“ruồi tránh xa” - “dân tha về”
Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtĐã từ rất lâu, cá khô là món ăn dân dã treo giàn bếp của những người dân quê miệt vườn ở vùng Tây Nam Bộ. Nhưng hiện nay, cá khô không chỉ là món "nhà quê", nó được nâng cấp lên thành quà đặc sản mà mỗi du khách khi đến miền Tây đều mua về.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, thông tin sử dụng hoá chất Trichlorfon vốn được dùng trong sản xuất thuốc trừ sâu và diệt côn trùng để bảo quản cá khô khiến nhiều người tiêu dùng choáng váng.
Dùng hóa chất diệt côn trùng để bảo quản cá khô
Khi biết được thông tin về các loại cá khô đặc sản miền Tây được bảo quản bằng hóa chất độc hại Trichlorfon, người tiêu dùng ở TPHCM bị một phen hãi hùng. Lại thêm một món ăn trong thực đơn ưa thích đã bị nhiễm hóa chất.
Có hay không cá khô bị tẩm hóa chất Trichlorfon - một loại hóa chất dùng trong sản xuất thuốc trừ sâu và thuốc diệt côn trùng? Chúng tôi đã có chuyến thị sát một số cơ sở chuyên bán các loại khô đặc sản miền Tây như: khô cá lóc, cá basa, cá chim, cá sặc ... ở chợ An Đông (quận 5), chợ Bình Tây, chợ Phú Lâm (quận 6) ...
Vừa đặt chân vào sạp bán các loại khô bên trong chợ An Đông, chúng tôi được bà chủ ở đây đon đả giới thiệu đủ các loại khô cá đặc sản, cá lóc, tôm, mực ... Thấy dãy khô cá lóc được sắp xếp ngay ngắn ở đầu sạp, tôi tiến lại và hỏi thì được bà chủ tận tình giới thiệu đây là khô cá lóc của An Giang, "hàng mới về, chú cứ lấy về bán, hàng ở đây thì yên tâm không bao giờ thối, mốc meo đâu, có gì cứ đem đến đây đổi lại".
Khi chúng tôi hỏi khô cá để lâu có bị hư không, ngay lập tức, bà chủ sạp bảo đảm sẽ "bao sử dụng 1 năm". Khi chúng tôi thắc mắc tại sao khô để 1 năm không hư, có bí quyết gì không thì bà chủ sạp khô tỏ ra khó chịu và tìm cách lảng tránh, không trả lời.
Rời chợ An Đông, chúng tôi tìm đến chợ Bình Tây (quận 6). Khác hẳn với vẻ khó chịu của chủ sạp chúng tôi vừa gặp, người bán hàng giới thiệu tên Trâm (40 tuổi), chủ sạp bán khô cá lóc ở khu A chợ Bình Tây đã tận tình giới thiệu sản phẩm. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua khô cá các loại với số lượng lớn để đem về bán lẻ.
Nhưng thấy chúng tôi than phiền, lo lắng chuyện bán hàng chậm, khô sẽ bị hư, mốc là "toi" vốn, để trấn an chúng tôi, chị Trâm tận tình chỉ dẫn cách bảo quản khô để bán được lâu hơn, cũng như cách "tút" lại hàng cũ sao cho giống y như hàng mới.
Sau khi tạo được lòng tin, chủ sạp bắt đầu tiết lộ các ngón nghề. Theo đó, để khô giữ được lâu thì cần sử dụng hóa chất Trichlorfonmua ở chợ Kim Biên, rồi pha khoảng 5 muỗng cà phê hóa chất với 10 lít nước và ngâm tất cả khô vừa mua vào khoảng 20 phút, sau đó vớt ra rồi đem phơi nắng.
Sau khi phơi xong, chỉ việc bày bán và người bán yên tâm sẽ bảo quản được hơn 1 năm thì không sợ hư. Nhìn sạp khô tràn lan nhưngtuyệt nhiên không có bất cứ con ruồi nào bâu, trong khi đó sạp bán lạp xưởng ở bên cạnh thì luôn tay xua đuổi ruồi, chúng tôi thắc mắc về việc "ruồi bâu, kiến đậu" thì chị chủ chỉ trả lời ngắn gọn "chất đó ruồi nó kỵ lắm".
Hiện nay, khô cá được bày bán tràn lan trên thị trường từ chợ, siêu thị đến tiệm tạp hoá. Tuy nhiên, việc phân biệt khô cá có sử dụng chất bảo quản Trichlorfon hay không là điều bất khả kháng đối với người tiêu dùng.
Khi đứng trước quầy hàng ngổn ngang khô đuối, khô sặc, khô mực, khô cá ba sa ... tôi nhớ một người bạn vốn là dân "phượt" từng thắc mắc, sao trước đây ở chợ quê, người ta thường treo cái quạt cũ, có gắn nilon ở cánh quạt để xua ruồi nhặng, nhưng giờ không cần nữa. Bây giờ đọc được các thông tin về khô cá được "trang bị" Trichlorfon như một cách bảo quản chống côn trùng, tôi giật mình. Hóa ra, vì khô ướp độc chất nên ruồi nhặng cũng sợ chẳng dám ăn.
Đầu năm 2013, cơ quan chức năng đã phát hiện các cơ sở sản xuất khô cá quy mô lớn dùng Trichlorfon trong quy trình sản xuất. Chỉ trong vòng một tháng, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang) đã phát hiện khô cá tra bị nhiễm Trichlorfon. Ngày 19. 6, kết quả kiểm tra nhanh đã phát hiện mẫu thử dương tính với hóa chất bảo vệ thực vật.
Cơ quan chức năng đã tiêu huỷ 1,034 kgs khô cá tra nhiễm Trichlorfon của cơ sở sản xuất khô cá tra tại khóm Xuân Hòa (thị trấn Tịnh Biên). Trước đó, 2.99 tấn khô cá của các hộ sản xuất ở ấp An Thái, xã Hoà Bình (huyện Chợ Mới) cũng bị phát giác nhiễm Trichlorfon.
Ngay từ tháng 12.2011, khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát giác mẫu khô của hai cơ sở sản xuất khô tại ấp An Thái có hàm lượng Trichlorfon vượt 8,446.77 microgram (µg)/kg trong khô cá tra và 13,413. µg/kg trong khô cá chim.
Đến tháng 5.2013, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra 8 cơ sở sản xuất khô tại đây, nhưng chỉ kiểm tra được 2 cơ sở (6 cơ sở bất hợp tác), phát giác và tiêu hủy 124 kgs khô cá nhiễm Trichlorfon. Rất khó để biết nguồn hàng từ những cơ sở này đã được phân phối tới đâu.
Người tiêu dùng khó có thể phát hiện khô cá có chất Trichlorfon
Trichlorfon là một loại hóa chất hữu cơ dùng làm thuốc trừ sâu và diệt các côn trùng như gián, dế, rệp, bọ chét, ruồi... Chất này còn được áp dụng trong chăn nuôi để kiểm soát ký sinh trùng của cá trong môi trường nước với dung lượng được chỉ định. Đây là một loại thuốc bảo vệ thực vật gốc lân hữu cơ đã bị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản từ ngày 17. 3. 2009.
Trichlorfon có độc tính cao, dễ dàng hấp thụ qua da, có thể gây dị ứng nặng cho da và các cơn co thắt cơ bắp bất thường. Nếu hít phải chất độc này, nguy cơ xuất huyết đường mũi, ho, tức ngực, thở khó do co thắt ở ống phế quản sẽ xảy ra. Mắt thường tiếp xúc với Trichlorfon cũng sẽ bị chảy máu mắt, mờ mắt dẫn đến mù lòa. Sau khi tiếp xúc với hóa chất này, cơ thể sẽ bị phản ứng trong vòng từ vài phút cho đến 12 giờ.
Người nhiễm độc nặng chất sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi... Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể bài tiết không chủ động, rối loạn tâm thần, nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật và hôn mê, suy hô hấp, dẫn đến tử vong.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh xác nhận, chất Trichlorfon trong khô cá có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng khi ăn phải. Người sử dụng chất này để tẩm ướp vào thực phẩm là đã vi phạm pháp luật, nhưng nếu muốn xử lý cơ sở có sử dụng chất cấm trong thực phẩm thì phải theo qui trình.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Quang Trí - Trưởng Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ Thực phẩm thuộc trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho biết: "Trichlorfon là hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng và tuyệt đối không được sử dụng trong thực phẩm. Việc sử dụng hóa chất Trichlorfon vào công nghệ chế biến thực phẩm là vi phạm nghiêm trọng đối với quy định an toàn vệ sinh thực phẩm".
Theo ông Trần Văn An - Uỷ viên Ban chấp hành Hội Hóa học TPHCM: "Không phải loại khô cá nào cũng chứa hóa chất độc hại, nhưng khó để xác định trong đó có dư lượng vượt mức hay không nếu chỉ nhìn bằng mắt, sờ bằng tay. Cơ quan chức năng các cấp cụ thể cần phải siết chặt trong kiểm tra, quản lý và xử lý nghiêm. Đó là biện pháp tốt nhất để bảo vệ người dân".
BS Ngô Dũng Cường - Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa Triều An cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc Trichlorfon từ cá khô, thuốc diệt cỏ, ngộ độc quá liều thuốc và methanol trong rượu giả. Về ngộ độc hóa chất thì mỗi loại hóa chất đòi hỏi phương pháp xử lý khác nhau. Cách phổ biến nhất để sơ cứu nạn nhân ngộ độc hóa chất ngay tại chỗ là gây nôn.
Tuy nhiên, Trichlorfon là chất có thể bay hơi nên gây nôn không phải là giải pháp tốt vì nạn nhân vẫn có thể hít dạng khí của chất này ngược vào cơ thể. Cách tốt nhất là đưa người bệnh đến bệnh viện sớm nhất để được súc dạ dày và làm các xét nghiệm cần thiết nhằm có giải pháp điều trị tối ưu.
BS Cường cũng lưu ý, khi sơ cứu ngộ độc bằng cách gây nôn, uống nhiều nước muối là một cách khá dễ làm. Tuyệt đối không tự ý móc họng, làm nôn khi nạn nhân đã bất tỉnh. Vì khi mê man, thực quản có phản xạ tự đóng, nếu cố tình làm nôn, nạn nhân dễ bị ngạt bởi chính thứ họ nôn ra.
B.T.V