Vụ Snowden thử thách quan hệ Trung Quốc - Hồng Kông
Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt
Thanh Phương - Vụ Edward Snowden, cựu điệp viên đã tiết lộ chương trình theo dõi liên lạc thông tin cá nhân ở Mỹ, đang thử thách quan hệ giữa Bắc Kinh với Hồng Kông, vùng lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng hiện vẫn được hưởng một chế độ tự trị và đang cố bảo toàn các quyền tự do dân sự.
Khi đến tỵ nạn ở Hồng Kông và dứt khoát chống lại mọi mưu toan dẫn độ về Mỹ, Snowden đặt Hồng Kông vào một tình thế tế nhị : Liệu chính quyền đặc khu hành chính này có khả năng xử lý vụ việc với sự can thiệp của Bắc Kinh ?
Nguyên là thuộc địa của Anh quốc, kể từ khi được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông vẫn được hưởng một quyền tự trị rộng rãi. Đặc khu hành chính này từ lâu đã ký với Hoa Kỳ một hiệp định dẫn độ. Nhưng Bắc Kinh có quyền phủ quyết việc dẫn độ.
Hôm thứ Bảy vừa qua, hàng trăm người dân Hồng Kông đã biểu tình để bày tỏ sự ủng hộ cựu điệp viên CIA. Trả lời AFP, ông Bily Leung, một trong những người tham gia biểu tình, cho rằng Hồng Kông phải chứng tỏ khả năng bảo vệ các quyền của mình để quyết định các điều kiện của việc dẫn độ Snowden, nếu có yêu cầu.
Một cuộc điều tra tư pháp về Snowden đã được mở ra tại Hoa Kỳ, nhưng chính phủ Mỹ chưa chính thức yêu cầu Hồng Kông dẫn độ cựu điệp viên CIA này. Theo kết quả một cuộc thăm dò, có phân nửa người dân Hồng Kông chống lại việc trục xuất Snowden.
Dân biểu thuộc phe ủng hộ dân chủ Claudia Mo nói với AFP : « Mối lo sợ Trung Quốc can thiệp vẫn bao trùm Hồng Kông. Đa số người dân nghĩ rằng sẽ có một hình thức can thiệp nào đó từ Bắc Kinh, nhưng chắc là không công khai ».
Nói chung, mọi hành động can thiệp của Trung Quốc vào Hồng Kông đều bị dân chúng đặc khu hành chính này phản đối kịch liệt. Chẳng hạn như vào đầu năm nay, hàng chục ngàn người đã xuống đường phản đối tân lãnh đạo Hồng Kông bị cho là quá phục tùng Bắc Kinh. Trong cuộc biểu tình đó, người ta đã thấy xuất hiện lá cờ thời thuộc địa Anh trên đường phố Hồng Kông.
Chính vì vậy, báo chí Nhà nước Trung Quốc đề nghị là Bắc Kinh nên lắng nghe ý kiến của công luận trong nước về vụ Snowden, đặc biệt là dư luận Hồng Kông, bằng cách bảo đảm việc bảo vệ công dân Mỹ. Chính tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo chính thức của Trung Quốc, hôm nay viết rằng việc trục xuất Snowden sẽ là một « sự phản bội » đối sự tin cậy mà Anh quốc dành cho nền dân chủ ở Hồng Kông và ... Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Anh ngữ Hồng Kông South China Morning Post vào tuần trước, Snowden cũng đã nói, ông sẽ đề nghị ngành tư pháp và người dân Hồng Kông quyết định về số phận của mình và ông hoàn toàn tin tưởng vào chế độ Hồng Kông.
Nhưng theo một giáo sư ở Hồng Kông được AFP trích dẫn, vụ Snowden sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung, cho nên, Bắc Kinh sẽ can thiệp và sẽ quyết định phần lớn trong việc giải quyết vụ này.
Kể từ khi nổ ra vụ Snowden, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng chính thức nào, nhưng hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ lời cáo buộc của phía Mỹ cho rằng Snowden đã làm gián điệp cho Trung Quốc.
Trong bài trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, Edward Snowden dường như muốn khai thác mối bất hòa Mỹ-Trung trên vấn đề gián điệp điện tử, khi tuyên bố là đang nắm trong tay những tài liệu mật về các mục tiêu tấn công tin tặc ở Hồng Kông và Trung Quốc.