Bắc Kinh lại phô trương quan điểm cố hữu về Biển Đông
Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Trọng Nghĩa - Báo chí Trung Quốc trong hai ngày 02 và 03/08/2013 nhất loạt đưa tin về ba phương cách mà Ngoại trưởng nước này vừa đề nghị để giải quyết tranh chấp Biển Đông giữa Bắc Kinh và các láng giềng Đông Nam Á. Theo các nhà phân tích, ba phương cách này tuy nhiên không có gì mới, chỉ lập lại các quan điểm mà Trung Quốc nhắc đi nhắc lại từ trước đến nay, đồng thời quy trách nhiệm về tình hình căng thẳng tại Biển Đông cho các nước khác.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Bangkok hôm 02/08/2013 để tham dự Diễn đàn Cao cấp kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Trung Quốc (2003-2013). Trong một cuộc tiếp xúc với cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Surukiat Sathirathai, Chủ tịch định chế mang tên Hội đồng Hoa giải Hòa bình Châu Á, ông Vương Nghị đã nêu lên ba hướng mà theo ông nếu được tiến hành đồng thời, sẽ cho phép giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Hướng đầu tiên theo ông Nghị, là tiến tới thỏa thuận thông qua tham vấn và đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp. Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, đây là biện pháp căn bản và là phương cách duy nhất dẫn đến giải pháp dứt điểm cho vấn đề Biển Đông.
Hướng thứ hai, theo Ngoại trưởng Trung Quốc, là tiếp tục thực thi Bản Tuyên bố Ứng xử trên biển Đông DOC đồng thời từng bước thúc đẩy các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC. Hướng thứ ba là tìm cách đồng khai thác Biển Đông.
Theo các nhà quan sát, ba hướng kể trên chỉ thể hiện quan điểm cố hữu của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Về hướng thứ nhất, đó là chủ trương xuyên suốt của Bắc Kinh, chỉ muốn giải quyết các tranh chấp một cách song phương với từng nước nhỏ hơn mình, để dễ dàng dùng thế nước lớn gây sức ép.
Chính vì lý do đó mà chủ trương song phương không được nhiều nước tán đồng, nhưng theo ông Vương Nghị, những dè dặt của nước khác đều không đúng và không có cơ sở.
Về nhu cầu thực thi DOC và từng bước tiến tới COC, ông Vương Nghị công khai cho rằng đó không phải là giải pháp cho việc giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền, đồng thời lại đổ lỗi cho một số nước là đã không tôn trọng COC. Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Trung Quốc không hề nhắc tới những hành vi quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, vi phạm bản Tuyên bố Ứng xử mà Bắc Kinh đã ký kết.
Về chủ trương đồng khai thác, đề nghị của Bắc Kinh cũng không có gì mới. Vấn đề là Trung Quốc chỉ muốn đồng khai thác các vùng mà các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền, điều khó được các nước khác chấp nhận.