Cuộc đọ sức giữa đảng của Hun Sen và đối lập vẫn tiếp tục
Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Phạm Phan / Đức TâmCuộc bầu cử Quốc hội Cam Bốt hôm 28/7 vừa qua đã đem lại thắng lợi cho đảng cầm quyền, theo như công bố của Ủy ban Bầu cử Quốc gia thông báo. Tuy đã có bước tiến lớn so với cuộc bầu cử năm 2008, giành 55 ghế, nhưng đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc vẫn khẳng định có gian lận bầu cử và tiếp tục khiếu nại.Cuộc đọ sức giữa đảng của ông Hun Sen và phe đối lập do Sam Rainsy lãnh đạo vẫn tiếp tục. Thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh tường trình.
Cam Bốt bầu cử ngày 28/07 và đến nay, tình hình vẫn bế tắc vì phe đối lập phản đối kết quả bầu cử, xin cho biết tình hình hiện nay ra sao ?
Trước bầu cử độ hai tháng đa phần báo chí quốc tế đều nhận định đảng cầm quyền tiếp tục thắng cử như các lần trước. Tuy nhiên trong cuộc vận động tranh cử lần này, người dân Cam Bốt đều thấy sự lớn mạnh của phe đối lập, cụ thể là những người ủng hộ đảng Cứu nguy Dân tộc của ông Sam Rainsy và Kem Sokha ngày càng nhiều so với cuộc bầu cử năm 2008, phần lớn là giới trẻ có học.Tại những đơn vị tranh cử quan trọng như thủ đô Phnom Penh, tỉnh nông nghiệp giàu có là Kampong Cham, tỉnh Prey Veng đông dân sát biên giới Việt Nam...hầu hết các cử tri bỏ phiếu cho đối lập.
Những người trẻ thuộc thành phần con ông cháu cha, những người mà các cụ lão đang cầm quyền trong Đảng Nhân Dân Cam Bốt tin tưởng họ sẽ là thế hệ tre già măng mọc, nhưng đa số họ bị thất cử, như trường hợp Hun Many, con trai ông Hun Sen.
Dù việc điếm phiếu được công bố sau ngày 28/7 do Ủy ban Bầu cử Quốc gia thông báo, nhưng phe đối lập vẫn cho kết quả này là gian lận. Theo ông Sam Rainsy, đảng ông phải chiếm ít nhất 63 ghế tại Quốc Hội, chứ không phải chỉ có 55 ghế như Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia nói. Nếu con số này đúng thì đảng cầm quyền chỉ chiếm được 60 ghế và phải thua cuộc.
Do vì tất cả hệ thống truyền thanh, truyền hình, guồng máy phát thanh bằng loa tại miền quê đều do đảng ông Hun Sen nắm hết, thế cho nên, tiếng nói người dân trên các phương tiện truyền thông độc lập cần được chú ý.Hiện nay, chương trình dành cho dân chúng khắp nước góp ý chuyện bầu cử được thực hiện bởi đài phát thanh Tổ Ong độc lập với chính quyền, và được rất nhiều người dân tham gia cũng như lắng nghe hàng ngày.
Các điểm chính mà rất nhiều người dân thảo luận sôi nổi, tán đồng, đó là họ không chú ý đến vai trò của Ủy ban Bầu cử Quốc gia, vì cho rằng cơ quan này thân với chính quyền. Thứ hai, họ kêu gọi phải có cuộc kiểm phiếu độc lập, trong đó các đảng tham dự với sự quan sát của các tổ chức chuyên môn về bầu cử ở trong và ngoài nước. Thứ ba, họ kêu gọi lẫn nhau về cuộc biểu tình toàn quốc nếu chính quyền cứ ngang bướng buộc phe đối lập phải chấp nhận kết quả do Ủy ban Bầu cử Quốc gia đưa ra theo kế hoạch được sắp xếp trước khi diễn ra bầu cử.
Phe đối lập đe doạ biểu tình. Chính quyền điều quân đội và chiến xa vào Phnom Penh. Liệu có xẩy ra trấn áp hay không ?
Tình hình vì thế trở nên nóng hơn, tưởng chừng có thể nổ ra biểu tình bất cứ lúc nào. Cách đây khoảng một tuần, có độ 200 người tổ chức biểu tình trước Hoàng cung do một vị sư có tiếng dẫn đầu. Cuộc biểu tình này kêu gọi hai bên bình tĩnh đừng để xảy ra đối đầu bằng sức mạnh.
Chính vì có sự đe dọa từ phe đối lập ngay sau bầu cử mà chính quyền cho di chuyển một số xe tăng và quân trú phòng từ các tỉnh về cửa ngõ Phnom Penh với lý cớ gìn giữ an ninh. Tuy nhiên, các diễn biến này cho thấy chính quyền lo ngại người dân xuống đường đòi lật đổ ông Hun Sen.
Sự xuất hiện xe tăng và binh lính ở sát thủ đô, dĩ nhiên gây tâm lý lo sợ cho một số người dân. Bên cạnh đó cũng có người lên tiếng kêu gọi đừng sợ hãi, hãy can đảm đứng lên để con cháu họ còn có tương lai.
Ông Hun Sen xuất thân là phiến quân Khmer Đỏ, một phong trào chủ trương dùng bạo lực nổi loạn chiếm chính quyền, tất nhiên, ông cũng bị ảnh hưởng lề lối hoạt động này. Chưa ai tiên đoán được, quân đội có nghe lệnh ông Hun Sen để bắn thẳng vào dân một khi phe đối lập huy động hàng chục ngàn người hay nhiều hơn nữa biểu thị cho sức mạnh dân chủ.
Tuy nhiên cuộc đảo chính tháng 7 năm 1997, và nhiều cuộc trấn áp người dân bằng súng đạn cho thấy đảng cầm quyền sẽ không nhân từ với bất kỳ lực lượng nào trong nước muốn kéo ông Hun Sen xuống khỏi chiếc ngai vàng hiện nay. Và tình hình hiện nay vẫn chưa có giải đáp, chưa biết dân thắng ông Hun Sen hay ngược lại.
Trong mọi trường hợp, số lượng dân biểu Đảng Nhân dân Cam Bốt bị giảm qua cuộc bầu cử này. Vậy điều này tác động ra sao đến nội bộ đảng Nhân dân Cam Bốt ?
Đây là hậu quả tất phải đến với một đảng cầm quyền làm mất lòng dân. Trong năm năm qua, sau khi thắng cử năm 2008, đảng cầm quyền không giữ lời hứa với dân khi ra tranh cử. Đã có nhiều đoàn người đại diện cho dân ở các địa phương kéo về thủ đô và đi đến biệt điện của ông Hun Sen để dâng thỉnh cầu nhờ thủ tướng can thiệp giúp đỡ đừng để các công ty quyền thế cướp đất dân, nhưng lời than và nước mắt của dân không được nghe đến.
Kết quả bầu cử năm nay, đảng cầm quyền thấy được âm vang tiếng than của dân. Từ hơn 90 ghế năm 2008, xuống chỉ còn 68 ghế năm nay. Và còn xuống nữa nếu cuộc kiểm phiếu độc lập được tiến hành. Theo kết quả sơ khởi, hơn 1 triệu người bị gạch tên khỏi danh sách cử tri, những người này theo nhận định của đảng cầm quyền, họ sẽ bỏ phiếu cho đảng đối lập.
Bụng làm dạ chịu, khi đảng cầm quyền xa rời dân thì dân tin đảng đối lập để chọn mặt gởi vàng. Theo luật Cam Bốt, mỗi đảng có quyền sắp xếp nhân sự trong đảng để đảm đương đủ số ghế mà họ chiếm được trong bầu cử. Bị mất nhiều ghế, đảng cầm quyền sẽ đưa người trẻ là con ông cháu cha vào thay các nhân vật không có thế lực trong đảng.
Kết quả cuộc bầu cử ngày 28/7 cho thấy sự trưởng thành của người dân Cam Bốt trong việc sử dụng lá phiếu dân chủ. Và cơ hội thắng cử một cách minh bạch cho một đảng cầm quyền chỉ biết có mình đã không còn nữa.
Giới quan sát đánh giá ra sao về vai trò của đối lâp trong tương lai ?
Sự lớn mạnh của phe đối lập, cụ thể qua số phiếu mà họ chiếm được chưa chính thức là 55 ghế so với hơn 30 ghế năm 2008 cho thấy đối lập Cam Bốt ngày một mạnh hơn. Theo nhiều nhà quan sát thì cho rằng từ đây về sau đối lập sẽ là lực lượng nặng ký trong chính trường mà đảng cầm quyền phải kiên dè.
Sự lớn mạnh đi lên từ chỗ lòng dân bất mãn chính quyền không làm gì nhiều để thỏa mãn nguyện vọng rất bức thiết của đại đa số dân nghèo. Có một điểm mà giới quan sát chưa nói nhiều đến, đó là đi kèm với sự lớn mạnh của phe đối lập là tình cảm kỳ thị cũng lan rộng hơn.
Những người dân ủng hội đối lập không ngại miệng cho rằng chính quyền hiện nay được người Việt dựng lên, và ảnh hưởng của Việt Nam lan tràn trong xã hội. Nếu ông Sam Rainy không điều chỉnh quan điểm chính trị cho cân bằng thì cái ác mà ông định diệt chưa mất, nhưng cái ác biểu hiện qua óc phân biệt sắc tộc của không ít người Cam Bốt dành cho người Việt, sắp được đẻ ra.