Vắt chanh bỏ vỏ: Châm Ngôn HĐ Của VC
Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtTrong suốt thời gian hai mươi bẩy năm tù, Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã tửng gặp rất nhiều người tù là Cán Bộ Cộng Sản đã từng theo "Bác" một cách chân thành, nhưng chỉ vì dám có những thắc mắc về đường lối "Bác" mà bị tù đầy "mút chỉ". Một nhà thơ khác cũng cho biết ông đã gặp một người tù điên, lúc nào cũng lảm nhảm ca tụng "Bác". Hỏi ra mới biết là ông đã ở tù từ trước 1954, chỉ vì tội không chịu theo chân "Bác" đi tiêu diệt địa chủ, phú nông. Người này không xa lạ với Bộ Chính Trị, vì khi "Bác" còn ở hang Pắc Bó, ông ta đã tình nguyện đi Bộ Đội, theo chân "Bác" rồi. Ngoài ra, còn hàng ngàn người khác, đã từng là cán bộ, nhất là cán bộ "cải cách ruộng đất" hoặc đã bỏ thây trong tù, hoặc vẫn còn chờ được ra đi bằng hai chân trước trong chiếc hòm thô sơ làm trong trại tù.
Sau khi chiến dịch "đấu tố" đã làm cho đồng ruộng ngập máu người, thì nhân dân có giai đoạn phát sợ, không ai dám làm việc gì nữa, ngay cả cầy cuốc để trồng khoai sắn, vì sợ mang tiếng là "địa chủ" thì bị đập chết. Miền Bắc rơi vào tình trạng khủng hoảng, dân đói rét chết la liệt. Bộ Chính Trị phải họp và xét lại vấn đề. "Bác" mới đề nghị chiến dịch "sửa sai". Thế là lại học tập tối ngày sáng đêm. Các bà mẹ phải lê mấy đứa con nhếch nhác đến họp, các nông dân phải vác cái bụng đói, cái điếu cầy đến nghe đoàn cán bộ "sửa sai" xin lỗi đồng bào. Thôi thì "người chết thì đã chết rồi", chị Gái, trước là con địa chủ, nay được phục hồi thành "công dân", được phát một miếng giấy đo đỏ, ghi ơn cứu quốc. Anh Đực, tí nữa bị đập cuốc vào đầu, vì bị nghi là phú nông, nay cũng được đưa vào "hợp tác xã". Bà Rụm, vợ của ông Cu, vì có mấy sào ruộng cấy rẽ mà bị xử tử, nay được tặng bằng khen của Huyện là "có góp công với Đảng".
Còn những "đoàn Cán bộ công tác" trước đây về làng hăm hở "thẳng tay phát động quần chúng", nắm đầu thằng này, lôi cổ con nọ ra đấu tố, thì nay lại bị ghép tội: "thông đồng với ngụy, phá hủy kế hoạch của Đảng", nên bị khai trừ. Một số đảng viên tích cực quá đáng, trước được ban khen vì thành tích tiêu diệt "trí, phú, địa, hào", đã từng ngâm nga mấy câu thơ đầy máu của Tố Hữu: "Cứ xốc tới, cứ chẩy máu, cứ rơi đầu, Mỗi xác thân là một nhịp cầu, cho ta bước tới chân trời khát vọng" nay lại bị cho vào tù để cảnh cáo các cá nhân nào "phản động, lợi dụng chức vụ, làm rối trật tự trị an". Kẻ nào chống lại việc "sửa sai" thì cho đi "mò tôm" làm gương. Vì thế, nhà tù lại chật người, mà không phải chỉ có nhân dân lao động, mà còn là những cựu cán bộ, đảng viên đã từng tích cực giết nhân dân lao động. Trại tù Lý Bá Sơ nay đón tiếp hàng trăm người là cán bộ, đảng viên, hai tay vẫn còn những vết máu chưa khô, ngực vẫn còn mang "ngôi sao vàng" chiến thắng. Những người tù này sẽ bị tù cho đến chết vì nếu để xổng ra, họ sẽ đi tuyên bố lếu láo về chiến dịch "đấu tố" mà họ tự cho là "nạn nhân" vì đã thực hiện theo lời "Bác" mà thôi. Họ cũng có thể kể ra những lần học tập kỹ thuật đấu tố, những bài giảng có trích dẫn lời "Bác" mà phải học thuộc lòng, những lần được lãnh đạo "ôm hôn thắm thiết". Với tinh thần "tất cả vì Đảng", họ cứ tưởng là càng giết nhiều người thì càng được "Bác" thương. Nhưng, bất ngờ, lại bị nhốt vào tù! Chẳng hiểu ra sao cả?
Những kẻ này thật ra không hiểu là chúng chỉ là những miếng chanh, sau khi bị vắt hết nước, thì liền bị vất vào trong rổ rác của lịch sử. Ngay cả những người cán bộ Cộng Sản lừng danh thế giới, sau khi đã xổ hết khả năng phục vụ Đảng, mà không còn xài được nữa thì bị cho đi tầu suốt. Như cả cái gọi là "Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam", sau khi nhà cầm quyên miền Bắc thống nhất hai miền Nam- Bắc, lập tức bị khai trừ ngay, không còn dấu vết gì. Như Đinh bá Thi, khi vai trò gián điệp của y tại Liên Hiệp Quốc bị lộ tẩy, liền được mời đi công tác miền Trung. Trên đường đi, đã có một chiếc xe không mang bảng số chờ sẵn. Và việc gì xẩy đến đã đến. Đinh bá Thi chết vì một tai nạn xe hơi! Trần văn Trà, người lãnh đạo cuộc chiến 56 ngày đêm, tấn công vào Dinh Độc Lập, cắm lá cờ máu vào đây, nổi tiếng thế giới, rồi sau đó, vì một lý do bất đồng nào đó, chết bí mật trong chiếc thang máy, sáu ngày sau mới được thông tin. Và còn biết bao nhiêu tướng lãnh khác, cũng đã qui tiên bất ngờ, khi nước chanh trong người đã bị vắt hêt!
Hiện nay, cả miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa đang loan truyền chuyện ông Nghệ, một gián điệp có tầm cỡ trước đây, nay là Dân Oan, đang thoi thóp trên giường, chờ đi thăm "Bác Mao, Bác Hồ", nhưng không phải để ca tụng nữa, mà đề đòi "treo cổ Bác" lên, vì tội nói láo và tội vắt chanh bỏ vỏ".
Ông Võ Văn Nghệ vốn là cán bộ tình báo, hoạt động bí mật cho công an Tỉnh Thanh Hóa từ năm 1954. Đến năm 1967, ông nhận nhiệm vụ là được gài vào tổ chức "Chân Lý", một tổ chức "phản động" đang bí mật phát triển. Cuối năm 1968, toàn bộ tổ chức "Chân Lý" bị bắt. Ông Nghệ được vinh danh như một anh hùng. Đến năm 1970, ông Nghệ lại được gài vào nhà lao Cấu Cao để theo dõi vụ án vẫn còn ảnh hưởng. Trong suốt 2 năm 4 tháng, ông Nghệ đã cam chịu khổ ải dưới chế độ tù đầy khổ sai để làm "gián điệp" một cách chót lọt. Nhưng vì đóng kịch tài quá, nên ông bị các cán bộ khác khinh bỉ ông một cách tàn tệ. Sau đó, họ đã dàn dựng cho ông là thủ phạm giết người để kết án ông. Lần tù "thực" này, ông bị tê liệt hai chân.
Ra khỏi tù, ông Nghệ mang đơn đi khiếu kiện "oan sai". Những lá đơn của ông bị vất vào thùng rác, tuy đã được nêu tên các "đồng chí" cao cấp như một bằng chứng hiển nhiên chứng minh ông vô tội với Nhà Nước. Ngày qua ngày, suốt hơn 30 năm qua, ông Võ Văn Nghệ lê la khắp hang cùng, ngõ hẻm, mong được nhà cầm quyền để ý nhưng hoàn toàn vô vọng. Nay ông đang bị bệnh nặng, nằm cô đơn trong nỗi đói, khổ của một người từng hoạt động tích cực cho Đảng, trên căn gác hai của một nhà hai tầng tại đia chỉ 277, đường Nguyễn Trãi, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa. mà không được ai đến thăm. Cơ thể gầy còm của ông rung lên từng chập.
Nói chuyện với Mục Sư Nguyễn Trung Tôn và cô Hồ Thị Bích Khương, hai Dân Oan, đến thăm, ông thều thào cho biết tình cảnh của ông như trong chuyện "con chó và người đi săn". Nếu con chó săn không còn sức để chạy theo bắt mồi về cho chủ nữa, lập tức nó bị hạ sát.
Tiếc thay, những lời nhận xét chân tình này đến trễ quá. Phải chi câu ấy đến sớm hơn 30 năm, và được phổ biến ra toàn thể dân chúng miền Bắc, cho mọi người thức tình, thì có lẽ giờ này chúng ta vẫn sống trên mảnh đất yêu quý của chứng ta, dưới ánh sáng Tự Do và Dân Chủ.
Chu tất Tiến