối viết đơn bảo lãnh tại ngoại, vì về nguyên tắc, Luật Tố Tụng Hình Sự không quy định việc tổ chức tôn giáo đứng ra bảo lãnh. Mặt khác, giáo phận Vinh không chấp nhận việc chính quyền cố tình đánh lạc hướng và làm phức tạp sự việc ngày 22 tháng 5, nhằm kết án và truy cứu nhiều người dân chất phác, vô tội khác, trong khi những hành vi sai trái của các cán bộ lại được bao che.
Ngày 3 tháng 9, thân nhân của hai nạn nhân và giáo dân Mỹ Yên lại tập trung đến trụ sở xã Nghi Phương đòi thả người.
Sau khi chờ đợi và trao đổi căng thẳng, cuối cùng, chính quyền địa phương đã viết “Giấy cam kết,” hứa thả hai nạn nhân trước 16 giờ ngày 4 tháng 9, thậm chí còn tuyên bố “nếu đến thời gian trên mà công an tỉnh không thả ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải thì UBND xã chịu trách nhiệm trước nhân dân.” Sau khi nhận được “Giấy cam kết,” mọi người tự động rút lui.
Cùng thời gian đó, công an đề nghị Tòa Giám Mục có văn bản yêu cầu thả người để cơ quan điều tra có căn cứ thả ông Khởi và ông Hải về dự Lễ Tấn phong Giám mục phụ tá. Do vậy, chiều ngày 3 tháng 9, Tòa Giám Mục đã có thư đề nghị thả người.
Sáng 4 tháng 9, Lễ Tấn phong Giám mục Phụ tá diễn ra tốt đẹp, với khoảng 22.000 người tham dự. Trưa hôm đó, Văn phòng Tòa Giám Mục Xã Ðoài nhận được thư 'hỏa tốc', mời Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đến họp tại trụ sở tỉnh Nghệ An vào lúc 15 giờ nhưng Giám Mục Nguyễn Thái Hợp không thể đến tham dự cuộc họp này, vì chương trình làm việc trong ngày Tấn phong Giám mục phụ tá đã được sắp đặt từ trước không thể thay đổi. Sau này người ta mới biết, lúc hẹn gặp Giám Mục Nguyễn Thái Hợp tại trụ sở UBND tỉnh, chính quyền đã chuẩn bị xong kế hoạch trấn áp dân tại Nghi Phương.
Khoảng 15 giờ 30 ngày 4 tháng 9, tin tưởng vào “cam kết” của chính quyền, thân nhân ông Khởi, ông Hải và một số giáo dân Mỹ Yên đã tới trụ sở xã Nghi Phương để nhận hai ông về nhà. Khi đến nơi, họ ngỡ ngàng nhận ra đã bị chính quyền lừa: Không hề có chuyện thả người.
Trên thực tế, ngay từ sáng 4 tháng 9, chính quyền đã điều động công an, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ, cảnh khuyển,... án ngữ lối vào trụ sở xã Nghi Phương.
Một số người lạ mặt đã lẩn vào đám đông để quấy rối, ném đá về phía công an và cảnh sát cơ động, một số giáo dân cũng làm theo... Thế là lực lượng vũ trang của tỉnh Nghệ An sử dụng lựu đạn cay, dùi cui, thuốc nổ,... thẳng tay đàn áp dân chúng, làm cho hơn 30 người bị thương, trong đó có ba người bị chấn thương sọ não nặng.
Sau sự kiện Mỹ Yên, các cơ quan truyền thông của tỉnh Nghệ An và sau đó là hệ thống truyền thông của chính quyền Việt Nam liên tục chỉ trích cả hàng giáo phẩm lẫn giáo dân giáo phận Vinh. Ðáng chú ý là quy chụp Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã cấu kết với thế lực phản động trong cũng như ngoài nước, kích động nhân dân hận thù với nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết nhân dân, đi ngược lại với chủ trương của Giáo Hoàng và của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam là sống Phúc âm giữa lòng dân tộc...
Ngoài việc sử dụng hệ thống truyền thông để bôi nhọ, chính quyền Việt Nam đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhằm “răn đe” giáo phận Vinh như công bố quyết định khởi tố ba vụ án hình sự: “gây rối trật tự công cộng,” “giữ người trái pháp luật,” “chống người thi hành công vụ,” liên quan đến việc giáo dân giáo xứ Mỹ Yên, vây trụ sở xã Nghi Phương yêu cầu thả hai giáo dân mà công an đã bắt giữ trái phép.
Chính quyền Việt Nam còn tổ chức hai cuộc tập trận tại Vinh để “chống bạo loạn.” Cuộc tập trận lần đầu diễn ra trong 12 ngày (từ 28 tháng 9 đến 9 tháng 10) và cuộc tập trận lần thứ hai mới được tổ chức vào ngày 17 tháng 10.
Bất chấp các hoạt động mang tính răn đe, nhiều giáo phận của Công Giáo Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ giáo phận Vinh. Cuối tháng trước, Giám Mục Hoàng Văn Ðạt, giám mục giáo phận Bắc Ninh kiêm tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục (HÐGM) Việt Nam đã đến thăm giáo xứ Mỹ Yên. Vị giám mục này cho biết: “Các giám mục miền Bắc cũng như các giám mục trong HÐGM Việt Nam đều tìm được tiếng nói chung về vụ việc này.” Giám Mục Nguyễn Thái Hợp vẫn được HÐGM Việt Nam cử làm chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình.
Tại giáo phận Vinh, các thánh lễ, các buổi thắp nến cầu nguyện cho giáo xứ Mỹ yên và những nạn nhân vẫn được tổ chức liên tục.
Trong Thư chung gửi giáo dân trong hiáo phận Vinh hồi đầu tháng 10, Tòa Giám Mục Xã Ðoài nhấn mạnh: “Bao lâu các nạn nhân bị đánh đập trong vụ Mỹ Yên chưa được lành mạnh hoàn toàn và hai người bị bắt giữ chưa được thả tự do, tất cả các giáo xứ tiếp tục dâng thánh lễ, tổ chức những buổi cầu nguyện sốt sắng, thật sự có chiều sâu tâm linh để cầu nguyện cho họ và cho giáo phận” như Thư chung mà Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã công bố ngày 6 tháng 9.
Vụ xử hai giáo dân giáo xứ Mỹ Yên có thể sẽ là bước khởi đầu của những sự kiện mới. (G.Ð)
Nguồn: Người Việt