Dân Hồng Kông không thân Bắc Kinh
Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Minh Anh - Trên mục tin quốc tế, một số báo Paris hôm nay (03/07/2013) đặc biệt quan tâm nhiều đến tình hình chính trị - xã hội tại Hồng Kông và nhất là tại Trung Quốc. Ngày 01/07/2013 vừa qua đánh dấu cột mốc 16 năm Hồng Kông được trao trả Trung Quốc. Thế nhưng, sự kiện trọng đại đó được đánh dấu bằng cuộc biểu tình của hàng trăm nghìn người, nhằm trút nỗi tức giận lên vị lãnh đạo Đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh. Theo nhận định của thông tín viên báo Le Monde : « Người Hồng Kông muốn giữ khoảng cách với Trung Quốc ».
Bất chấp các chiêu thức dụ dỗ hay hành động đe dọa, hơn 400 000 người dân Hồng Kông (con số do các nhà tổ chức đưa ra), vì tức giận và lo lắng cho tương lai cuộc sống, vẫn quyết tâm xuống đường.
Theo họ, « chính quyền đặc khu đã không biết chăm lo cho người dân của mình, họ chỉ chăm chăm làm hài lòng Bắc Kinh ». Sự bất mãn của người dân đặc khu còn được thể hiện rõ nét qua các hình nhân châm biếm các nhà lãnh đạo. Như hình ông Lương Chấn Anh với chiếc mũi dài Pinochio, phía trên có ghi ngày xảy ra thảm sát Thiên An Môn.
Còn theo phe đối lập, ông Lương Chấn Anh và bộ sậu của ông là những người « không trung thực » và gây nhiều thất vọng. Vụ tai tiếng xây dựng nhà hầm trái phép trong khuôn viên nhà mình, sau khi kịch liệt chỉ trích đối phương đã làm cho uy tín ông Lương Chấn Anh sứt mẻ một phần. Thế nhưng, việc ông cố tình áp đặt đưa chương trình giáo dục yêu Tổ quốc, nhưng không thành, đã khiến cho nhiều người dân Hồng Kông bất mãn.
Bên cạnh đó, giá cả bất động sản tăng vọt khiến cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn cũng là một nguyên nhân. Le Monde còn cho rằng khiếm khuyết lớn nhất của ông chính là sự nhút nhát, quá sách lược trong việc thúc đẩy tiến trình cải cách dân chủ mới là nguyên do chính dẫn đến làn sóng bất bình.
Dân Hồng Kông cảm thấy mất kiên nhẫn vì chưa thể được trực tiếp bầu lên người lãnh đạo của đặc khu. Thậm chí, bắt đầu có nhiều tin đồn nổi lên cho rằng, cho dù là có được bầu trực tiếp người lãnh đạo, thì ứng viên đó cũng sẽ phải làm hài lòng Bắc Kinh trước đã. Họ nghi ngờ rằng có bàn tay vô hình của Trung Hoa lục địa đang ngấm ngầm quyết định tương lai của vùng lãnh thổ dân chủ duy nhất của Trung Quốc.
Trung Quốc ban hành luật « hiếu thảo » với cha mẹ
Các vấn đề xã hội tại Trung Quốc cũng là những chủ đề được một số báo Pháp quan tâm nhiều. Kinh tế phát triển như vũ bão trong vòng 20 năm qua đang tạo ra trong lòng xã hội Trung Quốc nhiều biến đổi đáng ngại.
Báo La Croix cho hay « Trung Quốc áp đặt lòng hiếu thảo bằng một đạo luật ». Bởi vì, những năm gần đây, những vụ con cái đối xử tệ với các bậc sinh thành (bị sống cô lập, qua đời mà không ai biết) đang gây nhiều tiếng ồn trong nước.
Theo quy định, ngoài việc phải bảo đảm về mặt tài chính cũng như việc kết hôn không cần sự can thiệp của con cái, những ai sống xa gia đình phải thăm viếng « thường xuyên » các bậc cha mẹ già từ 60 tuổi trở lên hơn, nhưng không ghi rõ cụ thể bao nhiêu lần.
Tuy nhiên, đạo luật vừa ban tạo ra không ít tranh cãi. Ai cũng biết rằng « hiếu thảo » là một trong những nền tảng đạo đức truyền thống về xã hội và gia đình lâu đời. Ngay từ mẫu giáo, trẻ nhỏ đã được giáo dục 24 điều về việc tôn kính các bậc sinh thành từ những bài văn cổ có từ thế kỷ XIII, dưới triều đại nhà Nguyên.
Do đó, nhiều bình phẩm trên mạng Internet cho rằng vấn đề không phải ở việc ban hành luật áp đặt người dân, mà là chế độ đã không những biện pháp để giải quyết tận gốc các vấn đề xã hội.
Theo nhận định của một vị giáo sư tiếng Pháp tại Thành Đô, xã hội hiện nay đã thay đổi, con cái phải đi làm xa nhà để kiếm sống để có thể có một cuộc sống đàng hoàng. Do đó, chính phủ cần phải có những chính sách hỗ trợ người già như xây nhà hưu trí và các chính sách bảo hiểm y tế như tại Pháp chẳng hạn.
Còn theo một vị giáo sư ngành xã hội học, quả thật đây là một thực tế, chính sự đô thị hóa nhanh chóng và làn sóng di cư đã phá vỡ mô hình gia đình truyền thống, trong khi mà dân số già không ngừng tăng trưởng.
Thượng Hải tính điểm điều kiện cấp giấy phép lưu trú cho lao động nhập cư
Nhìn sang những người con phải đi làm xa nhà, báo Libération thấy rằng, họ cũng có nỗi khổ tâm riêng. Không hộ khẩu, không được hưởng các trợ giúp xã hội, con cái không được vào trường công, bị phân biệt đối xử là những công dân hạng hai... nhất là vấn đề giấy phép lưu trú là những bận tâm hàng đầu của những lao động nông thôn di cư lên thành thị.
Vừa qua, để giúp cho số lao động nhập cư từ nông thôn này cải thiện hơn điều kiện sinh sống, chính quyền Thượng Hải vừa đưa vào thí điểm chương trình « tính điểm cấp giấy phép lưu trú ».
Theo nguyên tắc, để có thể chuyển đổi vị thế từ hạng nông thôn sang cư dân đô thị, các ứng viên cần hội đủ một loạt điều kiện hà khắc : Có giấy phép lưu trú tại Thượng Hải trên 7 năm, có duy nhất một con và phải có lý lịch tư pháp sạch và nhất là phải có việc làm ít nhất ở mức « kỹ thuật viên tay nghề cao ».
Thêm vào đó, các ứng viên cũng phải tích đủ 120 điểm để có thể được hưởng chế độ giáo dục miễn phí và dịch vụ xã hội của thành phố. Thế nhưng, để có tích được số điểm đó, chí ít ứng viên phải có « một quá trình học đường thật là sáng chói ». Trong khi đó, đa phần dân lao động nhập cư lại là những công nhân. Tờ báo cho rằng quy định này đã gạt ra bên lề hơn 10 triệu nhân công đến từ nông thôn. Bởi vì, nếu có cố gắng lắm họ cũng chỉ đạt được 30 điểm là cùng.
Đối với họ, việc trở thành công dân Thượng Hải quả là điều vượt quá sức. Không những cuộc sống mưu sinh vất vả, số cư dân-di dân này còn chịu rất nhiều thiệt thòi. Dù có những hộ gia đình sống tại đây từ nhiều thế hệ, nhưng con cái của họ vẫn luôn bị phân biệt đối xử là những công dân hạng hai, không được hưởng những phúc lợi xã hội cũng như chế độ miễn phí trong giáo dục như cư dân tại chỗ.
Libération nhận thấy rằng, sự phân biệt đối xử về mặt thể chế có tính truyền kiếp. Việc có kết hôn với một cô vợ hay anh chồng người Thượng Hải đi chăng nữa cũng chẳng thay đổi được gì, vẫn luôn bị xem là công dân « thứ cấp ».
Về bản chất, đây là một sự phân biệt bất công, đôi khi còn bị đem sánh với chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Tờ báo nhắc lại là sự phân biệt đó vốn được hình thành dưới thời Mao Trạch Đông bởi hệ thống « hộ khẩu ».
Ai Cập vẫn chìm đắm trong khủng hoảng
Tình hình Ai Cập vẫn là thời sự nóng trên các báo. « Quân đội Ai Cập đe dọa cú đảo chính với Tổng thống Morsi » trên Les Echos, « Morsi đối đầu với quân đội và đường phố » của Le Figaro, hay như « Phe ủng hộ Morsi sẵn sàng đánh nhau » trên Libération cho hay là Phe Huynh đề Hồi giáo và những người ủng hộ Tổng thống « được bầu một cách dân chủ » đang được huy động để bảo vệ người đứng đầu Nhà nước.
Trước các đe dọa của quân đội, ông Morsi tuyên bố sẽ không từ chức và khẳng định lần nữa « tính chính đáng ». Ông kêu gọi quân đội rút lại tối hậu thư, và nhắc lại rằng ông được bầu lên một cách hợp pháp, do đại bộ phận cử tri, do đó ông sẽ tiếp tục thực thi trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên lời kêu gọi của ông không được phe đối lập hưởng ứng. Mặt trận cứu nguy dân tộc (FSN), liên minh đối lập chính lên án Tổng thống đang đưa đất nước đến bờ bạo động và đối đầu.
Bên cạnh đó, các báo Pháp cũng nhận thấy rằng tình hình nội chính bắt đầu có bất ổn. Ông Morsi mỗi lúc mỗi bị cô lập. Sau khi 4 vị Bộ trưởng từ chức hôm thứ hai, đến lượt Ngoại trưởng Ai Cập cùng với một phát ngôn viên Tổng thống từ bỏ vị trí chính phủ.
Trong bối cảnh đó, các nhà quan sát nhận định rằng Phe Huynh đệ Hồi giáo không còn giải pháp nào khác sử dụng chiến thuật « huy động đường phố ». Tuy nhiên, họ cũng lưu ý là, đây là một chiến lược đầy rủi ro, bởi vì ngày càng có đông đảo người dân Ai Cập tham gia lực lượng phản đối tại quảng trường Tahrir và trước dinh Tổng thống.
Giải thích cho sự tái bùng nổ khủng hoảng tại Ai Cập, báo Công giáo La Croix đi phân tích sâu cho rằng « Mohamed Morsi, thất bại của một sự 'tái sinh' Ai Cập » trên bốn phương diện chính trị, kinh tế, tôn giáo và quân đội.
Trên phương diện thứ nhất, phải nhìn nhận rằng ông Morsi kế thừa một đất nước với nền kinh tế và xã hội suy yếu từ thời Moubarak và từ một tiến trình chính trị tồi tệ do quân đội để lại. Thế nhưng, chính sự vụng về, non kém về chính trị của phe Huynh đệ Hồi giáo đã đưa đẩy một vị Tổng thống được bầu lên một cách dân chủ đi đến chỗ chuyên chế, gây bất mãn lòng dân.
Về mặt kinh tế, đối với đại bộ phận dân chúng, cuộc cách mạng mà người dân Ai Cập đổ xương đổ máu phải được đền đáp bằng sự công bằng về mặt kinh tế và xã hội. Nhưng một năm đã trôi qua, sự trông đợi của người dân đã không được đáp ứng. Kinh tế trì trệ, thất nghiệp gia tăng, tài chính công suy sụp, đồng tiền mất giá, trong khi vật giá tăng vọt.
Trong lĩnh vực tôn giáo, tổng thống Morsi bị chỉ trích là không có khả năng hòa hợp tôn giáo.
Cuối cùng là quân đội. La Croix cho rằng ông Morsi đã quá xem nhẹ tiếng nói của thể chế này. Quân đội nắm giữa đến 1/3 tài sản quốc gia, tức có một quyền lực kinh tế thực thụ. Tờ báo nhắc rằng dù Ai Cập có đi theo con đường nào đi chăng nữa, quân đội sẽ không bao giờ chấp nhận để cho quyền lực của mình bị gậm nhấm.
Hoạt động nghe lén : Châu Âu chia rẽ, Obama lúng túng
Một đề tài nóng khác vẫn đang làm hao giấy mực làng báo Pháp là vụ tai tiếng nghe trộm của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA. Sự việc đổ vỡ khiến mối quan hệ đôi bên Châu Âu và Hoa Kỳ trở nên căng thẳng, trong khi tiến trình đàm phán thỏa thuận tự do trao đổi mậu dịch xuyên Đại Tây Dương đang sát gần kề.
Le Monde thấy là Châu Âu có vẻ như đang bị chia rẽ trước các tiết lộ trên. Một số nước phản ứng gay gắt như Pháp và Đức, yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt các hoạt động nghe lén và chỉ bước vào bàn đàm phán khi có được những « bảo đảm » từ phía Washington. Các quốc gia này cho rằng đàm phán phải được thực hiện trên nền tảng của sự tin tưởng lẫn nhau.
Trong khi đó, nhiều nước thành viên khác, trong đó có nước Litva - quốc gia sắp trở thành chủ tịch luân phiên, cũng như nhiều lãnh đạo Châu Âu lại tỏ ra khá dè dặt. Họ cho rằng không nên vì những tiết lộ chưa ai được thấy bao giờ của Snowden mà làm ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương Bruxelles – Washington.
Obama làm mọi giá để hạn chế tác hại vụ « gián điệp »
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Les Echos nhận thấy Tổng thống Barack Obama cũng đang phải vật vã tìm đủ mọi cách để giảm thiểu tối đa tác động của vụ việc ở trong nước lẫn ngoài nước.
Về mặt nội bộ, ông Obama phải thuyết phục dân chúng là hầu như việc nghe lén các công dân trong nước trên diện rộng là không có. Ông khẳng định rằng chương trình Prism mà Snowden tiết lộ chỉ cho phép giám sát các cuộc gọi. Việc nghe lén chỉ áp dụng cho các cuộc gọi người nước ngoài.
Hiện tại, hầu hết các nghị sĩ thuộc hai đảng chính trị lớn tại Mỹ cũng như ngày càng có nhiều người dân cho rằng kẻ « phản bội » cần phải được xét xử.
Thế nhưng, trên bình diện quốc tế, vụ việc này đang làm sứt mẻ hình ảnh của giải Nobel Hòa bình. Hôm thứ Hai, Edward Snowden tố cáo Tổng thống Mỹ vi phạm Luật Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vì ngăn chặn anh ta đi tỵ nạn ở một nước khác.
Tờ báo cho rằng lời cáo buộc này còn gây thêm nhiều thất vọng đối với chính sách của ông Obama, được đánh giá là không mấy khác biệt với người tiền nhiệm như việc ông thất hứa đóng cửa nhà tù Guatanamo. Và Tổng thống Obama cũng là người sử dụng máy bay không người lái nhiều nhất làm thiệt mạng hàng ngàn người, trong đó có cả công dân Hoa Kỳ và các thường dân.
Châu Âu : « Ổ gián điệp » lớn nhất thế giới
Báo Le Figaro lại nhìn sự việc sang một góc cạnh khác. Theo tờ báo, thì châu Âu mới chính là « ổ gián điệp » lớn nhất trên thế giới.
Tờ báo khẳng định là Bruxelles, trung tâm của Liên Hiệp Châu Âu, « ổ gián điệp » kể từ giờ là điểm tập trung các « tai to » của cả hành tinh. Mỗi quốc gia có một sở đoản riêng.
Nga thì do thám vào lãnh vực « nhân văn » thậm chí « vật lý ». Đến mức mà cạh đây không lâu, Ủy ban Châu Âu cảnh cáo các viên chức phải cảnh giác sự cám dỗ của « các cô tập sự duyên dáng chân dài và tóc vàng ». Trung Quốc thì sử dụng đội ngũ thông tín viên báo chí. Đó là chưa kể đến các quốc gia nhỏ nhỏ khác như Pakistan, Maroc hay Colombia.
Đội ngũ nhân viên tình báo quốc tế tề tựu về Châu Âu đông đến mức, Bruxelles giờ này vẫn còn phải theo « nhịp sống thời Chiến tranh lạnh » theo như nhận định của một quan chức an ninh cao cấp Bỉ.
Bởi một lẽ rất đơn giản, Bỉ là nơi tập trung các định chế lớn của Liên Hiệp Châu Âu, trụ sở của NATO, nhiều cơ quan đại diện nước ngoài. Chưa tính cả đội ngũ các nhà ngoại giao, các doanh nhân lớn và đội ngũ phóng viên, tổng cộng gần 22 000 người trú tại Bruxelles.
Công việc thu thập thông tin cũng đa dạng, từ thủ công cho đến công nghệ hiện đại. Bầu không khí ngay trong lòng Liên Hiệp cũng rất căng thẳng, người này giám sát người kia.
Họat động gián điệp mạnh nhất thuộc về 4 quốc gia : Hoa Kỳ, Israel, Nga và Trung Quốc. Vấn đề đặt ra trước sức mạnh tin học như vũ bão của đối phương, công tác bảo mật không còn mấy hiệu quả. Cuối cùng, Le Figaro còn cho hay là phương tiện thiếu thốn và nguồn tài chính hạn hẹp cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho công tác bảo vệ thông tin.