Biên phòng VN bắt giữ hai tàu nước ngoài

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

 

Hai tàu có nhiều thủy thủ quốc tịch Indonesia và Trung Quốc

Báo trong nước đưa tin hai tàu cùng 18 thủy thủ nước ngoài đã bị lực lượng biên phòng Cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi bắt giữ vì xâm phạm lãnh hãi.

 

Báo Thanh Niên trong tin đăng ngày 11/6 cho biết hai tàu chở hàng Momentum 25001 quốc tịch Sierra Leone và Momentum 25002 quốc tịch Indonesia đã bị bắt giữ ngày 10/6 trong lúc neo đậu ở vị trí cách cửa biên Cổ Lũy, xã Nghĩa An, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 2 hải lý về phía Đông.

Các thuyền viên này mang quốc tịch Indonesia và Trung Quốc, theo báo trong nước.

Trang VnExpress ngày 12/6 dẫn lời đại tá Bùi Phụ Phú, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi nói thủy thủ hai tàu này khai đang trên đường đi từ Trung Quốc đến Indonesia, khi đến biển Quảng Ngãi thì hết lương thực và phải neo đậu gần cửa biển Cỗ Lũy để vào bờ mua.

Nhà chức trách Việt Nam đã lập biên bản hai tàu này, đồng thời tạm giữ hộ chiếu các thủy thủ và yêu cầu thuyền trưởng hai tàu ký vào tọa độ vi phạm trên bản đồ, theo VnExpress.

"Hai tàu đã neo đậu trái phép ở vùng biển Quảng Ngãi," đại tá Phú nói.

"Lẽ ra khi tàu hết lương thực, theo luật hàng hải quốc tế, các thuyền trưởng phải trình báo cơ quan chức năng, treo cờ tôn trọng chủ quyền vùng biển Việt Nam."

Quảng Ngãi là tỉnh có vùng biển thường xuyên chứng kiến các xung đột xung quanh vấn đề lãnh hải.

Căng thẳng Việt Trung

Trong tháng Năm, một tàu cá của ngư dân tỉnh này đã bị một tàu sắt Trung Quốc đâm vỡ, gây hư hại nặng.

 

Hà Nội sau đó trao công hàm phản đối Trung Quốc, cáo buộc các tàu Trung Quốc đâm vào một tàu cá Việt Nam 'đe dọa tính mạng của ngư dân'.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam lần đầu xác nhận tin báo chí trong nước đã đưa về chuyện tàu Trung Quốc làm hỏng mạn tàu khiến các ngư dân lo sợ cho tính mạng của họ.

Sự việc xảy ra hôm 20/5 khi tàu của tỉnh Quảng Ngãi đang trên đường trở về từ Hoàng Sa, hòn đảo Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm hồi năm 1974.

Phản ứng một tuần sau khi xảy ra sự việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói:

"Hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.

"Hành động này cũng đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp thêm tình hình trên biển.

"Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc các hành vi của các tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, và không để tái diễn các vụ việc tương tự."

Sau đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa có phản hồi với Người Phát ngôn Hồng Lỗi nói rằng "Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa và không được có những hành động làm phức tạp và thổi phồng tình hình và đe dọa sự ổn định và an ninh tại Biển Nam Trung Hoa".

"Những cáo buộc của Việt Nam đối với Trung Quốc là hoàn toàn không đúng với những gì diễn ra trên thực tế. Thuyền đánh cá Việt Nam đã vào quần đảo Tây Sa của Trung Quốc (quần đảo Hoàng Sa) và tiến hành các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc và luật pháp Trung Quốc.

"Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam có các biện pháp hiệu quả nhằm giáo dục ngư dân của mình ngưng các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp," ông Hồng Lỗi nói thêm.

Trước đó, vào tháng Tư, lực lượng biên phòng Việt Nam tại Thanh Hóa cũng đã bắt giữ một tàu quốc tịch Miến Điện với số hiệu MT-A1 và 13 thủy thủ khác.

 

Theo báo trong nước, tàu này bị bắt trong lúc vận chuyển lượng lớn dầu diezen lậu vào vùng biển Việt Nam tiêu thụ.

Filed under: