Việt Nam : Đón Hai Nữ Anh Hùng đại diện blogger chuyển Tuyên bố 258 ra quốc tế trở về
Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Hai blogger Nguyễn Nữ Phương Dung và Nguyễn Thảo Chi
từ Bangkok trở về được đón tiếp tại phi trường Tân Sơn Nhất,
ngày 05/08/2013
Hôm qua, 05/08/2013, sau chuyến đi mang « Tuyên bố 258 » gửi tới các tổ chức nhân quyền quốc tế tại Bangkok, hai blogger trẻ Nguyễn Nữ Phương Dung và Nguyễn Thảo Chi đã trở về sân bay Tây Sơn Nhất. Rất đông blogger đã tới sân bay để đón mừng hai chị Nguyễn Nữ Phương Dung và Nguyễn Thảo Chi, cùng với băng rôn mang logo biểu tượng cho phong trào phản đối điều 258 Bộ luật hình sự.
Hai chị Nguyễn Nữ Phương Dung và Nguyễn Thảo Chi, cùng với các blogger Phạm Đoan Trang, Nguyễn Lân Thắng và Nguyễn Anh Tuấn, là những người thay mặt cho Mạng lưới blogger Việt Nam đến Bangkok để vận động cộng đồng quốc tế kêu gọi Nhà nước Việt Nam xóa bỏ các điều luật vi phạm nhân quyền, trong đó có điều 258 Bộ luật Hình sự.
Ngày 31/07, nhóm đại diện đã chuyển bản Tuyên bố « Việt Nam phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc », gọi tắt là « Tuyên bố 258 », đến đại diện Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR). Trong chuyến đi này, nhóm cũng chuyển Tuyên bố 258 đến nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế khác.
Trước khi ra khỏi sân bay, hai nữ sinh viên đã bị các nhân viên an ninh và hải quan sân bay Tân Sơn Nhất tạm giữ hộ chiếu và một số đồ dùng cá nhân để kiểm tra, tuy nhiên, trước thái độ kiên quyết của hai người và đòi hỏi của những người đi đón, hải quan và an ninh đã phải trao trả hộ chiếu và toàn bộ đồ dùng tạm giữ.
Chị Nguyễn Nữ Phương Dung, 22 tuổi, là sinh viên ngành thiết kế đồ họa, trường Cao đẳng Viễn Đông, thành phố Hồ Chí Minh. Sau đây là cuộc phỏng vấn của RFI Việt ngữ với blogger Nguyễn Nữ Phương Dung (tức Facebook Miu Mạnh Mẽ).
RFI : Xin chào chị Nguyễn Nữ Phương Dung. Được biết chị cùng chị Nguyễn Thảo Chi vừa trở về từ Bangkok, sau khi đại diện cho Mạng lưới các blogger Việt Nam trao Tuyên bố 259 cho các tổ chức quốc tế, vậy xin chị cho biết cảm tưởng của chị về chuyến đi này.
Nguyễn Nữ Phương Dung : Ban đầu, khi được giới thiệu đi Bangkok, thì tụi em rất hồi hộp, rất lo lắng. Tại vì đây cũng là lần đầu em tham gia một hoạt động mang tính chất lịch sử và lớn đến như vậy.
Khi qua đến Bangkok, em thấy Thái Lan là một đất nước phát triển. Khi vào Ủy hội Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, khi mà nói chuyện với đại diện của Liên Hiệp Quốc, thì em thấy họ rất là quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng mà tại Việt Nam, những báo cáo họ không có nhiều và họ cũng không có đại diện tại Việt Nam, cho nên họ rất là khó khăn (để biết được). Khi mà tụi em đến, thì họ rất là vui vẻ, vui mừng nhận cái Tuyên bố của tụi em. Và họ nói rằng, những cái tuyên bố và những cái mà tụi em nói đó, nó rất là quý báu đối với họ. Họ có rất ít người Việt Nam đến đây để nói về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Họ nói rằng, họ sẵn sàng giúp người Việt Nam, với điều kiện là chúng ta phải nói lên tiếng nói. Bởi vì, họ không có thể biết được, nếu mà chúng ta cứ im lặng mãi.
RFI : Trong chuyến đi này, nhóm blogger của mình, đại diện cho Mạng lưới các blogger Việt Nam, có gặp nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. Vậy xin chị cho biết thêm.
Nguyễn Nữ Phương Dung : Đi qua Thái Lan, ngoài việc gặp Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, thì em có gặp rất nhiều tổ chức khác nữa. Thí dụ như CPJ (Committee to Protect Journalists - Ủy ban bảo vệ các nhà báo), các tổ chức về nhân quyền tại Bangkok. Và đặc biệt là ngày cuối cùng, trước khi tụi em quay về, thì có đến gặp một ông Phó giám đốc của HRW (Human Rights Watch) tại Châu Á. Và ông ta rất là quan tâm đến vấn đề 20 trẻ em chết vì vắc-xin ở Việt Nam. Và ông ta cũng cho rất nhiều lời khuyên để người Việt Nam ứng phó với vấn đề này. Những tổ chức nhân quyền khác, khi nói chuyện, đặc biệt họ rất quan tâm đến anh Điếu Cày, Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy và nhiều tù nhân chính trị khác. Và họ nói rằng họ cần rất nhiều hồ sơ, nhưng mà Việt Nam lại có quá ít những báo cáo gửi cho họ. Với lại, họ khuyên các blogger nên có một mạng lưới, giống như một cái hotline, để liên kết lại với nhau.
RFI : Thưa chị, thực tế là mình cũng đã có một mạng hotline như vậy, để từ đó mà ra đời Tuyên bố chung này ?
Nguyễn Nữ Phương Dung : Đúng, nhưng mà họ khuyên là nên có một hotline để khi một blogger bị hành hung, hay bị một vấn đề gì đó, thì họ nói có (thể tin) ngay tới các đại sứ quán trong nước và quốc tế, thì thế giới có thể biết được, và họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến blogger đó.
RFI : Thưa chị, khi chị và chị Nguyễn Thảo Chi trở về đến sân bay, thì chúng tôi có được biết tin là có một số sự cố tại sân bay, xin chị cho biết cụ thể và đánh giá của chị về việc này ?
Nguyễn Nữ Phương Dung : Khi tụi em về, tụi em cũng đã chuẩn bị tinh thần rồi, chắc chắn là thế nào, dù không nhiều thì ít, cũng có thể gặp khó khăn tại sân bay. Khi vừa đến cửa hải quan đầu tiên, khi viên hải quan vừa nhìn thấy passport của em, thì họ đứng dậy, họ nhìn quanh quẩn, nhưng sau đó, họ vẫn đóng dấu và để em đi qua. Sau khi bọn em vừa qua cửa hải quan hành lý, thì có hai anh, một anh bên hải quan và một anh, là một người nào đó, mà em không biết, vì mặc thường phục, mời em, Chi và một cô nữa, cô ấy thì em không biết là ai, đi đến một văn phòng và nói là cái này là xét (kiểm tra) ngẫu nhiên về vấn đề an ninh thôi, chứ không có gì quan trọng hết. Thì (họ) mời em, Chi và cô kia vào văn phòng.
Khi em và Chi vào văn phòng, thì cô ấy đi theo. Cô ấy đi vào ngồi trong văn phòng. Còn em và Chi thì bị đứng ở văn phòng bên ngoài và bị yêu cầu lấy hết hành lý ra. Khi lấy hành lý ra, thì chị hải quan tên là Tô Thị Thơm. Khi lấy hành lý ra không có gì, thì chị ấy giữ lại những cuốn sổ của em và Chi, cùng điện thoại và passport lại.
Trong cái khoảng thời gian bị giữ như vậy, có một anh mặc thường phục, không có thẻ hay giấy tờ gì hết. Thì em yêu cầu anh ấy đưa giấy tờ ra, để cho tụi em xem anh ấy là ai mà lại đứng và chứng kiến những việc như thế này. Thì các nhân viên hải quan khác nói là anh ấy là người có thẩm quyền và cũng là nhân viên hải quan ở đây. Thì tụi em mới yêu cầu anh ấy đưa thẻ ra, anh ấy mới đưa ra một cái thẻ nào đó không rõ ràng gì hết. Anh ấy đưa ra, rồi lại rút lại. Thì tụi em phản đối, thì anh ấy mới thấy như vậy, rồi anh ấy mới bỏ đi.
Tụi em phản đối, nói là cái điện thoại và sổ là những cái cá nhân của tụi em. Tụi em không phải là tội phạm hay là gì. Đây chỉ là một sự kiểm tra ngẫu nhiên thôi, nên không được quyền giữ cái đó.
Khi tụi em bị bắt giữ vô lý như vậy, thì bạn bè ở ngoài cũng gọi liên tục như vậy. Thì có thể nhờ ở sự ủng hộ của bạn bè ở ngoài, cho nên các nhân viên an ninh, hải quan mới dịu đi, và sau đó mới lấy passport của tụi em và nói là để trình lên quản lý giám đốc. Sau đó nhân viên hải quan đưa hộ chiếu của ban giám đốc trả lại cho em và tụi em được ra về gặp mọi người.
RFI : Thưa chị, có những đồ đạc gì của mình vẫn còn bị họ giữ lại không ?
Nguyễn Nữ Phương Dung : Tất cả mọi thứ đều trả lại hết. Ban đầu thì họ yêu cầu giữ lại những cái sổ ghi chép cá nhân của tụi em, nhưng sau đó tụi em phản đối, tụi em liên tục gọi điện thoại ra, họ thấy vậy nên họ trả lại hết.
RFI : Nhưng mà họ cũng đã kịp kiểm soát ?
Nguyễn Nữ Phương Dung : Họ kiểm soát xem giấy tờ tụi em có gì.
RFI : Thưa chị, khi chị về đến nhà rồi, thì kể từ đó đến nay, thì phản ứng của chính quyền tại địa phương như thế nào ?
Nguyễn Nữ Phương Dung : Hôm qua em về, thì sáng nay, công an phường có gọi cho ba em, và hỏi là em đi Thái Lan để làm gì và đã về chưa. Và họ yêu cầu là ba em lên phường để nói chuyện với họ. Thì ba em đã từ chối và ba em nói là những việc em làm thì không có liên quan đến ba. Nếu mà họ cần và muốn, thì cứ gọi điện thoại trực tiếp và nói chuyện với em.
RFI : Cũng xin được hỏi chị thêm, vì trên trang facebook của chị có thông tin cho thấy dường như quan hệ trong gia đình cũng hơi bị căng thẳng sau phản ứng của công an, có phải không ạ ?
Nguyễn Nữ Phương Dung : Đúng như vậy ạ. Tại vì, ba mẹ em chỉ có một mình em. Em là con một. Cho nên là ba mẹ em rất là lo lắng cho em, rất là sợ, khi em tham gia vào những việc như thế này, thì sẽ bị ảnh hưởng đến tương lai, ảnh hưởng dến cuộc sống sau này. Nên ba mẹ em rất là lo sợ, ba mẹ em không có đồng ý cho em tham gia đi theo con đường như vậy.
Nhưng mà em đã lựa chọn rồi. Và khi mà mình đã lựa chọn cái lý tưởng của mình, sự lựa chọn của mình, thì mình không thể nào thay đổi.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà giới blogger lên tiếng mạnh mẽ như vậy, lên tiếng đến Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Thì em thấy đây là một cái đòn rất là mạnh đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Có thể là bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không làm gì đối với tụi em, nhưng mà trong tương lai tụi em không biết được. Và em nghĩ đây cũng là một hành động để (động viên) giới trẻ Việt Nam và giới blogger Việt Nam hãy mạnh mẽ lên tiếng để mọi người có thể quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
RFI : Vâng, trước khi chia tay với thính giả, chị có chia sẻ gì thêm ?
Nguyễn Nữ Phương Dung : Một lần nữa em cảm ơn tất cả mọi người đã quan tâm đến chuyến đi của em, và cảm ơn mọi người, khi mà tụi em bị giữ lại sân bay, mọi người quan tâm và lên tiếng cho tụi em.
Một lần nữa, em cũng hy vọng là sau chuyến đi này thì giới blogger sẽ tự tin hơn và không sợ hãi trước nhà cầm quyền, mạnh mẽ lên tiếng để bảo vệ tiếng nói nhân quyền tại Việt Nam.
RFI xin cảm ơn chị Nguyễn Nữ Phương Dung