Đảo Len Đao vững chãi cạnh Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm
Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtĐảo Len Đao nằm sát cạnh đảo Gạc Ma (đảo Gạc Ma do Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp năm 1988). Trước những tham vọng, hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Len Đao luôn vững chãi như thành đồng đất Việt giữa biển khơi.
Đến Len Đao khi Trận chiến Gạc Ma đã đi qua cách đây 25 năm, nhưng với chúng tôi, những người lần đầu tiên đặt chân lên đảo thì sự kiện đó như vừa mới ngày hôm qua.
Dấu tích về một trận chiến bi tráng đã nhòa vào sóng biển nhưng trong tâm thức những người lính đảo và những người viết về biển đảo như chúng tôi thì đây luôn là sự kiện khó phai mờ.
Cách đó không xa, Gạc Ma vẫn đang nằm trong vòng kiềm tỏa, tham vọng của lực lượng Trung Quốc với lô cốt kiên cố, có tàu chiến luôn túc trực ngày đêm bên cạnh càng khiến nỗi đau trận chiến năm xưa khó phai mờ.
Điều này là một thử thách vô cùng lớn với những người lính trên đảo Len Đao. Bởi vì, tư thế cảnh giác cao độ trước bài học hôm qua và vị trí tiền tiêu của đảo hôm nay khiến cho trách nhiệm với nhân dân với Tổ quốc của người lính đảo càng trở nên thiêng liêng, quan trọng.
Khẩu hiệu tô đỏ trên đảo Len Đao thể hiện tinh thần cảnh giác cao độ, giữ vững chủ quyền (Ảnh Hồng Chuyên) |
Nhắc đến đảo Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma là nhắc đến một trận chiến không thể nào quên- sự kiện ngày 14-3-1988 bi tráng. Ngày 14-3-1988, trước sự hung hăng của kẻ thù, thiếu úy Trần Văn Phương bình tĩnh chỉ huy bộ đội thực hiện đúng đối sách chốt giữ đảo Gạc Ma.
Song với bản chất ngông cuồng, hiếu chiến quân xâm lược đã tấn công bộ đội của ta. Thiếu úy Trần Văn Phương cùng lực lượng đóng giữ đảo đã khôn khéo, dũng cảm, kiên quyết chống lại hành động trắng trợn của chúng, ôm chặt lá quốc kỳ, biểu tượng chủ quyền của Tổ quốc trên đảo.
Trong cuộc chiến đấu một mất, một còn không cân sức đó, bọn địch đã dã man nổ súng vào đồng chí Trần Văn Phương. Anh đã anh dũng hy sinh, máu thịt của Anh đã quyện chặt với mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc, tô thắm lá cờ dân tộc.
Ký ức về trận chiến Gạc Ma 1988 sẽ không bao giờ phai mờ |
Với hành động dũng cảm, quyết đoán, mau lẹ, thuyền trưởng tàu HQ 505 đã lệnh cho tàu lao thẳng lên đảo Cô Lin giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trong sự kiện lịch sử này, 64 cán bộ, chiến sỹ cùng với 3 tàu của ta đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng của biển cả. Hàng năm, cứ đến ngày 14-3, những người lính đảo lại thắp hương để tưởng nhớ tới các đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ quần đảo Trường Sa.
Anh lính hải quân đang quan sát, theo dõi hành động của Trung Quốc trên đảo Gạc Ma (Ảnh Hồng Chuyên) |
Trước tình hình ngày càng phức tạp, yêu cầu giữ đảo ngày càng khẩn trương và bí mật, Đại tá Lê Văn Thư chỉ huy trưởng Vùng 4 trực tiếp chỉ huy lực lượng xây dựng nhà cho đảo. Ngày 09-07-1988, nhà đã làm xong và bàn giao cho cán bộ, chiến sỹ Len Đao bảo vệ đảo.
Đảo Len Đao cách bán đảo Cam Ranh 313 hải lý, nằm ở vị trí 90 45' 40" độ vĩ Bắc; 1140 21'50" độ kinh Đông. Cách 8 hải lý về phía Đông Bắc là đảo Sinh Tồn, cách 4 hải lý về phía Nam là đảo Gạc Ma do Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp.
Ba hòn đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn nổi lên như ba cạnh của một tam giác, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo đường tiếp tế của Hải quân Việt Nam cho các điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa.
Canh giữ bia chủ quyền thiêng liêng- Len Đao (Ảnh Hồng Chuyên) |
Vào tháng 3, tháng 4 gió mùa Đông Bắc bãi cát dịch chuyển về phía Tây Nam của đảo. Khi nước triều lên có thời điểm bãi cát tạo thành hình bản đồ Việt Nam, đã có rất nhiều nhà báo đến thăm đảo chụp được hình ảnh có một không hai này. Vào mùa gió Tây Nam bãi cát lại dịch chuyển về phía Đông Bắc của đảo. Hàng năm bãi cát càng nhiều nên thềm san hô dần mất đi do vậy việc đánh bắt hải sản của đảo gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay đảo Len Đao đã được xây dựng nhà ở kiên cố, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt huấn luyện, đưa cán bộ, chiến sỹ trên đảo về gần đất liền thân yêu hơn nữa.
Đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sỹ đảo Len Đao từng bước được cải thiện. Đảo được trang bị ti vi, hệ thống Karaoke kỹ thuật số hiện đại. Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài truyền hình Việt Nam đã giúp cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới.
Trên đảo có tủ sách, báo với gần 1.000 đầu sách và trên 20 đầu báo các loại, 1 tủ sách pháp luật... qua đó nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Năng lượng mặt trời được sử dụng trên đảo Len Đao (Ảnh Hồng Chuyên) |
Đảo đã 5 lần được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng danh hiệu "Đơn vị quyết thắng". Từ năm 1998 đến 2001 cán bộ, chiến sỹ đảo Len Đao liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được Vùng 4 Hải quân tặng Bằng khen. Nhiều năm, đảo được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Bằng khen.
Đến Len Đao, những người như chúng tôi càng cảm phục hơn tinh thần người lính đảo anh dũng kiên cường. Các anh đã không phụ công lao và máu xương của thế hệ cha anh- những người đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma.
Hôm nay, công trình trên đảo Len Đao sừng sững với lá cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ tung bay, nhân dân Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam không bao giờ quên máu xương và công lao của các anh- những người lính giữ đảo Len Đao.
ĐV