Hồi kết của phép màu kinh tế tại các nước đang trỗi dậy ?
Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Thu Hằng - Sau cuộc khủng hoảng và các sự kiện nóng bỏng đang diễn ra tại các quốc gia như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, nhật báo Le Monde dành một loạt bài phân tích tình hình hiện nay, đồng thời giải thích nguyên nhân dẫn đến những bất ổn.
Le Monde cho biết Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nối Trung Quốc, Ấn Độ và Nga trong câu lạc bộ các nước đang lên nhưng phát triển kinh tế bị chững lại. Trong khi đó, Indonesia, Philippines, Nigeria và Ghana đang theo gót các quốc gia trên.
Phụ trương « Kinh tế & Doanh nghiệp » của tờ báo đăng một bài phân tích để trả lời câu hỏi « Tại sao tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi lại chững lại ? » Theo các chuyên gia được Le Monde phỏng vấn, « khuynh hướng trên là điều hiển nhiên. Tăng trưởng của Trung Quốc đạt hơn 10% (trong những năm 2000) rơi xuống hiện nay còn khoảng 7 hay 8%. Ấn Độ tăng trưởng từ hơn 7% xuống còn 4%. Tương tự, Nga từ hơn 8% xuống còn 4% ».
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm có thể được giải thích bởi nhiều lý do. Thứ nhất, do khủng hoảng kinh tế, các nước nhập khẩu phải giảm khối lượng hàng nhập từ Trung Quốc. Thứ hai, Bắc Kinh muốn cân đối lại nền kinh tế của mình theo hướng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, và giảm bớt đầu tư do nợ siêu khổng lồ của khu vực tư nhân vượt trên 200% GDP.
Còn các nước Brazil, Ấn Độ, Indonesia suy sụp vì thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng điện. Trong khi đó, Nga, Nam Phi và Achentina thì bị tê liệt vì hệ thống quản lý suy yếu khiến các nhà đầu tư nội địa và nước ngoài lo sợ. Thổ Nhĩ Kỳ bị thâm hụt tài khoản vãng lai khiến nước này bị phụ thuộc vào quốc tế.
Các nước này cũng mắc phải sai lầm khi chỉ tập trung vào tăng trưởng, trong khi đó yếu tố con người bị thờ ơ. Tại đây, nhân lực có trình độ cao rất hiếm, được hưởng lương cao nên không thúc đẩy tính cạnh tranh. Sự tăng trưởng cũng bị cản trở vì bất công xã hội kéo theo an ninh mất ổn định do tình trạng tội phạm tăng cao (như trường hợp các nước Brazil, Nam Phi, Nigeria, Mehico). Một yếu tố khác là nạn tham nhũng.
Bất công xã hội cũng gây nên những phản ứng và yêu sách mà tầng lớp trung lưu tại Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện trên đường phố. Thập niên tăng trưởng thần tốc với sự hiện diện của Trung Quốc đã kết thúc. Một loạt các nước mới nổi khác vươn lên thế chỗ như Indonesia, Philippines ở châu Á, hay Chi Lê, Peru và Colombia tại châu Mỹ La tinh và Nigeria, Ghana, Ethiopia tại châu Phi.
Để minh chứng sự phát triển của các nền kinh tế mới, phóng viên báo Le Monde phân tích trường hợp của Nigeria và nhu cầu hàng xa xỉ của người dân nước này. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự phóng GDP của Nigeria sẽ đạt 7,2% vào năm 2013 và 7% vào năm 2014, nhờ vào ba lĩnh vực chủ đạo là xây dựng, công nghiệp và dịch vụ khách sạn.
Nền kinh tế kỹ thuật số cũng bùng nổ từ 25% tăng lên 50%. Nhờ tầng lớp trung lưu phát triển, nhu cầu hàng xa xỉ, sản phẩm đặt theo yêu cầu và các loại vải đắt tiền càng ngày càng tăng cao.
Brazil : Rạn nứt xã hội và nguy cơ chính trị
Để tiếp tục minh chứng hậu quả của bất bình đẳng xã hội, báo Le Monde đăng các bài phân tích mối rạn nứt xã hội và nguy cơ chính trị đang diễn ra tại nước này.
Tác giả bài xã luận nhận định, các cuộc biểu tình nổ ra từ ngày 13/06 đang trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị. Từ một bất mãn nhỏ, người dân Brazil đã xuống đường thể hiện sự bất đồng của mình trong việc quản lý của chính phủ, cũng như những tệ nạn như tham nhũng và hệ thống dịch vụ công yếu kém. Chắc chắn các cuộc biểu tình này sẽ ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào năm 2014.
Brazil nổi lên cách đây khoảng 20 năm nhờ chính sách ổn định tiền tệ và giảm lạm phát dưới thời Tổng thống Fernando Henrique Cardoso và chính sách đổi hướng xã hội và tăng trưởng thị trường nội địa dưới thời người kế nhiệm Lula da Silva. Song, tình hình xã hội Brazil không có nhiều chuyển biến, dù mức sống của người dân đã tăng cao. Brazil vẫn phải « nhập » bác sĩ và kĩ sư dầu lửa nước ngoài. Vì, chưa bao giờ giáo dục là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Hệ thống giáo dục phổ thông kém chất lượng, chỉ đủ cho học sinh thoát nạn mù chữ. Chỉ có các trường tư với học phí đắt đỏ mới đảm bảo cho học sinh vào được các trường đại học công lập.
Trên trang quốc tế, Le Monde cho biết « Ở Brazil, phản đối xã hội đang làm Tổng thống Dilma Rousseff suy yếu ». Hơn ba phần tư người dân ủng hộ cuộc biểu tình. Nhiều chuyên gia Brazil đánh giá đây là thực trạng bất ổn lớn của nền dân chủ Brazil. Ngay nội bộ đảng cầm quyền cũng bắt đầu có dấu hiệu chia rẽ. Một bộ phận ủng hộ cựu Tổng thống Lula da Silva tranh cử vào năm 2014.
Trung Quốc và chính sách phát triển đô thị
Trung Quốc là nước tiếp theo được nhật báo Le Monde phân tích để giải thích những hệ lụy của sự tăng trưởng kinh tế tại đây.
Trong bài « Bắc Kinh muốn làm dịu khao khát đầu cơ của ngân hàng », phóng viên tờ báo cho biết, trước tình hình xuất khẩu giảm, chính phủ Trung Quốc tìm cách thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhu cầu tiêu thụ trong nước. Các khoản tín dụng ngân hàng sẽ được dành chủ yếu cho khối doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Dự trù, các doanh nghiệp này sẽ đóng góp cho 60% GDP, 50% nguồn thu thuế và 80% cơ hội việc làm.
Bắc Kinh cũng chú ý hơn đến yếu tố con người và quá trình đô thị hóa. Được biết, chính sách di cư sẽ được cải cách để người nông thôn lên thành thị làm việc có thể cho con mình học tập tại các trường nơi họ cư trú và được chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, nhiều nguồn thu của Nhà nước sẽ được rót vào các khoản phúc lợi xã hội hơn là rót vào đầu tư để giải phóng các khoản tiền tiết kiệm của người dân dự phòng cho giáo dục, y tế và hưu trí.
Trong bản dịch từ tờ New York Times, báo Le Figaro đăng lại bài « Trung Quốc : Đô thị hóa theo tiến triển bắt buộc ». Tác giả cho biết Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện kế hoạch đô thị hóa để, trong vòng 12 năm tới, dời khoảng 250 triệu dân nông thôn lên các thành phố lớn mới xây.
Kế hoạch này như con dao hai lưỡi : Hoặc sẽ là động cơ thúc đẩy tăng trưởng cho đất nước, hoặc ngược lại, sẽ là rào chắn cho sự phát triển của các thế hệ tương lai.
Tình trạng đô thị hóa gây ra nhiều vấn đề lớn, như xây dựng trường học và bồi thường cho người nông dân bị lấy đất cho dự án. Một nghiên cứu của Viện Phát triển nông thôn Landesa (tại Seattle, Hoa Kỳ) cho biết : Nnăm 2011, 43% nông dân Trung Quốc bị chính phủ lấy, hoặc định lấy đất đai của họ, trong khi đó, con số này chỉ là 29% vào năm 2008. Hơn nữa, một số dự án còn được xây trên nền đất các làng cổ, các ngôi đền bị phá hay rạp hát nông thôn.
Tác giả bài báo mượn lời một giảng viên Đại học Khoa học chính trị và Luật của Trung Quốc kết luận : « Quá trình đô thị hóa là một phần của tương lai đất nước, nhưng người dân sống ở khu vực nông thôn còn lâu mới được hưởng những gì mà phát triển kinh tế mang lại. Người nông thôn phải xứng đáng được hưởng những gì mà người thành thị có ».
Đổ xô tìm vàng tại châu Phi
Một hệ quả khác của phát triển kinh tế tại Trung Quốc là khoảng cách giàu-nghèo tăng cao. Tỷ lệ người thất nghiệp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, khiến cuộc sống bấp bênh. Chính vì thế, người dân sống ở nông thôn sẵn sàng bỏ quê hương để lên thành thị và thậm chí ra nước ngoài đi ăn xin (ở Malaisia) hay đi tìm vàng tại nước Ghana xa xôi. Đặc phái viên báo Le Monde tại Thượng Lâm, tỉnh Quảng Tây phản ánh tình trạng này trong bài « Mặt trái của mối quan hệ kinh tế Trung - Phi ».
Những năm gần đây, hàng chục ngàn người Trung Quốc tới Ghana để khai thác vàng cho các công ty của Trung Quốc lập ra tại đây. Tưởng rằng sớm được đổi đời, người khai thác vàng không ngờ phải đối mặt với những khó khăn không lường trước được. Một bên là lực lượng an ninh của chính quyền Ghana truy tìm người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp do nhu cầu tuyển người ồ ạt. Một bên là nạn cướp phá mỏ khai thác vàng. Nhiều công nhân Trung Quốc bị giết hại tại Ghana, một số khác đành về nước để bảo toàn tính mạng.
Người thân của họ tại quê nhà biểu tình trước trụ sở tỉnh ủy để tố cáo : « Sứ quán Trung Quốc tại Ghana chẳng làm gì hết ». Thế nhưng, dù tình hình ở Ghana xấu đi, người khai thác vàng Thượng Lâm không dễ dàng bó tay, vì lương họ kiếm được ở đây cao ít nhất là gấp đôi tại Trung Quốc. Một số người đã nghĩ tới các mỏ vàng tại Cameroun hay Zimbabwe.
Trẻ em Trung Quốc tiếp tục « phát triển theo bề ngang »
Báo La Croix lại đề cập tới một khía cạnh khác của xã hội Trung Quốc : Bệnh béo phì ở trẻ em do đời sống xã hội tăng cao và nhất là do chính sách một con.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 6% dân số bị mắc bệnh này. Trong số đó, phần lớn là trẻ em thành thị. Ở Bắc Kinh, 17% trẻ em dưới 5 tuổi có thể sẽ bị béo phì. Trong khi đó, ở Thượng Hải, theo số liệu thống kê năm 2011, tỷ lệ này là 16,9%. Nhìn chung, khoảng 120 triệu người Trung Quốc dưới 18 tuổi bị quá cân.
Tác giả bài báo cho biết, các ông bố bà mẹ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm một phần tình trạng này. Chính sách một con khiến họ không dám từ chối bất kì vòi vĩnh nào của « ông hoàng nhỏ » của mình. Thậm chí, họ còn bắt con ăn nhiều hơn để yên tâm là chúng không thiếu thốn gì cả. Một số bậc phụ huynh ý thức được tình hình nên đăng ký cho con theo các khóa tăng cường thể dục thể thao. Song, để ăn mừng con trở về, họ lại chất đầy đồ trong tủ lạnh.
Cách sống hiện đại cũng làm thay đổi chế độ ăn uống của trẻ em. Trong vòng mười năm trở lại đây, tỷ lệ thanh thiếu niên dưới 18 tuổi ăn fast-food ít nhất một lần một tuần đã tăng gần mười lần : Từ 1,9% lên 16%. Cùng thời điểm này, lượng tiêu thụ đồ uống soda hàng ngày cũng tăng từ 329 ml lên 528 ml. Ngoài ra, phải kể tới các yếu tố khác như khẩu phần thịt trong chế độ dinh dưỡng, số lượng lớn xe hơi hạn chế việc đi bộ hay đi xe đạp. Song song với bệnh béo phì, dĩ nhiên là bệnh tiểu đường cũng tăng : 1,9% trẻ Trung Quốc mắc bệnh này, cao gấp 4 lần so với Mỹ.
Malaysia và Singapore bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Quay lại tập tục đốt rừng và than bùn diễn ra hàng năm tại Indonesia, phóng viên báo Le Monde tại Hồng Kông cho biết rõ hơn tình hình hiện nay.
Từ ngày 20/06/2013, Singapore chìm đắm trong làn khói đen từ Indonesia bay sang. Tập tục đốt rừng và than bùn diễn ra hàng năm tại nước láng giềng vào mùa khô từ tháng 6 tới tháng 9. Song năm nay, gió đổi hướng khiến Singapore hứng chịu hết.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Indonesia đã nêu tên 8 doanh nghiệp của các nhà đầu tư Malaysia đang bị thẩm vấn về các ổ hỏa hoạn tại hai tỉnh Riau và Jambi. Nếu có đủ bằng chứng cáo buộc, chính phủ Indonesia sẽ đưa các công ty này ra tòa.
Nga : Nhà cầm quyền bịt miệng báo chí tự do tại Uran
Quay sang tình hình tại Nga, nhật báo Le Figaro chỉ trích việc vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí tại Nga trong bài : « Nga : Nhà cầm quyền bịt miệng báo chí tự do tại Uran ».
Một nữ biên tập viên của trang Znak.com tại Ekaterinbourg, thành phố lớn thứ ba của đất nước, có nguy cơ bị kết án 20 năm tù do đã tố cáo những vụ việc xấu của nhiều vị lãnh đạo. Để trừng trị, từ tháng 9 vừa qua, nhà báo này bắt đầu bị dính vào một vụ điều tra 250 000 euros bị « mất ». Cảnh sát vào cuộc để tìm kiếm và tịch thu chứng cứ, hăm dọa người thân. Trước sức ép, nhà báo này đã phải nhượng lại tòa soạn của mình cho các nhà đầu tư châu Âu có liên hệ làm ăn trong vùng. Người chủ mới đã thành lập một tòa soạn khác, gần như là bản sao của trang báo điện tử, và giữ lại toàn bộ ban biên tập trước đây.
Nelson Madela suy yếu, người Nam Phi cam chịu
Quay sang Nam Phi, Le Figaro cho biết sức khỏe của cựu Tổng thống Nelson Mandela đang yếu dần, toàn bộ người Nam Phi đành chịu.
Tờ báo cho biết, cựu Tổng thống 94 tuổi, nhập viện trong tình trạng « nguy kịch », lần này khó có thể qua khỏi. Các nhà lãnh đạo vẫn giữ bí mật tình hình sức khỏe của ông. Song theo một kênh truyền hình Mỹ, tim của vị lãnh đạo đã một lần ngừng đập, sau đó đã được hô hấp nhân tạo. Ngoài ra, chỉ một nửa gan và thận của ông hoạt động và đã nhiều ngày nay, ông không mở mắt. Tất nhiên chính phủ đều phủ nhận các thông tin trên. Người Nam Phi hiểu rằng, sau lần nhập viện thứ 4 này, vị anh hùng của họ khó qua khỏi được.