Bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các nhà báo trên chuyến bay từ Rio de Janeiro trở về R

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt


alt
 Ngày 29-7-2013, trong chuyến bay từ Rio de Janeiro về Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các phóng viên thuộc nhiều nước khác nhau một cuộc phỏng vấn dài 80 phút, liên quan tới nhiều vấn đề của thế giới và Giáo Hội. Người điều hợp buổi họp báo này là Linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí của Toà Thánh, kiêm Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Vatican.
Mở đầu, Cha Lombardi bày tỏ niềm vui vì có Đức Thánh Cha cùng bay chung chuyến về Roma, và đặc biệt vì ngài sẵn sàng dành thời giờ rộng rãi để trả lời các câu hỏi của các nhà báo thuộc nhiều ngôn ngữ và quốc tịch khác nhau. Trước hết là vài lời mở đầu của của Đức Thánh Cha. Nhận Micro từ tay Cha Lombardi, Đức Thánh Cha nói:
Chào các bạn và xin cám ơn các bạn rất nhiều. Tôi hài lòng. Đây đã là một chuyến du hành đẹp đem lại thiện ích tinh thần cho tôi. Tôi hơi mệt, nhưng với con tim tươi vui và tôi khoẻ, chuyến đi đã đem lại thiện ích cho tôi trên bình diện tinh thần. Đi đến với dân chúng đem lại thiện ích, bởi vì Chúa hoạt động nơi mỗi một người trong chúng ta, Ngài làm việc trong con tim chúng ta, và sự phong phú của Chúa thì nhiều lắm, và chúng ta luôn luôn nhận được biết bao nhiêu điều tốt đẹp từ các người khác. Điều này tạo thiện ích cho tôi. Đó là tổng kết đầu tiên.
Thế rồi còn có lòng tốt, con tim vĩ đại của người dân Brasil nữa, đúng thế, con tim vĩ đại. Họ là dân tộc rất dễ thương, dân tộc yêu thích lễ hội và, cả trong đau khổ, vẫn luôn luôn tìm ra con đường để kiếm thiện ích từ mọi phía. Điều này tốt: đó là dân tộc tươi vui, dân tộc đã đau khổ biết bao nhiêu! Niềm tươi vui của người dân Brasil hay lây lan! Dân tộc này có con tim vĩ đại.
Rồi tới những người tổ chức, từ phía chúng tôi cũng như phía người Brasil. Tôi cảm thấy mình ở cạnh một máy vi tính, máy vi tính nhập thể. Đúng vậy, tất cả đều đã được căn từng phút! Thật là đẹp! Chúng tôi đã có các vấn đề với giả thuyết an ninh: mà an ninh ở đây, an ninh ở kia: trong các ngay qua đã chẳng có gì xảy ra trong toàn thành phố Rio de Janeiro, và tất cả đều đã tự phát. Với ít an ninh hơn tôi đã có thể ở với dân chúng, ôm họ, chào họ, mà không có các xe bọc sắt... An ninh là tin tưởng nơi một dân tộc; có đúng thật là luôn luôn có nguy cơ có một người điên, phải không, vâng có một người điên làm một cái gì đó, nhưng mà cũng có Chúa nữa chứ, có phải không nào? Nhưng tạo ra một khoảng không bọc sắt giữa giám mục và dân chúng là một điên loạn, và tôi thích cái điên loạn này hơn: đó là ở bên ngoài và có nguy cơ gặp phải cái điên loạn kia. Cái điên loạn này: ở bên ngoài. Sự gần gũi khiến cho mọi người được thiện ích.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc tới việc tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới, không phải ngày chính xác này, mà tất cả: phần nghệ thuật, phần tôn giáo, phần dạy giáo lý, phần phụng vụ đã rất là đẹp! Các bạn trẻ đã có một khả năng diễn tả trong nghệ thuật, đúng thế không? Chẳng hạn ngày hôm qua, ho đã làm những điều rất đẹp, rất đẹp! Thế rồi còn có Aparecida nữa: đối với tôi, Aparecida đã là một kinh nghiệm tôn giáo mạnh mẽ. Tôi nhớ hồi nhóm Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM) lần thứ V, tôi đã ở đó để cầu nguyện. Tôi đã muốn đi một mình như thể là lén út, nhưng đã có một đám đông gây ấn tượng. Nhưng thật là điều không thể được, tôi đã biết điều đó trước khi tới nơi. Và chúng tôi đã cầu nguyện. Tôi không biết... có một điều... nhưng mà về phía các bạn cũng thế, có phải không? Người ta nói với tôi rằng công việc của các bạn tốt, tốt lắm - tôi đã không đọc báo trong các ngày này vì không có giờ, tôi đã không coi truyền hình, không có gì hết - và xin cám ơn, xin cám ơn sự cộng tác mà các bạn đã dành cho tôi.
Thế rồi số người, số người trẻ tham dự. Tôi không thể tin được, nhưng hôm nay ông thống đốc đã nói là tới 3 triệu người. Tôi không thể tin được. Nhưng từ bàn thờ, tôi thấy toàn bãi biển đầy kín người cho tới khúc cong, dài hơn 4 cây số. Có biết bao nhiêu, biết bao nhiêu người trẻ. Và người ta nói, Đức cha Tempesta đã nói là họ thuộc 178 quốc gia, 178 quốc gia. Cả Phó Tổng thống cũng đã nói với tôi như vậy. Đây là điều chắc chắn. Và đó là điều quan trọng. Thật là tuyệt vời!
Sau một số cảm tưởng đúc kết của Đức Thánh Cha, Cha Lombardi bắt đầu nhường lời cho các nhà báo theo thứ tự như trong danh sách ghi tên. Bắt đầu là câu hỏi của ông Juan de Lara, phóng viên của Hãng Thông tấn Tay Ban Nha EFE.
Ông nói: Con xin chào Đức Thánh Cha. Nhân danh tất cả mọi nhà báo, con xin cám ơn Đức Thánh Cha vì những ngày này mà Đức Thánh Cha đã ban tặng cho chúng con tại Rio de Janeiro, vì công việc Đức Thánh Cha đã làm và cố gắng mà ngài đã đặt để vào đó. Và cũng nhân danh tất cả các nhà báo Tây Ban Nha, chúng con xin cám ơn Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho các nạn nhân của tai nạn xe lửa ở Santiago de Compostella. Xin cám ơn Đức Thánh Cha rất nhiều. Câu đầu tiên con muốn hỏi không liên quan nhiều tới chuyến đi này, nhưng con muốn tận dụng dịp may này để hỏi Đức Thánh Cha: trong 4 tháng này của Triều đại Giáo hoàng, chúng con đã thấy rằng Đức Thánh Cha đã thành lập nhiều uỷ ban khác nhau để cải tổ các Cơ quan Trung ương Toà Thánh. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha có trong trí loại cải tổ nào, Đức Thánh Cha đang suy nghĩ khả thể dẹp bỏ Viện Giáo vụ, được biết như là Ngân hàng Vatican, có phải thế không? Con xin cám ơn Đức Thánh Cha.
Đáp: Các bước đi mà tôi đang thi hành trong 4 tháng rưỡi này đến từ hai khía cạnh: nội dung, điều mà tất cả chúng tôi phải làm đến từ phiên hội toàn thể của các hồng y. Đây là điều mà các hồng y chúng tôi đã xin người sẽ là vị tân Giáo hoàng làm. Tôi nhớ là các hồng y đã thỉnh cầu rất nhiều điều... Chúng tôi xin chẳng hạn như thành lập Uỷ ban 8 Hồng y: có sự cố vấn từ bên ngoài là điều quan trọng, không phải kiểu hỏi ý mà người ta làm, nhưng mà hỏi từ bên ngoài. Điều này ở trong đường nét mà tôi coi như là một sự trừu tượng - nhưng khi nghĩ và giải thích - thì nó đi trong đường hướng của tương quan chín muồi giữa Thượng Hội đồng Giám mục tính và quyền tối thượng của Giáo hoàng, mỗi khi có. Nếu 8 Hồng y này tạo thuận tiện cho Thượng Hội đồng Giám mục tính thì sẽ giúp các Hội đồng Giám mục khác nhau trên thế giới, được diễn tả ra trong chính việc cai quản của Giáo Hội. Đã có rất nhiều đề nghị được đưa ra và chúng phải được thực hành như việc cải tổ văn phòng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, trong phương pháp làm việc; như Uỷ ban hậu Thượng Hội đồng Giám mục có tính cách cố vấn thường xuyên; như các Mật nghị Hồng y, với các dề tài không hình thức - như trong việc phong hiển thánh... Yếu tố nội dung phát xuất từ đây.
Khía cạnh thứ hai là cơ may. Tôi thú thật là tháng đầu tiên của Triều đại Giáo hoàng đã không vất vả đối với tôi: tổ chức Uỷ ban 8 Hồng y là một chuyện... còn phần kinh tế tôi đã nghĩ là cứu xét vào năm tới, bởi vì nó không phải là vấn đề quan trọng nhất mà tôi phải đương đầu. Nhưng chương trìmh làm việc đã thay đổi, vì các trạng huống mà quý vị biết và chúng thuộc lĩnh vực công cộng và sẽ minh nhiên một vấn đề phải được đương đầu. Trước hết là vấn đề của tổ chức Viện Giáo vụ (IOR) hay Ngân hàng Vatican: làm thế nào để nó tiến bước, làm thế nào để định hướng cho nó, làm thế nào để cải tổ nó, làm thế nào để lành mạnh hoá điều cần phải lành mạnh hoá. Ở đây có uỷ ban tường trình đầu tiên, đó là tên gọi của nó... Cần phải có bản văn viết tay... Chúng tôi đã có phiên họp 15 hồng y đặc trách các khía cạnh kinh tế của Toà Thánh: các vị đến từ mọi miền trên thế giới. Khi chuẩn bị phiên họp này được minh nhiên sự cần thiết thành lập một uỷ ban tường trình về tất cả mọi vấn đề kinh tế của Toà Thánh. Vấn đề kinh tế ngoài chương trình cũng đã được bàn thảo, nhưng các điều này xảy ra trong văn phòng của Phủ Thống đốc... Đời sống là như thế, và điều này cũng là nét đẹp của cuộc sống thôi. Tôi xin lặp lại câu hỏi của quý vị về Viện Giáo vụ, xin lỗi tôi đang nói tiếng Tây Ban Nha. Câu trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha, xin quý vị tha lỗi cho...
Sau khi nhận ra ngài đang trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha xin lỗi các nhà báo và chuyển qua tiếng Ý. Ngài nói: Liên quan lới câu hỏi quý vị đặt cho tôi về tổ chức IOR: tôi không biết tổ chức IOR sẽ kết thúc như thế nào. Có vài người nói rằng có lẽ tốt hơn nên để nó thành một nhà băng, người khác cho rằng để nó là một ngân quỹ trợ giúp; người khác nữa thì nói nên đóng cửa nó. Người ta nghe các tiếng nói này. Tôi không biết. Tôi tin tưởng nơi công việc của các nhân viên tổ chức IOR, đang làm việc về điều này, cả Uỷ ban nữa. Vị chủ tịch tổ chức ở lại như trước đây; trái lại, vị giám đốc và phó giám đốc đã từ chức. Nhưng tôi không biết nói với quý vị là câu chuyện này sẽ kết thúc ra sao. Và cả điều này nữa cũng đẹp, bởi vì chúng ta tìm thấy, chúng ta tìm kiếm: chúng ta là người trong điều này; chúng ta phải tìm ra điều tốt đẹp nhất. Phải, điều tốt đẹp nhất thì phải tìm. Nhưng các đặc thái của tổ chức IOR là nhà băng, là ngân quỹ trợ giúp, hay bất cứ cái gì khác phải là sự trong sáng và liêm chính. Nó phải là như thế. Xin cám ơn quý vị.
Cha Lombardi cám ơn Đức Thánh Cha và giới thiệu một đại diện của các nhà báo Italia, mà Đức thánh Cha biết rõ, đó là ông Andrea Tornielli.
Ông hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, con có một câu hỏi có lẽ không kín đáo: hình Đức Thánh Cha leo lên thang máy bay với cái cặp đen trên tay đã chu du khắp thế giới. Có các bài báo khắp thế giới đã bình luận về sự mới mẻ này: vâng, việc Đức Thánh Cha lên máy bay... với hành lý trên tay là chuyện đã xảy ra bao giờ đâu. Vì thế, cũng đã có các giả thiết liên quan tới những gì có trong chiếc cặp đen ấy. Các câu hỏi của con là: Thứ nhất, tại sao Đức Thánh Cha lại mang cái cặp đen ấy như vậy, mà không để cho một vị cộng tác của Đức Thánh Cha mang nó, và thứ hai, Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết trong đó có những gì không? Xin cám ơn Đức Thánh Cha.
Đáp: Không có chìa khoá bom nguyên tử đâu! Nhưng tôi mang nó bởi vì tôi đã luôn luôn làm như thế: khi tôi du hành, tôi mang nó... Và ở trong đó có cái gì? Có dạo cạo râu nè, có sách Thần vụ nè, có sổ tay làm việc nè, có một cuốn sách để đọc - tôi đã mang theo một cuốn sách về Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người mà tôi rất sùng kính... Tôi đã luôn luôn du hành với cái cặp ấy: đó là điều bình thường thôi. Và chúng ta phải là những người bình thường... tôi không biết, nó hơi lạ đối với tôi điều quý vị nói là cái hình ấy đã đi vòng quanh thế giới? Nhưng chúng ta phải làm quen với việc là người bình thường, đúng thế không? Sự bình thường của cuộc sống. Tôi không biết, Andrea, tôi đã trả lời cho câu hỏi của anh chưa.
Tiếp tục bài phỏng vấn, Cha Lombardi giới thiệu chị Aura Miguel thuộc Đài Phát thanh Renascenza, đại diện cho các nhà báo nói tiếng Bồ Đào Nha.
Chị hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi tại sao Đức Thánh Cha lại xin tín hữu cầu nguyện cho mình một cách tha thiết như vậy? Không phải là điều bình thường khi thấy một vị Giáo hoàng lại xin người ta cầu nguyện cho mình nhiều như vậy... Đáp: Tôi đã luôn luôn xin điều này: Khi tôi là linh mục, tôi đã xin tín hữu cầu nguyện cho tôi, nhưng không phải một cách thường xuyên như vậy. Tôi đã bắt đầu xin một cách thường xuyên hơn trong công việc của giám mục, bởi vì tôi cảm thấy rằng nếu Chúa không trợ giúp trong công việc giúp đỡ dân Chúa tiến tới, một người như tôi không thể làm được... Thật vậy, tôi cảm thấy mình có bao nhiêu hạn hẹp, với biết bao nhiêu vấn đề, cả là kẻ tội lỗi nữa: quý vị biết đấy! Và tôi phải xin điều đó. Nhưng nó đến từ bên trong. Cả việc xin Đức Mẹ nữa. Tôi xin Đức Mẹ cầu Chúa cho tôi. Đây là một thói quen, nhưng là một thói quen đến từ con tim và cả từ sự cần thiết mà tôi có đối với công việc của tôi. Tôi cảm thấy rằng mình phải xin... tôi không biết. Nhưng nó là như vậy.
Tiếp đến, Cha Lombardi giới thiệu một nhà báo thuộc Hãng Thông tấn Reuter, đại diện cho nhóm các nhà báo nói tiếng Anh.
Ông hỏi: Con xin nhân danh nhóm nhà báo nói tiếng Anh cám ơn Đức Thánh Cha vì sự sẵn sàng của ngài. Nhà báo De Lara đã hỏi câu mà chúng con muốn hỏi, vì thế con cũng theo đường nét ấy một chút thôi. Trong cố gắng đưa ra những thay đổi này, con nhớ là Đức Thánh Cha đã nói với một nhóm châu Mỹ Latinh rằng có biết bao nhiêu người thánh làm việc trong Vatican, nhưng cũng có những người ít thánh hơn, có đúng thế không ạ? Đức Thánh Cha có gặp phải sự kháng cự lại ước mong của Đức Thánh Cha thay đổi các sự việc tại Vatican hay không? Đức Thánh Cha có tìm thấy sự kháng cự không? Câu hỏi thứ hai: Đức Thánh Cha sống một cách rất khắc khổ, đã ở lại trong Nhà khách Thánh Martha.... Ngài muốn rằng các cộng sự viên của mình, kể cả các hồng y, theo gương này, hay có lẽ các vị sống trong cộng đoàn, hay đó chỉ là chuyện của Đức Thánh Cha thôi? Đáp: Các thay đổi, các thay đổi cũng đến từ hai phía: điều mà các hồng y chúng tôi đã yêu cầu, và điều đến từ con người của tôi. Quý vị nhắc tới sự kiện tôi ở lại trong Nhà khách Thánh Marta, nhưng tôi không thể sống một mình trong Dinh Tông Toà, và nó không sang trọng đâu nhé! Căn hộ Giáo hoàng không sang trọng lắm đâu! Nó rộng, nó lớn, nhưng không sang trọng. Nhưng tôi không thể sống một mình, hay với một nhóm nhỏ! Tôi cần người ta, tôi cần tìm người ta, nói chuyên với họ... Chính vì thế, các thiếu niên các trường Dòng Tên đã hỏi tôi: "Tại sao vậy ngài? Vì khổ hạnh, vì nghèo khó, vì tất cả...?" Không, không phải thế, nhưng vì các lý do tâm thần, một cách đơn sơ thôi, bởi vì tôi không thể sống như thế trên bình diện tâm thần.
Mỗi người phải đem cuộc sống của mình tiến tới, với kiểu sống, kiểu là của mình. Các hồng y làm việc trong Trung ương Toà Thánh, nhưng các vị không sống như những người giàu hay xa hoa đâu; các vị sống trong một căn hộ, các vị khắc khổ, các vị sống khắc khổ. Những vị mà tôi quen biết, các căn hộ này tổ chức APSA cấp cho các hồng y. Rồi xem ra có một điều khác nữa mà tôi muốn nói... Mỗi người phải sống như Chúa xin họ sống. Nhưng sự khắc khổ, một sự khắc khổ tổng quát thì tôi tin là nó cần thiết cho tất cả mọi người làm việc phục vụ Giáo Hội. Có biết bao nhiêu sắc thái liên quan tới sự khắc khổ... mỗi người phải tìm ra con đường của mình. Đối với các thánh thì điều này là thật, phải không? Có các thánh: các hồng y, giám mục, linh mục, nữ tu giáo dân. Những người cầu nguyện, những người làm việc nhiều biết bao nhiêu, và cũng có người đi tới với người nghèo nữa... một cách lén lút. Tôi biết có vài vị lo lắng cho người nghèo ăn, hay khi có giờ rảnh các vị đi thi hành sứ vụ trong một nhà thờ này hay một nhà thờ kia... Các vị là linh mục. Có các thánh trong các Cơ quan Trung ương Toà Thánh. Và cũng có người không thánh bao nhiêu đúng không? Và những người này là những người gây ồn ào nhất: quý vị biết là một cây đổ thì ồn ào hơn là cả một cánh rừng đang lớn lên. Và điều này làm cho tôi đau đớn, khi có những chuyện như vậy. Có vài người gây gương mù gương xấu: có vài người. Chúng tôi có Đức ông ở trong tù, tôi tin là còn tiếp tục ở tù. Ngài không đi tù vì giống nữ Chân phước Imelda một cách chính xác nhé, ngài đã không phải là một chân phước. Đó là các vụ xì căng đan làm hại. Có một điều mà tôi đã không bao giờ nói, nhưng tôi đã nhận ra: tôi tin rằng Trung ương Toà Thánh đã rơi xuống thấp hơn mức độ một thời đã có được, của các vị lão thành làm việc trong các Cơ quan Trung ương Toà Thánh... chân dung của người làm việc trong giáo triều xưa kia, trung thành làm công việc của mình... Chúng ta cần những người này. Tôi tin là có những người như vậy, nhưng không nhiều như trước kia. Chân dung của nhân viên Toà Thánh xưa kia: tôi xin nói như thế. Chân dung ấy chúng ta phải có nhiều hơn, cần nhiều người như thế hơn. Tôi có tìm thấy sự kháng cự hay không? Nếu có sự kháng cự không, thì tôi chưa trông thấy. Có thật là tôi đã không làm nhiều điều, nhưng có thể nói rằng tôi đã tìm ra sự trợ giúp, và tôi cũng đã tìm thấy những người liêm chính. Chẳng hạn tôi thích khi một người nói với tôi: "Tôi không đồng ý", và điều này thì tôi đã tìm thấy. Khi một người nói: "Nhưng điều này tôi không thấy nó, tôi không đồng ý, tôi nói lên điều đó, ngài cứ làm." Đó là một cộng sự viên đích thực, đúng không? Và tôi đã tìm thấy điều này trong các Cơ quan Trung ương Toà Thánh. Nó là điều tốt. Nhưng khi có những người nói: "A đẹp quá, đẹp quá, đẹp quá", rồi phía khác lại nói ngược lại, thì tôi chưa nhận ra. Có lẽ có, có vài người, nhưng tôi đã không nhận ra. Sự kháng cự, trong 4 tháng qua không thể tìm ra nhiều lắm...
Tiếp tục danh sách, Cha Lombardi giới thiệu chị Patricia Zorzan, người Brasil, đặt câu hỏi nhân danh các nhà báo Brasil.
Chị hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, xã hội đã thay đổi, người trẻ đã thay đổi và tại Brasil chúng con có rất nhiều người trẻ... Thế mà Đức Thánh Cha đã không đề cập tới phá thai, hôn nhân đồng phái. Tại Brasil, luật phá thai đã được nới rộng và hôn nhân đồng phái cũng đã được phép... Tại sao Đức Thánh Cha lại đã không đề cập tới các vấn đề này?
Đáp: Giáo Hội đã bày tỏ một cách toàn vẹn về các vấn đề này. Không cần phải trở lại nữa. Cũng như tôi đã không nói tới nạn lừa đảo, dối trá hay các điều khác mà Giáo Hội đã có một giáo lý rõ ràng rồi.
Hỏi: Nhưng mà người trẻ chú ý tới các vấn đề này, thưa Đức Thánh Cha.
Đáp: Vâng, nhưng không cần đề cập tới vấn đề này, nếu không phải là những chuyện tích cực làm cho người trẻ bước đi. Ngoài ra, giới trẻ biết đâu là lập trường của Giáo Hội cách hoàn hảo.
Hỏi: Vậy thì đâu là lập trường của Đức Thánh Cha, ngài có thể nói cho chúng con biết không?
Đáp: Đó là lập trường của Giáo Hội. Tôi là con của Giáo Hội.
Tiếp đến, Cha Lombardi giới thiệu ông Antoine Marie Izoard, đại diện cho các nhà báo nói tiếng Pháp.
Ông hỏi: Con xin chào Đức Thánh Cha. Đại điện cho các nhà báo nói tiếng Pháp, chúng con 9 người hết thảy trên chuyến bay này, con xin thưa rằng đối với một vị Giáo hoàng không muốn được phỏng vấn, thì quả thật chúng con rất biết ơn Đức Thánh Cha. Từ ngày 13-3, Đức Thánh Cha đã tự giới thiệu như là "Giám mục Roma", với sự một tha thiết rất lớn và rất mạnh mẽ. Vì thế, chúng con muốn hiểu ý nghĩa sâu xa của việc nhấn mạnh này, nếu tình cờ người ta nói tới phong trào đại kết thay vì Giám mục đoàn, hay tình cờ là "người thứ nhất giữa các vị bằng nhau" cảu Giáo Hội? Xin cám ơn Đức Thánh Cha. Đáp: Vâng điều này không được đi trước hơn điều người ta nói. Giáo hoàng là Giám mục, Giám mục của Roma, và bởi vì là Giám mục Roma nên là người kế vị Thánh Phêrô, Đại diện Chúa Kitô có phải không nào? Có các tước hiệu khác phải không, nhưng tước hiệu thứ nhất là "Giám mục Roma" và tất cả đến từ đó. Nói rằng, suy tư rằng đều này muốn nói là "người đầu tiên giữa các người bằng nhau" thì không, nó không phải là hiệu quả của việc này đâu. Một cách đơn sơ, nó là tước hiệu đầu tiên của Giáo hoàng đúng không? Giám mục Roma. Nhưng cũng có những tước hiệu khác nữa... Tôi tin rằng anh đã nói tới phong trào đại kết: tôi tin rằng điều này tạo ra một chút thuận tiện cho phong trào đại kết. Nhưng chỉ như thế thôi...
Tiếp đến là câu hỏi của anh Dario Menor Torres người Tây Ban Nha.
Anh hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, cách đây mấy tuần có một em bé hỏi Đức Thánh Cha cảm thấy gì, làm Giáo hoàng thì làm sao, và em có thể hy vọng trở thành Giáo hoàng không, Đức Thánh Cha đã trả lời phải là người điên. Sau kinh nghiệm khác biệt như vậy, các ngày ở Rio de Janeiro này đã ra sao, và Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết ngài cảm thấy gì khi là Giáo hoàng: đó là một việc cam go, Đức Thánh Cha có hạnh phúc không, và nếu có thì trong kiểu nào đức tin của ngài đã được gia tăng hay trái lại, Đức Thánh Cha đã có vài nghi ngờ?
Đáp: Làm việc của giám mục là một điều đẹp, rất đẹp. Vấn đề là khi một người tìm công việc ấy và cái đó thì không đẹp lắm đâu, nó không phải là của Chúa. Nhưng khi Chúa kêu gọi một linh mục trở thành giám mục, thì điều đó đẹp. Luôn luôn có nguy cơ nghĩ mình cao hơn người khác một chút, không như những người khác, là "ông hoàng" một chút. Chúng là các nguy hiểm và là tội, có đúng không? Nhưng công việc của giám mục thì đẹp chứ, bởi vì giúp các anh em khác tiến tới. Vị giám mục đi trước giáo dân để ghi dấu con đường; vị giám mục ở giữa giáo dân để giúp sự thông truyền; và vị giám mục ở trong tín hữu, bởi vì biết bao nhiêu lần tín hữu đánh hơi đường đi giỏi hơn; vị giám mục phải là như vậy. Anh hỏi tôi có thích không. Tôi thích làm giám mục, tôi thích chứ. Tại Buenos Aires, tôi đã hạnh phúc biết bao, hạnh phúc biết chừng nào! Thật vậy, tôi đã hạnh phúc biết bao! Chúa đã trợ giúp tôi trong chức vụ đó. Nhưng là linh mục tôi cũng đã hạnh phúc rồi, và là giám mục, tôi đã hạnh phúc. Trong nghĩa này, tôi nói rằng tôi thích chứ!
Hỏi: Thế còn làm Giáo hoàng thì sao?
Đáp: Cũng thế, cũng thế! Khi Chúa đặt để bạn ở đó, nếu bạn làm điều Chúa muốn thì bạn hạnh phúc. Nhưng đó là tâm tình của tôi, là điều tôi cảm thấy.
Cha Lombardi giới thiệu một nhà báo khác thuộc nhóm Italia là Salvatore Mazza của nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chinh thức của Hội đồng Giám mục Italia.
Ông hỏi: Con xin lỗi Đức Thánh Cha, con không thể đứng lên được vì các dây nhợ dưới chân con. Trong các ngày qua, chúng con đã thấy Đức Thánh Cha tràn đầy năng lực cả lúc chiều muộn. Bây giờ, chúng con trông thấy Đức Thánh Cha với máy bay giống như vậy mà vẫn đứng im không một chút do dự. Chúng con muốn hỏi rằng người ta nói tới các chuyến viếng thăm sắp tới: bên Á châu, tại Giêrusalem, bên Argentina... Đức Thánh Cha đã có lịch trình xác định ít nhiều cho năm tới chưa hay là còn cần phải xem đã?
Đáp: Xác định, xác định, chả có gì hết. Nhưng tôi có thể nói cho anh biết về điều mà tôi đang nghĩ tới. Xin lỗi, đã xác định là ngày 22-9 đi thăm Cagliari. Rồi ngày mồng 4-10 đi thăm Assisi. Trong trí, tại Italia này, tôi muốn đi thăm thân nhân của tôi một ngày; đi máy bay ban sáng và trở về ban chiều, vì những người thân của tôi nghèo, họ điện thoại cho tôi và chúng tôi giữ liên lạc tốt với nhau. Nhưng chỉ trong một ngày thôi.
Ngoài Italia thì Đức Thượng phụ Bartolomaios I muốn có một cuôc gặp gỡ để kỷ niệm 50 năm Đức Athenagora và Đức Phaolô VI gặp nhau tại Giêrusalem. Cả chính quyền Israel cũng đã đặc biệt mời tôi viến thăm Giêrusalem. Tôi tin rằng chính quyền Palestine cũng đã làm như thế. Điều này thì tôi còn đang nghĩ: chưa biết rõ là có đi hay không đi.. Thế rồi tại châu Mỹ Latinh, tôi tin rằng không có khả thể trở lại, bởi vì Giáo hoàng là người châu Mỹ Latinh, chuyến công du đầu tiên tại châu Mỹ Latinh... Nói là hẹn gặp lại nhau! Nhưng cũng phải đợi một chút chứ! Tôi tin là có thể đi Á châu, nhưng điều này còn ở trong không khí. Tôi đã có lời mời từ Sri Lanka và cả Philippines nữa... Nhưng cần phải đi thăm Á châu. Bởi vì Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chưa có giờ đi Á châu. Đây là điều quan trọng. Ngài đã đi Úc châu rồi Âu châu và châu Mỹ Latinh, nhưng Á châu thì chưa... Đi Argentina, trong lúc này tôi tin rằng có thể chờ một chút, bởi vì tất cả các chuyến đi có một thứ tự ưu tiên nào đó. Tôi đã muốn đi Costantinopoli ngày 30-9, để thăm Đức Thượng phụ Bartolomaios I nhưng không thể được đối với lịch trình làm việc của tôi. Nếu chúng tôi gặp nhau thì sẽ gặp nhau tại Giêrusalem.
Có nhà báo hỏi: Thế còn Fatima? Đức Thánh Cha trả lời: Cũng có lời mời từ Fatima, vâng đúng thế, đúng thế. Có lời mời đi Fatima.
Một người khác ở xa hỏi Thưa Đức Thánh Cha, 30-9 hay 30-11? Đức Thánh Cha trả lời: Tháng 11, tháng 11, dịp lễ Thánh Anrê.
Cha Lombardi nói bây giờ chúng ta vòng lại Hoa Kỳ và nhường lời cho chị Ada Messia của Đài Phát thanh Truyền hình CNN.
Chị hỏi: Con xin chào Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đứng vững hơn con trên máy bay. Câu hỏi của con là khi gặp giới trẻ Argentina, Đức Thánh Cha đã nói đùa, nhưng có lẽ cũng hơi nghiêm chỉnh rằng đôi khi Đức Thánh Cha cũng cảm thấy bị nhốt trong chuồng. Chúng con muốn biết Đức Thánh Cha ám chỉ một cách chính xác điều gì?
Đáp: Chị biết là đôi khi tôi đã muốn đi ra ngoài đường phố Roma... Bởi vì tại Buenos Aires tôi thích đi ra đường phố, tôi thích lắm! Trong nghĩa này, tôi cảm thấy như bị nhốt trong lồng. Nhưng tôi phải nói điều này, bởi vì các cảnh binh Vatican rất là tốt, tốt, tốt lăm, và tôi rất biết ơn họ. Bây giờ họ để cho tôi làm một cái gì hơn nữa, tôi tin thế... nhưng mà nhiệm vụ của họ là giữ gìn an ninh mà. Bị nhốt trong lồng là theo nghĩa đó. Tôi thì tôi thích đi ra ngoài đường phố, nhưng tôi hiểu là không thể được, tôi hiểu chứ. Tôi đã nói điều ấy trong nghĩa này. Bởi vì thói quen của tôi - như chúng tôi quen nói tại Buenos Aires - tôi đã là linh mục đường phố.
Khi Cha Lombardi mời một nhà báo người Brasil là Marcio Campos lên đặt câu hỏi thì Đức Thánh Cha nói: Tôi đã hỏi giờ, bởi vì họ phải dọn bữa ăn tối. Mà các anh các chị không đói à? Mọi người nhao nhao thưa: Không ạ, không ạ.
Ngày mai chúng tôi sẽ tường thuật cùng quý vị và các bạn phần hai của bài phỏng vấn dài hấp dẫn này của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cho tới nay chưa có vị Giáo hoàng nào để cho các nhà báo phỏng vấn nhiều và dài như vậy.
(SD 29-7-2013)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV

Filed under: