'Kinh tế nhà nước là chủ đạo' là mâu thuẫn
Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtSÀI GÒN 20-10 (NV) - Nếu không phân biệt thành phần kinh tế thì đặt vấn đề chủ đạo để làm gì? Sự phân biệt thành phần kinh tế là không cần thiết trong bối cảnh như hiện nay.
Trụ sở chính của Tổng công ty hàng hải Vinalines, một trong những “đại gia” quốc doanh CSVN ngập sâu trong nợ nần vì tham nhũng. Cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị và một số thuộc cấp đang chờ lãnh án vì tham những và “cố ý làm trái”. (Hình: VNEconomy)
Đó là ý kiến của ông Trần Du Lịch, một đại biểu Quốc hội, khi dự thảo hiến pháp vẫn xác định “kinh tế nhà nước là chủ đạo”.
Mới đây, trong một cuộc họp báo, trả lời những câu hỏi liên quan tới nội dung dự thảo hiến pháp sẽ trình cho Quốc hội Việt Nam để cơ quan này xem xét và bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 21 tháng 10, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm phát ngôn nhân của Quốc hội CSVN cả quyết: Đương nhiên kinh tế nhà nước phải chủ đạo chứ không thể giao cho tư nhân!
Lời tuyên bố vừa kể khiến nhiều giới chưng hửng. Với tư cách một chuyên gia kinh tế, ông Trần Du Lịch cho rằng, không nên đặt vấn đề chủ đạo. Theo ông, Việt Nam vẫn khẳng định không phân biệt thành phần kinh tế nhưng đặt vấn đề chủ đạo có nghĩa là đã phân biệt thành phần.
Khi khẳng định: “Đương nhiên kinh tế nhà nước phải chủ đạo”, ông Phúc cho rằng: “Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu đều nhất trí hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”.
Cách nay vài tháng, tường thuật của báo giới Việt Nam về hội nghị này và nhiều hội nghị gần đây về vai trò, vị trí kinh tế nhà nước, cho thấy, ông Phúc cố tình nói sai sự thật.
Hồi giữa tháng trước, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp của Việt Nam còn khẳng định họ đang phân vân giữa việc giữ hay bỏ kinh tế nhà nước trong hiến định về “thành phần kinh tế”. Ủy ban này cho biết, vì có nhiều khác biệt trong những góp ý về “thành phần kinh tế” nên họ sẽ trình hai giải pháp để Quốc hội Việt Nam xem xét, quyết định.
Giải pháp thứ nhất, Hiến pháp mới xác định: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Giải pháp thứ hai, Hiến pháp mới chỉ ghi: nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
Theo tường thuật của báo giới Việt Nam, không riêng Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mà Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam cũng đã từng tranh luận gay gắt về việc hiến định “thành phần kinh tế”. Một số yêu cầu cần xác lập “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, số còn lại thì phản đối.
Vào tháng 5 vừa qua, khi được mời cho ý kiến về dự thảo Hiến pháp, nhiều đại biểu của Quốc hội CSVN cũng tỏ ra không mặn mà với dự định hiến định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Lúc đó, đa số đại biểu cho rằng, không để cho “kinh tế nhà nước” giữ vai trò “chủ đạo” để loại bỏ sự phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường...
Yếu tố “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” chỉ mới được khẳng định sau ngày 9 tháng 10 – khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 của khóa 11 bế mạc. Điều đó cho thấy, giới lãnh đạo Đảng CSVN bất chấp các khuyến cáo và thực tế.
Đã có rất nhiều chuyên gia kinh tế phân tích những hệ lụy khi doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng là nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo.
Báo cáo “Khơi thông những nút thắt về thể chế để phục hồi tăng trưởng” của nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) vừa gửi cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chế độ Hà Nội đã so sánh nhiều chỉ tiêu để chứng minh vai trò của doanh nghiệp nhà nước đang sa sút. Tất cả các chỉ tiêu từ vốn đầu tư và GDP, ngân sách, việc làm, giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nhà nước đều giảm mạnh và giảm liên tục trong 12 năm qua.
FETP nhận xét rằng, với vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp nhà nước không cần cạnh tranh vẫn luôn là phía thắng cuộc trên thị trường nội địa. Trong khi kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chính sách “chọn trước người thắng cuộc” thường dẫn đến thất bại, nhất là trong môi trường quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp yếu kém.
Việt Nam hiện có 13 tập đoàn và 96 tổng công ty của nhà nước. Số tập đoàn và tổng công ty của nhà nước này đang nắm giữ khoảng 75% tài sản cố định của quốc gia, 60% tổng tín dụng ngân hàng và tổng vốn vay nước ngoài nhưng chỉ tạo ra khoảng 40% tổng sản phẩm trong nước.
Kết quả kiểm toán trong vài năm gần đây cho thấy, Khác biệt duy nhất qua kết quả kiểm toán hàng năm đối với các tập đoàn và tổng công ty của nhà nước là thua lỗ năm sau lớn hơn năm trước.
Trong khi các chuyên gia kinh tế nhiều lần khẳng định, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới suy thoái là việc dồn gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia cho các tập đoàn và tổng công ty của nhà nước, bất kể chúng hoạt động không hiệu quả, bất kể các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là điểm tựa của toàn bộ nền kinh tế bị kiệt sức rồi chết hàng loạt, mới đây, qua Hội nghị Trung ương 8, giới lãnh đạo Đảng CSVN vẫn xác định tiếp tục để “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Nhiều người tin rằng, trong hiến pháp mới, sở dĩ “kinh tế nhà nước đương nhiên phải giữ vai trò chủ đạo”, vì nếu không, các lý thuyết gia cộng sản ở Việt Nam sẽ không biết phải giải thích thế nào về “định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế. (G.Đ.)
Nguồn: Người Việt