MÓN QUÀ GIÁNG SINH - Ngô Minh Hằng

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt



Kim và Mai là đôi bạn thân. Họ thân nhau ngay từ đầu năm học. Điều đó cũng thường thôi. Hai cô bé bằng tuổi nhau, cùng chăm học và ngoan ngoãn thì thân nhau có chi là lạ. Nhưng thật ra thì chưa hẳn thế. Hai mươi sáu học sinh trong lớp Sáu A này có đến phân nửa là con gái. Họ cũng xấp xỉ tuổi nhau. Có hơn kém chăng chỉ là vài tháng và gần như cô bé nào cũng chăm ngoan cả. Nhưng thân nhau như hình với bóng thì dường như lại chỉ có Kim và Mai.

Trong gia đình Mai, Mai là con gái đầu lòng.  Mai có hai em Đức, gần năm tuổi  và bé Nguyệt lên ba. Mẹ con Mai  dọn về thành phố này vài tháng sau khi ba Mai mất. Một mình mẹ với ba đứa con thơ, khó khăn xoay trở nên bà dọn về ở gần người em gái mà Mai gọi là Dì Nga. Mẹ bảo, gần dì  để phòng khi  trái gió, trở trời còn có chị em mà nương tựa.

Mẹ hay kể chuyện về ba  cho Mai nghe. Mẹ nói, xưa, ba là một sĩ quan tác chiến của quân đội miền Nam. Ba mẹ gặp nhau và thương nhau trong một buổi mẹ đi ủy lạo thương binh ở bịnh viện Cộng Hòa. Mấy năm sau, ba cưới mẹ. Khi mẹ có thai Mai ít tháng thì ba đi tù vì Cộng sản chiếm miền Nam. Sau sáu năm tù đầy, ba được về. Bà ngoại Mai có người quen tổ chức vượt biên và bà gởi ba đi. Mẹ lúc đó  mang thai đứa con thứ hai, em  Đức. Mẹ muốn đem Mai cùng đi với ba nhưng bà ngoại cản. Mẹ phải năn nỉ mãi, ngoại mới chiều lòng. Sau mười ngày gian nan với cuộc hải trình mà cái chết nhiều hơn đường sống. Tàu bị bão ba ngày trên biển và bị cướp hai lần. May mà ba lên cơn sốt, nằm li bì một xó tàu và mẹ có thai, nên bọn hải tặc tha cho. Cuối cùng, khi mọi người mệt lả, phó mặc đời mình cho định mệnh thì con tàu tấp vào một hòn đảo thuộc  Indonesia. Ở đây ít lâu, gia đình Mai được chính phủ Mỹ cho đi tỵ nạn tại Hoa Kỳ.
Khi mẹ sanh em Nguyệt thì cũng là lúc bịnh gan của ba đến thời kỳ nguy ngập. Mẹ nói, đó là hậu quả của những ngày ba khốn khổ trong  tù. Ba mất khi em Nguyệt tròn hai tháng và dì Nga năm lần bảy lượt thúc giục mẹ dọn về đây.
Ngày đầu đến lớp học mới,  Mai buồn lắm. Lạ trường, lạ bạn. Giờ ăn trưa, Mai  đến hộc tủ, lấy gói đồ ăn mà mẹ chuẩn bị từ tối hôm trước. Cô bé ngồi lặng lẽ ở phòng ăn. Vài  cô bé cùng lớp nhìn Mai, "hello" rồi bỏ đi, ngồi với nhau ở một bàn khác. Buổi học ngày thứ ba, Kim đi học lại sau vài ngày bị cảm. Kim ngồi ngay bên cạnh Mai. Hai cô bé chào nhau bằng một nụ cười. Họ nhận ra họ có cùng một màu da và nói cùng ngôn ngữ. Hai cô bé  lại ở cách nhau có một con phố và họ thân nhau từ đó.
Kim có một hoàn cảnh khác Mai. Ba mẹ Kim cũng vượt biên đến Mỹ theo diện tỵ nạn nhưng trước gia đình Mai mấy năm.  Ba Kim làm việc cho một tiệm giặt ủi. Mẹ Kim làm part-time  ở một  tiệm bán thực phẩm á đông  khá đông khách.  Cuộc sống vật chất của gia đinh Kim dễ chịu hơn Mai, vì thế, cô lại càng thương bạn. Cô nghĩ mình còn đầy đủ cha mẹ và nhà lại chỉ có hai người con, anh Khôi và Kim. Anh Khôi đã lên đại học. Anh học xa, lâu lâu mới về.  Vì thế, bạn thân nhất của Kim là Mai. Ngoài giờ gặp nhau ở trường, Kim hay đến nhà Mai để cùng học, cùng chơi. Khi nào  mẹ nấu món  gì ngon, Kim thường  rủ Mai tới hoặc đem cho Mai để cùng chia xẻ. Tình bạn của hai cô bé đậm đà hơn theo ngày tháng. Thấm thoắt, mùa Thu trôi qua và mùa Đông đã đến, trong lớp cũng như ngoài đường, thiên hạ đua nhau trang trí,  chuẩn bị mừng ngày lễ Chúa Giáng Sinh.
Chỉ còn một tuần nữa là đến ngày lễ. Chiều hôm ấy, sau khi tan học, Kim về thẳng nhà Mai để làm home work.  Trong cái lạnh của mùa Đông, hai cô bé vừa đi sát vào nhau vừa nhìn cảnh tấp nập trên đường phố.  Những ngôi sao năm cánh óng ánh đầy kim tuyến, những vòng  wreath,  những dây đèn xanh đỏ giăng đầy trên các cột đèn, trên các cành cây hai bên đường, trong các cửa tiệm, làm khung cảnh càng thêm tưng bừng vui vẻ. Tuổi thơ thật hồn nhiên, trong một phút, Mai chợt đắm chìm trong muôn vàn màu sắc, dù cô vẫn nghĩ đến em và rảo bước vì hôm nay Nguyệt bịnh.
Mỗi ngày, trước khi đi làm, mẹ đem Đức và Bé Nguyệt gởi bên nhà dì Nga. Dì Nga đưa đón Đức đến kindergarten cùng với cu Thái, con dì. Chiều về, Mai ghé dì Nga, đón hai em. Mẹ Mai đi làm, tối mới về.
Kim ôm tập vở cho Mai để Mai bồng bé Nguyệt. Đức lụp xụp chạy theo Mai, tay cầm cái giỏ nhỏ có vài lọ thuốc. Nhìn Mai ôm em vừa đi, vừa  xuýt xoa nựng nịu, Kim có cảm tưởng Mai là một bà mẹ hơn là một người chị mới mười hai. Vì  cha mất sớm, mẹ tối ngày phải đi làm kiếm sống và là chị của hai đứa em nên Mai lớn vội.  Nghĩ thế, lòng Kim  xót xa thương bạn lạ lùng.
Vào nhà xong, Mai đóng cửa và bảo Đức cởi áo lạnh. Cô cũng cởi áo cho bé Nguyệt và đặt bé ngồi lên chiếc ghế sa lông. Bé khó chịu trong người nên không chịu ngồi mà khóc ré lên, bám lấy chị. Mai chưa kịp cất áo vội quay lại ôm lấy em, dỗ dành. Cô  nhoài tay vói lấy con búp bê cũ đưa cho em: - Đây, đây,  đồ chơi của em đây. Bé cầm đi.  Để chị cất áo lạnh rồi lấy thuốc cho bé uống. Tội nghiệp, người bé còn nóng quá !
Bé Nguyệt nín khóc, cúi nhìn con búp bê, không hiểu sao, bé đưa tay gạt phăng đi. Con búp bê văng xuống sàn nhà. Bé lại khóc.
Mai kiên nhẫn nhặt con búp bê đưa cho bé: - Đừng nhé, bé đừng làm thế, búp bê té, đau, tội nghiệp. Ngoan, rồi hôm nào mẹ có tiền, chị xin mẹ mua con búp bê mới cho em.
Lần này thì bé Nguyệt cầm lấy búp bê và nín khóc. Mai vội vã cởi áo lạnh máng vào chiếc móc áo rồi bảo Đức đưa cho cái giỏ. Cô thò tay vào giỏ lấy chai thuốc cẩn thận rót ra chiếc muỗng nhỏ dỗ dành: - Ngoan nào, hả miệng ra, chị cho uống thuốc.
Bé Nguyệt nhìn chị, bậm môi, nghiêng đầu qua một bên tránh muỗng thuốc. Kim lại nghe Mai nhỏ nhẹ:  -   Ngoan đi, bé. Uống thuốc cho hết bịnh. Bé hết bịnh, chị đưa bé đi dự lễ Giáng Sinh, Có hình Chúa nằm trong máng cỏ, có nhiều đèn màu xanh đỏ, đẹp lắm, bé. Nghe nói đến máng cỏ, đèn màu, Bé Nguyệt ngước nhìn Mai: - Có hang đá hông, chị Mai? - Có chứ. Hang đá  đẹp lắm. Có mục đồng và mấy con chiên nữa. Nhỏ xíu hà! -     Cho em đi xem nhá. - Ừ, ngoan, uống thuốc, hết bịnh, chị cho đi. Bé hết bịnh, mẹ vui nữa. Bé có yêu mẹ không? Nghe nhắc mẹ, mắt bé sáng rỡ: - Mẹ hả? Bé yêu mẹ. - Thế bé hả miệng ra chị cho bé uống thuốc cho hết bịnh.
Bé Nguyệt ngoan ngoãn uống hết muỗng thuốc, em ôm con búp bê, nằm xuống sa lông. Mai lấy tấm chăn mỏng đắp cho em. Nguyệt chơi với con búp bê một lúc rồi ngủ thiếp đi. Con búp bê nằm bên cạnh bé.

Trên đường từ nhà Mai về,  tâm trí Kim cứ chập chờn hình ảnh bé Nguyệt mắt  sáng rực nói yêu mẹ và cái miệng bé tròn vo khi uống thuốc.

Vừa bước vào nhà, Kim đã ngửi thấy mùi xào nấu thơm ngon  của mẹ. Cô bé bỏ vội túi sách vở xuống sàn nhà, đứng thẳng người, hít một hơi đầy vào lồng ngực. Xong, cô chạy thẳng vào bếp, đặt hai tay lên vai mẹ: - Mẹ, chỉ có căn bếp của mẹ mới có những mùi vị thơm ngon đầm ấm thế này thôi! Có xa bao nhiêu con phố, khi ngửi mùi, con cũng biết ngay là mùi thức ăn của mẹ. Bà Tâm quay lại nhìn con cười âu yếm: - Con đã đói chưa? Cô nghĩ đến căn bếp lạnh lẽo ở nhà Mai: - Con đói lắm. Trong "căn bếp của mẹ" lúc nào con cũng đói.
Bà Tâm không để ý đến bốn chữ  "căn bếp của mẹ" mà cô cố tình nhấn mạnh, tay vẫn xào chảo đồ ăn: - Chà, con gái mẹ hôm nay văn vẻ quá. Lại biết nịnh mẹ nữa chứ ! Thôi, rửa tay rồi giúp mẹ dọn bàn. Hôm nay ba về sớm và anh Khôi cũng về. - Cả anh Khôi nữa hả mẹ. Ồ, nhà mình vui quá!
Kim lại nhớ  đến cảnh nhà Mai, lòng cô chùng lại. Cô không nói thêm gì, lặng lẽ dọn chén dĩa lên bàn. Bữa cơm gia đình đầy đủ mọi người thật là vui vẻ. Ba luôn hỏi chuyện anh Khôi và mẹ luôn gắp đồ ăn đầy bát cho hai anh em. Anh Khôi vẫn hay ghẹo Kim như ngày nào. Kim thì cười và tìm câu ghẹo lại chớ không còn khóc và giận anh như trước nữa.
Cơm nước xong, cả nhà quây quần bên lò sưởi. Dưới chân cây Noel ông Tâm dựng từ hai tuần trước, bà Tâm  đã đặt  đầy những gói quà gói bằng giấy màu và gắn nơ thật đẹp. Anh Khôi đứng lên, vào phòng, lấy ra một cái túi lớn đem lại bên cây Noel. Anh  lấy ra mấy hộp quà nữa đặt thêm vào. Chợt, anh nhìn Kim: - Kim này, anh nhờ Kim chút nhé. Món này anh ra đến phi trường, thấy đẹp anh mua thêm cho Kim nên chưa gói. Em gói giùm anh nhé.
Kim chưa kịp hỏi, anh Khôi đã giơ ra một bao plastic trong suốt  có con búp bê mặc áo đầm xanh tuyệt đẹp. Kim nhìn sững con búp bê trên tay anh Khôi và cô nghĩ ngay đến bé Nguyệt. Không kịp cám ơn anh, cô cầm con búp bê chạy bay vào bếp, tìm giấy và nơ gói lại.   Vừa gói, lòng cô vừa vui như  tết. Chỉ có cô mới biết được rằng tại sao cô lại phải gói con búp bê này cho thật đẹp. Và chỉ cô mới biết được rằng cô sẽ làm gì sau khi gói nó.
Đêm nay... đêm nay ... nó sẽ được ngủ ở phòng cô. Ngày mai...ngày mai...  nó sẽ được đi học với cô.  Và sau đó....sau đó... chỉ có cô mới biết được rằng con búp bê này sẽ... được ở đâu.

Ngoài phòng khách, bản thánh ca Giáng Sinh được ông Tâm vặn to hơn. Kim nhẹ nhàng cất tiếng hát theo....

                                                            Giáng Sinh năm 1999

                                                             Ngô Minh Hằng