Aung San Suu Ki, « Mẹ » đơn độc
Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Thu HằngTuần báo L'Express dành một bài phóng sự dài sáu trang phân tích việc uy tín của bà Aung San Suu Kyi bị giảm ngay trong nội bộ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ và những người ủng hộ. Một năm sau khi được bầu vào Nghị viện, gương mặt của lãnh đạo đối lập Miến Điện vẫn là một thần tượng. Nhưng, những nhượng bộ gần đây của bà đối với nhà cầm quyền và quân đội đã làm hụt hẫng, thậm chí là thất vọng, nhiều đồng minh thân tín nhất của bà.
Ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2015, bà Aung San Suu Kyi dường như ngày càng bị cô lập trong đất nước luôn bị chia rẽ ám ảnh.
Năm 2012, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp. Tuy nhiên, đảng của bà chỉ chiếm thiểu số trong Quốc hội, vì chỉ 10% số ghế được bầu lại. Những người ủng hộ tin rằng, từ bên trong, bà sẽ biết cách đẩy nhanh quá trình mở cửa và tiến hành dân chủ hóa đất nước. Thế nhưng, từ một năm nay, họ chưa thấy động thái gì và bắt đầu thất vọng vì mỗi lần phát biểu, bà lại bảo vệ chính phủ vẫn nằm trong tay quân đội. Trầm trọng hơn, bà phát biểu trên đài BBC của Anh là : « Tôi yêu quân đội ». Không biết do vô ý hay chân thành một cách ngây ngô, tuyên bố của bà gây sốc cho nhiều tù nhân chính trị mới được thả và đã từng bị quân đội tra tấn dã man.
Tác giả bài phóng sự đặt câu hỏi : Tại sao bà lại dám xa lánh những đồng minh ủng hộ mình ? Lời giải thích nằm trong từ : Hòa giải. Phóng viên đưa ra nhiều lý do để hiểu được hành động của bà. Lý do thứ nhất, với sự nổi tiếng của mình, bà là người duy nhất có thể bình ổn đất nước bị chế độ độc tài hoành hành trong vòng nửa thể kỷ. Chính vì thế, thay vì giữ khoảng cách với quân đội, bà hiểu nên để họ tham gia vào tiến trình này. Hơn nữa, chắc chắn sau này, bà sẽ cần tới quân đội. Lý do thứ hai, Hiến pháp Miến Điện cấm người kết hôn hay có con với người nước ngoài làm tổng thống. Điều này là trở ngại lớn vì người chồng quá cố của bà là người Anh và bà có hai con trai với ông. Bà cần điều khoản này phải được bỏ phiếu sửa đổi, trong khi đó quân đội chiếm 25% ghế tại Quốc hội. Điều này giải thích chính sách mềm dẻo của bà đối với lực lượng vũ trang.
Song, chiến lược của bà khiến một số bộ phận dân Miến Điện và các tổ chức quay lưng lại với bà. Trước tiên, các dân tộc thiểu số trách « vị thánh chí tôn » đã không dang tay giúp họ, như trong vụ khai thác mỏ đồng tại Monywa. Phóng viên tờ L'Express trích ý kiến của một người trung gian giữa bà và quân đội trong suốt quá trình đàm phán trước đây để hiểu tại sao bà im lặng trước mong đợi của dân tộc thiểu số. Chính trị gia này cho rằng bà đã nghĩ tới chiến lược cho năm 2015. Người Bama chiếm tới 2/3 dân cư Miến Điện. Chính vì thế, bà không muốn can dự vào các chuyện của địa phương.
Tiếp theo, giới tăng sư cực đoan gán bà là « kẻ phản bội quốc gia ». Quan hệ giữa những người tu hành này và người Hồi giáo chưa bao giờ lên tới đỉnh điểm căng thẳng như hiện nay. Sư trụ trì Wira Thu trách bà bảo vệ người Hồi giáo : « Mỗi khi một người Hồi giáo chết, bà ta tưởng niệm. Tại sao bà không bao giờ tỏ ra cảm thông với một nhà sư ? »
Cuối cùng, những người đồng cam cộng khổ với bà Aung San Suu Kyi, nhiều cựu sinh viên Thế hệ 88, cựu tù chính trị cũng giữ khoảng cách với đảng do bà sáng lập. Họ chỉ trích : « Một quyết định nhỏ cũng phải chờ ba hay bốn người xét duyệt. Mọi việc quá ì ạch và không ai dám khởi xướng vì sợ Aung San Suu Kyi trừng phạt ». Thế hệ mới đã thử làm mọi cách để gạt thế hệ cũ nhưng bất thành vì họ không có quyền nói chuyện với « người già ». Nếu trái lệnh, họ sẽ không được tiếp tục theo học các chương trình đào tạo, như luật hay tiếng Anh, mà đảng tổ chức. Họ cũng lo ngại, nếu tiếp tục theo hưóng này, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ sẽ trở thành một chế độ độc tài.
Theo ý kiến của một cựu tù chính trị, « nếu Thế hệ 88 và Aung San Suu Kyi cùng hợp tác, đất nước sẽ được cứu thoát ». Nhưng bà có muốn như vậy không ? Liệu các cựu tù nhân chính trị có ở lại đảng hay không ? Đối với bà Aung San Suu Kyi, biểu tượng của đất nước, con đường đi tới dinh tổng thống còn rất dài.
Cuba : Sắc màu của đồng tiền
Cải cách kinh tế, tự do hóa internet... Hòn đảo đang dần mở cửa cho chủ nghĩa tư bản. Tuần báo Le Courrier International tổng hợp bài từ các báo quốc tế để độc giả biết rõ hơn những thay đổi đang diễn ra từng ngày tại Cuba.
Ở Cuba, sự thay đổi được trông đợi từ khi khối Liên Xô tan rã. Cuối cùng, điều đó cũng tới, 50 năm sau cuộc cách mạng. Hiện tại, thay đổi tập trung chủ yếu vào mặt kinh tế. Năm năm trở lại đây, Nhà nước sa thải hàng loạt công chức, cổ vũ khu vực tư nhân, cho phép ra nước ngoài du lịch và gần như đã giải phóng internet. Sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản, hay « nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa », làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày của người dân Cuba. Nhưng nguyên tắc của đảng độc quyền vẫn không thể lay chuyển được. Và cải cách chính trị vẫn bị chậm trễ.
Cách mạng kinh tế
Tờ Público tại Lisbonne cho biết, từ năm 2011 và từ khi những biện pháp mới được chế độ thực hiện, thay đổi tiến nhanh hơn người ta tưởng. Tiền mặt sẵn hơn, cung nhiều hơn, tình trạng khan hiếm ít đi và bất bình đẳng cũng cao hơn.
Những đồ dùng trước đây được coi là của chủ nghĩa tư bản xuất hiện thường xuyên trên đường phố Cuba, như kính mát to bản, giầy Adidas hay Puma, điện thoại di động, Ipod, máy nghe nhạc mp3 và thậm chí xe hơi các thương hiệu nổi tiếng. Người Cuba cũng được sử dụng những dịch vụ trước đây chỉ dành cho du khách nước ngoài như khách sạn, thẩm mỹ viện, tiệm cắt tóc...
Với chính sách « nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa », người dân bắt đầu làm quen với các cụm từ mới như tín dụng ngân hàng (để kinh doanh), hay khai hồ sơ thuế thu nhập như thế nào. Tiền mặt được gửi từ nước ngoài về nhiều hơn, đặc biệt từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có những chính sách ôn hòa hơn với Cuba. Thế nhưng, các gia đình không có người sống ở nước ngoài vẫn sống trong tình trạng khó khăn. Chính vì vậy, cụm từ « giai cấp xã hội » xuất hiện trở lại do khoảng cách giàu nghèo ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Kỹ thuật số cũng là cuộc cách mạng kế tiếp ở Cuba. Năm kênh quốc gia không đáp ứng được nhu cầu nghe nhìn của người dân. Băng đĩa nhạc và phim ảnh lậu được bán tràn lan trên đường phố của thủ đô La Havana. Người Cuba có thể truy cập internet tại các quán cà phê interrnet và thường có hộp thư điện tử cá nhân, song họ vẫn chưa được lướt net. Việc hạn chế thông tin vẫn không làm nản lòng thế hệ trẻ. Họ vẫn có cách truy cập các blog, diễn đàn hay các trang xã hội của người Cuba tại nước ngoài. Đất nước đang tạo điều kiện cho một nhóm suy nghĩ tự do được hình thành, tuy nhiên không hẳn là những người bất đồng chính kiến.
Niềm vui ngoài chợ
Tờ Café Fuerte của Mỹ quan tâm tới tiểu thương ở chợ đầu mối La Cuevita. Người Cuba tới đây có thể kiếm mọi thứ với giá cả không thể rẻ hơn được. Chợ đầu mối này là địa điểm thu hút hàng trăm nhà thầu độc lập, những người thương lượng giá hay những người bán lại từ thủ đô La Habana. Cách đây trên mười năm nay, chợ đã tồn tại, nhưng chỉ bán các đồ dùng bằng nhựa được sản xuất tại Cuba. Khoảng những năm 2000, hàng hóa đa dạng hơn và tới từ các nước trong khu vực. Ám ảnh bị đuổi, nên người bán hàng có mật khẩu riêng (« Nước ») để báo cho nhau khi cảnh sát ập tới dẹp chợ. Nhiều người bán hàng cho rằng cảnh sát tới thường xuyên hơn vì chính quyền sợ các tài liệu chỉ trích chính phủ được bán hay phát tán tại đây. Vì thế, những người bán hàng đề cao cảnh giác và chủ yếu bán vào buổi tối vì ban ngày, phải rất thận trọng. Dù vậy, khách hàng từ khắp Cuba vẫn tới đây mua hàng để bán lại.
Thủ đô La Habana sầm uất hơn
Bộ mặt của thủ đô La Habana thay đổi rất nhiều. Ở đây, người ta có thể thấy mọi thứ, từ các cửa hàng hay xe hơi thời thượng, hộp đêm hay các quán bar, nhà hàng sành điệu. Giới trẻ Cuba cũng thành công hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Các công ty vừa và nhỏ ngày càng nhiều và thu hút được nhiều trí thức trẻ. Nhiều người bỏ ngành nghề chính để chuyển qua kinh doanh và có thể kiếm được gấp 10 lần lương của công chức. Họ không nói về chủ nghĩa xã hội mà chỉ bàn về kinh doanh. Họ hy vọng rằng nhiều cải cách sẽ sớm được thực hiện.
Tại Cuba, chắc chắn đa nguyên dân chủ sẽ không diễn ra ngay nay mai. Dù còn nhiều khác biệt, làn gió thay đổi bắt đầu thổi tới hòn đảo.
Ấn Độ : Thị trường mẹ đẻ thuê chịu đầy sức ép
Tờ Le Courrier International trích đăng bài từ tuần báo Open của Ấn Độ phản ánh thực tế phụ nữ Ấn Độ mang thai và sinh con thuê cho người nước ngoài.
Tại đây, giá thuê dao động từ 15 500 đến 21 500 euros, trong đó có phí dịch vụ, tiền bệnh viện khi sinh, tiền bảo hiểm và tiền công cho phụ nữ mang thai thuê. Phụ nữ mang thai thuê được trả từ 3 000 đến 5 000 euros mỗi lần và được ở miễn phí tại bệnh viện tư.
Mới đây, chính phủ Ấn Độ mới quy định lại ngành kinh doanh đẻ thuê đầy lợi nhuận. Luật mới đưa ra đầy rào cản đối với khách nước ngoài, chủ yếu là các cặp đồng tính. New Delhi sẽ không cấp visa cho các cặp đồng tính hay người độc thân ở nước ngoài tới Ấn Độ để tìm người mang thai thuê. Tuy nhiên, những cặp vợ chồng bình thường, cưới nhau ít nhất được hai năm, vẫn có thể xin visa y tế (không phải visa du lịch) để tìm phụ nữ mang thai thuê.
Luật pháp Ấn Độ vẫn cho phép thụ tinh nhân tạo đối với phụ nữ độc thân. Chỉ thị mới khép cửa hoàn toàn với các cặp đồng tính. Thế nhưng, các bệnh viện tư tại đây vẫn giữ phôi thai đông lạnh của khách hàng và có thể gửi cho họ trong trường hợp họ không được phép tới Ấn Độ để thụ tinh nhân tạo hay thuê người mang thai. Hiện nay, luật pháp Ấn Độ vẫn chưa đề cập tới vấn đề nhập và xuất phôi thai này.
Samsung hay đế chế của sợ hãi
Nguyệt san Le Monde diplomatique đăng một bài phóng sự về mặt trái của đế chế Samsung của Hàn Quốc.
Samsung : doanh thu 185,1 tỉ euros, 13,7 tỉ euros lợi nhuận ròng, 369 000 nhân viên, trong đó có 40 000 nhà nghiên cứu, thị phần điện thoại di động trên thị trường quốc tế chiếm 29% (cao hơn cả Apple chiếm 22%). Không dừng lại ở lĩnh vực điện-điện tử, Samsung mở rộng đế chế của mình sang các lĩnh vực khác như công nghiệp đóng tàu và dàn khoan dầu, bảo hiểm, vũ khí hay lĩnh vực vui chơi giải trí và dịch vụ khách sạn.
Tác giả bài báo miêu tả quá trình phát triển và sự thành công của người sáng lập ra Samsung, một nhà lãnh đạo độc tài. Chính vì thế tác giả đã sử dụng từ « đế chế » nhằm ám chỉ tầm quan trọng của tập đoàn và quyền « hét ra lửa » của nhà lãnh đạo. Đằng sau sự thành công là những tranh chấp quyền lợi trong nội bộ gia đình và những thủ thuật để lập quỹ đen hay trốn thuế và những móc ngoặc với các chính trị gia.
Được nhận vào tập đoàn Samsung là cả một quá trình phấn đấu và niềm tự hào của mỗi thanh niên Hàn Quốc. Nhưng dường như, một khi đã làm việc tại đây, nhân viên chỉ biết tuân lệnh và dốc hết sức mình. Họ làm việc 6 ngày mỗi tuần, 12 giờ mỗi ngày : Ngoài giờ làm việc là các hoạt động nhân đạo để phát triển tinh thần tương ái... Ngày nghỉ, vì quá mệt nên nhiều người không về nhà mà ngủ ngay tại chỗ. Nghiệp đoàn tồn tại trên giấy tờ, nhưng bị xa lánh, và người ta khuyên : « Đừng bao giờ ngồi ăn chung với một đại diện công đoàn ở căng tin ». Năm vừa qua, khoảng 2 000 vi phạm luật an toàn lao động được ghi nhận tại Samsung. Tác giả bài báo cho biết với tốc độ làm việc như vậy, đa phần nữ công nhân tại đây không cầm cự được trên 4 hay 5 năm. Hoặc họ bỏ việc hoặc qua đời. Một luật sư bảo vệ quyền của người lao động ở đây cho biết : « Các nhà sản xuất nói không có gì phải sợ, nhưng không một ai đưa ra danh mục chính xác các sản phẩm được sử dụng, với lý do « bí mật nghề nghiệp ». Và thanh niên chết trong bí mật ».
Bùng nổ cuộc sống độc thân
Tình trạng độc thân không có gì xa lạ tại một số nước phát triển và đang phát triển. Cuộc sống hối hả hơn, phụ nữ tự chủ hơn về mặt tài chính khiến tình trạng này trở nên quan ngại hơn tại Pháp. Tuần báo Le Nouvel Observateur dành mục « Hồ sơ » với những hình minh họa rất vui mắt để phản ánh muôn mặt của cuộc sống độc thân và hệ quả đối với cân bằng xã hội.
Dù là phải chịu hay tự chọn, sống một mình trở thành cách sống đang tăng nhanh ở mọi tầng lớp và lứa tuổi. Tác giả bài báo chia thành năm nhóm độc thân. « Độc thân đàn hồi », khoảng thời gian độc thân ngắn hoặc tạm độc thân sau khi chia tay. « Bị độc thân », kiểu này thường xảy ra với phụ nữ sau khi ly hôn hay mẹ độc thân. « Cặp độc thân », có nghĩa một cặp vợ chồng hay tình nhân nhưng mỗi người sống một nơi, khoảng 8% dân số Pháp từ 18 đến 79 tuổi sống như vậy. « Độc thân để thành công hơn », nhóm này thường tập trung ở độ tuổi 20 đến 30 tuổi. Họ không muốn bị ràng buộc vì muốn ổn định về tài chính. Thế nhưng, theo một nghiên cứu « bằng cấp tạo điều kiện cho cuộc sống chung đối với đàn ông », còn đối với phụ nữ chỉ làm tăng thêm tỉ lệ độc thân. Và cuối cùng là nhóm « Lựa chọn độc thân », đây là kiểu độc thân hạnh phúc, cho phép thoát khỏi những ràng buộc của cuộc sống lứa đôi và vợ chồng.
Trong các bài tiếp theo của bộ hồ sơ độc thân, các tác giả giải thích hoàn cảnh một số trường hợp độc thân trong giới trẻ, trong các gia đình một cha hay một mẹ và những « đứa trẻ không chịu lớn » vẫn sống chung với bố mẹ do vấn đề tài chính, việc làm và nhà cửa.
Theo số liệu của Insee và Euromoniteur International, 9,2 triệu người Pháp sống một mình, trong đó có 5,4 triệu phụ nữ và 3,8 triệu nam giới. Trên thế giới có khoảng 200 triệu người độc thân, trong khi đó năm 2006 là 153 triệu người.