Khi các đại gia lần lượt bị bắt
Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt
Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-08-27
Khi dư luận chưa hết xôn xao về vụ "bầu" Kiên bị bắt thì tới nguyên TGĐ ACB Lý Xuân Hải bị bắt do cáo buộc "cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng".Chỉ là bề nổi
Các đại gia ngân hàng này bị bắt trong bối cảnh mà blogger Huỳnh Ngọc Chênh cảnh báo kinh tế quốc nội "đang trong vòng xoáy của khủng hoảng", vốn liếng bị "chôn hết vào các dự án nhà đất và bốc hơi qua sự tụt dốc của thị trường chứng khoán nên nợ xấu thực sự của ngân hàng vượt qua mức báo động", trong khi các ngân hàng không thực hiện đúng chức năng cung cấp vốn cho thị trường để phát triển kinh tế mà "chỉ cho vay lòng vòng" với nhau để thu lợi nhuận chẳng khác nào "con rắn ăn vào cái đuôi" của nó. Tình trạng này, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, đã mở đường cho "thủ đoạn thu tóm ngân hàng về tay của vài nhóm đặc quyền làm cho tình hình tài chính đang rối loạn càng thêm rối loạn".Qua bài "Chẳng loé ra một chút gì mới", Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét:
"Vụ bắt và khởi tố Nguyễn Đức Kiên, một ông trùm đầy quyền lực đứng đàng sau vụ thâu tóm mờ ám Sacombank và các vụ lũng đoạn tài chính tày đình khác là hành động cụ thể, tuy hơi chậm, nhưng cũng tạo ra những phấn khích trong lòng bộ phận dân chúng còn tin vào nhà nước. Việc bắt Kiên đã làm choáng và gây ra biến động tức thời lên thị trường nhưng hy vọng không đến mức nghiêm trọng như hù dọa của các thế lực muốn bao che cho Kiên và đồng bọn.
Nếu còn trù trừ, để chậm lại thì hậu quả của Kiên và đồng bọn gây ra sẽ còn ác liệt hơn nữa đối với nền kinh tế ốm yếu và méo mó này.Nếu còn trù trừ, để chậm lại thì hậu quả của Kiên và đồng bọn gây ra sẽ còn ác liệt hơn nữa đối với nền kinh tế ốm yếu và méo mó này. Tuy nhiên, nếu vụ án Kiên chỉ làm sơ sài ở mức độ xử lý hoạt động kinh doanh trái phép, không đẩy đến tận cùng để vạch ra đường dây lũng đoạn tài chính và thâu tóm ngân hàng dính líu đến cả một nhóm đặc quyền thì niềm tin vừa lóe lên của bộ phận dân chúng nói trên cũng sẽ bị dập tắt nhanh chóng. Những người dân đó sẽ hiểu rằng các lãnh đạo của đảng có thực sự muốn chỉnh đảng, muốn triệt để chống nham nhũng hay chỉ giả vờ mị dân là thể hiện qua ở chỗ nầy."
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
Qua bài "Khi nền chính trị khiếm thị", blogger Thuỳ Linh nêu lên một loạt câu hỏi rằng tại sao bầu Kiên lại có thể nhảy một "vũ điệu" hoàn hảo mang tên "tay không bắt giặc" giữa chốn thanh thiên bạch nhật của toàn thể xã hội Việt Nam trong nhiều năm nay ? Có phải "một kẻ cướp, ăn cắp nhưng luôn có khẩu khí của một chính khách bộc trực, năng nổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm khiến nhiều người bị thôi miên?", tại sao một chính phủ với nền chính trị "ưu việt" lại "ngủ lịm" để cho bầu Kiên và nhiều kẻ khác "nhảy múa trên một sân khấu mà "khán giả bị coi là những người khiếm thị", hay chính chính phủ với nền chính trị "ưu việt" ấy khiếm thị ?
Nhà văn Thuỳ Linh hỏi tiếp rằng có phải nền chính trị và xã hội Việt Nam hiện nay cần nhất sự ổn định, nếu vậy thì liệu có được ổn định không trước cảnh nhiễu nhương này ? Và liệu giới cầm quyền có ổn định được lòng dân hay không nếu người dân tiếp tục bị cướp bóc, đàn áp hàng ngày? Nhất là sau khi xảy ra những "vũ điệu" như PMU18, Vinashin, Vinaline, Ngân hàng, Thị trường tài chính…thì người dân "không thể vui nổi" vì "vẫn mù tịt về con đường trước mặt!". Và blogger Thuỳ Linh thắc mắc:
"Là nỗi đau còn lại sau những câu chuyện không tưởng tượng nổi đang dần lộ diện khi cái bọc thép kín lâu nay bị gỉ nên bục ra. Ông Thủ tướng điều hành chính phủ và đứng đầu trưởng ban chống tham nhũng vẫn bình yên tổ chức cuộc họp để tuyên dương những người vừa bắt bầu Kiên, ra lệnh bắt Dương Chí Dũng…mà không hề có lời xin lỗi và nhận trách nhiệm? Hay chính phủ dành quyền từ chức cho nhân dân? Dường như xã hội chúng ta đang trượt đi quá xa những gì có thể sửa chữa…Vậy ai có thể bắt đầu lại cuộc hành trình dân tộc? Sức lực, trí tuệ, tư duy, văn hóa…có đủ bảo đảm cho sự thay đổi đó không? Nhưng không thay đổi thì chẳng còn con đường nào khác."
"Bầu" Kiên tội gì?
Giữa lúc dư luận đang "nóng lên" về sự kiện Nguyễn Đức Kiên" và cả vụ Lý Xuân Hải hay một vài vụ gọi là "nổi cộm" trước đó có tính cách làm "con dê tế thần", thì riêng vụ "bầu Kiên", blogger Nguyễn Văn Thiện nêu lên câu hỏi là "Tội gì to nhất?". Theo tác giả, trong khi có nhiều người đang chờ đợi ở "những tín hiệu tích cực từ quyết tâm chỉnh đốn của đảng", thì cũng có nhiều người khác bày tỏ nghi ngờ, hoặc nhìn thấu tận bên trong một cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe nhóm ăn trên ngồi tróc hiện nay, và tin rằng sẽ còn nhiều vụ "nhập kho" trong những ngày sắp tới.
Giữa lúc nhiều người xem chừng như nôn nóng muốn biết thực chất là bầu Kiên vướng phải tội gì, như buôn lậu, mở sàn vàng trái phép hay thu tóm ngân hàng…, thì blogger Nguyễn Văn Thiện nhận định rằng thực ra "những trùm tài chính ở Việt Nam như Nguyễn Đức Kiên thì quy tội gì… cũng được. Chúng giàu có đến mức người dân bình thường không thể nào hiểu nổi vì sao lại thế. Trong xã hội văn minh của Chủ nghĩa xã hội mà giàu nghèo một trời một vực như thế, không có tội mới là khó hiểu!". Dù thế nào đi nữa, tác giả vẫn khẳng định:
"Nguyễn Đức Kiên bị bắt có thực sự đem lại lợi lộc gì cho người dân đang một nắng hai sương chổng mông cày xới kiếm cơm hay không? Hoàn toàn không. Bởi bầu Kiên chỉ là một trong rất nhiều đối tượng làm giàu cho cá nhân trên đất nước nghèo đói này. Bắt một "bầu Kiên" thôi, còn bao nhiêu đứa nữa, những bầu Chó, bầu Mèo, bầu Dê, bầu Ngựa… làm sao hết?
Vấn đề là ai, thế lực nào đã tạo điều kiện cho chúng hoành hành như vậy? Bắt kẻ đó ngay, tống giam, tử hình, may ra dân đen mới thoát khổ. Nguyễn Đức Kiên sẽ bị án gì? Bao nhiêu năm? Cũng không quan trọng. Bởi vì tội phạm kinh tế, lũng đoạn đất nước, dù có nặng đến mấy, thì cũng không thể to tội bằng một cái tội đang treo trước mắt: Tội bán nước! Người dân mù mờ thông tin không biết gì lắm về phe nọ phe kia, về những đấu đá nội bộ, nhưng nếu ai bán nước thì tất cả mọi người sẽ biết, cả dân tộc sẽ biết.
Trung Quốc đang bằng tất cả mọi cách có thể nhằm cướp lấy nước Nam, cướp hết Trường Sa, Hoàng Sa, cướp hết biển Đông. Mong rằng, câu chuyện Lê Chiêu Thống ngày xưa không bao giờ lặp lại. Còn bắt Nguyễn Đức Kiên ư, chỉ là chuyện nhỏ!"
Kẻ thù phương bắc
Nhắc đến nguy cơ "Trung Quốc đang bằng tất cả mọi cách có thể nhằm cướp lấy nước Nam", blogger Huỳnh Ngọc Chênh qua bài "Chẳng loé ra một chút gì mới" vừa nêu cũng nhận thấy đất nước đang lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn và hiểm nghèo khi giặc ngoại xâm Trung Quốc "càng lúc càng trở nên hung hăng và thâm hiểm" qua những hành động gây hấn, ngạo ngược ngày càng đáng ngại tại biển Đông, nhất là kể từ khi Bắc Kinh cho thành lập cái gọi là TP Tam Sa để quản lý gần trọn Biển Đông và rồi hàng chục ngàn tàu đánh cá phương Bắc hoạt động rầm rộ - hay đúng hơn là tàn phá ngư trường – của Việt Nam. Đó là chưa kể Hoa Lục dùng "quyền lực mềm thông qua những hoạt động kinh tế hợp pháp và phi pháp trên lãnh thổ Việt Nam" với "âm mưu diễn biến hoà bình" thuộc trong kế hoạch thôn tính Việt Nam dựa vào "mối quan hệ hữu nghị bất thường giữa 2 đảng của hai nước".
Blogger Thuỳ Linh cũng không khỏi lưu ý đến "tình hình leo thang, ngạo mạn của Trung Quốc" khiến nhiều người tin rằng "Việt Nam đã mất biển Đông vào tay Trung Quốc", giữa lúc trong nội địa quê hương Việt Nam, "trên đường phố, chợ búa, thậm chí trong từng mâm cơm gia đình tràn ngập thuốc độc giết người và tự sát tập thể qua các món ăn, trái cây tẩm thuốc độc từ Trung Quốc và do chính lòng tham của người Việt tạo ra. Kinh tế thì những từ như 'lũng đoạn', 'bố già', 'thâu tóm', 'lợi ích nhóm'…chi phối gần như toàn bộ nền kinh tế, mà hệ lụy của nó là sự bất ổn, tham nhũng, kiệt quệ, lạm phát…Người nghèo đã bị đẩy đến tận cùng của cái nghèo. Người giàu còn khiến kẻ giàu xứ khác phải kinh ngạc, lắc đầu về sự ăn chơi, tiêu pha. Một xã hội mà các cuộc giết người, hiếp dâm, chém giết…gần như là tin tức hàng ngày trên các báo khiến những bà mẹ nghiêm khắc, lo lắng không muốn con cái mình đọc được. Nền văn hóa 'đậm đà bản sắc' ngoài những cuộc thi đủ thứ, trừ những cuộc thi sáng tạo, bổ ích, còn lại chủ yếu chuyện nói qua nói lại từ các scadal, cuộc sống của sao nọ, VIP kia".
Trong tình hình như vậy – tình hình mà blogger Huỳnh Ngọc Chênh lưu ý "Chẳng loé ra một chút gì mới", tác giả không quên đề cập tới sự mong đợi của "bộ phận dân chúng" ở bài diễn văn của chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp Quốc Khánh, khi họ hy vọng lãnh đạo nhà nước này làm "một việc cần thiết nhưng dường như lâu nay bị né tránh", đó là lên tiếng về hành động Trung Quốc hiện nay trên biển Đông, cũng như hy vọng đưa ra một quyết sách nào đó để cứu vãn tình hình kinh tế đang trong cơn khủng hoảng đáng ngại hiện giờ. Nhưng, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, "hai kỳ vọng ấy đều không thấy trong bài diễn văn của chủ tịch nước". Qua bài "Chẳng loé ra một chút gì mới", tác giả đi vào chi tiết:
...tội phạm kinh tế, lũng đoạn đất nước, dù có nặng đến mấy, thì cũng không thể to tội bằng một cái tội đang treo trước mắt: Tội bán nước!"Ngoài một chút mới mẻ là nhắc đến các vụ nổi cộm về đất đai ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản để từ đó "nhìn nhận lại các cơ sở pháp lý về đất đai", ông Sang né tránh hoàn toàn việc bày tỏ thái độ trước nguy cơ xâm lấn "hòa bình" của kẻ thù phương Bắc. Ngược lại ông lấp lửng nhắc đến "những người có tư tưởng xa lạ, chỉ luôn luôn rình rập mọi sơ hở để chống đối, để "chọc gậy bánh xe", thậm chí để "cõng rắn cắn gà nhà"…" là ám chỉ vào một thế lực thù địch mơ hồ nào đó đến từ phương Tây mà đảng vẫn hay nói đến.
Blogger Nguyễn Văn Thiện
Ông cũng chỉ kêu gọi chung chung là đổi mới hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa, dân chủ nhưng ổn định hơn nữa để đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng… nỗ lực yêu nước của toàn dân, bằng sự đoàn kết yêu thương nhau, không "ganh ghét đố kỵ" và bằng cách phát huy hào quang trong quá khứ. Trong khi đó nhiều giải pháp đúng đắn để đưa đất nước thoát ra khó khăn và vươn lên giàu mạnh văn minh được nhiều nhóm trí thức trong và ngoài nước tâm huyết gởi lên rất nhiều lần từ bao năm qua không được ông để mắt đến nên không hề nhắc tới trong bài diễn văn."
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh tin rằng bài báo này trên các báo đảng "Chẳng loé ra một chút gì mới", khiến "bộ phận nhân dân" còn tin vào đảng có lẽ không tránh khỏi thất vọng".