TQ Quậy Biển Đông
Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013 by: Lý Tưởng Người ViệtThế là chuyện ai cũng có thể đoán ra: ngay sau khi chính phủ Hoa Kỳ, từ Tổng Thống Obama, tới Thượng Viện Mỹ kêu gọi Trung Quốc kềm chế ở Biển Đông, hung thần Bắc Phương lập tức ra chiêu hung hăng liền.
Báo South China Morning Post ghi rằng TQ nói hôm Chủ Nhật là TQ đã nộp khiếu nại với Hoa Kỳ sau khi Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết bày tỏ quan ngại về hành vi TQ ở Biển Đông (nơi tranh chấp lãnh hải với VN & Phi) và Biển Hoa Đông (tranh chấp với Nhật Bản).
Báo SCMP nói, bản nghị quyết Mỹ thông qua hôm Thứ Hai liệt kê nhiều hành vi TQ, kể cả việc TQ đưa ra bản đồ chính thức giành gần trọn Biển Đông và hành vi tàu do thám TQ tiến vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.
Trong khi đó, TQ ra độc chiêu: đưa tàu ra tràn ngập Biển Đông.
Thông tấn nhà nước Vietnam+ cho biết dự kiến có thể có tình hình 9.000 tàu cá Trung Quốc lại sắp kéo xuống biển Đông... Bản tin Vietnam+ viết:
"Nhật báo Phương Nam (Trung Quốc) đưa tin vào lúc 12 giờ (giờ địa phương) ngày 1/8, lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài hai tháng rưỡi tại Biển Đông do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ban hành một cách đơn phương và trái phép đã chính thức kết thúc.
Còn nhớ, hôm 15/5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc sẽ thi hành Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông năm 2013 từ 12 giờ ngày 16/5/2013 đến 12 giờ ngày 1/8/2013 với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ:
"Việc Trung Quốc đơn phương thi hành Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam phản đối và coi quyết định đơn phương nói trên của Trung Quốc là vô giá trị."
Còn giờ, theo tờ báo trên, cơ quan hàng hải Trung Quốc "lưu ý tàu chở hàng và tàu cá cần chú ý quan sát, đề phòng xảy ra sự cố va chạm tàu, bảo đảm an toàn và thông suốt của tuyến hàng hải."
Lý do là tàu thuyền trên vùng biển duyên hải Quảng Đông, Trung Quốc rất dày đặc và dự kiến sẽ có rất nhiều tàu cá ra biển tác nghiệp khi lệnh cấm bắt cá kết thúc.
Cũng theo nguồn tin trên, khoảng 9.007 tàu đánh cá của tỉnh Hải Nam "đã kết thúc thời gian nghỉ ngơi, sửa chữa và sẽ tiến ra Biển Đông trong vài ngày tới."
Đây cũng là thông tin đặc biệt gây quan ngại, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra những bất ổn trong khu vực, nhất là trong bối cảnh từng xảy ra trường hợp tàu Trung Quốc truy đuổi, uy hiếp tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường và hợp pháp trên Biển Đông..."(hết trích)
Cũng hôm Thứ Năm, bản tin đàì VOA ghi nhận hai chính phủ VN-Philippines hợp tác giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
Bản tin VOA ghi rằng các vị ngoại trưởng của Philippines và Việt Nam cho hay họ đã đồng ý hợp tác với nhau về một khung sườn để giải quyết các vụ tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Đông.
VOA nói, an ninh hàng hải là đề tài hàng đầu trong các cuộc đàm phán hôm Thứ Năm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.
Đặc biệt, chi tiết còn được giấu kín.
VOA viết:
"Ông Del Rosario nói ông và đối tác Việt Nam đã thảo luận một số phương án về việc xúc tiến ra sao nhưng không cho biết nhiều chi tiết.
"Chúng tôi bàn về khả năng làm thế nào có thể hợp tác chặt chẽ hơn với họ về mặt giải quyết các vụ tranh chấp này."
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh không đưa ra lời phát biểu với phóng viên sau cuộc họp.
Các vị ngoại trưởng ASEAN đang dự trù thảo luận về bộ quy tắc ứng xử Biển Đông tại Thái Lan vào cuối tháng này, trước một cuộc họp vào cuối năm với giới hữu trách Trung Quốc.
Nhưng lòng dân Việt Nam ra sao?
Báo Phụ Nữ trong bài phỏng vấn tưạ đề "Trung Quốc đừng hòng làm nản lòng ngư dân biển đảo," đã ghi lời ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đã ghi lời nói rất cương quyết và thực tế của ngư dân này:
"...Trong thời điểm hiện tại tôi chỉ có một đề xuất là khi ngư dân chúng tôi kiên quyết bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc bị tàu Trung Quốc bắt, tịch thu tài sản mong rằng 8 triệu đoàn viên cùng với Tổng LĐLĐ VN và người dân cả nước ở phía sau để ngư dân chúng tôi.
Với những chủ tàu bị tịch thu tài sản, bị phá hoại tàu thuyền hãy giúp đỡ họ để họ có điều kiện mua sắm tàu thuyền để yên tâm bám biển..."
Chính ở những giây phút này, đất nước đang mấp mé bờ mất biển, mất nước...
Và cũng là lúc nhà nước cần thiết thực hòa giải với mọi thành phần nhân dân, để cùng hướng về một mục tiêu giữ biển, giữ nước.
Tất cả những người bất đồng chính kiến như Cù Huy Hà Vũ, như Điếu Cầy, như Trần Huỳnh Duy Thức... đều chung một lòng nếu chính phủ chấp nhận những tiếng nói khác.
Không có sự hòa giảỉ đó, chắc chắn người hải ngoạị sẽ không hết lòng trong việc thiết lập những Ải Chi Lăng mới và những bãi chông Bạch Đằng Giang mới.
Hòa giải để chấp nhận đa nguyên... đó là chìa khóa để cứu Biển Đông.
Trần Khải