Niềm hy vọng vào chất xám và Tấm lòng vàng của giới trẻ Việt kiều

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

Mất gốc

CAUHOIMột buổi sáng cuối tháng 2, năm 1986, mẹ tôi, các anh chị và tôi bước lên chiếc máy bay Hàng Không Việt Nam ở Phi Trường Tân Sơn Nhất để bắt đầu cuộc hành trình định cư ở Hoa Kỳ theo diện bảo lãnh. Gia đình chúng tôi đoàn tụ với bố tôi tại California; và sau những ngày tháng bỡ ngỡ ban đầu, tôi đã hoà nhập vào lối sống của người Mỹ như bao đứa trẻ khác tại đây. Vì qua Mỹ khi còn nhỏ nên tôi đã tiếp thu tiếng Anh nhanh chóng và ngôn ngữ này đã trở thành ngôn ngữ thông thạo đối với tôi. Vốn liếng tiếng Việt học được từ ba năm tiểu học dường như dừng lại trong khi tiếng Anh ngày càng trở nên rành rõi hơn. Ở trường tôi chơi với những người bạn Mỹ hay những bạn gốc Á châu sinh ra hoặc lớn lên ở đây giống như tôi. Những bạn mới ở Việt Nam qua, chúng tôi đặt cho cái tên là "fresh off the boat" (mới xuống thuyền), có nghĩa là quê mùa nên chúng tôi xa lánh không thèm chơi. Ở trường những học sinh gốc Việt như chúng tôi không bao giờ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, mà chỉ sử dụng nó khi ở nhà với bố mẹ.

Trong khi chúng tôi đặt nhãn hiệu cho những bạn mới định cư ở Mỹ thì cũng có những nhãn hiệu khác mà người tá gán cho người trẻ gốc châu Á như chúng tôi. Có người gọi chúng tôi là "quả chuối" hay là một loại bánh "twinkie" phổ biến ở Mỹ – quả chuối là vì bên ngoài nó có cái vỏ màu vàng mà bên trong thì lại màu trắng, và bánh "twinkie" vì bên ngoài nó cũng màu vàng mà ở giữa lại có một lớp kem màu trắng. Ý ở đây là chúng tôi chỉ có cái mã là người châu Á, chứ còn phong cách, lối sống, thói quen, khẩu vị và nếp suy nghĩ, nhân sinh quan đều đã hoàn toàn "Mỹ con".

Hình thành bản sắc văn hoá

Tất cả những biểu hiện cho thấy rằng tôi cũng như bao nhiêu người bạn của tôi sẽ trở nên những người mất gốc, không biết cội nguồn, văn hoá truyền thống của mình. Tuy nhiên đôi khi ta có thể rời khỏi quê hương, nhưng quê hương lại không thể rời khỏi ta. Trong hành trình của cuộc sống, người trẻ gốc Việt ở hải ngoại trải qua những giai đoạn hội nhập với văn hoá địa phương. Đó là điều tất nhiên, vì bản năng của con người là phải thích nghi với môi trường hiện tại mới có thể sinh tồn. Trong quá trình chúng ta tiếp thu những điều mới thì buộc phải loại bỏ một số điều cũ không còn cần thiết trong bối cảnh hiện thực. Một người Việt trẻ sinh ra hay lớn lên ở một đất nước khác tất nhiên không thể tiếp thu những gì hoàn toàn không hiện diện trong môi trường mới hay hiện diện cách rất hạn chế, cụ thể là những phong tục tập quán Việt Nam. Tuy nhiên trí óc con người nhiều khi đặt ra những câu hỏi rất bất ngờ, mà một khi nó đã đặt ra thì nó đòi hỏi phải có câu trả lời. Chính vì thế mà con người luôn cố tìm cho được cái linh thiêng, cái siêu việt. Con người muốn biết mình là ai, mình đến từ đâu, và sẽ đi về đâu? Nỗi ưu tư về cội nguồn, bản sắc văn hoá là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống con người, đặc biệt là khi chúng ta sống trong môi trường mà có sự khác biệt rõ ràng giữa mình và những người xung quanh, điển hình là môi trường đa văn hoá ở Mỹ.

Những người trẻ Việt kiều mặc dầu sinh ra hay lớn lên xa quê hương, nhưng cũng sẽ có ngày phải đối diện với những câu hỏi này và họ sẽ phải tìm ra cho mình một giải thích hợp lý. Năm lớp 11, một người bạn gốc Phi đến bàn với tôi về một ý kiến thành lập "Hội Học sinh người Mỹ gốc châu Á-Thái Bình Dương" ở trong trường. Không hiểu vì lý do gì, nhưng bổng nhiên tôi cảm thấy ý tưởng đó cực kỳ lôi cuốn. Thế là chúng tôi bắt đầu tiến trình xin phép nhà trường, soạn một bản nội quy, và phổ biến thông tin cho các học sinh người Á châu. Khi hội bắt đầu hoạt động, chúng tôi đã có những cuộc họp, những chương trình văn hoá trong trường, những chuyến đi tham quan viện bảo tàng văn hoá châu Á, tham dự những cuộc hội thảo về vấn đề người Mỹ gốc Á... Qua những sinh hoạt đó, bản sắc Á châu của chúng tôi được đánh động, hình thành, và chúng tôi được thách thức tìm ra những cắt nghĩa về nguồn gốc của chúng tôi. Chúng tôi vẫn trao đổi với nhau bằng tiếng Anh, nhưng nội dung của cuộc đối thoại có nhiều nét mới mẻ.

Khi vào Đại học Berkeley, tôi đã tham gia Hội Sinh viên Việt Nam tại đây, trong đó đa số thành viên thuộc thành phần sinh ra hay lớn lên ở Mỹ. Hội của chúng tôi có hàng trăm thành viên với nhiều sinh hoạt đa dạng. Chúng tôi tham gia vào các chương trình mừng tết nguyên đán của cộng đồng, tết trung thu, và tổ chức các chương trình văn nghệ văn hoá. Năm 1995, chúng tôi tổ chức chương trình "Mẹ Việt Nam", năm sau đó là "Huyền Trân Công Chúa," rồi "Truyện Kiều". Năm 1998 là năm cuối cùng của tôi tại Berkeley, hội tổ chức chương trình với chủ đề "Những Mảnh Đời Việt Nam". Gần đây tôi lên trang web của hội thì được biết là năm 2004, thế hệ "đàn em" đã tiếp tục chương trình với chủ đề "Tìm Về Chốn Cũ" như một hành trình trở về nguồn cội của mình. Không chỉ hội sinh viên của chúng tôi mà trên toàn Hoa Kỳ, hàng trăm hội sinh viên Việt Nam cũng có những hoạt động tương tự. Và trên cả trăm quốc gia trên thế giới có người Việt định cư, chắc chắn ở đâu có điều kiện thì người trẻ Việt Nam cũng đang làm những điều đó. Trong các cuộc họp hay trong diễn đàn của hội, mặc dầu chúng tôi sử dụng tiếng Anh, nhưng nội dung của nhiều cuộc nói chuyện lại xoay quanh nguồn gốc Việt Nam của mình.

Tôi nhớ đầu năm 1997, trường Berkeley tiếp đón đoàn múa rối Thăng Long trong chuyến lưu diễn của đoàn tại Hoa Kỳ. Sự kiện đã gây ra dư luận mạnh trong giới sinh viên Việt Nam. Một số cho rằng đây là một nỗ lực tuyên truyền của chính quyền Cộng sản Việt Nam, và dịp trình diễn múa rối là cơ hội tốt cho họ tham gia biểu tình để nói lên sự phản đối với chính sách trong nước. Thành phần khác thì nói rằng đây chỉ là một chương trình mang tính chất văn hoá; ai thích thi đi coi, không thích thì thôi. Số còn lại thì trung lập, cho rằng ai thích coi thì coi, ai thích biểu tình thì biểu tình. Sự kiện chương trình múa rối đã làm cho hội sinh viên bị chia rẽ. Nhưng sau đó không lâu, người dân Việt Nam bị cơn bão Linda hoành hành gây nhiều chết chóc và tang thương. Khi nhận được thông tin về sự thảm hại mà đồng bào tại quê nhà đang gặp phải, chúng tôi đã đứng lên tổ chức những nỗ lực quyên góp trong trường, trong cộng đồng, và đã gởi về cho Hội Chử thập đỏ số tiền gần 10.000 đô để hỗ trợ cho nạn nhân của thiên tai. Trong hoạt động quyên góp, điều đáng chú ý là đã có sự đóng góp của tất cả các thành phần sinh viên bất kể quan điểm. Sự kiện bão Linda đã cho tôi thấy rằng người trẻ Việt kiều có một sự quan tâm đặc biệt đối với hoàn cảnh đời sống của đồng bào ở quê nhà.

Lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam là năm 1999, khi tôi đã 23 tuổi, trong một chuyến đi du lịch với bạn bè. Nhóm của chúng tôi có 8 người, nên chúng tôi đã bao một chiếc xe để đi tham quan tất cả nước Việt Nam từ Hà Tiên đến Hà Nội. Có thể nói chuyến đi đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh quê hương. Thời thơ ấu, tôi chỉ biết quanh quẩn trong làng trong xóm; nghe nói tới Hà Nội hay Huế thì chẳng khác gì nói về một thế giới xa vời nào đó. Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất trong chuyến đi này là tôi đã trở lại làng của tôi ở Huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Tôi đã ghi lại trong nhật ký cảm tưởng của mình khi trở lại nơi mình sinh ra và sống thời thơ ấu: "Tôi không ngờ những chặng đường từ nhà tới trường, từ nhà tới nhà thờ, tới nhà bà con trước đây xem có vẻ rất xa, thì bây giờ xem thật ngắn ngủi. Con suối mà trước đây mỗi lần mưa xuống tôi không dám bước qua vì sợ bị nước cuốn đi bây giờ xem ra cũng chẳng có gì đáng ngại. Sân trường rộng thênh thang của ngày nào, giờ nhìn cũng chỉ là một mảnh đất nhỏ bé". Tôi đã không tìm lại những gì trong ký ức của mình trong chuyến đi này; ngược lại, tất cả những gì tôi chứng kiến ở vùng miệt đồng bằng Sông Cửu Long hay ở miền Trung, miền Bắc đều hoàn toàn mới đối với tôi. Tuy nhiên, tất cả những cảnh vật của quê hương Việt Nam đã để lại một ấn tướng mạnh mẽ trong tâm trí tôi và khơi dậy tâm tính nguồn gốc Việt đang ẩn nấp trong tôi.

Không phải người trẻ nào về Việt Nam cũng có một cảm nhận sâu sắc về nguồn gốc quê hương mình. Có các bậc cha mẹ Việt kiều cho hay họ dẫn đứa con 13 tuổi về Việt Nam để biết bà biết con, biết quê cha đất tổ, nhưng được năm ba ngày là chúng đòi về vì không chịu nỗi khí hậu nóng nực, tình trạng thiếu vệ sinh, hay sự ồn ào khói bụi của thành phố. Họ cho rằng nếu bây giờ chúng đã như vậy thì e rằng càng lớn lên, chúng càng lãng quên nguồn gốc. Tuy nhiên, để một người có những cảm nhận về bản sắc, nguồn cội không phải là điều đơn giản, người đó cần có một số kinh nghiệm, tư duy, và hiểu biết về bản thân. Bản sắc văn hoá được hình thành qua nhiều giai đoạn trong đời sống. Chính vì vậy mà có những người trẻ đã rời xa quê hương trên 20 năm, nhưng khi họ trở về Việt Nam thì bổng nhiên họ nhận ra nhiều điều mới lạ, và tìm ra câu trả lời cho những khắc khoải mà nhiều năm qua chưa tìm được giải thích nào thoả đáng.

Tiềm năng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Đây có lẽ là một mở bài khá dài dòng để dẫn đến chủ đề của bài viết về khả năng giới trẻ gốc Việt ở hải ngoại trong việc cộng tác vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhưng tôi nghĩ nó sẽ phần nào nói lên bối cảnh đời sống và tiến trình hình thành ý thức hệ về bản sắc văn hoá và nguồn cội dẫn đến một viễn tượng về sự liên kết giữa cá nhân người trẻ hải ngoại và quê hương của mình. Những người trẻ Việt Nam ở nước ngoài sống trong một cộng đồng rải rác ở 100 quốc gia trên thế giới với tổng số gần ba triệu người, đó là một cộng đồng gần một nửa thành phố Hồ Chí Minh. Đa phần định cư ở các quốc gia Úc, Pháp, Mỹ. Riêng ở Mỹ, trong lần tổng kê dân số năm 2000, cộng đồng người Việt là trên 1,1 triệu, trong đó có đến 27% là giới trẻ dưới 18 tuổi. Tuổi trung bình của toàn cộng đồng là 30,5. Ở vùng Vịnh San Francisco, giới trẻ dưới 25 tuổi chiếm gần một nửa. Ở Úc nơi có gần 250.000 người Việt định cư (theo thống kế 1999), tỷ lệ kiều bào dưới 35 tuổi chiếm 63,0%. Hàng năm, số người Việt hải ngoại về Việt Nam lên tới hàng trăm ngàn người, trong đó khoảng 1/3 về quê vào dịp Tết nguyên đán. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2003 Việt kiều ở khắp nơi đã chuyển về nước qua đường dây chính thức đạt được 2,7 tỷ đô-la. Nếu tính luôn số tiền được chuyển qua các đường dây không chính thức và tiền người Việt hải ngoại tiêu sài trong các chuyến đi về nước thì số tiền này vượt qua 4 tỷ đô, một số tiền chiếm gần 12% GDP của Việt Nam trong năm 2003. Ít nhất là 50% số tiền đó xuất nguồn từ người Việt ở Mỹ. Trong năm 2004, Ngân hàng Nhà nước ước đoán chỉ riêng kiều hối đạt được khoảng 3,8 tỷ đô – một con số kỷ lục hoàn toàn cách biệt với số lượng "khiêm tốn" 35 triệu đô vào năm 1991.

Mặc dầu cộng đồng người Việt có mặt ở các nước không mấy lâu, nhưng họ cũng đã đạt được một mức độ ổn định. Họ còn có những thành tích đáng kể ở nhiều mặt trong xã hội. Tại các nước Canada, Mỹ, Pháp,… nhiều người Việt hải ngoại đã vươn lên từ hoàn cảnh nghèo khó trong những năm chân ướt chân ráo trên đất khách quê người để tạo cho mình một cuộc sống sung túc và thành đạt. Như tất cả các cộng đồng di dân khác, người Việt hải ngoại vẫn đang chiến đấu với những vấn đề trong cộng đồng như hoàn cảnh nghèo khó, băng đảng, ngay cả vấn đề chia rẽ. Tuy nhiên với một dân số dưới 3 triệu người mà có trên 300.000 người có bằng đại học, cao học, tiến sĩ là một thành tích lớn. Ở Mỹ, người Việt có mặt trên bục giảng đại học, trong các phòng nghiên cứu quan trọng, trong các bệnh viện, trong vị trí cao cấp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, và ngay cả trong bộ phận chính quyền. Ngày nay, số bác sĩ Việt kiều còn đông hơn trong nước. Riêng ở Pháp có đến hơn 40.000 người hành nghề bác sĩ, luật sư, giáo sư, và kinh doanh lớn trong tổng số người Việt chưa tới 300.000 người. Những năm tôi học ở Berkeley, dường như tất cả các người bạn gốc Việt của tôi đều theo học các ngành kỹ sư, hay bác sĩ. Trong chuyên ngành sinh hoá, đa số các bạn người Việt có ý định xin vào trường Y, Dược, hay Nha khoa sau khi tốt nghiệp cử nhân. Ngay cả trong gia đình của tôi có 5 anh em học đại học thì 3 người đi theo ngành kỹ sư, còn tôi và chị kế thì theo nghành sinh hoá.

Việt Nam và giới trẻ gốc Việt ở nước ngoài

Mặc dầu không có thống kê chính xác, nhưng quan sát cho thấy trong trên 300.000 người Việt hải ngoại về quê mỗi năm có một phần đáng kể là các người trẻ. Nhiều người trong nhóm này không chỉ về một lần nhưng là lần thứ hai hay thứ ba. Nhiều người trong họ về vì bố mẹ bắt đi, hay tò mò vì nghe bạn bè kể về Việt Nam có nhiều thay đổi, có nhiều chỗ tham quan. Nhưng nhiều người trong họ cũng có những hoài bão muốn chứng kiến đời sống của đồng bào ở quê nhà và tìm cho mình một sự hiểu biết về bản sắc văn hoá của mình. Giới trẻ Việt kiều, đặc biệt thành phần vẫn nặng lòng với quê hương, là một lực lượng trí thức tài giỏi mà nhà nước Việt Nam đang kỳ vọng sẽ chung sức góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Do họ được đào tạo cách chính quy và được cập nhật hoá những thành tựu mới về mọi lĩnh vực khoa học, công nghệ và quản lý, và hứa hẹn nhiều khả năng phát triển, trong mắt của Đảng và Nhà nước, họ đã trở thành "một bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực quan trọng của đất nước". Khả năng đóng góp của Kiều bào không chỉ ở "chất xanh" mà bây giờ có sự quan tâm lớn vào chất xám, đặc biệt là chất xám của giới trẻ.

Những đặc điểm của giới trẻ Việt Nam hải ngoại như thế nào? Đương nhiên khi sinh sống trong xã hội Tây phương thì họ buộc phải hấp thụ tính cách đặc thù của xã hội sở tại. Ngay cả những sinh viên Việt nam đi du học nước ngoài sau vài năm đã có một tầm nhìn khác so với đồng nghiệp của họ trong nước. Vì vậy, giới trẻ Việt Nam hải ngoại có cung cách làm việc rất cởi mở và thẳng thắn. Được đào tạo trong nền giáo dục luôn khuyến khích sự chủ động, sáng tạo, và đột phá, họ thích bàn bạc về các khía cạnh liên quan đến việc làm và họ muốn có sự trao đổi kiến thức giữa họ và các đồng nghiệp với mục tiêu phân tích kỹ lưỡng để tìm giải pháp chung cho các vấn đề liên quan đến công việc. Trong môi trường làm việc, để tối ưu hoá năng lực, họ đòi hỏi các phương tiện nghiên cứu, phát triển, kỹ thuật, viễn thông… phải tiến bộ và không bị rào cản. Được hấp thụ môi trường có sự đối xử bình đẳng, giới trẻ hải ngoại ít kiên nhẫn với những phân biệt giai cấp, tuổi tác, màu da, chức vụ hay mối quan hệ mà không có gì liên quan đến công việc, tài năng hay hiểu biết.

Chính vì tiềm năng rất cao của cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung, và giới trẻ Việt kiều nói riêng, Hà Nội đã tìm cách tiếp cận với họ và dẫn đến việc Nhà nước thành lập Uỷ ban về người Việt ở nước ngoài (NVƠNN) vào cuối thập niên 1980. Dịp tết nguyên đán 2005, do NVƠNN về quê ăn tết tấp nập nên trên hệ thống thông tin đại chúng có rất nhiều tin tức về kiều bào và những cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo với cộng đồng Việt kiều ở Việt Nam. Có nhiều bài nói về tiềm năng của NVƠNN đối với sự nghiệp phát triển đất nước, và sự tiếp đón nồng hậu kiều bào về quê thăm viếng hoặc làm ăn. Tuy nhiên, những năm trước đây, chính sách của Hà Nội đã không mấy gây cảm tình đối với kiều bào. Về Việt Nam, Việt kiều phải xin visa, mặc dầu nhiều người vẫn còn mang hai quốc tịch. Khi kiều bào sử dụng những dịch vụ khách sạn, viễn thông, tàu bè, họ phải trả giá dành cho người nước ngoài. Gởi tiền về Việt Nam, họ phải chịu mức thuế 5%. Khi kiều bào đi lại trong nước, họ bị chính quyền theo dõi từng bước, thậm chí những người họ tới thăm cũng bị nghi vấn. Tối xuống, họ phải ngủ ở khách sạn và chỉ có thể thăm bà con họ hàng vào ban ngày. Nhà nước còn nghi ngờ cộng đồng NVƠNN có vai trò quan trọng trong hiện tượng được gọi là "diễn tiến hoà bình" cũng như luôn cảnh giác về những thành phần mang thái độ cực đoan với chế độ. Năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký nghị quyết 767/TTg tạo ra những ưu tiên đặc biệt cho kiều bào khi về nước, nhưng chỉ dành cho những ai thuộc về các phong trào yêu nước đang hoạt động ở nước ngoài và các trí thức được các cơ quan có phép của Nhà nước mời về làm việc. Chính sách như thế đã làm cho kiều bào e ngại và tiếp tục giữ khoảng cách.

Thời gian gần đây Hà Nội đã thừa nhận có một số sai lầm trong chính sách đối xử với kiều bào và đang tìm cách khắc phục, mặc dầu với mức tiến chưa làm cho họ hài lòng và mối quan hệ giữa hai bên vẫn còn một khoảng cách khá xa. Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Phú Bình phát biểu: "Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về vận động NVƠNN cũng như nhiều chính sách tạo thuận lợi cho bà con trong việc về thăm thân nhân, sở hữu nhà đất, bình đẳng trong giá các dịch vụ và khuyến khích bà con về nước đầu tư, kinh doanh. Nhiều chính sách và chủ trương đã và đang từng bước đi vào cuộc sống và được bà con Việt kiều hoan nghênh. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng những chính sách này vẫn còn một số điểm hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng của bà con. Mặt khác, việc thực hiện chính sách chưa đồng bộ, thậm chí có những trường hợp cá biệt còn trái với cả chủ trương, chính sách của Nhà nước. Lý do thứ hai là hoàn cảnh hiện tại rất khác so với thời điểm ban hành những chính sách trước đây. Nếu như năm 1986-1987, số bà con Việt kiều về thăm quê chỉ khoảng 8.000 người thì nay đã tăng lên 360.000 lượt người/năm, lượng kiều hối chuyển về cũng đạt được mức kỷ lục. Chính vì thực tế này đòi hỏi những chủ trương mạnh dạn hơn, thông thoáng và toàn diện hơn trong chính sách đối với NVƠNN".

Nghị quyết 36 được chính phủ thông duyệt năm 2004, theo Hà Nội là để tái khẳng định một cách công khai và mạnh mẽ những chủ trương, chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho bà con Việt kiều, cũng như xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với cộng đồng NVƠNN. Tuy nhiên, ngôn ngữ và nội dung của nghị quyết vẫn còn bị nhiều người Việt hải ngoại chỉ trích vì họ cho rằng Nhà nước mang thái độ "ban ơn" đối với Kiều bào. Trên thực tế, những gì được đề cập tới trong nghị quyết vẫn không được thực hiện tốt, điển hình qua việc Kiều bào được phép mua nhà (như trong nghị định 81/CP ban hành năm 2001) rất khó khăn do từ ngữ thiếu rõ ràng kèm theo nhiều thủ tục rắc rối. Một trong những thủ tục gây nhiều trở ngại nhất những năm qua là việc đòi hỏi Việt kiều muốn mua nhà phải cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam. Chính sách lại hạn chế về đối tượng, số lượng nhà ở được mua và được sở hữu. Trình tự thủ tục cấp giấy sau khi mua được nhà ở rất phức tạp. Chính vì vậy mà báo cáo của Bộ Xây dựng trình chính phủ cuối năm 2004 cho thấy sau 3 năm từ khi triển khai thực hiện NĐ81, số NVƠNN mua nhà ở Việt Nam chỉ võn vẹn 60 trường hợp, trong đó ở Tp.HCM có 45 căn. Ngay cả trong việc thuê nhà, Việt kiều thường phải trả một giá đắt hơn người trong nước do mức thuế mà chủ nhà phải trả khi cho người nước ngoài thuê. Những lần tôi đi tìm nhà thuê ở Sài Gòn, khi hỏi giá thuê cho một căn nhà có 5 phòng, chủ nhà thường nói là 5 triệu đồng/tháng. Nhưng khi tôi khai là Việt kiều, giá thuê lập tức biến từ 5 triệu thành 500 đô.

Các thành phần giới trẻ gốc Việt ở nước ngoài

Liệu chủ trương đại đoàn kết dân tộc được đề cập trong nghị quyết 36 sẽ là một động cơ thúc đẩy giới trẻ hải ngoại trở về Việt Nam hợp tác xây dựng đất nước, ngay cả thành phần thật sự quan tâm đến sự phát triển của quê nhà không? Hiện nay, ở Việt Nam đang có nhiều bàn thảo về vấn đề chảy máu chất xám vì sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học không chịu trở về nhưng quyết định tiếp tục ở nước ngoài lập nghiệp. Một hình thức chảy máu chất xám trong nước là sinh viên miền quê lên thành phố học rồi lập nghiệp ở đó, chứ không tìm cách trở về vùng quê để xây dựng nền kinh tế địa phương. Các sinh viên Việt Nam sinh ra và lớn lên trong nước ắt phải nặng lòng hơn với quê hương. Tuy vậy, thành phần du học lại đang nhanh chóng nắm lấy các cơ hội để ở lại nước ngoài lập nghiệp, một phần do điều kiện thăng tiến ở nước ngoài cao hơn ở trong nước. Về Việt Nam, họ ít có cơ hội để tiếp tục sử dụng vốn kiến thức đã tiếp thu được cũng như phát triển khả năng theo đường hướng tích cực. Vấn đề sử dụng tài năng trong chính quyền và các cơ quan đã từng được báo chí trong nước bàn tới như một khuyết điểm nghiêm trọng trong tình trạng hiện nay. Như vậy thì kỳ vọng vào giới trẻ hải ngoại về Việt Nam xây dựng đất nước có thực tế chăng?

Quan sát cho thấy trong giới trẻ hải ngoại không có sự đồng nhất. Một số giới trẻ vẫn còn mang nhiều ác cảm với hệ thống chính trị trong nước, khiến họ không thể đón nhận lời mời gọi trở về Việt Nam hợp tác. Họ có tư duy phản đối hệ thống chính trị ở Việt Nam rất nặng. Thậm chí việc sử dụng từ TP.HCM thay cho Sài Gòn có thể làm cho họ phẫn nộ. Nhiều người trong họ quả quyết lúc nào có sự thay đổi chế độ họ mới đồng ý hợp tác. Ngoài ra cũng có một bộ phận giới trẻ Việt kiều không cảm thấy gắn bó với quê hương nên việc đầu tư kinh doanh hay tham gia những dự án khác ở một đất nước vốn có nhiều vấn đề nhiêu khê càng không mấy hấp dẫn. Trường hợp của Phan Danh, một sinh viên năm thứ tư ngành kỹ sư sinh học ở trường đại học Berkeley ở Mỹ là điển hình cho quan điểm trên. Danh sinh ra ở Việt Nam nhưng sang Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ. Phản ứng của Danh trước lời mời gọi của chính phủ Việt Nam đối với giới trẻ Việt kiều như sau: "Tôi nghĩ [Nhà nước Việt Nam] có lẽ chỉ muốn lợi dụng họ. Giới trẻ Việt kiều sẽ được cái gì khi họ trở về giúp đỡ một đất nước mà chỉ là quê hương của cha mẹ họ? Giới trẻ Việt kiều sẽ ít có lòng mong muốn cộng tác trong việc phát triển Việt Nam vì họ không biết gì về đất nước này. Đối với họ Việt Nam cũng giống như bất cứ một quốc gia nước ngoài khác. Nếu có sự bảo đảm an ninh và lợi nhuận thì may ra có nhiều người trở về, chứ còn đâu ai muốn đi làm ở một nơi mà mình có nguy cơ bị bỏ tù vì không hiểu biết về luật pháp ở đó".

Chúng ta khó xác định các nhóm người trẻ này chiếm bao nhiêu phần trăm. Tuy nhiên theo quan sát thì họ không thuộc phần đa. Nhóm chiếm tỷ số cao nhất thuộc về thành phần chưa có ý định trở về, nhưng cũng không loại trừ việc ấy có thể xảy ra. Thành phần này không có thái độ cực đoan đối với Đảng Cộng sản, nhưng họ vẫn có rất nhiều bất đồng với chế độ và các chính sách Nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người trong họ bị lôi cuốn vào đời sống hiện tại và không hề có ý nghĩ gì xa hơn. Số khác lại có ý tưởng về nhưng không chủ động tìm hiểu và thực hiện ý tưởng đó. Số khác thì xem việc xây dựng đất nước có phần hấp dẫn nhưng lại e ngại về chính sách nhà nước đối với Việt kiều, cơ hội áp dụng và phát triển khả năng chuyên môn của họ, cũng như không chấp nhận các tiêu cực như thiếu rõ ràng trong luật pháp, cách làm việc của chính quyền có quá nhiều vấn đề quan liêu, và tệ nạn tham nhũng lan tràn. Nguyễn Trí là một sinh viên cao học ngành công nghệ thông tin ở Bắc California. Anh đã từng có ý định cộng tác vào sự phát triển của Việt Nam. Nhưng trong một chuyến đi thăm quê, do chứng kiến tệ nạn tham nhũng và những mâu thuẫn trong xã hội đã ảnh hưởng đến tinh thần của anh cách tiêu cực. Tuy nhiên, Trí lại đang có ý định giúp đỡ bà con ở quê nhà làm kinh doanh trong tương lai gần.

Giới trẻ hải ngoại cũng rất e ngại về môi trường sinh sống xô bồ, cơ sở hạ tầng không tốt, và hệ thống đi lại thiếu trật tự thoải mái. Lê Albert là một người trẻ hải ngoại trong ngành luật di trú. Mặc dầu Albert chưa bao giờ về Việt Nam, nhưng ý tưởng về Việt Nam làm việc cũng đã nảy lên trong đầu anh. Tuy nhiên, đối với Albert, điều cản trở anh không thể thực hiện điều này là vì không đủ "can đảm" hy sinh đời sống an nhàn ở Mỹ để chạy theo một dự án thiếu chắc chắn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều người quan điểm rằng mức lương ở Việt Nam chưa đủ cạnh tranh để lôi cuốn họ bỏ công việc hiện tại.

Nhóm còn lại là những người đã từng tham gia vào những dự án kinh tế, xã hội, nhân đạo… Tuy họ bất đồng ý kiến với chính quyền cộng sản, nhưng họ sẵn sàng gạt qua những mặc cảm đó để tham gia xây dựng đất nước, xã hội Việt Nam. Họ quan niệm rằng chúng ta có thể phân biệt giữa chính trị và những lĩnh vực khác trong đời sống của đất nước. Tham gia của họ có thể trực tiếp hay gián tiếp. Tôi có một người bạn đã từng tổ chức quyên góp sách giáo khoa về khoa học, kỹ thuật để gởi về Việt Nam. Có nhiều người trẻ tham gia vào nỗ lực xây dựng các ngân quỹ để hỗ trợ cho học sinh nghèo khó ở quê nhà. Tháng 2 năm 2005, tôi tham dự một chương trình văn nghệ của Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại bang Illinois. Trong chương trình, ban tổ chức đã giới thiệu những dự án nhân đạo cho Việt Nam mà hội đang cộng tác và kêu gọi sự ủng hộ từ các thành viên cũng như từ khán giả trong chương trình. Cách đây không lâu một bạn trẻ tên Liên đã nhờ tôi giới thiệu cho cô ta một tổ chức nhân đạo tại Việt Nam mà cô ta có thể cộng tác lâu dài với một mức lương "vừa sống". Cô đã từng xin việc ở những tổ chức như UNICEFVN nhưng chưa thành công.

Hai năm qua, Lê Ngọc Trâm, một dược sĩ trẻ ở California đã tham gia vào tổ chức Social Assistance Program for Vietnam (Chương trình hỗ trợ xã hội cho Việt Nam) ở Hoa Kỳ. Tổ chức này bao gồm các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ và tình nguyện viên người Việt. Họ quyên góp tiền để hỗ trợ cho các trung tâm y tế và xây dựng trường học tại Việt Nam. Chị Trâm là một trong số người trẻ hải ngoại quan điểm rằng, giới trẻ Việt kiều ở nước ngoài nên hợp tác trong các lĩnh vực xã hội kinh tế để giúp giải quyết những vấn đề nan giải mà Nhà nước Việt Nam chưa thực hiện được. Hai năm qua, chị Trâm và các đồng nghiệp trong tổ chức SAP-VN đã tự bỏ tiền ra để về Việt Nam phân phát thuốc, khám sức khoẻ, mổ và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đặc biệt là trẻ em. Tháng 11 năm 2004, trong chuyến đi về Hội An, nhóm này đã mổ và chữa bệnh cho 2.000 bệnh nhân. Trong chuyến đi năm trước đó, nhóm đã làm việc với 2.500 ca bệnh nhân. Đối với chị, việc giúp các bệnh nhân ở Việt Nam là trách nhiệm của mình đối với những người vô phúc và là hành động mang lại ý nghĩa cho đời sống của chị vì "chúng ta không thể đứng bên lề để chứng kiến đồng bào mình đau khổ". Mặc dầu chị vẫn có những bất đồng với chính quyền tại Việt Nam, song chị cho rằng nhiều Việt kiều quá nghi ngờ về sự thiện chí của chính quyền cộng sản vì Nhà nước đã phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho công tác của chị ở quê nhà. Trong nhận xét của chị, kiều bào là những người đã từng trải qua nhiều biến cố đau đớn trong đời sống, bởi thế nên dễ dàng có sự đồng cảm với đồng bào ở quê nhà. Chị còn ước vọng rằng chính hành động quảng đại của mình sẽ để lại ấn tượng với các bệnh nhân trẻ, để mai này khi họ trở thành các nhà lãnh đạo đất nước, họ sẽ mang thái độ nhân từ và rộng lượng.

Cuối tháng 6 năm 2002, tôi bước xuống máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhất, đây là lần thứ hai tôi trở về Việt Nam. Trong tay tôi có giấy visa 6 tháng, thuộc diện thương mại. Nhưng trên thực tế, tôi không có dự định làm ăn Việt Nam. Sau đó không lâu, tôi bắt đầu tham gia vào các công tác xã hội, đặc biệt là với giới trẻ nghiện ma tuý. Bản thân tôi cũng có nhiều e ngại về khả năng hoạt động tại quê nhà. Tôi có bị theo dõi hay không? Chính quyền sẽ phản ứng như thế nào với sinh hoạt của tôi? Tôi ở trong một căn nhà thuê ở ngoài mặt tiền, nên việc tôi đi đi về về lúc nào cũng có sự quan sát của hàng xóm. Suốt thời gian hai năm ở đây tôi không hề cho ai trong xóm biết về sinh hoạt của mình. Một trong những niềm hạnh phúc của tôi thời gian hoạt động ở Việt Nam là đã nhận được nhiều khuyến khích từ nhóm cựu sinh viên ở ĐH Berkeley về tinh thần lẫn vật chất. Sau khi tôi viết một điện thư ngắn đến các thành viên trong nhóm bày tỏ nhu cầu có sự hỗ trợ cho sinh hoạt của mình thì lập tức họ đã chiếu cố tôi cách nhiệt tình.

Tôi đã tham gia vào công tác xã hội với giới trẻ nghiện ma tuý vì đây là một tệ nạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội người Việt và tương lai của giới trẻ Việt Nam. Bản thân tôi cũng là một người trẻ khiến tôi dễ dàng có sự đồng cảm đối với những người trẻ đang cố tìm một lối đi trong xã hội đang phát triển với mức độ chóng mặt. Tuy nhiên, là một người có học ắt tôi phải có những quan điểm riêng tư về các vấn đề trong xã hội sở tại, từ ngành bưu chính viễn thông, giao thông vận tải cho đến tệ nạn dạy thêm học thêm. Vì tôi gắn bó với tệ nạn ma tuý nên tôi theo dõi kỹ lưỡng các khía cạnh liên quan đến vấn đề qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sự trao đổi với các đồng nghiệp, các bạn trẻ, và kinh nghiệm cá nhân. Nhiều lần ngồi trong quán café, tôi và những người bạn đã từng có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi về các vấn đề đang được chú ý trong báo chí, cũng như những vấn đề chưa được quan tâm đúng mức. Tôi lại càng bức xúc hơn vì có những yếu tố xã hội, kinh tế, chính trị…hạn chế hiệu lực của hoạt động của mình.

Kinh nghiệm cộng tác của các người trẻ Việt kiều

Kinh nghiệm của tôi và nhiều người bạn trẻ người Việt hải ngoại đối với xã hội Việt Nam có nhiều vấn đề mâu thuẫn. Trong khi Việt Nam đang tìm cách tiếp cận với giới trẻ hải ngoại thì cũng có nhiều nhận định không mấy thiện cảm về họ. Giới trẻ NVƠNN hay bị đánh giá là thành phần "dân Việt kiều" có phong cách phô trương, kiêu ngạo. Do hấp thụ môi trường phương Tây, thành phần này được cho là có lối sống tự do, phóng đãng, theo chủ nghĩa cá nhân. Ngược lại, nhiều người trẻ NVƠNN cũng gặp nhiều bức xúc khi làm việc tại Việt Nam. Mặc dầu họ sẵn sàng tham gia vào sự phát triển của đất nước, nhưng quá nhiều yếu tố làm cho tinh thần họ bị suy giảm. Trần Daniel, có bằng Thạc sĩ trong ngành giáo dục, là một giáo viên Anh ngữ ở TP.HCM. Sau hai năm làm việc tại đây, anh đang chuẩn bị trở lại Mỹ vĩnh viễn và sẽ không bao giờ nghĩ đến làm việc tại Việt Nam do thái độ tiêu cực của người Việt trong nước đối với người Việt hải ngoại. Kinh nghiệm cho thấy người Việt có xu hướng đánh giá trình độ của người Việt hải ngoại thấp hơn người Tây, dẫn đến nhiều cản trở về khả năng làm việc cũng như ảnh hưởng đến mức lương bổng. Daniel cho rằng đây là não trạng được gây nên bởi kinh nghiệm thực dân mà người Việt đã phải trải qua trong nhiều thời đại trong lịch sử. Tình trạng có 3 mức lương – cho người nước ngoài, Việt kiều, và người Việt trong nước – là một điều dẫn đến nhiều căng thẳng giữa các thành phần bị ảnh hưởng. Tôi từng quen với một giáo viên Anh ngữ người Mỹ ở Việt Nam. Mặc dầu anh ta chưa có bằng đại học, nhưng tôi có thể khẳng định rằng, tại Việt Nam anh sẽ được ưu tiên về lương bổng lẫn cơ hội được nhận vào trung tâm ngoại ngữ hơn tôi vì tôi có da vàng, tóc đen, không phải da trắng tóc vàng như anh ta. Bất kể tôi mang tấm bằng từ một trường đại học thuộc hạng giỏi ở Mỹ hay là hoàn toàn thông thạo về tiếng Anh, cũng như nắm được một ít căn bản trong tiếng Việt.

Nguyễn Minh đã từng tham gia vào Project Vietnam (Dự án Việt Nam) giúp đỡ những trẻ em nghèo có cợ hội được chữa bệnh, cũng như những hoạt động khác. Hè năm 2001, sau khi tốt nghiệp đại học, Minh và một người bạn quyết định về Việt Nam để dạy tiếng Anh tự nguyện cho các sinh viên ngành dược ở thành phố, các học sinh trung học ở Miền Tây, và một nhóm giáo viên Anh ngữ ở đó. Trong các lớp học, Minh áp dụng phương pháp đối thoại giữa thầy và trò với phương cách cởi mở như ở Tây phương. Minh kể: "Với bầu không khí vui vẻ và nhẹ nhàng mà chúng tôi đã tạo ra qua cách dạy hài hước và vui nhộn, chúng tôi đã dần dần bắt đầu cảm thấy quý mến các em và các em cũng mến chúng tôi. Các em cười rộn rã mỗi khi tôi viết tiếng Việt sai chính tả hay dịch những từ tiếng Việt không chính xác, và chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến nụ cười loé trên môi thể hiện niềm hạnh phúc khi các em trả lời đúng".

Niềm hạnh phúc giữa thầy và trò đã không tồn tại mãi vì đến tuần thứ ba, ban đào tạo của trường đã thông báo với Minh là có chỉ đạo từ cấp tỉnh là phải chấm dứt lớp học vì hai lý do. Thứ nhất, giấy xin phép tỉnh chưa được đầy đủ. Thứ hai, trong bài học có hai đề tài mà ngành giáo dục Việt Nam cho là không thích hợp. Hai đề tài đó là gì? Bài thứ nhất đề cập đến vấn đề mê tín, là một đề tài bị cấm kỵ, mặc dầu trong bài học của Minh không có nội dung gì nhằm phổ biến sự mê tín dị đoan. Bài thứ hai là một bài báo nói về cô gái Chelsea Clinton, con của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, tốt nghiệp đại học. Về sau, Minh đã được cho hay rằng ở cấp tỉnh đã không hài lòng khi Minh về Việt Nam đem theo ba máy vi tính tặng cho trường học mà không "biết điều" với tỉnh, mặc dầu anh về Việt Nam làm việc hoàn toàn miễn phí trên tinh thần tự nguyện. Phải chia tay với các học sinh ở Miền Tây quả là một việc không dễ chút nào. Minh kể: "Trong đời sống của tôi, tôi đã đứng lên phát biểu ở nhiều nơi công cộng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy khó như lúc đó. Ngay khi bước vào lớp học tôi đã cảm thấy gánh nặng đè lên ngực mình. Nhìn những đứa bé chảy nước mắt trước khi tôi kịp mở miệng đã làm cho chính tôi cũng muốn khóc".

Chính vì kinh nghiệm tiêu cực đó khiến Minh có nhiều bức xúc đối với cách làm việc tại Việt Nam. Khi nói về việc Nhà nước kêu gọi NVƠNN cộng tác vào nỗ lực phát triển đất nước, Minh đã phản ứng: "Tôi thấy thật tệ hại là Việt Nam phải đi nhờ người khác để giúp họ phát triển. Trường hợp này không nên xảy ra. Cũng như trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, quá nhiều công trình được các chính phủ trên thế giới hỗ trợ. Việt Nam cần phải tự lo liệu cho bản thân, thay vì rút ruột các công quỷ rồi lại cầu cứu thế giới". Nhưng rồi, Minh vẫn cho rằng nếu điều kiện thuận lợi, nếu có những cải tiến trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, anh sẵn sàng đóng góp tài năng và công sức để xây dựng đất nước.

Trong bài này, chúng tôi đã đề cập nhiều về việc các bạn trẻ tham gia vào các dự án nhân đạo, xã hội, giáo dục. Đây không có nghĩa người trẻ không muốn tham gia vào các cơ hội làm kinh tế. Ở Việt Nam đã có một số người trẻ hải ngoại sinh hoạt trong lĩnh vực kinh doanh. Một người bạn của tôi hiện làm việc trong lãnh vực công nghệ thông tin đang có kế hoạch về Việt Nam cộng tác, sau một vài chuyến đi tham khảo khả năng làm việc tại đây. Những dự án này góp phần giải thích sự thăng tiến trong việc đầu tư của Việt kiều vào lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ phần mềm. Bên cạnh đó, các lĩnh vực dược phẩm, hoá chất cũng đang nhận được sự tiếp trợ từ số tiền kiều hối mà trước đây thường nhắm vào thươmg mại nhà hàng, khách sạn hay du lịch. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì số Việt kiều trẻ có dự định làm ăn Việt Nam vẫn không nhiều. Những người trẻ hải ngoại đa số cho rằng điều kiện làm kinh doanh ở nước ngoài thuận lợi hơn và họ e ngại phải đối đầu với những khúc mắc trong hệ thống luật pháp kinh doanh ở Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề lương bổng chưa đủ sức thu hút nhiều người trẻ hải ngoại. Trong tham khảo của chúng tôi, hầu như tất cả các bạn trẻ có ý hướng cộng tác với tiến trình phát triển của Việt Nam quan tâm đến các lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội, và các dự án nhân đạo khác. Một số khác muốn sử dụng khả năng về công nghệ vi tính để giúp đất nước phát triển.

Tầm nhìn của giới trẻ gốc Việt ở nước ngoài

Thực trạng được diễn tả trên nói lên một số điều quan trọng về thái độ của người trẻ hải ngoại đối với quê nhà của họ. Thứ nhất, họ chưa coi Việt Nam như là nơi họ có thể "khai thác" để làm giàu. Tham khảo của chúng tôi cho thấy đa số những đầu tư của NVƠNN xuất phát từ thế hệ lớn tuổi. Trong đó, một phần đáng kể tham gia vào các dự án của gia đình họ hàng ở quê nhà, nhằm mục đích giúp người thân thăng tiến về kinh tế. Song trong khi lượng kiều hối mỗi năm lên đến hàng tỷ đô, thì trong mười mấy năm qua, vốn đầu tư của Việt kiều chỉ đạt được nửa tỷ đô – 300 trăm triệu đô theo luật đầu tư nước ngoài và 200 triệu theo luật đầu tư trong nước! Lý do có sự chênh lệch lớn này có nhiều lý do. Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, chủ nhiệm CLB doanh nghiệp Việt kiều tại Việt Nam, "Nếu nói khó khăn cụ thể thì nhiều. Tôi chỉ muốn nói một điều rất chung là mình chưa có quy định, quy trình thống nhất. Thí dụ trung ương cho tự do đầu tư nhưng mỗi tỉnh có một lệ riêng, nếu học hỏi được gì đó ở tỉnh Bến Tre, qua Đà Nẵng lại khác, không áp dụng được. Những lệ này không sai luật nhưng gây phiền phức và mất nhiều thời gian, nhất là Việt kiều hay bị ảnh hưởng về thời gian tính". (VTVNews 11.1.2005) Bên cạnh đó, đầu tư vào Việt Nam, người trẻ hải ngoại phải tham gia vào một "trò chơi" mà họ chưa từng đối diện ở nước ngoài, ví dụ đương đầu với hệ thống luật pháp liên tục thay đổi ở Việt Nam, tệ nạn hối lộ… Một người bạn của tôi trong chuyến đi về Việt Nam để gặp đối tác đã phải nhiều lần đưa họ đến tụ điểm massage như một cách "ngoại giao" bắt buộc. Ở Mỹ phương cách làm ăn như thế này cũng ít khi xảy ra.

Thứ hai, mặc dầu làm kinh doanh ở Việt Nam chưa có sức thu hút giới trẻ ở hải ngoại, nhưng sự quan tâm của họ thường gắn bó với những đau khổ của đồng bào ở Việt Nam. Sự nghèo khó của người Việt ở quê nhà là động cơ lớn để họ nghĩ về việc tham gia vào các dự án nhằm phát triển xã hội Việt Nam. Theo chúng tôi, người trẻ ở hải ngoại không ưa chuộng lối gởi tiền cho người thân như thế hệ lớn đã từng làm. Tuy nhiên, họ cởi mở hơn trong việc tham gia trực tiếp các công trình lương thiện nhằm giúp đỡ sự phát triển của quê hương. Theo ý kiến của một số bạn trẻ, lý do là vì họ không có những mặc cảm với Việt Nam như những người trong thế hệ đi trước. Một trường hợp nói lên lòng nhân đạo của giới trẻ Việt kiều là nhân vật Jimmy Phạm, người Việt kiều Úc mà nhiều trẻ em đường phố ở Hà Nội gọi cách trân trọng là "đại ca" vì anh đã thành lập trung tâm dạy nghề Koto để tuyển những đứa trẻ lang thang hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để dạy hai nghề: làm bếp và phục vụ quầy bar. Từ năm 2000 đến nay, trung tâm Koto đã đào tạo hàng trăm em và đã tìm ra việc làm ở các nhà hàng, khách sạn như Sofitel Metropole và Mediterraneo…. Ý tưởng trở về Việt Nam hoạt động giúp trẻ em nghèo khó đã xảy ra một cách khá ngẩu nhiên cho Jimmy Phạm trong một chuyến đi công tác tại Việt Nam năm 1996, và tình cờ gặp gỡ và trò chuyện với một số trẻ em đường phố. Chứng kiến cảnh khó khăn và đau khổ của các em đã thúc đẩy anh trở lại Việt Nam, đầu tư tiền riêng của mình, giao tiếp với những trẻ em đường phố, cũng như các tổ chức, quan chức chính quyền để lăn lộn xây dựng trung tâm Koto, đó cũng là một nhà hàng mà nhiều du khách quốc tế đã biết tới. Tuy nhiên, để thực hiện một dự án như Koto hoàn toàn không phải là dễ. Anh Jimmy tâm sự: "Nếu nói hai năm đầu như hoả ngục là còn quá nhẹ. Các em gặp phải đủ vấn đề: mang thai, bạo lực trong gia đình… Nhà của tôi bị cướp phá. Tôi bị theo dõi từng bước. Tâm trạng tôi luôn hoang mang, và tôi mệt mỏi về tâm lý lẫn thể lý". Trường hợp này cho thấy để sinh hoạt nhân đạo tại Việt Nam tuy hầp dẫn giới trẻ Việt kiều, nhưng hoàn toàn không đơn giản chút nào.

Thứ ba, thế hệ người trẻ gốc Việt ở hải ngoại cho rằng tham gia vào các lĩnh vực phát triển xã hội không đồng nghĩa với việc hợp tác với chính quyền Việt Nam mà họ có những bất đồng căn bản. Một bạn trẻ hoạt động tại Việt Nam phát biểu: Chúng tôi thực hiện những việc này để cho Nhà nước thấy sự thiếu xót của họ trong việc chăm sóc cho người dân. Ngược lại, các lĩnh vực mà người trẻ ở hải ngoại quan tâm như phát triển kinh tế, trách nhiệm xã hội, gìn giữ nguồn gốc văn hoá…cũng không nên gây nhiều e ngại cho chính quyền đối với họ.

Thứ tư, hoài bão giúp đỡ người nghèo khổ tại Việt Nam xuất phát từ lòng nhân đạo trước hoàn cảnh của con người, không phải do sự chủ động của Việt Nam kêu gọi họ đóng góp. Thực ra, nhiều người trong họ đã có những ý tưởng tham gia mặc dầu họ chưa từng nghe lời mời gọi nào từ Việt Nam cũng như không biết gì về Nghị Quyết 36 của chính phủ. Mặc dầu nhiều người trong họ không có sự gắn bó với nguồn gốc cách trực tiếp, nhưng qua những gì họ nghe được và chứng kiến qua các bậc cha mẹ cũng có khả năng tác động vào cảm xúc và cách phản ứng của họ đối với quê hương. Vi, một bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học trong ngành kinh tế chia sẻ: "Mỗi lần em nhìn những hình của người nghèo ở Việt Nam là em muốn khóc. Em muốn về Việt Nam giúp đỡ họ, nhưng mẹ em không cho phép vì sợ không an toàn".

Kết

Không ai có thể phủ nhận rằng giới trẻ gốc Việt ở hải ngoại là một tài nguyên quý giá có khả năng giúp đỡ cho nước Việt Nam đi lên. Họ có khả năng trở thành nhịp cầu để giúp Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu, hỗ trợ cho việc trao đổi hay truyền đạt kiến thức, tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các nỗ lực nhân đạo, cộng tác vào sự giải quyết các vấn đề xã hội… Tuy nhiên, để lôi cuốn thành phần này đòi hỏi Nhà nước phải biết phân biệt giữa thành phần thế hệ trẻ và thế hệ đi trước trong cộng đồng NVƠNN. Giữa tháng 12, tôi đến xem một chương trình thi karaoke do Tổng hội sinh viên Việt Nam ở bang Illinois tổ chức. Trong chương trình có 3 bạn làm M.C. Tất cả đều nói bằng tiếng Anh, chỉ có Tuấn thỉnh thoảng nói vài câu tiếng Việt một cách khập khiểng. Xem cách diễn đạt, trình bày vấn đề, hướng dẫn chương trình, và lối sinh hoạt của họ, tôi tự nhủ rằng: Giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại bây giờ không khác gì những người Mỹ ở đây. Thế nhưng khi những tiếng hát được giới thiệu, những "Mỹ con" đó lại cất lên những bài hát "Chuyện tình bên ao cá", "Tình cha", "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa"…. Nghĩ về điều này, tôi mới thấy rằng Nhà nước Việt Nam đang đứng trước một cơ hội thật hiếm có. Nhưng quan trọng là những người có trách nhiệm xây dựng chính sách quốc gia có đủ nhạy cảm để đáp ứng kịp thời những điều kiện thuận lợi để giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại có thể tham gia vào nhiều dự án đang cần đến khả năng và tấm lòng của họ.

 

Filed under: