Hoài nghi hiệu quả thượng đỉnh Mỹ -Trung

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

obama

Đức Tâm - Cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức Mỹ-Trung cuối tuần qua tại  California dường như đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai  nước. Thế nhưng, giới quan sát tỏ ra hoài nghi : Liệu những biểu hiện bề  ngoài vui vẻ, thoải  mái giữa tổng thống Barack Obama và chủ tịch Tập  Cận Bình có giúp hai bên vượt qua những hố sâu bất đồng trên nhiều vấn  đề quan trọng hay không ?

Tại khu nghỉ Sunnylands, nguyên thủ Mỹ - Trung đã đàm phán với nhau trong hơn 50 phút, không có các cố vấn, chỉ có phiên dịch. Hai bên đều cho rằng việc tổ chức cuộc gặp cấp cao như vậy là cách thức tốt nhất để khởi động một cách tích cực quan hệ song phương, kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc, hồi tháng 3/2013. Bình thường ra, ông Tập Cận Bình lãnh đạo Trung Quốc trong một thập  niên tới, trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên và có thể qua mặt Hoa Kỳ để trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Đương nhiên, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều có lợi ích trong việc ca ngợi sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh. Giới chuyên gia cũng thừa nhận là ít ra các cuộc thảo luận giữa Barack Obama và Tập Cận Bình đã diễn ra tốt đẹp, không hề có đụng độ nào, và đó cũng đã là một thành công đáng kể, nếu nhìn vào những bất đồng còn tồn tại giữa hai nước.

Ông Chris Johnson, nguyên là chuyên gia phân tích Trung Quốc của CIA, hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), được AFP trích dẫn, nhận định : « Phải chăng hai người đã xuất hiện như những người bạn thân thiết ? Khó nói và tôi giả định là không. Thế nhưng, họ hiểu nhau và tôi nghĩ điều này là quan trọng ». Vẫn theo chuyên gia Johnson, hai bên dường như muốn làm cho mọi người thấy là họ có thể làm việc với nhau. Tuy vậy, Trung-Mỹ không vượt qua được bất đồng trong lĩnh vực an ninh mạng. Tổng thống Obama đã phê phán Trung Quốc dính dáng đến các vụ tin tặc mà theo một nghiên cứu gần đây, đã làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ thiệt hại hàng tỷ đô la, qua các vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Bắc Kinh và Washington đồng ý sẽ thảo luận ở cấp nhóm công tác về các bất đồng trong lĩnh vực tin học. Vấn đề này xuất hiện vào thời điểm tế nhị, trong lúc có các phát giác về việc chính quyền Mỹ ghi âm các cuộc điện thoại và đọc thư điện tử của công dân, nhân danh cuộc chiến chống khủng bố, bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ.

Edward Snowden, một nhân viên Mỹ làm hợp đồng cho chính phủ, người đã tiết lộ việc chính quyền theo dõi công dân trên mạng, hiện đang trú ngụ tại Hồng Kông. Washington muốn dẫn độ ông về Mỹ. Vụ việc này là một trắc nghiệm về phương cách làm việc của chủ tịch Tập Cận Bình đối với tổng thống Barack Obama.

Có một số dấu hiệu hợp tác song phương : Washington và Bắc Kinh đồng ý làm việc với nhau trong hồ sơ chống tình trạng biến đổi khí hậu và chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Thế nhưng, dân biểu Chris Smith, thuộc đảng Cộng hòa, ở New Jersey, chủ tịch tiểu ban nhân quyền Hạ Viện lại thất vọng về cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức Mỹ-Trung. Tuy có nêu vấn đề nhân quyền ngay trong phần đầu bài diễn văn, nhưng lẽ ra, tổng thống Obama nên mở đầu mối quan hệ với chủ tịch Tập Cận Bình bằng việc đòi trả tự do cho các nhà ly khai Trung Quốc đang bị cầm tù, trong đó có giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba.

Chuyên gia Greer Meisels, thuộc trung tâm tư vấn Wilson Center, trụ sở tại Washington DC, nhận định : Các cuộc hội đàm giữa nguyên thủ hai nước cho thấy là họ xem xét rất nghiêm túc quan hệ song phương, « nhưng đây mới chỉ là bước đầu và liệu điều này có tạo ra được một đà mới và các hiệu ứng tích cực khác hay không ? Tôi nghĩ là còn quá sớm để đánh giá ».

Filed under: