‘Hữu nghị Việt - Trung là tài sản chung’
Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtTrả lời báo Việt Nam về chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh xác nhận quan điểm rằng 'tình hữu nghị Việt - Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước'.
Là người cùng tham gia chuyến thăm Trung Quốc tới Bắc Kinh và Quảng Đông của Chủ tịch Trương Tấn Sang và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, ông Phạm Bình Minh nói với Bấmbáo chí Việt Nam trong bài đăng tải hôm 23/6.
"Hai bên đã cùng nhìn lại quá trình phát triển quan hệ Việt - Trung, nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt - Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước."
Tuy nhiên có sự khác biệt chút ít trong các văn kiện và phát biểu hai bên lần này về tình hữu nghị hai bên so với chuyến thăm trước của Tổng Bí thư BấmNông Đức Mạnh sang Trung Quốc 30/5- 2/6/2008.
Khi đó, văn bản mà Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố đặt Đảng và Nhà nước lên trước khi nói về 'tài sản chung quý báu' là tình hữu nghị Việt - Trung:
"Hai bên...khẳng định tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung là tài sản quý báu của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần hết sức gìn giữ và không ngừng phát huy mạnh mẽ."
Nhưng trong các phát biểu lần này, có vẻ như hai bên đồng ý với nhau rằng tình hữu nghị giữa hai Đảng và Nhà nước cần được triển khai đi sâu vào nhân dân hai nước.
Còn so với Tuyên bố chung lần trước, đánh dấu chuyến thăm của Tổ̉ng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc năm 2011 thì văn bản lần này cũng giảm bớt những cụm từ mang tính gắn bó lịch sử như 'đời đời, truyền mãi'.
Tuyên bố chung Việt - Trung hồi tháng Bấm10/2011 viết:
"Hai bên khẳng định tình hữu nghị đời đời Việt-Trung là tài sản quý báu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được không ngừng củng cố, phát triển, truyền mãi cho các thế hệ mai sau."
Toàn diện và sâu rộng
Một trong những mục chuyến thăm đạt được, theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh là hai nước sẽ tiếp tục thực hiện "Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc", theo các báo Việt Nam.
Ngoài ra, để điều chỉnh lại cán cân thương mại mà thâm hụt nghiêng về phía Việt Nam, lãnh đạo hai bên đã "nhất trí đề ra các biện pháp hữu hiệu, quyết liệt nhằm giảm dần nhập siêu của Việt Nam, tiến tới cân bằng thương mại", theo ông Phạm Bình Minh.
Đánh giá của giới quan sát cho hay trong năm 2012, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 41,18 tỷ USD, trong đó Việt Nam chỉ xuất sang Trung Quốc gần 12,4 tỷ USD, nhưng nhập gần 28,8 tỷ USD.
So với các chuyến thăm trước của lãnh đạo Việt Nam, chuyến thăm này đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn cả quan hệ Trung - Việt.
Các ký kết đã tạo ra cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiến triển sâu rộng hơn, không chỉ từ quan hệ hai Đảng và Nhà nước ở cấp cao mà bao trùm các bộ ngành từ Ngoại giao, Quốc phòng tới Công an, Công thương, Nông nghiệp, Giao thông Vận tải và Văn hóa.
Chưa kể, quan hệ hai bên còn được lãnh đạo nhất trí thúc đẩy ở mọi lĩnh vực và có mục tiêu thúc đẩy cả các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc ở Việt Nam.
Cụm từ Hán Việt mà Trung Quốc thường dùng là "coi trọng đại cục, hiệp thương hữu nghị" cũng được nêu ra để nhằm vào các vấn đề "còn tồn tại" trong quan hệ hai nước.
Riêng về căng thẳng trên Biển Đông nơi ngư dân Việt Nam thường bị các tàu Trung Quốc vây bắt hoặc truy đuổi, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói về cách giải quyết của lãnh đạo hai bên:
"Hai bên thống nhất nhận thức về tính cần thiết của việc phối hợp xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá, triển khai các biện pháp hiệu quả để hỗ trợ thiết thực các hoạt động nghề cá, đối xử nhân đạo với ngư dân phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước cũng như với luật pháp và thông lệ quốc tế,"
Có thể hiểu ý của câu này rằng các tàu ngư chính tuần tra Biển Đông của Trung Quốc 'sẽ đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam' một khi họ bị bắt giữ.
Nhưng để ngăn ngừa các vụ việc độc xuất, "một trong những kết quả cụ thể là việc hai bên đã ký Thỏa thuận về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc đột xuất liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển", Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho hay.
Căn cứ vào cuộc trả lời phỏng vấn của ông thì đây là "đường dây nóng thứ ba", vì cho tới nay hai nước đã có "đường dây nóng giữa hai Bộ Ngoại giao và đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng".
Bộ trưởng của Việt Nam cũng nói rõ hơn về cách thức hoạt động của cơ chế này:
"Hai bên cũng có thể sử dụng cơ chế đường dây nóng này để phối hợp hỗ trợ, cứu hộ cho các hoạt động nghề cá khi cần thiết, phục vụ cho các hoạt động nghề cá, đảm bảo an toàn cho ngư dân."
Ông cũng cho biết rằng "Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, đây là vấn đề liên quan đến đời sống rất nhiều ngư dân, đề nghị có biện pháp xử lý thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chính đáng, an toàn cho ngư dân".
Về phía Trung Quốc, báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản hôm 21/6 nói về chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang như sau:
"Việt Nam trong những năm qua đã tỏ ra đang tìm cách kéo Hoa Kỳ vào ngăn Trung Quốc, nhưng chiến lược đó của Việt Nam không đi xa như Philippines và Nhật Bản."
"Quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ chỉ có thể trở thành dạng lợi dụng lẫn nhau, và Việt Nam sẽ không dám bước vào vòng tay của Mỹ một cách hoàn toàn."
Vẫn về lập trường quốc tế Tuyên bố chung Việt - Trung viết:
"Việt Nam và Trung Quốc cùng là hai nước đang phát triển, có lập trường tương tự và gần nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm."