NỤ CƯỜI CỦA NGƯỜI MẸ : Phan văn Phước

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt




Ngôi làng, nơi tôi được cử tới công tác, nằm lọt trong thung lũng vùng Zaire, chỉ toàn những túp lều lụp xụp, bằng lá, người già trẻ, lớn bé đều đi chân không. Thể kỷ 20 dường như đã lướt qua mà bỏ quên ngôi làng này. Ở đây, không có diêm quẹt, dân làng dùng đá và bùi nhùi để lấy lửa.

Nhiệm vụ tôi được giao tới đây là giúp dân làng tìm cách cải thiện chế độ dinh dưỡng. Người đầu tiên đến gặp tôi là một phụ nữ. Chị ta cao, khẳng khiu như cây củi, tuy xấp xỉ ba mươi, khuôn mặt lại khắc khổ, nhăn nheo. Chồng chết, chị phải đầu tắt, mặt tối, nuôi ba đứa con. Chị khẩn khoản: “Cô làm ơn chỉ cho tôi cách nuôi cá. Các con tôi cần có cá ăn, áo mặc.” Tôi đáp: “Được. Nhưng, trước tiên, phải đào ao.” Chị ấy bảo: “Sẽ có ao.” Tôi nói: “Chị làm cách nào để đào? Ở đây, đâu có xe xúc.” Chị ta trả lời: “Tôi dùng thứ này.”, rồi chìa cho tôi xem chiếc xẻng cùn.

Đào ao bằng xẻng! Mà lại chỉ có một người! Tôi không tin là chị này làm được. Cứ tưởng tượng xem: Đầu tiên, phải nhấn xẻng xuống đất tới cán, sau đó, bẩy xẻng lên, hất (hoặc bốc, gánh hay bê tùy ý), xẻng đất đó ra xa ít nhất là 10m để đắp lên, làm thành bờ ao. Tôi nghĩ rằng, muốn làm được cái ao nhỏ, phải đào ít nhất 50.000 xẻng đất đầy vun. Nếu không, phải còng lưng, đào gấp đôi. Con đường thoát cảnh nghèo của phụ nữ Phi Châu chẳng dễ dàng chút nào!

Mỗi lần ghé qua kiểm tra việc chị ấy đào ao, tôi đau nhói trong tim. Dưới trời nắng như lửa, chị ta vẫn miệt mài đào từng xẻng đất. Nhìn bàn chân gầy guộc, đen nhẻm và nứt nẻ của chị đạp chiếc xẻng lún xuống đất, nhìn bộ váy áo vá chằng, vá chịt của chị, nhìn ba đứa con chị ngồi núp nắng dưới mấy tàu lá chuối bị gió quạt tơi tả, tôi thấy mình như có lỗi. Một hôm, cầm lòng không được, tôi bảo: “Chị để tôi làm giúp xem sao.” Chị đáp: “Ồ không, Sara. Công việc này quá nặng đối với cô.” Tôi nói: “Thì chị cứ nghỉ tay một lúc đi.” Chị ta nhún vai, đưa cho tôi chiếc xẻng.

Tôi bắt đầu đào. Đạp xuống, hất lên. Tốt. Tiếp tục đạp xuống, hất lên. Tôi vừa làm, vừa thầm đếm. Dường như công việc không nặng nhọc như tôi tưởng. Vài phút sau, tôi bắt đầu thở dốc, mắt hoa lên trước ánh nắng Châu Phi. Mồ hôi ướt sũng áo. Ôi, nếu ở trần được như đám đàn ông thì tôi đã làm từ lâu rồi! Chị ấy nói: “Thôi, cô để tôi.” Tôi trả lời: “Không. Chị để tôi.” Đúng vậy, nếu tôi không ra tay, làm sao nói được dân làng?

Tôi đào chừng hai mươi phút, chân tay rã rời, không chịu nghe lệnh của tôi nữa. Nhưng tôi vẫn cố, dù ít, dù nhiều. Được chừng một tiếng đồng hồ, tôi đành buông xẻng, ngồi phịch xuống đất, thở hồng hộc. Người phụ nữ nhặt lấy xẻng, tiếp tục đào, lầm lì, không nói một lời, nhưng tôi thấy rõ lòng quyết tâm của chị ta thật đáng nể.

Sáng hôm sau, tôi thấy bàn tay người phụ nữ bỏng rộp. Tôi khuyên: “Chị nên nghỉ ít bữa kẻo bệnh mất.” Chị đáp: “Không. Tôi phải đào xong cho kịp trước khi mưa xuống. Tôi quen rồi.” Cứ thế, ngày qua ngày, tuần tiếp tuần, chả mấy chốc đã là nửa năm. Cái ao được thành hình, chiều này chừng chục mét, chiều kia gấp đôi. Mùa mưa, xích đạo trút nước. Thay vì phơi nắng, người phụ nữ lại lóp ngóp dưới mưa, khơi mương cho nước chảy vào ao.

Tôi cùng chị run rẩy, thả lứa cá đầu tiên xuống ao. Sáu tháng sau, chúng tôi mừng, nhảy như chân sáo, reo hò tựa trẻ con bên bờ ao khi mẻ cá đầu tiên cân nặng 97 ký. Trưa hôm đó, bên bếp lửa trong căn lều của mình, chị lặng lẽ ngắm ba đứa con bu lấy mấy con cá nướng. Trên gương mặt đen đủi nhăn nheo, nhưng đầy nghị lực của chị, lần đầu tiên, từ khi quen nhau, tôi thấy thấp thoáng nụ cười.


Phan văn Phước sưu tầm và nêu cảm tưởng:






Nghĩ về người nghèo, trong cuốn ''Le Diable et Le Bon Dieu'' (Quỷ sứ và Thiên Chúa Tốt Lành), Jean Paul Sartre viết: ''Có hai hạng người nghèo: những người nghèo như nhau và những kẻ nghèo quá lẻ loi. Những người đầu là nghèo thật, những kẻ khác là người giàu không có sự may mắn.''
Ở Mac Donald's, tôi lặp lại câu của Jean Paul Sartre cho ông bạn người Đức nghe và nói: ''Lão chủ triệu phú nhà hàng này không ưa người nghèo là cái chắc.''  Nghe vậy, ông bạn cười tán thành.