NHỚ HUẾ : Phan văn Phước

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt



Không hiểu vì sao mà tôi nhớ Huế quá chừng. Đêm nằm trăn trở vẫn thấy hiển hiện dòng Hưong Giang nước xanh trong… Mới đây, hai vợ chồng làm một cuộc viễn du từ Diên Khánh ra Đà Nẵng, rồi Huế... Mới trở vào, đã nghe thèm mè xững sông Hương. Hay đó là quê vợ, nơi mà:

                      “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

                      Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

Hóa ra nhà thơ Chế Lan Viên có lý. Huế, nơi tôi đã học một quãng thời gian, tuy không dài, nhưng đã trải qua bao biến động…bao nỗi nhớ nhung…cũng đủ để nhớ mãi cả đời. Mà tôi lại lấy vợ Huế nữa…

Tôi thuộc lứa sinh viên “Tú Tài Mậu Thân, Cử Nhân Nhâm Tý”, nhưng chỉ được vế đầu vì đỗ Tú Tài Mậu Thân (niên khóa 1967-68) nhưng Cử Nhân thì phải đợi đến…Giáp Dần (1974)!

Có lẽ số lận đận trong học hành, thi cử! Đó là nói vui hoặc tự an ủi, sự thực là đậu Tú Tài ban B, hạng bình thứ, nhưng không đậu nổi vào Nông Lâm Súc Sài Gòn, bèn ghi danh học MPC ở Đà Lạt. Học cả năm không đậu, đành hát bài “quy cố hương”.

Anh chị trong gia đình vẫn muốn tôi tiếp tục ghi danh vào Đại học Khoa Học, nhưng tôi sợ môn Toán, Lý, Hóa. Lại nữa, hồi ở Đà Lạt, thỉnh thoảng tôi theo số sinh viên Sử Địa đi du khảo nơi này, nơi khác nên thích học Địa Lý. Tôi cũng mê môn Sử từ những ngày ở Trung Học nên đã “dũng cảm” ghi danh vào Ban Sử Địa ở Trường Đại học Văn Khoa. Niên khóa 1968-69, ĐHVK đã bắt đầu theo chương trình “niên chế” (tín chỉ) và tôi vào năm thứ nhất chương trình này.

Quê tôi ở Đà Nẵng. Cha, anh, chị tôi đã từng học và làm việc ở Huế. Nhờ đó, tôi cũng đã có vài lần ra Huế lúc còn nhỏ nên tôi vẫn có cảm tưởng Huế rất thân thiết. Khi ra Huế học, tôi được ở tại Cư Xá Sinh Viên Huỳnh Thúc Kháng của Hội Ái Hữu Đồng Châu Quảng Nam, tòa soạn cũ của báo Tiếng Dân. Có lẽ nhờ những thuận lợi đầu tiên đó, (cùng với việc ở Cư Xá chỉ biết lo học: từ cách sống tập thể…, đến việc tìm tòi, tra cứu, cách trình bày một bài làm ở những người anh học năm cuối Việt Hán hay Luật Khoa) nên, ngay năm đầu tiên, kết quả học tập của tôi tương đối khả quan.

Hè năm ấy, phải đi ''Quân Sự Học Đường'' ở Phú Bài một tháng, tôi học với sinh viên năm thứ 2,3... của tất cả các Phân Khoa vì, trước đây, tôi đã có 5 tuần học ở Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn, tại Ninh Hòa do Đại Học Đà Lạt gửi xuống. Thay vì tiếp tục học năm thứ 2 sau hè, tôi lại nộp đơn thi vào Đại Học Sư Phạm vì gia đình tôi cho là:“chỉ có vào ĐHSP thì may ra, khi học xong, mới được hoãn dịch!”

Ngày vào vấn đáp, một số người có trường hợp như tôi từ Quân Trường về thi, mặc đồ lính, tóc húi cua! Bây giờ, hơn bốn mươi năm đã qua, nhớ lại vẫn thấy buồn cười! Vậy là, nếu chỉ cần thêm một năm như thế nữa, tôi đã đậu bằng “cử nhân năm thứ nhất”!

Năm đầu tiên ở ĐHSP, lớp tôi có một người ở Đà Nẵng, đó là Hoàng Văn Tôn. Không lâu sau, hắn trở thành “dân chơi” ở lớp, ở khoa, ở cả ngoài đường vì đã có thành tích ăn chơi từ Trung Học. Tôi với Tôn nhanh chóng thân nhau dầu tôi chỉ thuộc hạng “ăn chơi nửa mùa” thỉnh thoảng cũng đi giang hồ vặt theo kiểu “nghe tiếng cơm sôi, bỗng nhớ nhà!”

Tôn ở trọ nhà bà con bên ngoại, đầu đường Huỳnh Thúc Kháng, gần cư xá tôi ở. Qua Tôn, tôi quen biết gia đình Đặng Ngọc, phòng vẽ Ngọc Duy, bạn Thanh Nhã (lớp Việt Hán), Thanh Hải (lớp Anh văn), Lệ Hà (lớp Việt Văn) khóa sau, để rồi vòng giao tiếp mở rộng dần đến một số sinh viên âm nhạc, mỹ thuật, tạo tác... Nhóm chúng tôi chọn nhà Nhã làm “nơi gặp gỡ”… uống cà-phê, nghe nhạc, trà đàm…. thậm chí cùng nhau đi ngắm người trong các buổi xuống đường, tuyệt thực, tranh đấu! Có điều chúng tôi vẫn luôn luôn nhắc nhở nhau: phải học chăm, học giỏi để, cuối năm, có kết quả cao nhất! Lên năm thứ ba, lại sinh hoạt với Phong Trào Du Ca Huế, đi hát “uỷ lạo chiến sĩ tiền đồn” nhân ngày Giáng Sinh ở các căn cứ Bastogne, Checkmate, Birmingham…Đó là chưa kể những lần đi cứu trợ bão lụt, dọn nhà cháy cùng với sinh viên liên cư xá. Tôi nhớ những ngày di tản về Đà Nẵng sau mùa hè đỏ lửa 1972, ưu tư về thời cuộc thì ít, mà nỗi lo không biết ngày nào được ra lại Huế thì nhiều; Bởi vậy, khi có ai đó, trong những ngày chiến sự ác liệt, ra được Huế rồi trở vào, mang theo một bi-đông nước lấy từ Huế, chúng tôi đi uống cà-phê, và mỗi người thưởng thức một ngụm nước sông Hương, mà cứ ngỡ như dân Hồi Giáo uống nước đem về từ thánh địa La Mecque!

Dông dài như thế để các bạn hiểu rằng cỡ như tôi học thì xoàng mà sao “mâm nào cũng có”? Cũng dễ hiểu thôi mà! Tại Quân Trường Đống Đa (Phú Bài) dứt khoát tôi ở đại đội đàn anh, cùng với sinh viên khóa Nguyễn Đình Chiểu. Ở ĐHVK, tôi cùng học với những sinh viên từ sư phạm (khóa Lương Văn Can) gửi qua và chính thức là sinh viên khóa Huỳnh Thúc Kháng. Sau này, vợ tôi lại là một đàn chị ra trường từ khóa Nguyễn Đình Chiểu! Nên, khi ai hỏi vợ làm gì, ở đâu, mà cần phải trả lời chi tiết, tôi đem cái chiêu bài “Tú tài Mậu Thân, Cử Nhân Nhâm Tý” ra dùng để lấp cái đàn em thua thiệt về tuổi nghề của mình!

Xa Huế đã lâu lắm, nhưng năm nào tôi cũng phải về thăm một lần trong dịp hè. Vào thời bao cấp, về Huế thăm gia đình vợ. Sau này, thăm các em vợ còn ở lại Huế, nhưng tận cùng thâm tâm vẫn là thăm cái nôi kỷ niệm ngày đi học, nơi mình đã từng sống trong những năm tháng sôi động, còn đọng lại nhiều kỷ niệm khó quên! Trong những lần về Huế đó, nhất định phải đảo một vòng qua Trường Văn Khoa, Sư Phạm cũ, vào Mai Thúc Loan nội thành để nhớ ngày xưa ''đi đếm'' những cây phượng đã nở… Có những buổi chiều tôi cùng với thằng con trai nhỏ đi bộ suốt từ đường Phan Bội Châu lên Trần Hưng Đạo để tìm lại cái không khí “bát phố” đã trở thành thói quen cuối tuần suốt những năm đi học. Dạo đó, tôi thường mua một vài cuốn sách hoặc ngắm người đẹp trên phố hay tìm lại tâm trạng:

                      “Bên cầu đứng ngắm em qua phố

                      Bận áo vàng xưa bỗng giật mình” (thơ Nguyễn Phước?)

Sau này, vật đổi sao dời nên chỉ còn đọng lại trong tôi tâm trạng buồn và nỗi nhớ về “những người muôn năm cũ”!

Ra trường, đi dạy, mải mê lao vào dòng chảy của suối đời gian nan, thử thách, bất an và đầy nghiệt ngã, tôi vẫn rất nhiều lần nhớ Huế; nhưng lạ quá, hình ảnh Thầy Cô nhiều lúc lờ mờ trong ký ức, chỉ nhớ được hình ảnh một số người, một số vị không nhớ nổi tên. Trái lại, kỷ niệm vui chơi với bạn bè thì vẫn hiện lên mồn một: nhớ những ngày đi học trời lất phất mưa, đi bộ qua cầu với Thanh Nhã, mỗi đứa nói tên một bản nhạc mà tựa đề có chữ Xuân, rồi cứ thế, Hạ, Thu, Đông... cho đến khi vào lớp. Nhớ những đêm cùng vài anh em cư xá qua Tổng Hội uống cà-phê chị Giang đến khi về thì đã trễ, mỗi thằng xách giày, dép qua cầu để nghe mát lạnh dưới bàn chân. Lại nhớ lần ủng hộ Thông, Tiếp, Hải, Ngọc…tranh cử vào Ban Đại Diện Sinh Viên Sư Phạm, nhớ ngày cả nhóm chạy gạo cứu trợ đồng bào Quảng Trị vào ở bên Trường Tiểu Học Lý Thường Kiệt trong mùa hè đỏ lửa 1972, nhớ những ngày tham dự trại “Nối vòng tay lớn” của sinh viên quốc nội cùng với một số sinh viên từ nhiều nước trở về sau hè 1972…Rồi lan man nhớ đêm kết thúc đại hội Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo để có dịp được nghe Vũ Thành An hát “Anh đến thăm em đêm ba mươi” và một bản mới vừa được sáng tác “Một lần nào cho tôi gặp lại em” (để “tặng các chị cư xá Mai Trinh”!) Ơi nỗi nhớ miên man, nỗi nhớ thật khôn cùng, nhưng cũng là nỗi nhớ…tuyệt vời!

Trong cuốn nhật ký “viết những khi thích” (có từ đầu những năm 1980), ở phần nhớ về Huế, tôi đã ghi:“Cứ vào những ngày gần giữa tháng chạp, khi bên ngoài lành lạnh và màu nắng trở vàng, lòng tôi bỗng rộn lên những xôn xao khó tả. Nhớ phố, nhớ hành lang Văn Khoa, văn phòng Ban Đại Diện Sinh Viên Sư Phạm ngập tràn tiếng hát “ngày xuân nâng chén...” trong những buổi tập cho“Đêm Văn Khoa”, “Đêm Sư Phạm” trước khi trường nghỉ Tết. Đã bao năm qua rồi mà tiếng hát ngày ấy vẫn cứ quyện mãi lòng tôi mặc cho sóng đời vùi dập, mặc cho trái tim thành chai sạn trước những thăng trầm của thực tế cuộc sống!”

Tháng 7.1974 ra trường, tháng 10 nhận nhiệm sở ở Cam Ranh, tôi, Kim Ngân và Kim Quỳ cùng dạy học và sinh hoạt với nhau vô cùng thân thiết. Tôi cưới Kim Ngân không lâu thì Kim Quỳ ra nước ngoài. Nhiều đêm hai vợ chồng vẫn cùng nhớ về Huế…Có một thời gian hơn 10 năm, tôi chuyển sang làm việc khác ở Cam Ranh, xa nhà gần 50 km …Nhưng, khi các con đi học, rồi đi làm và ở hẳn Sài Gòn, vợ ở nhà một mình, tôi lại phải quay về. Tôi nghĩ rằng mình đã được đào tạo từ ĐHSP Huế nên cần phải đem kiến thức học được ở trường để tiếp tục dạy một số tiết ở Trường Bán Công như là một cách giữ mối dây thâm tình với Huế và mặt khác khỏi phụ lòng mong ước của gia đình.

Tôi vẫn nhủ lòng: Rất may mà mình lấy người vợ Huế để có những lúc cùng buồn cùng vui với Huế và cùng nhớ Huế… Huế với tôi, không chỉ là hoài niệm, kỷ niệm mà còn là một thực thể sống động vô cùng thân thiết, luôn ở trong tôi như… người vợ dấu yêu mặn nồng gắn bó cả cuộc đời…

Nguyễn Hoàng Quý (Lớp Sử Địa, khóa Huỳnh Thúc Kháng)

Diên Khánh, 17.9. 2009

Người ''chuyển bài viết'' là bạn cùng Khóa 13 ''Huỳnh Thúc Kháng'' mà tác giả Nguyễn Hoàng Quý đã kể lại. Đọc tâm tình của anh ta, tôi cũng buồn, nhớ Huế da diết và không thể nào quên những ''ngày, tháng, năm thơ mộng thời hoa niên'' ở Trung Học và Đại Học Văn Khoa, Sư Phạm Huế. Tôi cũng có nhiều điểm giống tác giả: Học ban khác trước (Triết, Việt Hán và vào ngồi nghe ké ở các lớp không cùng ban), rồi mới thi vào Đại Học Sư Phạm (Pháp Văn), Đi Quân Sự Học Đường ở Trung Tâm Huấn Luyện Phú Bài, học chung với tác giả, với sinh viên trên lớp mình. Khi về thi ''vấn đáp'', tôi cũng ''mặc đồ lính, tóc húi cua!'' (lời của tác giả), lại còn vẽ 4 sao trên mũ sắt, viết chữ Latinh trên lưng áo: ''Canis Vita'' (Vie de Chien, Dog Life) với ý là ''chọc'' anh em cùng khóa mà thôi. Nhưng, hồi ấy, Tướng, Tá, Sỹ Quan...ở Quân Trường rất vui vẻ và thông cảm cho anh em sinh viên phải tạm gác bút nghiên, đi ''Đoạn Đường Chiến Binh'' ở Trung Tâm Huấn Luyện. Nhờ đó, tôi rất nghịch, kể chuyện tếu, chọc, phá ở Quân Trường. Khi Sỹ Quan nọ đọc kết quả của Đại Hội H2 và phát ''Chứng Chỉ Cao Cấp Quân Sự Học Đường'', tên tôi được xướng lên là người ''áp cuối''. Ai dè ông Sỹ Quan ấy ''chọc lại'' sinh viên, nghĩa là tôi đậu hạng nhì!

Tôi quen rất nhiều bạn ở các Phân Khoa khác, đã tham gia vào các sinh hoạt mà tác giả kể lại, nhất là ''tái thành lập'' Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Huế theo Chỉ Thị của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền và sự hỗ trợ của Linh Mục Nguyễn Văn Lập (Cựu Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt), Tổng Đại Diện Địa Phận Huế.

Trước biến cố 75, tôi có đến Cam Ranh thăm Nguyễn Hoàng Quý và một số anh chị em đồng nghiệp. Sau biến cố ấy, ghé lại nơi này, tôi chỉ còn gặp một vài người, trong đó có Thiết, Quý (họ Đinh) là bạn thân, lớp Sử Địa, trước Hoàng Quý và tôi một khóa.

Có lẽ tôi ''được Trời xe duyên: tặng cơ hội quen thân với nhiều anh em Ban Sử Địa'' để học hỏi thêm kiến thức nơi họ. Nhờ biết nhiều về Lịch Sử và Địa Dư, anh chị em Ban ấy, học ở Huế, bèn thương Huế và, giờ đây, nhớ Huế như tác giả Nguyễn Hoàng Quý không phải là dân ''Huế'', nhưng hồn đã thấm Huế nên thơ, trữ tình...

Nhân đây, qua Trang đăng bài viết của tác giả, tôi mến thăm tất cả những người bạn và Niên Trưởng thuở xưa. Xin cám ơn bạn Hoàng Quý đã làm tôi rơi nước mắt ở xứ người. Nhờ Hoàng Quý, nay mai, mình sẽ kể chuyện vui ''Quân Sự Học Đường'' mà, bấy lâu nay, ''moa'' lỡ dại quên...

Phan văn Phước