Tội Phạm Cần Sa VN Lan Tràn Tại Anh
Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Tội phạm cần sa là người Việt Nam đang ngày càng lan rộng tại Anh Quốc.
Hồi giữa tháng Một, hai viên cảnh sát Anh bất chợt phát hiện ra một mùi đáng nghi trên đoạn đường tuần tra.
Mùi nặng đặc trưng của loài cây cần sa (cannabis trong tiếng Anh) dẫn dắt hai người này đến căn nhà số 155 trên phố Chester, ở Sunderland.
Người duy nhất trong căn nhà - một người Việt Nam tên Nguyễn Nam, khi thấy cảnh sát đến lập tức vùng chạy ra khỏi nhà trong một buổi tối mùa đông chỉ với một chiếc áo thun và quần đùi trên người, theo lời một cảnh sát.
"Cảnh sát đã tìm thấy trong nhà một cơ sở trồng cần sa ở tầng trệt và một số cây được thu hoạch nằm ở gác lửng," công tố viên, ông Paul Rowland nói trước Tòa thượng thẩm Newcastle.
"Có tổng cộng 284 cây ở tầng trệt và gác lửng. Giá trị khoảng 600 nghìn bảng Anh (khoảng 1 triệu đôla)".
Nam, 22 tuổi khai đã được thuê để giúp vận hành cơ sở này, trong đó bao gồm việc chăm bón, tưới nước và thu hoạch.
'Không có sự lựa chọn'
Những vụ thu hoạch thành công có thể mang lại lợi nhuận rất cao cho các băng đảng trồng cần sa
"Từ Việt Nam, anh đã nhập cảnh vào Anh trái phép với ý muốn theo đuổi một mơ ước mới," thẩm phán tại phiên tòa, ông Brian Forster nói.
"Tuy nhiên, anh lại rơi vào tay của kẻ cầm đầu băng nhóm, những người mà sau này đã thuê anh làm việc tại các trại trồng cần sa."
"Hoàn cảnh của anh, thực tế là đã có rất ít sự lựa chọn."
Nam bị tuyên án 16 tháng tù. Đây cũng là một mức án thường thấy cho những người đóng vai trò tương tự như Nam ở các cơ sở trồng cần sa tại Anh.
Tòa án Anh quốc thường phân chia tội phạm cần sa ra ba vai trò chính, với các mức án khác nhau.
Người chỉ đóng vai trò chăm sóc cây cần sa, hay lo hậu cần như vận chuyển, cung cấp thức ăn thì được liệt vào dạng nông dân.
Các vai trò cao hơn bao gồm người quản lý, với mức án ít nhất 4 năm, và người tổ chức, với mức án ít nhất 7 năm.
Nhiều người Việt như Nam trốn sang Anh để chạy trốn khỏi cuộc sống tại Việt Nam là không ít. Phần lớn xuất thân từ các hộ gia đình nghèo ở khu vực nông thôn các tỉnh phía Bắc.
Theo báo cáo của tiến sỹ tội phạm học, ông Daniel Silverstone, những người này phải trả tiền một khoảng từ 12.500 - 15.000 bảng Anh cho tổ chức buôn người để được sang Anh.
"Tuy nhiên, số tiền này là quá lớn đối với những người thu nhập thấp ở Việt Nam, nhiều người trong số họ phải bán nhà cửa và chấp nhận làm việc không công cho các băng đảng tội phạm cần sa ở Anh để trả nợ," một phiên dịch viên của tòa án nói với BBC.
"Số khác, mặc dù không nợ nần gì, vẫn phải chấp nhận trồng cần sa vì không có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp và không biết tiếng."
'Nổi danh' vì cần sa
Mặc dù dân số người Việt tại Anh chỉ tầm 50 nghìn người, tính riêng thời điểm giữa 2006 - 2008, hai phần ba trong số 2000 cơ sở cần sa bị dẹp bởi chiến dịch Keymer của cảnh sát Anh là của người Việt Nam, theo ông Silverstone.
Qua nhiều năm tích cóp kinh nghiệm, thủ thuật để tránh lưới pháp luật của người Việt tại Anh ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Những lao động Việt Nam mới nhập cảnh bất hợp pháp vào nước Anh được đưa vào sử dụng ngày càng nhiều để giảm bớt rủi ro cho người chủ.
Cần sa có thể thu hoạch khá nhanh, chỉ trong vòng 6 tuần sau khi trồng. Sau đó được bán ra thị trường bên ngoài với giá 3500 bảng Anh/kg.
Chủ các xưởng này thường đầu tư vào nhiều địa điểm. Tiền thu được sẽ chuyển về nhà thông qua những dịch vụ chuyển tiền phi chính thức, hoạt động bên ngoài các siêu thị và cửa hàng Việt Nam.
Những địa điểm này, mặc dù đắt hơn một chút so với các dịch vụ hợp pháp như Western Union, có thể chuyển tiền đến tận cửa nhà gia đình.
Nhiều người bắt đầu chỉ là làm thuê, nhưng sau đó lại sử dụng những khoản lương hậu hĩnh sau mỗi vụ thu hoạch thành công để đầu tư ngược vào các cơ sở mới và dần dần trở thành chủ.
Một khi đã trở thành chủ và có cơ sở riêng, họ lại đưa thêm người thân sang Anh quốc để tiếp tục mở rộng mạng lưới của mình, theo báo cáo của ông Silverstone.
Trong chuyến thăm Anh quốc trong tháng Một vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, ông Tô Lâm nói với BBC Việt Nam và Anh sẽ đẩy mạnh hợp tác để giảm vấn nạn nhập cư lậu.
Tuy nhiên việc trấn áp tội phạm cần sa ở Anh, không phải là một điều dễ dàng.
"Khả năng di chuyển trên toàn quốc của các băng nhóm và chi phí ban đầu thấp đến nay vẫn là khó khăn cho cảnh sát," báo cáo của ông Silverstone viết.
"Bên trong cộng đồng người Việt, việc trồng cần sa nay đã là một nghề vững chãi, dẫu chỉ là thiểu số."
BBC Tiếng Việt