Công an Hà Nội bắt dân khai báo cả đời tư
Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtHÀ NỘI 18-10 (NV) .- Bộ Tư pháp vừa đề nghị Bộ Công an CSVN cùng xem xét chuyện Công an thành phố Hà Nội buộc dân chúng khai báo những thông tin cá nhân mà ngành này không có quyền thu thập.
Tờ khai mà Công an thành phố Hà Nội buộc dân phải khai nhiều thông tin liên quan đến đời tư. Hình: Người Lao Động)
Nhân danh nhà cầm quyền thành phố Hà Nội, Công an của thành phố này đã phát cho mỗi gia đình một tờ khai, trong đó yêu cầu chủ gia đình phải cung cấp nhiều dữ liệu cá nhân như số điện thoại riêng, địa chỉ email, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại nơi làm việc, địa chỉ email nơi làm việc. Các quan hệ cá nhân: có bao nhiêu anh, chị, em ruột, đã làm những gì, ở những đâu từ 14 tuổi tới nay…
Trong khi Công an thành phố Hà Nội giải thích, việc phát tờ khai và buộc cung cấp các thông tin hoàn toàn riêng tư như vừa kể, nằm trong tiến trình thu thập dữ liệu về dân cư để chuẩn bị cấp mã số định danh cá nhân, giảm các thủ tục hành chính, dân chúng và báo giới vẫn phản ứng dữ dội, bởi họ cho rằng, cách làm này xâm phạm đời tư của họ.
Nhà cầm quyền CSVN từng ban hành một nghị định về xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, nghị định này quen được gọi tắt là Nghị định 90 và Công an được giao trách nhiệm thu thập thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu đó. Nhưng ông Nguyễn Văn Hậu, luật sư, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Sài Gòn, vẫn cả quyết, những thông tin mà Công an thành phố Hà Nội muốn thu thập đã vượt giới hạn cho phép của Nghị định 90. Nghị định 90 chỉ yêu cầu cung cấp 22 loại dữ kiện, còn tờ khai mà Công an thành phố Hà Nội phát ra đòi dân chúng phải khai báo 32 loại dữ kiện.
Ông Hậu nói thêm rằng, yêu cầu cung cấp thông tin của Công an thành phố Hà Nội còn trái với Luật Dân sự về việc bảo vệ thông tin cá nhân. Do đó, dân chúng có quyền không cung cấp một số thông tin mà Công an thành phố Hà Nội yêu cầu.
Với tư cách một chuyên viên tin học, ông Nguyễn Ngọc Kỷ, từng làm việc tại Cục Tin học nghiệp vụ, thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật của Bộ Công an Việt Nam, nhận định, Công an thành phố Hà Nội tổ chức thu thập thông tin theo kiểu thủ công như thế là thiếu khoa học, vừa không đạt hiệu quả quản lý do khó kiểm chứng, vừa tốn kém tiền bạc. Cũng vì vậy, chắc chắn “cơ sở dữ liệu dân cư” do Công an thành phố Hà Nội thực hiện, sẽ không thể kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Ông Kỷ nhấn mạnh, thông tin về dân cư có đặc điểm riêng và đòi hỏi phải chính xác để phục vụ cho công việc quản lý. Thông tin chính xác nhất về dân cư đang nằm rải rác ở các cơ quan quản lý về những lĩnh vực khác nhau như: giáo dục - đào tạo, tài nguyên – môi trường, ngân hàng, thuế… Cách làm khoa học và giúp bảo mật thông tin cá nhân của công dân là phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh để kết nối thông tin giữa các ngành này với nhau nhằm có cơ sở dữ liệu thông tin dân cư chính xác nhất.
Trước phản ứng của công chúng và báo giới, ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Tư pháp, cho biết, bộ của ông ta đã giao cho Cục Kiểm soát thủ tục hành chính xem xét yêu cầu của Công an thành phố Hà Nội có phù hợp pháp luật hay không.
Viên Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp, xác nhận, gia đình ông ta cũng đã nhận được tờ khai do cảnh sát khu vực mang tới. Cá nhân ông ta cũng thấy lấn cấn. Với tư cách là một viên chức của Bộ Tư pháp, ông ta đã gửi văn bản cho Bộ Công an, đề nghị xem xét lại cách Công an Hà Nội thu thập dữ liệu cá nhân. Ông ta nói thêm, sau khi Bộ Công an trả lời, Bộ Tư pháp mới có ý kiến.
Tuy Bộ Công an Việt Nam chưa có ý kiến chính thức về chuyện Công an thành phố Hà Nội phát tờ khai, buộc dân chúng cung cấp nhiều dữ liệu liên quan đến đời tư, song một số viên chức của chính bộ này cũng tỏ ra không đồng tình với chuyện Công an thành phố Hà Nội đang làm.
Theo báo chí Việt Nam, một viên đại tá, Cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và Dữ liệu quốc gia về dân cư, của Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, thuộc Bộ Công an Việt Nam, cho rằng, đề án cấp mã số định danh công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đang được thực hiện song Công an thành phố Hà Nội lại tự làm, không trao đổi với Bộ Công an là “rất khó hiểu”. Điều này có thể sẽ gây khó khăn khi ráp nối thông tin về cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Đây là lần thứ hai Công an Việt Nam nói chung và Công an thành phố Hà Nội bị công chúng chỉ trích là “khi dân”.
Năm ngoái, Công an Việt Nam chọn Hà Nội làm nơi thí điểm để cấp chứng minh nhân dân theo mẫu mới. Mẫu này bị chỉ trích kịch liệt vì có tên cha, mẹ người được cấp chứng minh nhân dân. Việc ghi tên cha, mẹ bị xem là vô nhân đạo bởi không phải ai cũng có cha và xâm phạm quyền trẻ em vì Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em quy định: “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tuỳ tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín của các em cũng như những công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em. Trẻ em có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy”.
Trước phản ứng dữ dội từ phía dân chúng và nhiều viên chức các cấp, đến hạ tuần tháng 8 năm ngoái, Bộ Công an Việt Nam ra lệnh dừng việc cấp mẫu chứng minh nhân dân có ghi tên cha mẹ. (G.Đ)
Nguồn: Người Việt