Triển vọng hòa bình ở Syria vẫn còn xa vời

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

tg093

BỘ NGOẠI GIAO — Khung sườn của thỏa thuận tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria không nhắm giải quyết những bất đồng chính trị mà lâu nay vẫn làm trì hoãn tiến trình hòa đàm Syria. Thông tín viên Scott Stearns của đài VOA từ Bộ Ngoại giao tường trình về việc thỏa thuận này có ý nghĩa gì đối với việc thương lượng cho một chính phủ chuyển tiếp có thể có trong tương lai.

Chấm dứt giao tranh kéo dài không thuộc khuôn khổ thỏa thuận của chương trình giải trừ vũ khí hóa học của Syria.

Nhưng sự can thiệp lớn nhất của quốc tế cho đến giờ này là một cơ hội có thể làm được nhiều hơn nữa, như phát biểu của trưởng ban chính sách đối ngoại Liên hiệp châu Âu, bà Catherine Ashton.

"Do đó những diễn biến mới nhất mà chúng ta có được là một cơ hội để tăng cường, chứ không chỉ giới hạn trong nỗ lực giải quyết vấn đề vũ khí hóa học, mà có hướng đến một giải pháp chính trị lớn hơn."

Các cuộc đối thoại chính trị liên tục bị trì hoãn bởi những lộn xộn trong hàng ngũ lãnh đạo của phe đối lập, và bởi những bất đồng về việc đại diện nào khác có thể tham dự đối thoại.  Nga muốn Iran tham gia đối thoại, nhưng Washington phản đối bởi vì các lực lượng Iran đang sát cánh chiến đấu với các binh sĩ chính phủ Syria.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague nói rằng không có sự thoái lui trong nỗ lực tiến tới hòa đàm.

"Mục tiêu của chúng ta vẫn là triệu tập một hội nghị Geneva lần thứ hai để các bên ngồi lại với nhau và thỏa thuận về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.  Và chúng tôi sẽ làm việc với Nga để đi tới kết quả đó càng sớm càng tốt.'

Tìm cách thu giữ đến 1.000 tấn khí độc giữa một cuộc nội chiến thực sự đang xao lãng nỗ lực xúc tiến hòa đàm, theo như nhận định của quyền giám đốc văn phòng Washington của tổ chức Human Rights Watch, bà Sarah Margon.

"Chúng ta đã đặt chú tâm vào vấn đề vũ khí hóa học.  Và mặc dù Ngoại trưởng Kerry đã nói về khả năng thương thuyết, một hội nghị Geneva Số Hai sắp tới, song từ những gì chúng ta có thể đoán được, rất tiếc không thấy được sự khẩn trương trong việc xúc tiến việc ấy."

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng có thể đã đến thời điểm "buộc" các thủ lãnh đối lập ngồi vào bàn hòa đàm. Ông Lavrov quy lỗi trì hoãn cho những ai đã đe dọa Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

"Nếu một số người cảm thấy cần thiết hơn phải liên tục áp lực và đe dọa, cần phải tìm ra lý do để tấn công, thì có lẽ đó là một cách gợi ý cho những người chống đối chế độ rằng  những hành động khiêu khích mới được trông chờ từ phía họ.  Ðiều có cũng có thể dẫn tới sự phá vỡ hoàn toàn tiến trình hòa đàm Geneva số Hai."

Nhưng  chính sự thiếu vắng một giải pháp chính trị thay thế cho Tổng thống Bashar al-Assad gây khó khăn cho việc xúc tiến các cuộc hòa đàm, theo như nhận định của nhà phân tích Doug Bandow của Viện Cato.

"Giải pháp thay thế không phải là  ông Bashar al-Assad và ai đó mà chúng ta tin tưởng phần nào. Giải pháp ấy là Bashar al-Assad và tiềm năng hỗn loạn."

Bối rối trong nội bộ phe đối lập gây phương hại cho nỗ lực tiến tới đối thoại, theo như nhận xét của phân tích gia Manal Omar của Viện Hòa bình Hoa Kỳ.

"Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như ông Assad rời bỏ quyền lực, hay từ chức hay bị lật đổ?  Theo tôi, chưa có đủ bảo đảm từ các nhóm đối lập là sẽ có những phương sách để thực sự để kiểm soát Syria sau này."

Hai ông Kerry và Lavrov tuần tới sẽ gặp nhau ở New York để thảo luận về một thời biểu cho các cuộc hòa đàm Syria, nhưng ông Kerry nói rằng điều đó lệ thuộc nhiều vào tiến bộ trong vấn đề vũ khí hóa học.

Filed under: