DỰ TRỮ NGOẠI HỐI VN TĂNG HƠN GẤP ĐÔI

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

 

SC 14-large-contentTheo tin từ BBC - Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi từ chín tỷ đô la hồi năm ngoái lên 20 tỷ đô la vào cuối tháng Chín vừa rồi, Thông tấn xã Việt Nam dẫn một báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết. Đây là tin tốt lành cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Dự trữ ngoại hối thiếu hụt là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc nhập khẩu. Theo đó, thì số dự trữ ngoại hối này là mức cao nhất kể từ năm 2009 tương đương với 2,4 tháng nhập khẩu, theo bản báo cáo có tiêu đề Triển vọng phát triển châu Á năm 2012 của ADB được đưa ra hôm 4/10. Thông tấn xã Việt Nam còn dẫn một số liệu của một ngân hàng trong nước là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tính toán dự trữ ngoại hối của nước này còn cao hơn nữa là ở mức 23 tỷ đô la.
Nguyên nhân của sự tăng đột biến dự trữ ngoại hối này, theo Thông tấn xã Việt Nam, là do thâm hụt thương mại giảm bớt. Cán cân thương mại cân bằng hơn cũng đã giúp bình ổn tỷ giá trao đổi ngoại tệ ở Việt Nam. 'Không nhiều đâu' Theo số liệu của Tổng cục Thống kê là trong chín tháng đầu năm thì Việt Nam đã có thặng dư thương mại là 34 triệu đô la. ADB cũng dự đoán rằng thâm hụt thương mại trong năm nay của Việt Nam sẽ thấp hơn con số dự đoán do xuất khẩu đang vượt chỉ tiêu. Vào cuối quý một, ADB dự đoán dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ là 17 tỷ đô la, tức tương đương với hai tháng nhập khẩu và cao hơn 3,5 tỷ đô la so với dự đoán của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trước đó, chính phủ đã đặt ra mục tiêu dự trữ ngoại hối sẽ đạt mức tương đương 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm nay. Theo chiến lược đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, mục tiêu dự trữ ngoại hối sẽ tăng ít nhất là 200% so với tổng nợ nước ngoài ngắn hạn. Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho biết có thể có sai số nhưng con số dự trữ ngoại hối do ADB công bố là có thể tin tưởng được. Tuy nhiên ông nói con số 20 tỷ đô la 'cũng không phải là nhiều đâu' vì chỉ cho phép Việt Nam nhập khẩu hơn hai tháng. Về nguyên nhân, ông cũng nhắc đến việc nhập siêu 'về tổng thể giảm đi rất nhiều, và số liệu kinh tế chín tháng qua có nhiều chỉ số được cải thiện đáng kể, cán cân thương mại, cán cân thanh toán rồi cán cân về vốn dần dần khá lên".

Filed under: