Nô lệ lao động Việt là vấn nạn ở Nga

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

MOSCOW, Nga (NV) - Nước Nga đang tạm giữ hàng ngàn người Việt nhập cảnh, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại đó. Ba tháng vừa qua, cảnh sát Nga đã tổ chức bốn đợt bố ráp, bắt giữ rất nhiều người.

NguoiVietLau
Ước tính có hàng ngàn hãng may chui và hàng chục ngàn thợ may chui người Việt ở Moscow và các vùng phụ cận. (Hình: Vietinfo.eu)


Đợt bố ráp mới nhất diễn ra hôm 31 tháng 7, cảnh sát Nga đã khám xét hàng loạt xưởng may và tạm giữ khoảng 1.200 người Việt. Trước nữa, hồi thượng tuần tháng bảy, trong một đợt bố ráp khác, cảnh sát Nga tạm giữ 250 người Việt. Cảnh sát Nga cũng đã từng tổ chức hai đợt bố ráp hồi tháng 5 và tháng 6, tạm giữ 400 người Việt. Phần lớn người Việt bị bắt giữ trong cả bốn đợt bố ráp đều nhập cảnh, cư trú và làm việc bất hợp pháp trong các xưởng may.

Tại Việt Nam, lừa gạt những người nghèo, đưa họ đến Nga bất hợp pháp, buộc họ làm việc và đối xử với họ như nô lệ là chuyện phổ biến. Ngay lúc này, một số trang web tại Việt Nam vẫn đang đăng các quảng cáo tuyển công nhân sang làm việc tại Nga, với mức lương là 500 đô la một tháng.

Trả lời RFI, ông Vũ Quốc Dụng, một thành viên của Liên minh Bài trừ nạn nô lệ mới tại Châu Á (thường gọi tắt là CAMSA), cho biết, có thể chia những người Việt đang làm việc tại Nga thành ba dạng: (1) Hoặc được các công ty môi giới tuyển mộ sang làm việc cho các công ty tại Nga. Do nhiều công ty tại Nga phá sản nên họ bị mất việc, họ không về và cư trú bất hợp pháp, đi làm chui để gỡ vốn. (2) Một số sang thăm gia đình rồi ở lại và đi làm chui. (3) Bị lừa đưa sang Nga để làm việc cho các xưởng may chui. Dù ở dạng nào thì đa số vẫn bị chủ nợ lương và còn mắc nợ ở nhà nên rất sợ bị bắt, bị trục xuất.

Ông Dụng lưu ý là các xưởng may chui vi phạm nhân quyền nghiêm trọng vì công nhân bị đối xử và phải làm việc như nô lệ (từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày nhưng hiếm khi được trả đủ lương và trả đúng hạn, đây chính là một hình thức buộc công nhân phải nỗ lực làm việc vì sợ không được trả lại đủ tiền). Người ta ước tính có tới vài ngàn xưởng may chui của người Việt ở Nga. Những xưởng may này đang sử dụng vài chục ngàn nhân công, thành ra con số nạn nhân rất lớn.

Cũng theo ông Dụng thì môi trường sống của người Việt làm công nhân trong các xưởng may chui ở Nga thua xa môi trường sống của các nô lệ da đen ở Hoa Kỳ hồi thế kỷ 19. Họ phải ở ngay trong xưởng hay những ngôi nhà bị bỏ hoang. Mỗi người được chia một chỗ nằm trong một cái giường nhiều tầng đóng bằng gỗ tạp. Đó cũng là "giang sơn" của họ. Rất khó có thể tưởng tượng có những người phải sống, sinh hoạt như vậy trong thế kỷ 21.

Trên thực tế, CAMSA đã nhiều lần yêu cầu cảnh sát Nga giải cứu những nô lệ người Việt tại các xưởng may chui và phải điều tra về nạn buôn người, vì trường hợp của các nạn nhân này nằm trong định nghĩa về buôn người của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên cảnh sát Nga rất tắc trách. Việc khám xét các xưởng may chui thường chỉ dừng lại ở việc phạt chủ về tội vi phạm luật lao động.

Ông Dụng e ngại những cuộc bố ráp gần đây của cảnh sát Nga chỉ nhằm lấy điểm cho cuộc tranh cử thị trưởng thành phố Moskva. Ông bảo rằng, khi thông báo về các cuộc bố ráp, cảnh sát Nga không đề cập gì tới những dấu hiệu của nạn buôn người, chỉ nhắc đến cư trú và làm việc bất hợp pháp. Theo ông, ngày nào mà các viên chức Nga chưa gọi đúng tên vấn đề thì ngày đó mọi người còn khó đối phó hữu hiệu với tệ nạn này.

Cũng cần nói thêm rằng Nga là quốc gia thường xuyên bị chỉ trích vì thiếu nỗ lực chống buôn người trong lĩnh vực mãi dâm và chống tệ nạn cưỡng bức lao động. Trong phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về nạn buôn người trên thế giới, được công bố hồi giữa tháng 6, Nga nằm trong danh sách các nước "tệ hại nhất".

Ông Vũ Quốc Dụng còn cho biết thêm là CAMSA có những bằng chứng cho thấy Đại sứ quán Việt Nam có quan hệ với chủ các xưởng may chui. Ông khuyên người Việt trong nước nên tìm hiểu thật kỹ về các điều kiện tuyển dụng như CAMSA đã nhiều lần khuyến cáo. Còn các nạn nhân nên kể cho họ hàng, bạn bè và hàng xóm về những khổ nhục để họ biết mà tránh. (G.Đ.)

Filed under: