25. [1778 - 1802] Nhà Tây Sơn phần 1
Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012 by: Lý Tưởng Người ViệtNăm 1771, đất Tây Sơn có 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, còn được gọi là "Tây Sơn tam kiệt" phất cờ khởi nghĩa. Năm 1773 quân Tây Sơn dùng mưu đánh chiếm được thành Quy Nhơn. Tương truyền Nguyễn Nhạc tự ngồi vào cũi cho quân lính của mình khiêng đến trá hàng, nộp quân họ Nguyễn. Nửa đêm, ông phá cũi, cùng quân trá hàng làm nội ứng và quân bên ngoài tới phối hợp đánh chiếm thành. Thành này là nơi các nhà buôn, vì đã phải chịu nhiều luật lệ ngăn cấm do triều đình họ Nguyễn đưa ra, đã quay sang ủng hộ tài chính cho Tây Sơn.
Tháng 10 năm 1774, chúa Trịnh Sâm, sau 100 năm giữ hòa bình với chúa Nguyễn, sai Quận Việp Hoàng Ngũ Phúc đem quân trinh phạt chúa Nguyễn. Quân chúa Trịnh thắng trận ép chúa Nguyễn phải bỏ chạy vào Gia Dịnh.
Quân Trịnh tiếp tục đi về phía nam vượt đèo Hải Vân và đụng độ với quân Tây Sơn ở Quảng Nam. Quân Tây Sơn thua trận đành phải xin hoà, trên danh nghĩa đầu hàng nhà Lê, xin làm tiên phong đi đánh chúa Nguyễn ở Gia Định. Chúa Trịnh bằng lòng và phong chức cho Nguyễn Nhạc.
Năm 1783 chúa Nguyễn, là Nguyễn Ánh thua trận đành chạy sang Xiêm.
Quân Xiêm xâm lược Đại Việt
Lấy cớ giúp Nguyễn Ánh, vua Xiêm La là Chất Tri sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân thủy cùng 300 chiến thuyền sang xâm lược Đại Việt. Quân Xiêm nhanh chóng lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc. Nguyễn Huệ liền mang quân nghinh chiến.
Chỉ trong một trận quyết chiến diễn ra không đầy một ngày Nguyễn Huệ đã tiêu diệt toàn bộ quân Xiêm, chỉ sót được vài nghìn người. Từ đó quân Tây Sơn nổi tiếng đến mức số quân Xiêm còn lại phải thốt lên rằng: "Sợ Tây Sơn như sợ cọp".
Dẹp chúa Trịnh
Năm 1786, Nguyễn Huệ lấy cớ phù Lê diệt Trịnh đem quân đánh chiếm thành Thăng Long. Chúa Trịnh tự tử chết. Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long yết kiến vua Lê Hiển Tông và được vua gả công chúa Ngọc Hân. Tháng 7 năm 1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Lê Duy Kỳ lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Chiêu Thống.