SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIV TN ( C) (Lc 15,1-32)
Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt DIỄN TỪ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Kính thưa quý vị ! Có thể nói đoạn Tin Mừng (Lc 15,1-32) hôm nay khá dài và khá đầy đủ khi trình thuật về " Ba Dụ Ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa". ( được đọc vào CN IV mùa chay).
Đó là:
· Dụ ngôn con chiên bị mất ( c 4-7)
· Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất ( c 8-10)
· Dụ ngôn người cha nhân hậu ( c 11-32).
Vâng ! Kính thưa quý vị, Chúa Giêsu giảng dạy một lúc ba dụ ngôn trên trong bối cảnh những người biệt phái Pharisieu và các kinh sư đang dèm pha và phê phán Người, vì Người tiếp xúc với phường thu thuế và người tội lỗi. ( c 1-2).
Đó là nguyên nhân Người giảng dạy ba dụ ngôn trên. Vâng ! Lòng thương xót của Thiên Chúa thì khác với " lòng thương xót của phàm nhân ". Chúng ta thấy Dụ Ngôn thứ nhất: Con chiên bị lạc mất, tìm lại được.
Tâm trạng vui mừng của người bị mất chiên tìm lại được :
Có một trăm con, mà mất một con thì đáng là bao?! Nhưng người nầy đã bỏ lại chín mươi chín con, mà đi tìm cho được con chiên bị lạc. Rõ ràng không phải vì của bị mất, tiếc của, mà là " tình thương", một tình thương vô vị lợi, nên chi rất đau xót, càng đau xót thì càng thương tiếc. Không phải vì kinh tế, mà vì lòng trắc ẩn. Nếu vì kinh tế thì người nầy lỗ to, nhưng vì lòng trắc ẩn , nên ông ta quên hết, những vất vả , những nguy hiểm, những toan tính thiệt hơn. Để tìm lại " con chiên bị mất". Ai trong chúng ta làm được điều nầy?! Nếu chúng ta không mang trong mình "Trái Tim của Chúa Giêsu". Ý nghĩa chính của dụ ngôn nầy không phải là tài sản bị mất, mà chính là hình bóng tha thứ của Thiên Chúa, một sự tha thứ vô biên, được phát ra bởi lòng từ bi, nhân hậu của Thiên Chúa là Cha.
Tâm trạng của người tội lỗi giống như một con chiên đi lạc vậy ! Vì họ bơ vơ, lo sợ, thất vọng, cô đơn, buồn tẻ. Tất cả những tâm trạng đó chỉ có Thiên Chúa mới hiểu được và nâng đỡ họ. Còn phàm nhân, chỉ nghĩ rằng, những ai cao sang quyền quý, sạch sẽ thơm tho, thì mới đáng đón tiếp và Welcom, còn những ai tội lỗi hình thức lẫn nội dung thì không đáng được đón tiếp, nhưng Thiên Chúa thì không nghĩ như vậy.
Vậy chúng ta theo ý tưởng nào? Của Chúa Giêsu hay của người Pharisieu ?
Có bao nhiêu lần trong cuộc sống, chúng ta theo ý tưởng của Chúa?
Chúng ta có can đảm thực thi Lời Chúa khi nhận ra chân lý trên không ?
Chúng ta có cảm nghiệm ra tình Chúa yêu ta, khi ta là kẻ tội lỗi không ?
Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa.
Ngoài bài học cho người biệt phái Pharisieu ra, chúng ta còn học được lòng thương xót của Thiên Chúa trên chúng ta , khi chúng ta là kẻ có tội.
Theo đó , Dụ Ngôn thứ II " Đồng bạc bị đánh mất", cũng có cùng ý nghĩa như trên, nhưng khác ở chỗ là: sản vật không phải là con vật nuôi, mà là đồng tiền.
Vâng ! Đồng tiền thường được ví như: "Nối liền khúc ruột ". Vậy, mất tiền thì đau ruột, đau lòng. Con người khi bị mất một cái gì đó, thì rất đau lòng, phương chi Thiên Chúa là Đấng Tạo thành ra con người là tác phẩm yêu quý nhất, Ngài chắc phải đau lòng lắm khi con người sa ngã, nên chi , Thiên Chúa lấy làm thương tiếc và không thể nào bỏ rơi khi họ sa ngã. Đó là Thiên Chúa, đó là tình yêu, từ đó Chúa Giêsu nói cho những người tự đắc rằng: " giữa Triều Thần Thiên Quốc, ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối." ( c 10).
Dụ ngôn thứ III . Dụ ngôn người cha nhân hậu.
"Người cha nhân hậu" là một tấm lòng của Thiên Chúa từ bi sẵn sàng tha thứ vì sự từ bi lớn hơn sự định tội. Trong dụ ngôn " Người cha nhân hậu", chúng ta đã thấy rõ tấm lòng nhân từ của Thiên Chúa là Cha. Điều con muốn chia sẽ hôm nay chính là : Thái độ của hai người con.
Đó là: Tội và phúc của hai người con.
· Tội của người con thứ:
Tội của người con thứ là một sự phung phá, một sự phản nghịch lại tình yêu thương của người cha. Một tình thương duy nhất có một không hai của một người cha sẵn lòng tha thứ, và muôn đời vẫn thế. Tính cách của người cha không thay đổi.
· Phúc của người con thứ:
Phúc của người con thứ là biết ăn năn, và can đảm quay về với cha mình, sau khi so sánh và nhận ra sự bất xứng của mình. Đây là điểm son, là điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta bắt chước người con thứ.
· Tội của người con cả :
Người con cả tưởng mình là người toàn diện, người tốt hoàn toàn, quay qua trách cứ cha mình, khinh dễ , miệt thị người em. Làm mất lòng người cha tốt lành, làm sứt mẻ tình anh em, ruột rà. Làm tiêu tan tình huynh đệ, mà đáng ra không phải có, nếu người anh cả không có thái độ tự cao, cho mình tốt lành. Lòng bao dung không có đối với anh em, chỉ nghĩ đến công sức riêng của mình, thì không phải là tấm lòng của Thiên Chúa. Thái độ của người anh là thái độ biệt phái, kinh sư Dothai, chứ không phải là tấm lòng của người con Chúa. Một mẫu người ích kỷ, mang nặng tính tự kiêu. Vì vậy, đã làm người cha đau lòng, làm tổn thương tình phụ tử và tình huynh đệ.
· Phúc của người con cả :
Phúc của người con cả là biết chu toàn bổn phận làm con , biết lo lắng cho cha già, biết quán xuyến công việc của cha. Nói chung là một người con tốt, một người con ngoan, một mẫu gương hiếu thảo, một người cúc cung tận tụy cho gia đình.
Tạm kết: Ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa là một chủ đề thiết thực , gần gũi với con người. Nếu chúng ta có tấm lòng thương xót từ Thiên Chúa, chúng ta sẽ biết xót thương tha nhân một cách vô vị lợi, dù là con vật , đồ vật hay con người. Từ con vật, đồ vật, Chúa Giêsu dẫn chúng ta đến một dụ ngôn cao hơn, đó là thái độ hẹp hòi , thiếu bao dung của người anh cả, sự phung phá, hư hỏng, tội lỗi, bất hiếu của người con thứ. Cử chỉ tha thứ, nhân hậu, nhẫn nại, yêu thương của người cha.
Vậy, hai người con đều có tội, và đều có phúc, còn người cha thì vô cùng nhân hậu, không hề trách cứ người con nào. Vì vậy, cử chỉ của Thiên Chúa là cử chỉ yêu thương, muôn đời luôn tha thứ cho con người lỗi phạm. Chúng ta hãy tin tưởng chạy đến cùng Thiên Chúa là Cha, mỗi khi chúng ta phạm tỗi, đó là thái độ sám hối, mà Thiên Chúa giàu lòng thứ tha luôn chờ đón.
Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hậu, xin thương xót chúng con qua Thánh Tử Con Cha là Đức Giêsu- Kitô là Đấng đã mang hình ảnh của Cha đến với nhân loại, đó là một hình ảnh giàu lòng thương xót. Amen
15/09/2013
P. Trần Đình Phan Tiến ( Bước Theo )