Căng thẳng vì Biển Đông tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

tg11

Philippines và Trung Quốc đã có những trao đổi căng thẳng liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại Biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Tin của Reuters hôm qua tường thuật rằng tại một diễn đàn an ninh khu vực ở Brunei, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang tố cáo Manila là gây ra những căng thẳng trong cuộc tranh chấp tại Biển Đông, thì Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario bước vào phòng họp.

Theo chương trình, ông Rosario không phát biểu tại diễn đàn này, nhưng sau khi nghe những lời tố cáo của Bắc Kinh trong cuộc họp kín này, ông giơ tay xin phát biểu.

Các nhà ngoại giao Philippines mô tả là sau đó Ngoại trưởng Rosario tiến hành đả phá những tố cáo của Bắc Kinh theo từng điểm một. Ngoại trưởng Singapore mô tả cuộc trao đổi đó là "đầy thách thức."

Hãng tin Reuters tường thuật rằng sự kiện không mấy ngoại giao một cách bất thường đó biểu hiện tình trạng thù địch trong cuộc tranh giành chủ quyền Biển Đông giàu tài nguyên dầu khí, mà Reuters cho là đã trở thành một trong các điểm nóng quân sự nguy hiểm nhất ở Châu Á.

Nói chuyện với các nhà báo sau đó, ông Rosario nói rằng "Phản hồi của tôi rất đơn giản: vấn đề cốt lõi là vị thế của Trung Quốc là họ có chủ quyền không thể tranh cãi trên toàn bộ Biển Đông. Đó là một đòi hỏi chủ quyền trắng trợn quá đáng, đây là một vấn đề mà chúng ta phải giải quyết dựa trên luật quốc tế. Thế cho nên tôi yêu cầu mọi người ủng hộ giải pháp đó."

Sau đó trong cùng ngày, Trung Quốc đồng ý mở đàm phán với Đông Nam Á về các luật lệ trên biển dường như đánh dấu một chương mới trong các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc tranh chấp. Sau nhiều năm cưỡng lại các nỗ lực của 10 nước hội viên ASEAN, đòi mở các cuộc đàm phán về một bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông, Trung Quốc nói họ sẽ chủ trì các cuộc đàm phán giữa các giới chức cấp cao vào tháng 9 tới đây.

Tuy nhiên, Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, gọi tắt tiếng Anh là COC, sẽ không đề cập tới các tuyên bố chủ quyền của các nước, mà chỉ đề ra những quy định- tương tự như luật đi đường- cho các tàu bè qua lại trong vùng nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ một hành vi sai lầm có thể dẫn tới tranh chấp.

Các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức ở Trung Quốc tương  đối ở cấp thấp, và đã được mô tả một cách thận trọng trong một tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc hôm Chủ nhật như những cuộc "tham khảo ý kiến", thay vì là các cuộc "thương thuyết", một chỉ dấu đáng chú ý rằng có phần chắc, các cuộc tham khảo ấy khó có thể đạt được tiến bộ.

Trung Quốc còn thành công trong việc đạt được sự đồng thuận của ASEAN trong việc thành lập một ủy ban các chuyên gia gồm các nhà khoa bảng và các cựu giới chức ngoại giao- để hướng dẫn tiến trình này.

Các nước ASEAN trước đây chống đối ý kiến này, vì quan ngại sẽ trì hoãn thêm tiến trình giải quyết tranh chấp.

Reuters dẫn lời một giới chức chính phủ Mỹ có mặt tại buổi họp ở Brunei, nói rằng các cuộc đàm phán mới giữa ASEAN và Trung Quốc là đáng hoan nghênh, nhưng không phải là một bước đột phá.

Giới chức này nói rằng phải có một nỗ lực toàn diện để tìm cách giải quyết trên thực tế cơ chế, hoặc thiết lập một hệ thống cơ chế để hạ giảm căng thẳng.

Trong khi đó, theo bản tin của Dân Trí, vào lúc kết thúc Hội nghị Ngoại Trưởng ASEAN 46 tại Brunei, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã đề xuất một số biện pháp để xây dựng lòng tin giữa các bên tranh chấp.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo chí nhà nước, ông Phạm Bình Minh đánh giá Hội nghị Ngoại trưởng ở Brunei là "thành công tốt đẹp và đạt các kết quả mong đợi." Ông cho rằng kết quả nổi bật nhất của hội nghị là "ASEAN tiếp tục duy trì, củng cố đoàn kết và thống nhất lập trường về các vấn đề liên quan tới nội khối và quan hệ đối ngoại của ASEAN."

Nguồn: NNSA, Asianewsnet.net, Tuoi Tre

Filed under: