Hồng Kông : Lo lắng đột ngột xuất hiện sau Thiên An Môn
Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Thu HằngĐó là nhận định của Thierry Sanjuan, nhà địa lý học và nghiên cứu về Trung Quốc, vừa xuất bản cuốn Bản đồ Trung Quốc (Atlas de la Chine ). 16 năm sau khi Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc, ông phân tích mối quan hệ mà hòn đảo đang duy trì với Đại Lục trong cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Libération.
Chuyên gia này cho biết, ngay từ những năm 1980, Hồng Kông là cánh cửa kinh tế cho Trung Quốc. Việc hòn đảo được trao trả lại cho Trung Quốc đại lục không thay đổi tiến trình phát triển tại đây. Hồng Kông luôn chiếm vị trí tài chính, dịch vụ và cảng biển lớn nhất. Ngày có ý nghĩa quan trọng nhất với hòn đảo là vụ thảm sát Thiên An Môn diễn ra ngày 04/06/1989. Sự kiện này khiến người Hồng Kông lo lắng. Vì họ quá quen với phong cách kiểu Anh và không hiểu được nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Từ đó tới nay, một phần nền dân chủ được thiết lập từ thời Anh quốc tiếp tục được duy trì. Nhưng Bắc Kinh vẫn can thiệp vào cơ quan lập pháp tại đây, mặc dù Hồng Kông không chịu sự quản lý như các vùng tại lục địa. Các nhà trí thức Hồng Kông giám sát để báo chí tại đây không bị kiểm duyệt theo chế độ trung ương. Họ tiếp tục lên tiếng tố cáo việc những người bất đồng chính kiến bị chết một cách đáng ngờ.
Về bản sắc của người Hồng Kông, tác giả cuốn Bản đồ Trung Quốc cho biết, người Hồng Kông, đặc biệt là giới trẻ, luôn thể hiện khác với người Trung Quốc lục địa. Họ có trình độ học vấn cao, du lịch nhiều và được các nước như Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản nhìn một cách thiện cảm. Đồng thời, họ vẫn giữ được các giá trị truyền thống như gia đình hay tôn giáo... Nền giáo dục tư thục và tôn giáo chiếm vai trò chủ đạo. Chính vì thế, việc trung ương muốn áp đặt giáo trình do lục địa biên soạn vào các trường học ở Hồng Kông đã gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hồng Kông.
Trước khi được trao trả cho Trung Quốc, Hồng Kông đã lập được mối quan hệ với đại lục. Hòn đảo phân bổ các hoạt động cần không gian lớn trong vùng châu thổ Châu Giang. Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, nằm bên cạnh Hồng Kông, cũng được thiết lập. Người Hồng Kông có thể thoải mái sống hay mua sắm tại thành phố này. Trái lại, với người Trung Quốc lục địa, rất khó để vào được lãnh thổ Hồng Kông.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc kết luận, sự thống nhất Trung Hoa được thể hiện rõ trên các bất đồng lãnh thổ với Nhật Bản. Về vấn đề này, dân Hồng Kông, Bắc Kinh hay Đài Loan, đều có tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
Fukushima : sự cố gia tăng
Quay lại các tai nạn liên tiếp xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima như rò rỉ nước nhiễm chất phóng xạ hay hỏa hoạn, báo Le Monde nhận định hai năm sau thảm họa, công ty Tepco vẫn chưa tìm ra được giải pháp.
Đặc phái viên của báo tại Tokyo cho biết, ngày 05/07, Giám đốc Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) đã tới miền bắc để trấn an người dân tại đây sau khi công bố khả năng tái hoạt động của hai lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Kashiwaza-ki-Kariwa (tại Niigata).
Hơn một nửa dân tại Niigata phản đối quyết định này. Tỉnh trưởng Niigata đánh giá : « Cố để cho hai lò phản ứng hoạt động trở lại cho thấy rằng họ chẳng học được gì từ Fukushima ». Phản đối của người dân tại đây cũng phản ánh sự mất lòng tin của người Nhật đối với công ty điện lực Tepco, sau hàng loạt sự cố xảy ra thời gian gần đây tại Fukushima, như rò rỉ nước nhiễm phóng xạ ra biển, hay tình trạng càng ngày càng xuống cấp một cách đáng lo ngại của các lò phản ứng bị hỏng.
Gián điệp : Châu Âu nhượng bộ Nhà Trắng
Le Figaro tiếp tục thông tin về căng thẳng giữa châu Âu và Hoa Kỳ sau vụ phát giác khoảng 40 sứ quán châu Âu bị nghe lén, trong đó có sứ quán Pháp tại Washington và tại trụ sở của Liên hiệp quốc. Tờ báo nhận định « Bị chia rẽ, các nước thành viên đã từ bỏ việc đưa ra một yêu cầu chung đòi đối tác Mỹ giải trình ».
Đích thân chủ tịch của Ủy ban châu Âu, José Manuel Barroso, công bố tin này. Ông cho biết thêm : « Vấn đề thông tin thuộc vào thẩm quyền của các quốc gia thành viên, chứ không phải của Liên hiệp châu Âu ». Các chuyên gia thông tin sẽ tới Washington dưới màu cờ của từng nước thành viên, trái với thỏa hiệp mà tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra trước đó.
Thứ hai tới, Liên hiệp châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán thỏa hiệp tự do trao đổi mậu dịch, song sẽ không đề cập tới vấn đề này. Như vậy, Mỹ có thể đẩy nhanh tiến trình đàm phán về mậu dịch, vấn đề quan trọng với Washington và rất nhiều nước châu Âu, mà không bị khó xử vì vụ scandal này.
Ai Cập : Xung đột leo thang
Căng thẳng leo thang giữa phe chống đối và phe ủng hộ cựu tổng thống Ai Cập Mohameh Morsi tiếp tục được các báo ra ngày hôm nay đề cập tới. Thứ sáu vừa qua, phe ủng hộ cựu tổng thống Mohamed Morsi tiếp tục xuống đường để phản đối vụ « đảo chính ». Báo Le Monde đăng tin « Huynh đệ Hồi giáo, giữa giận dữ và mệt mỏi » với hình ảnh một thanh niên ủng hộ Phe Hồi giáo ngủ vật trên đường với bức ảnh của cựu tổng thống Morsi trên người. Phóng viên tờ báo cho biết các cơ quan an ninh Ai Cập đã bắt phần lớn các nhà lãnh đạo của đảng này dưới nhiều lý do khác nhau.
Đặc phái viên nhật báo Le Figaro thông tin từ thủ đô Cairo : « Ai Cập : đụng độ đẫm máu tại quảng trưởng Tahrir ». Liên hiệp quốc lo lắng về « việc truy đuổi Huynh đệ Hồi giáo ». Vì các nhà lãnh đạo chính của đảng đều bị tạm giam, nhiều người ủng hộ cựu tổng thống Morsi thì bị cảnh sát mặc thường phục tấn công trước cổng Đại học Cairo.
Phóng viên cũng cho biết thêm cuộc họp kín bàn về việc thành lập chính phủ lâm thời. Sáu thành viên tham gia, gồm bộ tham mưu quân đội, đại diện của hai tôn giáo lớn và các thành viên của phe chống cựu tổng thống Morsi, sẽ chỉ định các bộ trưởng, đồng thời giám sát việc tôn trọng những yêu cầu của dân. Đảng « Huynh đệ Hồi giáo» được mời tham giam đàm phán, nhưng họ đã từ chối.
Báo Libération trích đăng lời một người ủng hộ cựu tổng thống Morsi : « Nếu Morsi không trở lại, mọi chuyện đều có thể xảy ra », để bắt đầu bài phóng sự của mình. Bất chấp sự đàn áp của quân đội và cảnh sát, nhà lãnh đạo tối cao của Huynh đệ Hồi giáo, Mohamed Badie, hứa điều động hàng triệu người ủng hộ Morsi : « Bắt bớ, nhà tù, treo cổ, không gì có thể can ngăn được chúng ta ».
Tuần báo Aujourd'hui en France đăng ảnh quân đội Ai Cập dựng hàng rào kẽm gai để ngăn phe ủng hộ cựu tổng thống Morsi tiến vào quảng trường Tahrir. Tuy nhiên, các cuộc đụng độ đẫm máu không phải là vấn đề được toàn bộ dân chúng Ai Cập quan tâm. Tại các khu bình dân, người dân bận tâm tới giá cả cuộc sống ngày càng đắt đỏ. Họ chán các cảnh thay đổi chế độ, mà chỉ cần sự ổn định.
Những kiểu nghỉ hè mới của người Pháp
Học sinh Pháp bắt đầu được nghỉ hè từ đầu tháng 7 tới hết tháng 8. Đây là dịp để tờ Aujourd'hui en France bàn về các thói quen du lịch của người Pháp. Tờ báo cho biết, điểm đến ưu thích nhất của người Pháp vẫn là những nơi tràn nắng. Khủng hoảng khiến người Pháp phải thay đổi thói quen của mình. Họ chọn đi gần hơn, rẻ hơn và ít ngày hơn.
Năm nay, chỉ khoảng 48% dân Pháp (khoảng 30 triệu người) sẽ đi nghỉ hè với ngân sách khá eo hẹp. Dự tính mỗi gia đình sẽ chi khoảng 1 340 euros (khoảng 32 euros mỗi người mỗi ngày), chưa tính tiền đi lại. Tuy nhiên, 70% khách chọn du lịch trong nước, như khu vực biển Địa Trung Hải. Để chi tiêu ít hơn, thay vì thuê phòng khách sạn, họ chọn phương án thuê căn hộ đầy đủ tiện nghi và các làng nghỉ hè, vừa có nhiều thời gian với gia đình, vừa có thể nấu ăn. Khoảng một phần ba người Pháp đi nghỉ hè sẽ ở nhờ nhà họ hàng, gia đình hay bạn bè để không phải trả tiền thuê nhà.
Khủng hoảng chính trị tại các nước Bắc Phi cũng khiến người Pháp thay đổi thói quen du lịch. Lượng khách du lịch Pháp tới Tunisia giảm 39%, tới Ai Cập giảm 39,8% hay Thổ Nhĩ Kỳ giảm 17%.
Khủng hoảng kinh tế và thời tiết ảm đạm của mùa hè năm nay cũng khiến người Pháp do dự. Chính vì thế, các tours du lịch phút chót lại thu hút được nhiều khách, vì người kinh doanh loại hình dịch vụ này sẵn sàng giảm 20-30% thay vì phải để phòng trống.
Nelson Mandela đã mất ?
Nhật báo Libération đăng những tin không chính thức rằng Nelson Mandela đã mất. Một hướng dẫn viên tại Bảo tàng Apartheid cho biết : « Mandela đã chết. Tranh cãi trong nội bộ gia đình ông về thừa kế, các cuộc thăm viếng từ trẻ con tới người già trong làng, như người ta vẫn làm ở đây khi một gia đình có người chết : Tất cả chuyện này cho thấy ông đã chết ! Nếu không ai dám nói ra, đó là vì Đảng Đại hội dân tộc Phi cầm quyền không muốn mất thần tượng của mình ».
Một phụ nữ bán hàng cho biết : « Mandela sẽ chết cuối tuần này. Chí ít là về mặt chính thức ». Một người thân của cựu tổng thống cho biết : « Tin ông đã chết sẽ được công bố sau ngày 18/07, ngày sinh nhật của ông, các nghi lễ đã được chuẩn bị ».
Trong khi đó, gia đình Nelson Mandela bị chia rẽ, người thân của ông đang tranh giành của cải và uy tín. Một số thành viên trong gia đình đã tung ra một nhãn rượu vang và một mác áo phông. Trong khi đó, hai cô cháu của ông trở thành sao của show truyền hình thực tế « Being Mandela ».
Tờ Libération trích lại phân tích của tạp chí People tại Nam Phi, theo đó, sự chia rẽ trong gia đình là hậu quả việc người cha vắng bóng dài ngày do tù đày và tham gia đấu tranh. Nelson Mandela có ba vợ và sáu người con với hai người vợ đầu và « Con của bà này ghét con của bà kia ».