Ðường nhập lậu vào Việt Nam như ‘thác chảy’

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

HÀ NỘI (NV) - Số đường nhập lậu vẫn chảy như thác vào Việt Nam. Chính quyền bất lực nên nông dân trồng mía và các nhà máy sản xuất đường trong nước ngắc ngoải, chờ chết để chôn.

Theo thống kê, năm 2010, các cơ quan chống buôn lậu thu giữ được 200 tấn đường nhập lậu. Năm 2011, con số này tăng lên 331 tấn. Năm 2012, số lượng đường nhập lậu bị tịch thu tăng lên 700. Trong sáu tháng vừa qua, chỉ tính riêng tỉnh An Giang, các cơ quan chống buôn lậu đã thu giữ 362 tấn đường nhập lậu.

Ngoài buôn lậu, đường (chủ yếu của Thái Lan) còn thẩm lậu vào Việt Nam qua hình thức tạm nhập tái xuất nhưng để lại tiêu thụ tại Việt Nam. Hải quan tỉnh Quảng Trị phát giác chiêu thức này và đã tạm giữ 210 tấn đường.

duonglau
Buôn lậu đường gia tăng, các nhà máy đường của Việt Nam ngắc ngoải, trồng mía cũng nhiều rủi ro như trồng lúa. (Hình: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)



Phía hải quan giải thích, sở dĩ đường nhập lậu chảy vào Việt Nam như thác vì giá đường Thái Lan thấp hơn giá đường do các nhà máy Việt Nam sản xuất từ 2,000 đồng đến 3,000 đồng một ký.

Hiện nay, các nhà máy đường của Việt Nam đang "ngậm" khoảng 500 ngàn tấn đường vì các cơ quan chống buôn lậu bất lực trong việc đối phó với việc buôn lậu đường. Sự bất lực kéo dài trong nhiều năm. Một viên chức Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho biết, riêng niên vụ 2013, Việt Nam thừa khoảng 300,000 tấn đường so với nhu cầu.

Chủ tịch Hiệp Hội Mía Ðường Việt Nam, cho rằng, tuy lượng đường tồn kho trong nước rất lớn và còn tiếp tục tăng, lượng đường nhập lậu vẫn ở mức từ

400 ngàn tấn đến 500 ngàn tấn mỗi năm. Dù lượng đường nhập lậu mà các cơ quan chống buôn lậu thu giữ tăng đều đặn hàng năm nhưng vẫn là rất nhỏ so với thực tế.

Một viên cục phó của Cục Quản Lý Thị Trường, Bộ Công Thương, nhận định, buôn lậu đường diễn ra chủ yếu tại miền Trung và khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Ðỗ Kim, làm việc tại Cục Ðiều Tra Chống Buôn Lậu, thuộc Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, thừa nhận, đường nhập lậu có hai loại: Thẩm lậu qua biên giới và qua hình thức tạm nhập tái xuất nhưng rất khó đối phó với cả hai hình thức đó.

Theo ông Kim, đối với dạng tạm nhập tái xuất, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự ưu đãi cho khu kinh tế ở các cửa khẩu (miễn thuế) để chuyển đường sâu vào nội địa tiêu thụ. Còn đối với dạng buôn lậu, giới buôn lậu thường chuyển hàng tới sát biên giới rồi thuê dân vận chuyển dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn giấu dưới ghe chở lúa nên rất khó kiểm soát, ngăn chặn hết. (G.Ð.)

Filed under: