ĐỊNH NGHĨA QUÊ HƯƠNG - Phan văn Phước
Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtQuê Hương là những khóm tre,
xóm làng, bờ ruộng, thuyền bè, lạch, sông.
Quê Hương là mít, nhãn lồng,
sầu riêng, măng cụt, bưởi bồng, chuối, cau.
Quê Hương là lúa Cà Mau,
ngô, khoai, đồng cỏ xanh màu quanh năm.
Quê Hương là nón mẹ chằm,
sáo điều, trăng sáng, đêm rằm, mưa thu.
Quê Hương là bác nông phu,
tiếng nôi kẽo kẹt, lời ru nhịp nhàng.
Quê Hương là phá Tam Giang,
Trường Sơn, Bạch Mã, Đèo Ngang, Rù Rì.
Quê Hương là núi Ba Vì,
áo dài trắng xóa mỗi khi tan trường.
Quê Hương là miễu, Chùa Hương,
Vĩnh Nghiêm, Thiên Mụ, Giáo Đường, Đình, Lăng.
Quê Hương là Huế, Cao Bằng,
Saigòn, Hà Nội, Sóc Trăng…, ba Miền.
Quê Hương là Giỗ Gia Tiên,
Vua Hùng, Lạc Việt, Thánh Hiền, Sử Xanh.
Quê Hương là những bát canh:
mồng tơi, rau muống, cải xanh, bí, bầu….
Quê Hương là bé chăn trâu,
hồ, mương, ao cá, nhịp cầu bắc ngang.
Quê Hương là Cửu Long Giang…,
giọng hò, mái đẩy nhịp nhàng, khoan thai.
Quê Hương là những dân chài
ra khơi bủa lưới miệt mài, hăng say…
Ông Cha căn dặn điều này:
''Đừng làm nô lệ hoặc tay sai Tàu!
Bắc Quan* đến mũi Cà Mau
đề cao cảnh giác giặc Tàu xâm lăng!''
Đồng Bào Nước Việt nghe chăng
Diên Hồng Hội Nghị, Bạch Đằng, Đống Đa…
còn vang khắp cõi Sơn Hà:
''Không cho giặc cướp NƯỚC NHÀ VIỆT NAM !'' ???
------------------
Ghi chú:
* ''Bắc Quan'' là cửa ải đi sang phương Bắc (Tàu), trái nghĩa với ''Nam Quan'' do Tàu dùng để
sang ''Nam Quốc Sơn Hà'' của chúng ta !!!
Những chữ đầu câu thơ tám vần không viết hoa, dấu phẩy hay dấu chấm ở cuối câu thơ là để cho
phần định nghĩa được ''xuôi'' theo văn phạm hay ngữ pháp.