Chính quyền 'u mê,' nông dân sạt nghiệp

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

QUẢNG NAM 20-10 (NV) - Sau hai trận bão thứ 10 và thứ 11 của năm nay, hàng trăm ngàn héc ta cao su ở miền Trung và Tây Nguyên bị gãy đổ, thiệt hại lên tới hàng chục ngàn tỉ. Nông dân phá sản.



Người dân miền Trung ứa nước mắt vì vườn cây cao su "tiểu điền" nhà mình bị bão quật đổ, mất hết nghiệp. (Hình: Đất Việt)

Ông Triệu Văn Hùng, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, gọi thảm họa này là hậu quả từ sự “u mê” của hệ thống công quyền.

Năm 2009, nhà cầm quyền trung ương Hà Nội phê duyệt “Quy hoạch phát triển cao su” mà theo đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 800 ngàn héc ta cao su. Ba năm sau (2012), diện tích trồng cao su ở Việt Nam, nhất là phá rừng, đã lên đến 915 ngàn héc ta, vượt xa kế hoạch được duyệt.

Hậu quả đầu tiên của sự phát triển ồ ạt cao su tại Việt Nam là rừng tư nhiên bị hủy hoại. Theo Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, 79% vườn cao su hiện hữu được trồng trên đất rừng tự nhiên. Nói cách khác, đã có khoảng 700 héc ta rừng bị phá bỏ để trồng cao su.

Trong một báo cáo khác, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, trung bình, mỗi năm Tây Nguyên mất khoảng 26,000 héc ta rừng và đất rừng bị chiếm để “phát triển cao su” chiếm tới 46,7% diện tích rừng tự nhiên bị phá hàng năm.

Tuy nhiên, cả trung ương Hà Nội lẫn nhà cầm quyền các địa phương đều không thèm quan tâm đến điều đó. Ví dụ ở Tây Nguyên, vào năm 2009, tỉnh Gia Lai đã có khoảng 70 ngàn héc ta cao su nhưng sau “Quy hoạch phát triển cao su” do Thủ tướng CSVN duyệt năm 2009, tỉnh này quyết định chuyển đổi 61 ngàn héc ta rừng nữa thành vườn cao su.



Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải đi kiểm tra tình hình thiệt hại cây cao su tại huyện Hiệp Đức vào chiều ngày 16/10. Dân sạt nghiệp, vẫn cố bám lấy chủ trương. (Hình: Đất Việt)

Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành một “Nghị quyết”, theo đó, sẽ trồng 50 ngàn héc ta cao su. Những kế hoạch, quy hoạch, nghị quyết tương tự cũng đã được rất nhiều tỉnh theo đuôi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng.

Ngoài việc khuyến khích người dân phá rừng lấy đất, thế chấp nhà cửa, đất đai để vay vốn trồng cao su, các kế hoạch, quy hoạch, nghị quyết liên quan tới phát triển cao su từ trung ương tới địa phương còn hậu thuẫn Tập đoàn Cao su Việt Nam mượn đất ruộng, vườn, nương rẫy của dân chúng để trồng cao su.

Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, tiết lộ, tiền chăm sóc cao su mà Tập đoàn Cao su Việt Nam trả những gia đình giao đất cho tập đoàn này để trồng cao su từ 1.5 triệu đến hai triệu đồng mỗi tháng khiến “bà con rất phấn khởi” thành ra tham gia rất đông.

Vậy tương lai của cao su sau khi đã ngốn cả triệu héc ta đất rừng, ruộng, vườn, nương rẫy trên khắp miền Trung và Tây Nguyên, cùng với hàng chục ngàn tỉ đồng vốn đầu tư?

Bất chấp khuyến cáo của các cơ quan nghiên cứu về nông nghiệp, kinh tế, kể cả xác nhận của Hiệp hội Cao su Việt Nam về tình trạng “cung đã vượt cầu”, toàn bộ hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương ở Việt Nam vẫn “kiên quyết phát triển cao su” theo các kế hoạch, quy hoạch, nghị quyết đã công bố.

Báo cáo mới nhất về tình hình xuất cảng của Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, cao su là mặt hàng có giá xuất cảng giảm mạnh nhất (17%) nên kim ngạch xuất cảng cũng giảm theo. Nguyên nhân chính khiến giá cao su xuất cảng giảm là vì nhu cầu của thị trường thế giới về cao su giảm. Đáng ngại là lượng cao su tồn kho của Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ nhiều cao su nhất thế giới – cao chưa từng thấy.

Song đó chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhất.

Mới đây, sau khi hàng trăm ngàn héc ta cao su ở miền Trung và Tây Nguyên bị gãy đổ, thiệt hại lên tới hàng chục ngàn tỉ, ông Nguyễn Công Tạn, cựu Phó Thủ tướng Việt Nam, tiết lộ, khi còn tại chức, ông ta đã nhiều lần cảnh báo không nên trồng cao su ở miền Trung, thậm chí sau này, ông ta còn viết thư phản đổi chủ trương phát triển cao su ở miền Trung nhưng không ai thèm nghe.

Ông Tạn giải thích, sở dĩ ông cũng như nhiều nhà khoa học khác trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp lên tiếng can gián phong trào phát triển cao su tại miền Trung vì khi đem những loại cây công nghiệp như: cao su, cà phê, tiêu vào Việt Nam, người Pháp đã khảo nghiệm rất kỹ, rất bài bản về triển vọng của những loại cây này ở các cao độ, vĩ độ khác nhau từ Bắc chí Nam.



Hàng trăm người dân huyện Krông Năng vào Tiểu khu 340 A (nơi được giao cho Công ty Lộc Phát khảo sát trồng cao su) chặt phá rừng.(Hình: Đất việt)

Họ đã kết luận không nên trồng cao su ở miền Trung và vùng núi phía Bắc miền Trung vì cao su là loại cây nhiệt đới điển hình, yếu tố thời tiết ở miền Trung, cũng như vùng núi phía Bắc miền Trung là “tử huyệt” của cao su (Khi nhiệt độ tụt xuống dưới 10 độ C từ 2 đến 10 ngày, cao su sẽ chết hoặc chết một phần, không chết thì năng suất mủ cũng giảm. Chưa kể cao su rất nhạy cảm với gió, chỉ cần tốc độ gió trung bình từ 2 đến 3 mét/giây là cao su đã bị ảnh hưởng. Gió cấp 5, cấp 6 lá cao su sẽ héo và rách. Cấp 8 trở lên cây cao su bắt đầu bị gãy cành, gãy ngọn. Trên cấp 10, cao su sẽ ngã đổ).

Cũng do vậy, theo ông Tạn, trồng cao su ở miền Trung và vùng núi phía Bắc miền Trung là thiếu khoa học và quá mạo hiểm. Tuy ông đã nhiều lần góp ý với các bộ: Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Tài nguyên Môi trường nhưng không nơi nào nghe.

Viên cựu Phó Thủ tướng Việt Nam than, phát triển cao su ở miền Trung và vùng núi phía Bắc miền Trung là một sai lầm về chủ trương, nhiều người đã can ngăn nhưng không được. Nông nghiệp Việt Nam đã nếm trải nhiều cay đắng vì những phong trào trồng trọt, chăn nuôi thiếu khoa học, đầy cảm tính và áp đặt của giới lãnh đạo.

Mới đây, sau khi hai trận bão thứ 10 và thứ 11 đổ vào miền Trung, khiến hàng trăm ngàn héc ta cao su ở miền Trung và Tây Nguyên bị gãy đổ, thiệt hại lên tới hàng trăm ngàn tỉ, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn của tỉnh Quảng Bình, khẳng định, dù thiệt hại vô cùng nặng nề nhưng Quảng Bình vẫn khuyến khích “nông dân tiếp tục gắn bó với cao su” bởi “cao su là cây mũi nhọn của ngành nông nghiệp Quảng Bình, gió bão lớn phải hơn 20 năm mới có một lần”.



Và rôì chính những người dân bị nhấn chìm trong nước vì không còn rừng để ngăn nước lũ. (Hình: Đất Việt)

Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Quảng Nam khi nhìn cảnh những cánh rừng cao su gãy đổ tan nát ở địa phương làm nông dân trắng tay, nợ nần chồng chất vẫn tuyên bố với báo chí là “Việc phát triển cây cao su tiểu điền tại Quảng Nam là tốt”.

Viên cựu Phó Thủ tướng Việt Nam bảo rằng, hai tháp truyền hình bị đổ do bão, gây thiệt hại khoảng trăm tỉ đã phải tổ chức điều tra từ thiết kế, thi công, giám sát đến chất lượng vật liệu để xác định trách nhiệm. Vậy thì thiệt hại hàng chục ngàn tỉ do trồng cao su không thể để trôi qua được. Cần phải chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan để xác định ai quyết định trồng, ai bỏ tiền đầu tư để xử lý thật thỏa đáng.

Báo Đất Việt tường thuật chuyến đi thị sát sự thiệt hại tại các vườn cao su của bí thư tỉnh Ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải đã diễn tả sự “chỉ đạo” của ông này là “Tiếp tục trồng lại , gieo mầm thảm họa cao su Miền Trung”. (G.Đ.)

Nguồn: Người Việt 

Filed under: